Đã bao giờ bạn thấy rối bời vì mới chia tay người yêu, bạn hẹn một người bạn đi cà phê để trút bầu tâm sự, mong họ có thể an ủi và cho mình chút lời khuyên.
Nhưng khi ly cà phê mới vơi đi gần nửa, bạn đã muốn bỏ về vì người bạn ấy chỉ toàn kể về chuyện của mình và chốt lại một câu: “Có gì đâu mà buồn, chuyện của tui mới thảm nè. Tui với người yêu cũ tui…” Và cuộc trò chuyện từ bao giờ chỉ xoay xung quanh họ.
Hay ngồi suy ngẫm lại, tình huống trên có khiến cho bạn chột dạ khi chính bạn cũng có những lúc thao thao bất tuyệt về bản thân?
Nếu tình huống này có vẻ quen thuộc, bạn có thể đã gặp phải (hoặc chính là) một người có xu hướng ái kỷ trong giao tiếp.
Ái kỷ trong giao tiếp là gì?
Khái niệm “Ái kỷ trong giao tiếp” (conversational narcissism) xuất hiện lần đầu trong cuốn sách The Pursuit of Attention của nhà xã hội học Charles Derber, nhằm chỉ hành vi vô tình hoặc cố ý chuyển hướng sự chú ý của cuộc trò chuyện từ người khác sang mình.
Trong một cuộc thí nghiệm của ông vào năm 1977, 114 sinh viên được yêu cầu liệt kê những biểu hiện và lời nói của một người có xu hướng ái kỷ trong giao tiếp. Trái ngược với suy nghĩ của ông rằng sẽ có người không chỉ ra được, tất cả sinh viên đều thừa nhận họ từng gặp người trong mô tả.
Biểu hiện của người ái kỷ trong giao tiếp?
Tiến sĩ tâm lý Mark Travers đã đưa ra ba biểu hiện thường thấy của một người ái kỷ trong giao tiếp. Để dễ hiểu hơn, người viết sẽ đặt tên cho người ái kỷ trong giao tiếp là Mai, và “nạn nhân” của họ là Thảo.
Đưa ra câu trả lời điều hướng (shift - response): Bất kể chủ đề cuộc trò chuyện là về tình yêu, công việc hay giao tiếp thông thường, họ đều tìm mọi cách bẻ lái, khiến mọi người tập trung nói về mình.
Chẳng hạn trong một cuộc họp, thay vì bàn về dự án đang thực hiện, Mai chỉ nói về kinh nghiệm trước đây của cô ấy sẽ giúp ích cho dự án này: “Ngày xưa tôi làm cho các dự án ABC, quy mô triệu đô, nên tôi biết việc này phải làm như thế nào”.
Thiếu sự quan tâm và đồng cảm: Trong trường hợp không chen ngang được cuộc hội thoại, họ sẽ thể hiện sự chán nản, trả lời qua loa hay lảng tránh ánh mắt của người nói, đồng thời dùng những từ như: “À vậy hả?”, “Ồ”, “Ừm”, khiến đối phương mất hứng thú.
Lúc này, họ sẽ có khoảng lặng để bắt đầu màn độc thoại của mình. Một cách khác đó là họ luôn bác bỏ bất cứ ý kiến nào của người nói, đồng thời nhanh chóng đưa ra quan điểm để khẳng định: “Tôi luôn đúng”.
Kết nối với người khác bằng cách nói về bản thân: Với cách này, người có nhu cầu được nói sẽ mở đầu bằng một câu xã giao và đợi đối phương hỏi thăm ngược lại để bắt đầu kể lể về cuộc sống của mình.
Ví dụ, Mai sẽ nhắn tin cho Thảo: “Dạo này bà sao rồi, khoẻ không?”, khi Mai trả lời: “Tui cũng bình thường thôi, còn bà thì sao”. Chỉ đợi khi thời cơ đến, Mai sẽ đáp lại bằng việc cập nhật tất tần tật cuộc sống hằng ngày, bao gồm cả niềm vui và nỗi buồn: “Tui mới chuyển nhà nên bận lắm nhưng may là có anh người yêu luôn túc trực…”
Những hành vi trên sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào?
