Femicide: Đâu là điểm chung trong những vụ sát hại phụ nữ? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Femicide: Đâu là điểm chung trong những vụ sát hại phụ nữ?

“Nguyên nhân sâu xa của femicide tới từ vị thế của phụ nữ trong xã hội, sự phân biệt đối xử, phân bố quyền lực và định kiến chống lại phụ nữ. Điều này khiến femicide khác với hành vi giết người khác.”
Femicide: Đâu là điểm chung trong những vụ sát hại phụ nữ?

Nguồn: Shutterstock

1. Femicide là gì?

Femicide được WHO định nghĩa là hành vi hoặc ý định sát hại phụ nữ hay trẻ em gái chỉ vì giới tính của họ. Thủ phạm trong những vụ án này thường là đàn ông. Nhưng trong một số trường hợp thì phụ nữ hoặc những thành viên trong gia đình cũng là người gây án. Đây chính là hình thức cực đoan nhất của bạo lực giới.

Khác với ngộ sát (homicide), các vụ án sát hại nữ giới thường là kết quả của hành vi bạo lực kéo dài. Trong nhiều những trường hợp, sự bất lợi trong vị thế xã hội và văn hóa khiến phụ nữ trở nên yếu thế hơn đàn ông. Lúc này, khác với một vụ giết người thông thường, phụ nữ bị giết hại chính là vì những định kiến gắn liền với giới tính.

Chỉ trong những ngày đầu năm vừa qua, người dân Pháp sôi sục vì đã có tới 3 phụ nữ bị giết hại. Cả 3 vụ án đều có điểm chung: nạn nhân đều là phụ nữ và thủ phạm đều là những người đàn ông xung quanh họ như bạn trai và chồng cũ. Tương tự ở Việt Nam, cứ 3 phụ nữ kết hôn thì lại có 2 người bị chồng bạo hành.

2. Nguồn gốc của femicide?

Femicide lần đầu xuất hiện trong cuốn sách A Satirical View of London at the Commencement of the Nineteenth Century, xuất bản năm 1801. Từ này bấy giờ mang ý nghĩa hành động giết phụ nữ.

Tới năm 1976, nhà hoạt động nữ quyền Diana Russell tình cờ nghe được từ này. Từ đó bà bắt đầu phổ biến nó tới các nhà hoạt động khác với hi vọng kết thúc tình trạng bạo lực ở phụ nữ. Theo như định nghĩa của Russell trong quá khứ thì femicide được gây ra chủ yếu chỉ bởi đàn ông.

Khái niệm này nhanh chóng trở nên phổ biến hơn khi được dịch và sử dụng trong khu vực Mỹ La Tinh. Lúc này, khái niệm feminicidio (hay femicide) được hiểu như một sự chỉ trích tới cách mà chính phủ các nước làm lơ những vụ giết người có nạn nhân nữ.

3. Femicide phổ biến như thế nào?

Việc thu thập dữ liệu về femicide chưa bao giờ là dễ dàng khi không phải cơ quan điều tra nào cũng phân loại các hình thức ngộ sát. Theo như FBI, thì tại Mỹ vào năm 2018, 92% vụ án có nạn nhân là phụ nữ thì hung thủ đa phần đều là người quen. 63% trong đó đã từng là chồng hoặc bạn trai của nạn nhân.

Để nhận thức rõ về nguyên nhân và hệ quả của các vụ giết người dựa trên giới tính, WHO đã chia ra một số loại femicide phổ biến:

Thủ phạm là người quen

Khảo sát của WHO và Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London chỉ ra 35% các vụ án giết phụ nữ trên thế giới có thủ phạm là người quen của nạn nhân.

Tại Việt Nam, tư tưởng Nho giáo vẫn còn tồn tại ở một số nơi khiến người chồng cho rằng mình có nhiệm vụ phải “dạy dỗ” vợ. Điều này dẫn tới hiện tượng bạo lực gia đình từ thể xác tới tinh thần. Tương tự, ta thấy hành vì giết bạn gái/vợ vì ghen tuông. Tại Việt Nam, các vụ án kiểu này thường xuất hiện nhiều qua hình thức “tạt axit".

