Kể từ ngày Việt Nam gia nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, người Việt chúng ta bắt đầu có xu hướng tiết kiệm để được đi đây đi đó nhiều hơn. Hàng xóm của chúng ta, Trung Quốc, nổi tiếng với hầu bao rủng rỉnh nhưng cách ứng xử đôi khi còn chưa được văn minh. Vậy khách du lịch Việt Nam chúng ta thì sao? Liệu chúng ta đã biết cách cư xử phải phép trong môi trường quốc tế hay chưa?
Để trở thành một công dân quốc tế thực thụ, rất nhiều chính trị gia, doanh nhân thành đạt và sinh viên đã chọn tham gia vào các khóa học nghi thức theo tiêu chuẩn quốc tế. Tại Hà Nội, học viện Etík là một nơi đào tạo ra những “công dân quốc tế” như thế.
Chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng nhà sáng lập và đồng thời là giám đốc điều hành của Etík, chị Trần Yên Ly để hiểu hơn về tầm quan trọng của các quy tắc ứng xử trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Chị có thể chia sẻ về quá trình thành lập của học viện Etík được không?
Những ngày đầu trở về sinh sống và làm việc cho một tổ chức giáo dục trẻ tại Việt Nam, tôi nhận thấy một thực trạng của học sinh Việt Nam là các em học rất giỏi nhưng lại bị hạn chế về kỹ năng giao tiếp ứng xử. Tầng lớp trí thức trẻ của Việt Nam cũng vậy, đâu đó luôn tồn tại một sự chênh lệch giữa thu nhập và phong cách giao tiếp của họ. Không thiếu những trường hợp nhiều doanh nhân thành đạt cảm thấy lúng túng trước những tình huống giao tiếp và lễ nghi rất cơ bản với đối tác quốc tế.
Với hơn 23 năm lớn lên tại ba châu lục khác nhau, tôi hiểu rõ tầm quan trọng của những quy tắc giao tiếp trong một môi trường đa văn hóa như hiện nay, cho dù đó là môi trường làm việc hay chỉ là xã giao. Vì vậy, tôi quyết định quay trở lại Luân Đôn để hoàn thành chứng chỉ đào tạo Nghi thức rồi mở học viện nghi thức đầu tiên tại Việt Nam.
Ban đầu, tôi sử dụng trình quảng cáo của Facebook để thăm dò thị trường. Chỉ với một khoản chi phí phải chăng, trong một thời gian ngắn, tôi đã có một vài học viên đầu tiên. Và tôi khám phá ra một điều đó là, có rất nhiều doanh nhân thành đạt vì quá bận rộn với công việc mà không có dịp đi du lịch hoặc tu nghiệp ở nước ngoài. Đó cũng là lý do vì sao tôi sáng lập Etík, nhằm giúp các học viên người Việt Nam có cơ hội được tiếp xúc và hòa nhập vào môi trường quốc tế một cách dễ dàng hơn.
Lý do nào khiến chị có hứng thú với các nghi thức? Và định nghĩa chính xác của nghi thức là gì?
Theo quan điểm của tôi, nghi thức giao tiếp là cực kỳ quan trọng bởi nó góp phần tạo nên hình tượng quốc gia. Tùy theo cách xử sự mà người ta có thể gọi tên cả một nền văn hóa, ví dụ như người Nhật thì rất lịch sự trong khi người Mỹ lại thẳng thắn hơn, hoặc đối với người Pháp, họ xem mọi bữa ăn đều là đại tiệc. Vì thế tôi muốn bạn bè quốc tế cũng có ấn tượng tích cực về người Việt Nam, không phân biệt trình độ và lứa tuổi.
Càng có dịp đi đến nhiều nơi, tôi càng nhận thấy rằng yếu tố quan trọng nhất để trở thành một công dân quốc tế là kỹ năng giao tiếp, chứ chỉ có kiến thức và ngoại hình thôi thì vẫn chưa đủ. Để bắt đầu và phát triển các mối quan hệ trong cuộc sống, bạn cần phải thể hiện được sự nhã nhặn và lịch thiệp.
Hiện nhiều người Việt Nam vẫn nghĩ học lễ nghi cũng giống như định hướng cuộc sống hay tình yêu. Nhưng đó không phải là điều mà chúng tôi dạy ở Etík. Thật ra, nghi thức bắt nguồn từ quy tắc ứng xử cơ bản của giới quý tộc Pháp ngày xưa. Thời đó, chỉ có nam thanh nữ tú chuẩn bị gia nhập Hoàng gia mới cần học lễ nghi. Nhưng tới thời điểm hiện tại, không chỉ có Hoàng gia mà cả các chính trị gia cũng như các nhà kinh doanh lớn cũng cần phải học. Nắm bắt được điều đó, tại Etík, chúng tôi tổ chức nhiều khóa đào tạo để phù hợp với nhu cầu khác nhau của từng học viên.
Tại sao chị lại muốn quay về Việt Nam?
Tôi nghĩ đây là thời điểm lý tưởng để quay về Việt Nam bởi tốc độ tăng trưởng nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi để cả doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp nhận những ý tưởng mới. Tôi muốn đóng góp cho cộng đồng qua việc rèn luyện các bạn học sinh, nhà lãnh đạo và trí thức trẻ sẵn sàng cho môi trường quốc tế. Một phần lý do tôi trở về đây cũng là do nhớ món ăn Việt.
Trong tương lại, chị có dự định Nam tiến không?
Tại sao lại không chứ? Thành phố Hồ Chí Minh vốn là trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam mà. Ngoài ra, người Sài thành cũng có tư tưởng thoáng hơn so với người Hà Nội. Tôi không thể chờ để được khám phá những cơ hội ở đây.
Chúng tôi nên trò chuyện cùng ai tiếp theo?
Nếu có dịp, các bạn hãy trò chuyện cùng bạn Ngô Thùy Ngọc Tú, đồng sáng lập trung tâm Anh ngữ Yola hoặc bạn Đỗ Sơn Dương, người sáng lập ra Toong, một trong những không gian làm việc chung (co-working space) đầu tiên tại Việt Nam.
Vietcetera chân thành cảm ơn chị Yên Ly đã tham gia vào cuộc trò chuyện này. Chúc chị luôn thành công với những dự định sắp tới!