Trường học phát triển Việt Nam (VSOD) là một nền tảng giáo dục cộng đồng kết nối các thế hệ đi trước với người trẻ bằng góc nhìn đa chiều.
Trong bối cảnh xã hội đặc biệt năm nay, VSOD đã thử nghiệm và phát triển, mang đến chương trình giáo dục đặc biệt qua nền tảng online.
Khi dự án gần đi vào những ngày cuối, Vietcetera đã có cơ hội được trò chuyện với đội ngũ vận hành của chương trình, để cùng nghe những trải nghiệm, góc nhìn và đánh giá về mô hình giáo dục cộng đồng ở hiện tại và tương lai.
1. Các dự án phát triển tạo tác động xã hội như VSOD, trong điều kiện xã hội đặc biệt hiện nay, được xây dựng dựa trên tiêu chí gì?
Với VSOD trong bối cảnh hiện nay, chúng mình xây dựng dựa trên 3 giá trị chính là bao trùm, thích ứng và bền vững.
Đầu tiên là bao trùm. Trong đại dịch, chúng ta dễ bỏ rơi nhóm yếu thế như người lao động chân tay, thời vụ,.. Vì vậy, những dự án từ đại dịch như VSOD cần được lên kế hoạch và đánh giá bối cảnh xung quanh nhóm đối tượng dự án hướng tới. Không bỏ qua các cơ hội và rủi ro khi triển khai, tránh tạo ra những “tác dụng phụ” của một dự án cộng đồng.
Thứ hai là thích ứng. Đại dịch là minh chứng rõ ràng nhất khi các dự án, doanh nghiệp khó trụ vững. Vì vậy, sau đại dịch, mỗi dự án cần có những kịch bản và kế hoạch dự phòng để có thể thích ứng và tồn tại, biến khó khăn thành cơ hội phát triển.
Cuối cùng là bền vững. Các dự án sinh ra từ đại dịch cần có định hướng và kế hoạch dài hơn, trả lời được câu hỏi “trong tương lai, dự án sẽ phát triển thế nào?”. Chứ không chỉ giải quyết một vấn đề trước mắt hoặc thỏa mãn “mong muốn cống hiến” của nhóm triển khai dự án.
Để xây dựng được tính bền vững này, nhóm dự án sẽ cần rất nhiều những yếu tố về tầm nhìn, nhân sự, mô hình, sự kết nối và chung tay của cộng đồng.
2. Kết nối các giảng viên, nghiên cứu, học viên của dự án theo mô hình online có những thuận lợi và khó khăn ra sao?
Về thuận lợi, thứ nhất là không bị giới hạn bởi vị trí địa lý của Giảng viên và học viên. Thứ hai là tối ưu hóa chi phí vận hành cũng như mở ra nhiều cơ hội hơn cho các bạn học viên. Cuối cùng là hạn chế được phần lớn các tác động trực tiếp của đại dịch COVID-19 khi các hoạt động diễn ra online.
Các khó khăn chúng mình thường phải đối mặt sẽ là nhiều rủi ro trong vận hành online. Thiếu tương tác trực tiếp để tạo niềm tin và kết nối bền vững giữa người với người.
Để khắc phục khó khăn trên, chúng mình thường kết hợp nhiều nền tảng để tối đa hoá tương tác giữa Giảng viên và học viên. Các câu hỏi, tranh luận cũng được lưu lại để cùng thảo luận, giải đáp. Bên cạnh, còn có một không gian học trực tuyến chung để mọi người chia sẻ và kết nối với nhau.
3. Theo bạn, việc phát triển các dự án cộng đồng bền vững cho người trẻ đang được quan tâm và đầu tư như thế nào?
Các dự án trước đây chủ yếu đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức lớn hoặc từ phía nhà nước. Hiếm khi nào chúng ta thấy được người trẻ có những dự án tạo nên tác động lớn cho xã hội. Nhưng trong thời gian gần đây đã có nhiều dự án táo bạo, chủ động và mang tính bền vững.
Cùng với đó, việc phát triển các dự án cho người trẻ đang được chú trọng và đầu tư hơn. Nó giúp các bạn được học thêm nhiều, giáo dục trở nên bình đẳng hóa. Hơn nữa, người trẻ được tham gia vào các chương trình phát triển.
Tất cả giúp các bạn thấu hiểu hơn chính bản thân, vượt qua những khoảng đen bên trong nội tâm để trở thành những con người bền vững, hạnh phúc hơn, tự do hơn và có ích cho xã hội.
4. Bạn đánh giá thế nào về những cơ hội được mở ra sau các mô hình phát triển giáo dục cộng đồng như thế này?
Không chỉ là cơ hội đến với các bạn học viên, mà cơ hội sẽ còn mở ra với các Giảng viên, đội ngũ Ban Tổ chức và cả cộng đồng.