Việc gọi tên femicide giúp ta nhìn ra được điểm chung trong nhiều vụ án

Giết vì danh dự

Mục đích của hành vi này là để bảo tồn danh tiếng của gia đình/cá nhân hay nhiều khi là vì lý do tôn giáo/văn hóa. Thường thì nạn nhân nữ sẽ bị buộc tội như ngoại tình hay quan hệ tình dục trước hôn nhân và bị ép phải chọn cái chết vì họ đã đem lại tiếng xấu cho gia đình. Ước tính đã có khoảng 5.000 phụ nữ và trẻ em gái bị giết vì lý do này.

Biểu tình phản đối giết phụ nữ vì danh dự ở Parkistan | Nguồn: NBC

Giết vì của hồi môn

Hình thức tranh chấp của hồi môn dẫn tới cái chết này thường xảy ra ở những nơi như Ấn Độ. Nếu chẳng may cô dâu khi gả về nhà chồng không đáp ứng được những yêu cầu về tài sản, số phận đang chờ họ thường là bị đánh đập tới chết.

Thủ phạm là người lạ

Các vụ án kiểu này thường liên quan nhiều tới yếu tố và mục đích tình dục. Nạn nhân được chọn cũng hoàn toàn ngẫu nhiên. Tại Hàn Quốc cũng từng có vụ án nổi tiếng về sát nhân áo vàng chỉ nhắm vào những phụ nữ giàu có. Ngoài ra, rất nhiều lao động tình dục nữ cũng dễ bị rơi vào tầm ngắm của sự thù ghét và trở thành nạn nhân xấu số.

Ngoài ra thì rất nhiều phụ nữ đã chết khi phá thai không an toàn. Đây là hệ quả tới từ việc mong muốn để được con trai khiến nhiều người mẹ phải từ bỏ con gái.

Nhiều nỗ lực đã được tạo ra nhằm kêu gọi các nhà cầm quyền để tâm tới đại dịch giết phụ nữ. Tại Mexico, hàng nghìn những đôi giày màu đỏ của máu đã được xếp ngay ngắn tại quảng trường, đại diện cho những người phụ nữ đã bị giết hại.

Mỗi đôi giày đại diện cho một nạn nhân | Nguồn: coe.int

Theo như CNN, đa phần luật pháp các nước không phân tách rõ giữa tội giết người và giết phụ nữ. Quốc hội Anh cho rằng bản chất hành vi giết người đã là tội ác, thì không có lý do gì lại phải tạo ra thêm một hành vi phạm tội mới.

Tuy nhiên thì thẩm phán Ivana Milovanović, đồng thời cũng là chuyên gia về bạo lực giới, cho rằng: “Nguyên nhân sâu xa của femicide tới từ vị thế của phụ nữ trong xã hội, sự phân biệt đối xử, phân bố quyền lực và định kiến chống lại phụ nữ. Điều này khiến femicide khác với hành vi giết người khác.” Nói đơn giản, phụ nữ bị giết chỉ vì họ sinh ra là phụ nữ.

4. Cách dùng femicide?

Tiếng Anh

A: Have you ever heard of femicide? I’ve never seen any cases near me.

B: It's more common than you think. Years ago, my neighbor beat his wife to death to "teach her a lesson” since he suspected she was unfaithful.

Tiếng Việt

A: Bạn nghe tới thuật ngữ femicide bao giờ chưa? Mình chưa bao giờ chứng kiến mấy trường hợp nào như vậy.

B: Mấy cái đó xảy ra nhiều hơn bạn nghĩ đó. Hồi xưa hàng xóm nhà mình đánh vợ tới chết vì ổng nghi cổ ngoại tình. Ổng kêu là chỉ muốn dạy cô đó một bài học thôi.