1. Fawning là gì?
Trong các từ điển tiếng Anh, động từ “fawn” nghĩa là nịnh hót, xu nịnh, tán dương một cách quá mức. Trong chuyên ngành tâm lý học và một số sổ tay về tham vấn tâm lý, thì fawning được định nghĩa rộng hơn là hành động chiều lòng, chiều ý người khác để tránh bất đồng, xung đột, và giải quyết căng thẳng.
Với cách định nghĩa này, ta hiểu fawning như một cơ chế phòng thủ của tâm trí trước sự căng thẳng và áp lực, hay là một chiến lược ứng xử, giao tiếp với người khác. Khi thực hiện hành động này, ta thuận theo ý kiến và cảm xúc của người khác để né tránh sự đối đầu trực diện, nhưng với cái giá phải trả là ý kiến, cảm xúc, và sức khỏe của chính mình.
2. Nguồn gốc của fawning?
Động từ fawn với nghĩa là xu nịnh thì đã có từ lâu, nhưng khái niệm fawning như một cơ chế phòng thủ, một hiện tượng tâm lý thì mới chỉ xuất hiện gần đây. Theo Psychology Today, nhà trị liệu tâm lý người Mỹ Pete Walker là người đầu tiên định nghĩa và giới thiệu khái niệm này trong cuốn sách Complex PTSD: From Surviving to Thriving (2013).
Ông định nghĩa fawning như một trong bốn cách phản ứng của tâm trí đối với sự căng thẳng hay hiểm nguy. Theo đó, một cách xử lý kiểu fawning xuất hiện khi “cá nhân phản ứng lại mối nguy bằng cách chiều lòng đối phương hoặc tỏ ra có ích để xoa dịu hay phòng bị đối với người gây ra mối nguy [cho họ].”
Ngay sau phần định nghĩa, Pete Walker đưa ra ví dụ về một cậu bé tên là Sean - người em út trong một gia đình bốn người con, có bố mẹ ích kỷ và thiếu đi những kỹ năng săn sóc cho con mình về mặt tâm lý. Trong trường hợp của Sean, cậu nhận ra rằng nếu mình để ý tới mẹ đủ nhiều để hiểu bà cần gì và giúp bà đạt được điều đó, thì mẹ sẽ bình tĩnh lại và bớt nguy hiểm, đỡ nghiệt ngã.
Không những vậy, Sean nhận ra rằng việc chiều lòng mẹ còn giúp cậu đạt được ân huệ tối thượng cho một đứa trẻ: sự công nhận của người mẹ. Do đó, Sean luyện tập khả năng này qua nhiều năm trong thời thơ ấu lẫn thời niên thiếu, tới mức độ cậu có thể lường trước được những điểm yếu, những dấu hiệu, những cơn bột phát cảm xúc của mẹ. Cậu trở thành “người gỡ bom” chuyên rà phá những quả mìn giận dữ do mẹ cài cắm một cách ý thức hay vô thức.
Dần dà, mẹ cậu nhận ra rằng bà có thể tận dụng khả năng gỡ bom của con để giữ cậu bên mình. Mối quan hệ giữa Sean và mẹ dần trở thành một mối quan hệ cộng sinh kỳ lạ, nơi mà cậu xoa dịu tâm lý mẹ để xoa dịu tâm lý mình, còn mẹ Sean thì kiếm tìm những trợ giúp cho cuộc sống thường nhật. Pete Walker sử dụng thuật ngữ codependent enslavement - sự ràng buộc đồng phụ thuộc - để mô tả mối quan hệ này.
3. Tại sao fawning lại phổ biến?
Việc ngày càng nhiều người biết tới fawning trong cách hiểu tâm lý học cho thấy sự phổ cập của một số kiến thức tâm lý học lâm sàng. Nó thể hiện mối quan tâm lớn, mang tính liên thế hệ của con người trong thời hiện đại về những hiện tượng tâm lý, cũng như cách mà những trải nghiệm của quá khứ kiến tạo con người và hành vi của hiện tại.
Bên cạnh đó, sự phổ biến của fawning còn gắn với một khái niệm khác là people-pleaser - những người chuyên đi làm hài lòng người khác. Ta có thể hiểu people-pleaser là người làm hành động fawning, hoặc ngược lại, fawning là hành động chính của các people-pleaser.
Có lẽ điều thực tiễn nhất mà ta có thể rút ra từ khái niệm fawning là cách nó đại diện cho những cảm xúc bị đè nén trong ta. Khi còn nhỏ, ta bị mắng mỗi khi làm ồn, nhận chỉ trích cho những sai lầm bắt nguồn từ sự tò mò con trẻ. Dần dà, ta nhận ra rằng việc bày tỏ cảm xúc và thể hiện ý kiến chỉ khiến cho cuộc sống của cả ta lẫn người khác khổ sở hơn, chi bằng cứ thuận theo ý họ để mọi thứ suôn sẻ.
Hệ quả của việc này là ta liên tục nén, nén, và nén cảm xúc vào bên trong để ưu tiên cảm xúc của người khác. Theo thời gian, những people-pleaser trở thành người mong mỏi sự công nhận của người khác.
Việc hiểu về fawning, cơ chế của nó, cũng như mối liên hệ của nó với những hiện tượng tâm lý khác chưa chắc đã có thể giúp được chúng ta. Tuy nhiên, nó chắc chắn sẽ giúp những thế hệ tương lai tránh khỏi tình cảnh mà ta vướng phải. Hơn nữa, việc nhận thức về khiếm khuyết của bản thân - dù ta có thể hay không thể xử lý nó - thì vẫn tốt hơn là vô tâm với chính các vết thương của mình.
4. Cách dùng fawning
Tiếng Anh:
A: I saw Chi crying in the bathroom when we were leaving yesterday. I thought she already settled the argument with Vinh?
B: She didn’t. All she did was fawning the situation so that Vinh wouldn’t bust. Those tears are the result of neglected feelings.
Tiếng Việt:
A: Hôm qua lúc về thấy Chi ngồi rấm rứt trong nhà vệ sinh. Tưởng là đã yên chuyện với Vinh rồi cơ mà?
B: Nào có yên. Chi chỉ xoa dịu tình huống để Vinh không nổi giận thôi. Khóc là vì bỏ bê cảm xúc của chính mình đó.