Hành vi giao tiếp ái kỷ nếu lặp lại trong thời gian dài có thể khiến các mối quan hệ cá nhân như bạn bè và gia đình trở nên xa cách bởi thiếu đi tính gắn kết trong các cuộc trò chuyện. Trong môi trường làm việc, việc không chú trọng đến cảm xúc và ý kiến của người khác có thể làm giảm sự hợp tác, sáng tạo và thành công của cả tập thể.
Do không để ý cảm xúc của đối phương, người nghe dễ cảm thấy bị phớt lờ và không được tôn trọng, từ đó có xu hướng tránh né những cuộc trò chuyện tương tự trong tương lai.
Người ái kỷ trong giao tiếp có phải luôn là kẻ ái kỷ?
Dù luôn tìm cách điều hướng cuộc trò chuyện về phía mình, nhưng hành động này có thể là kết quả của sự bất an trong tâm lý và khả năng tự nhận thức kém.
Họ có xu hướng gây chú ý trong cuộc trò chuyện để tìm kiếm sự công nhận từ người khác và được khẳng định bản thân. Việc kiểm soát và thao túng người khác trong các cuộc trò chuyện sẽ khiến họ cảm thấy mạnh mẽ và quyền lực hơn.
Ngoài ra, chuyên gia tâm lý trị liệu Lisa Brateman cũng chỉ ra rằng những người có khuynh hướng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) cũng có thể gặp khó khăn trong việc bám sát cuộc trò chuyện, dẫn đến việc ngắt lời và chuyển chủ đề về bản thân.
Và đôi khi họ không hề nhận thức được rằng mình đang bẻ lái cuộc hội thoại về phía mình. Bởi nghiên cứu Journal of Social Clinical Psychology đã chỉ ra rằng nhiều người thường vô thức nói về bản thân mình nhiều hơn, dù họ có ý tốt muốn giúp đỡ bạn bè giải quyết vấn đề.
Ứng xử với người ái kỷ trong giao tiếp như thế nào?
Đồng cảm ở mức cho phép: Hãy cho họ không gian để bày tỏ quan điểm mà không ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn bằng cách đặt cho họ một deadline. Khi họ tiếp cận bạn với nhu cầu được kể chuyện, bạn có thể nói: “Tôi có 5 phút trước khi vào họp/ ra ngoài/ đi ngủ” để họ có nói chuyện có chừng mực. Bạn cũng không còn áy náy khi cắt ngang lời họ.
Phương pháp đá xám (Grey-rock method): Nếu họ vượt quá giới hạn, bạn có thể biến mình thành một tảng đá, không quan tâm - không phản hồi - không cảm xúc. Nếu người đó hỏi bạn về những hoạt động hàng ngày, thay vì kể chi tiết, bạn có thể trả lời đơn giản như "Mình vẫn ổn".
Nếu họ nhắn tin để kể lể về bản thân, hãy chỉ phản hồi bằng biểu tượng cảm xúc hoặc hồi âm sau vài ngày để thể hiện rằng bạn không có nhu cầu nghe.
Bên cạnh đó, nếu bạn cảm thấy mình có thể mắc lỗi giao tiếp ái kỷ, bạn có thể tự nhìn nhận dựa trên các biểu hiện thường gặp nêu trên, và cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình qua các cách sau:
Lắng nghe chủ động: Tập trung vào việc lắng nghe những gì người khác nói. Hãy giao tiếp bằng mắt, gật đầu, tránh cắt lời và nói chen vào mạch chia sẻ của đối phương.
Đặt câu hỏi mang tính xây dựng (support response): Hỏi những câu hỏi liên quan trực tiếp đến chủ đề, thể hiện sự quan tâm và khuyến khích cuộc trò chuyện được đào sâu hơn. Chỉ đưa ra ý kiến khi nó thật sự có giá trị và liên quan đến chủ đề hiện tại, tránh làm gián đoạn hoặc kéo cuộc trò chuyện về bản thân.