Đối với học viên, các bạn có một mạng lưới rộng lớn, trải dài tất cả các lĩnh vực, đối tượng của xã hội. Từ đó có thể kết nối, học hỏi, hợp tác trong những dự án công đồng hay công việc cá nhân.
Nếu tận dụng tốt các cơ hội, còn có thể nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các Giảng viên, Cố vấn. Đây vốn là những chuyên gia đầu ngành, có uy tín để trải nghiệm, học hỏi và phát triển trong tương lai.
Đối với các Giảng viên, Cố vấn của VSOD nói riêng và các chương trình giáo dục cộng đồng nói chung, đây là một cơ hội lớn lao để có thể lắng nghe tâm tư, trăn trở, nguyện vọng và mong muốn của người trẻ. Ngoài ra, họ hiểu thêm về xu hướng giới trẻ Gen Z, Gen X trong thế kỷ 21 và bối cảnh đại dịch hiện nay.
Đó cũng là cơ hội để phát triển một nguồn nhân lực ưu tú, có tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng góp sức trong các dự án của chính mỗi Giảng viên. Kết thúc các bài học, nhiều Giảng viên cũng đã chia sẻ họ học được rất nhiều từ những câu hỏi, trải nghiệm đặc biệt của mọi người.
5. Bằng kinh nghiệm xây dựng các mùa dự án online, VSOD có thể chia sẻ về xu hướng phát triển của giáo dục cộng đồng thời gian tới không?
Người trẻ là nhóm đối tượng hành động và phản ứng nhanh nhất trước những sự thay đổi xảy ra. Họ đang tạo nên rất nhiều những dự án cộng đồng khác nhau nhằm giúp đỡ xã hội và kết nối nguồn lực.
Tuy nhiên, sự thiếu kiến thức, kinh nghiệm và góc nhìn liên ngành khiến dự án của các bạn trẻ còn mang nhiều tính tự phát mà thiếu đi yếu tố bền vững. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các dự án trở nên thiếu linh hoạt và khó đứng vững.
Vậy nên giáo dục cộng đồng cho người trẻ thời gian tới, sẽ cần giải quyết những gì mà người trẻ đang thiếu. Đặc biệt khi đại dịch COVID-19 đã và đang làm rõ hơn những khuyết điểm này.
Đó là tính liên ngành của kiến thức và các vấn đề. Tính linh hoạt để thích ứng với các thách thức và nắm bắt các cơ hội. Tính bền vững để các dự án có thể vươn xa, tạo ra những tác động lớn hơn.
Bên cạnh đó, thời đại hội nhập và bùng nổ thông tin, các bạn trẻ như đang bị cuốn theo những hệ giá trị mới và tác động bên ngoài xã hội. Vì vậy, những dự án giáo dục cộng đồng cũng cần giúp người trẻ định hướng rõ ràng hệ giá trị của bản thân.
6. Với mô hình giáo dục cộng đồng hoàn toàn miễn phí, có những nguồn kinh phí nào để hỗ trợ hoạt động và kết nối với các giảng viên?
VSOD là một trường học phi lợi nhuận vận hành toàn bộ bởi nỗ lực, tinh thần cống hiến của các bạn thành viên Ban Tổ chức, tình nguyện viên, đội ngũ Giảng viên, Khách mời, Cố vấn.
Đối với các bạn BTC, họ mong muốn được góp sức mình vì cộng đồng. Xây dựng năng lực cho các bạn trẻ, nâng cao tầm quan trọng và tiếng nói của người trẻ trong quá trình phát triển và xây dựng.
Đối với các Giảng viên, Cố vấn, họ mong muốn hiểu hơn về giới trẻ để cùng thảo luận những giải pháp cho các vấn đề xã hội. Sau đó là mở rộng kiến thức và góc nhìn, giúp đỡ những dự án tạo tác động xã hội.
Bên cạnh đó, những giá trị của VSOD mang đến cho cộng đồng trong mùa dịch đã được lắng từ đó cũng đã có thêm các doanh nghiệp, tổ chức tham gia đồng hành hỗ trợ cho chương trình.
Vì vậy, trong năm đầu tiên, toàn bộ các bạn học viên khi tham gia VSOD đều được tài trợ học bổng 100% trong suốt thời gian tham dự hơn 04 tuần bằng nguồn tiền cá nhân kêu gọi từ những nhà sáng lập.
Kết thúc dự án, BTC kỳ vọng các bạn học viên có thể cùng nhau đóng góp lại cho xã hội bằng cách tổ chức các chương trình lan tỏa chia sẻ kiến thức, các buổi tọa đàm dựa trên chính những gì đã được học tại VSOD. Từ đó, cộng đồng của VSOD sẽ ngày càng mở rộng và lớn mạnh, tạo thành một phong trào học tập trọn đời và cống hiến cho xã hội của người trẻ.