Eric Nguyễn sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, hiện tại anh đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn. Anh là hoạ sĩ minh hoạ tự do, với những bức vẽ mang hơi thở đương đại theo phong cách editorial illustration.
Các tác phẩm của Eric xuất hiện chủ yếu ở trên giấy như bìa sách, tập thơ, thiệp hoặc tranh in. Bạn có thể sẽ biết anh qua dự án minh hoạ cho tuyển tập thơ Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời của Nguyễn Thiên Ngân, hay gần đây nhất là bộ bài Mình của so much closer.
Tranh vẽ của Eric Nguyễn là những đường nét nhẹ nhàng và bay bổng, đưa người xem vào một thế giới vừa chân thật, vừa thoát ly. Anh vẽ cuộc sống của một xã hội hiện đại, về những cuộc tình của tuổi trẻ, dù là dị tính hay đồng tính.
Bằng những hình tượng con người không theo tỉ lệ cố định, tác phẩm của anh mang nhiều tính cá nhân. Mỗi nhân vật lại là một hình dáng, biểu cảm và câu chuyện rất riêng, song vẫn đọng lại cho người xem những suy tư về bản thân và cuộc sống.
1. Bạn thường nghe nhạc gì khi sáng tác?
Mình thường nghe những bài trong playlist yêu thích, có khi là nhạc không lời, có khi là nhạc của Three Man Down, cũng có khi mình để vlog của ai đó nói thao thao trong lúc vẽ.
2. Đạo cụ đắt nhất và rẻ nhất bạn sở hữu là gì?
Món rẻ nhất là cục gôm (mình rất hay lạc mất cục gôm). Món đắt nhất là hộp màu dầu Mungyo Gallery 72 cây mình mua hồi 2019. Những đồ mình thấy đắt nhất là những món mình mua mà không dám xài.
3. Vì sao cách vẽ hình dáng con người của bạn lại lạ vậy?
Mình thích tự chế ra một loại người khác biệt trong một thế giới khác biệt.
Mình thử nhiều cách “phá” hình dáng con người thông thường như kiểu vẽ tự do hồi tiểu học. Làm như vậy rất thú vị vì càng làm, mình mới tự tìm ra những “tỉ lệ” riêng cho nét vẽ.
4. Bạn làm thế nào để cải thiện kỹ năng sáng tác?
Vẽ đều đặn. Mình cố gắng tìm thời gian vẽ những ý tưởng riêng, rồi mang những cải thiện hay ho vào các dự án công việc.
Xem đều đặn. Mình thường xem những bộ phim đẹp, theo dõi những hoạ sĩ mình thích trên Instagram, Tumblr, Pinterest, xem sản phẩm in ấn về vẽ minh hoạ. Sau đó mình ghi chép lại mỗi khi nảy ra những ý tưởng hay ho, rồi mỗi khi rảnh sẽ lấy ra vẽ liền.
5. Cảm xúc của bạn khi vẽ về tình yêu dị tính và đồng tính có khác gì nhau?
Không khác nhau. Mình hiếm khi chịu chi phối bởi nội dung của minh hoạ. Khi được cầm cọ vẽ lúc nào mình cũng thấy vui vẻ và dễ chịu.
6. Người xem đón nhận tranh của bạn thế nào? Đã có ai khóc vì tác phẩm của bạn chưa?
Phản ứng thì nhiều lắm. Mình cũng không biết có ai đó khóc vì tranh của mình chưa, nhưng mình đã từng khóc vì một chiếc hình xăm nho nhỏ mình vẽ tặng crush.
7. Khoảnh khắc nào khiến bạn tự tin gọi mình là một nghệ sĩ?
Mình chưa từng nghĩ tới việc này. Câu hỏi này làm mình nhận ra rằng mình cũng chưa có khoảnh khắc đặc biệt nào khiến mình cảm thấy khác lạ.
Mình chưa bao giờ nghĩ là mình đang tạo ra một tác phẩm nghệ thuật khi vẽ. Việc vẽ đến với mình rất tự nhiên vì mình đã bắt đầu vẽ từ nhỏ. Cách tiếp cận của mình với công việc vẽ minh hoạ cũng tự nhiên như thế.
8. Theo bạn, khó khăn lớn nhất của việc làm hoạ sĩ ở thời điểm hiện tại là gì?
Xã hội hiện đại có rất nhiều lựa chọn, tất cả đều vụt qua quá nhanh mà mình thì vẽ chậm. Nhiều khi mình phân vân không biết dự án này nên vẽ tay trên giấy hay vẽ digital cho kịp tiến độ. Đôi lúc mình sẽ chọn vẽ một nửa trên giấy, rồi scan lên máy để hoàn thiện phần còn lại.
Nghe có vẻ hay ho thế mà mình vẫn làm không kịp vì bị những thứ khác chi phối như mạng xã hội... Bạn biết đấy!
9. Nếu được thay đổi điều gì đó về xã hội, bạn sẽ thay đổi gì?
Có lẽ là hoạ sĩ minh hoạ nên được tăng mức thù lao cho các tác phẩm của mình.