Gặp giám tuyển Minh Ngọc và đi tìm cây cầu nối trong “Bắc Nhịp Tang Bồng" | Vietcetera
Billboard banner

Gặp giám tuyển Minh Ngọc và đi tìm cây cầu nối trong “Bắc Nhịp Tang Bồng"

Văn hóa nên tồn tại như một dòng chảy đến từng ngóc ngách của đời sống, trong đó, các yếu tố dù là quá khứ hay đương đại đều có sự cộng hưởng, gắn kết.
Gặp giám tuyển Minh Ngọc và đi tìm cây cầu nối trong “Bắc Nhịp Tang Bồng"

Giám tuyển Nguyễn Minh Ngọc

Nguyễn Minh Ngọc là một nghệ sĩ trẻ đam mê với nghệ thuật và văn hoá dân gian. Minh Ngọc là giám tuyển triển lãm và chỉ đạo nghệ thuật dự án Trường Ca Kịch Viện, với mục đích sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại để đưa nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam tới các bạn trẻ.

Những ngày cuối tháng tư, Vietcetera đã có cơ hội tham gia triển lãm “Bắc Nhịp Tang Bồng", và gặp gỡ Minh Ngọc, nghe bạn chia sẻ về những trăn trở trong văn hoá, cũng như câu chuyện “bắc cầu" truyền thống và hiện đại.

Vì sao lại là “Bắc Nhịp Tang Bồng"? Bạn có thể giải thích rõ hơn về nghĩa của 2 chữ Tang Bồng được không?

“Tang bồng hồ thỉ” vốn lấy từ tục cổ của Trung Hoa dùng “tang hồ” (cung bằng gỗ dâu) và “bồng thỉ” (tên bằng cỏ bồng) bắn sáu phát lên trời, đất, bốn phương để cầu cho sự tung hoành giúp đời của người con trai mới được sinh ra. Từ “tang bồng” đã từng đi vào dân ca, thơ của Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Ích, Tản Đà,... ngụ ý chỉ hoài bão cao xa, khí phách vươn lên khỏi mọi giới hạn.

Hiểu rộng hơn, trong thời đại ngày nay, nó không chỉ dừng lại ở chí nam nhi mà còn rất giống tinh thần của tuổi trẻ. Kết hợp với từ “bắc nhịp” sẽ tạo ra một truyền tải hoàn chỉnh về sự tiếp nối nhịp điệu của những giá trị tinh thần truyền thống với ngày nay.

Ngoài ra, đó cũng là sự đồng điệu của những người cùng chung niềm say mê sáng tạo trên nền tảng văn hóa truyền thống bất kể hình thức, loại hình nào.

Bạn nhìn thấy vị thế của nghệ thuật biểu diễn truyền thống và cái đẹp văn hoá ở đâu để phát triển dự án này?

Hiện nay, nghệ thuật biểu diễn truyền thống chưa thực sự nhận được sự quan tâm thích đáng, đặc biệt là từ giới trẻ. Dường như nghệ thuật biểu diễn truyền thống bị coi là riêng biệt chỉ cho một nhóm người (các nghệ nhân, hoặc những người thuộc thế hệ trước), hoặc trong phạm trù hàn lâm và nghiên cứu.

alt
Hình ảnh từ triển lãm "Bắc Nhịp Tang Bồng", diễn ra tại Toong Tràng Thi (Hà Nội) từ ngày 15/04 - 15/05.

Sự thành lập của dự án như Trường Ca Kịch Viện được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng đến công chúng, kết nối những người đã góp phần tạo nên sự hiện diện và sức vươn của truyền thống nước nhà trong thời hiện đại.

Nghệ thuật biểu diễn truyền thống hàm chứa vẻ đẹp độc đáo về mặt thẩm mỹ và tư tưởng. Ví dụ như “Dạt Nước Cánh Bèo” không chỉ là tiếng than thân của một kiếp người, mà đó còn là sự suy tư về cuộc đời chìm nổi của phụ nữ trong xã hội xưa. Với người hát, Xẩm là một cách họ tự trao quyền đối đáp với đời, từ châm biếm, phê phán, tôn vinh,... từ đó làm nên sự hiện hữu cho danh tính của họ.

Qua lăng kính ấy, ta có thể khám phá lịch sử ở một khía cạnh nhân văn hơn, một lịch sử không chỉ dừng lại ở sự khô cứng về số liệu mà đầy tính người và mang sự đa dạng của các tầng lớp, kiểu người trong xã hội. Đó là những nét đẹp văn hóa mà chúng mình nghĩ có thể đặt làm nền tảng cho sự phát triển của dự án.

Có tiêu chí cụ thể hay quan trọng nào mà một giám tuyển như bạn luôn đề cao trong quá trình thực hiện dự án không?

Quan trọng nhất trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện là sự phối hợp làm việc, giao tiếp giữa từng cá nhân để có thể đem đến thành quả trọn vẹn nhất.

Khi bố trí sắp đặt, mình quan tâm đến việc tạo không gian tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc để người tham dự có sự kết nối hơn với nghệ thuật biểu diễn truyền thống.

alt
Việc bày trí một tác phẩm này cạnh tác phẩm khác cần tạo ra sự phối hợp nhuần nhị, đan bện để tạo ra một câu chuyện chung nhất.

Như vậy, khách tham quan không chỉ đến với tư cách là người thưởng thức, mà còn là một phần trong câu chuyện của mỗi tác phẩm. Đứng trong không gian triển lãm, một người phải có cảm giác về sự thuộc về thì họ mới mở lòng gần hơn với tư tưởng mỗi tác phẩm.

Điều này càng quan trọng hơn khi đề tài là nghệ thuật biểu diễn truyền thống - vốn tưởng chừng như xưa cũ, xa lạ - giờ phải được đặt trong không gian hiện đại với khán giả là người đương đại. Quan trọng hơn cả có lẽ là cách truyền tải.

Việc bày trí một tác phẩm này cạnh tác phẩm khác cần tạo ra sự phối hợp nhuần nhị, đan bện để tạo ra một câu chuyện chung nhất.

Bạn đã tìm ra giao điểm gì của 25 nghệ sĩ và gần 100 tác phẩm để đưa vào dự án?

Với khoảng 100 tác phẩm đa dạng từ chất liệu, hình thức thể hiện đến từ 25 nghệ sĩ của nhiều thế hệ. Đó là sự say mê và tinh thần muốn lưu giữ, thổi sức sống mới cho nghệ thuật biểu diễn truyền thống là điểm chung nhất.

Không dừng lại ở sự tái hiện giản đơn, những tác phẩm được chọn lọc đều có sự nắm bắt cái hồn, triết lý, giá trị tinh thần hướng thiện của loại hình biểu diễn đó. Đó có thể là ngọn lửa trong múa mồi của Hầu đồng là biểu tượng cho ánh sáng của sự thông tuệ, thanh tẩy, mong muốn vượt lên bóng tối của sự mông muội, soi sáng cho con đường làm người lương thiện, giàu trắc ẩn.

alt
Không dừng lại ở sự tái hiện giản đơn, những tác phẩm được chọn lọc đều có sự nắm bắt cái hồn, triết lý, giá trị tinh thần hướng thiện của loại hình biểu diễn đó.

Ở mỗi tác phẩm còn có sự kết nối về mặt tinh thần, giữa tác giả với loại hình nghệ thuật biểu diễn ấy. Ví dụ, ký ức tuổi thơ gắn liền với những màn biểu diễn rối nước, sự thăng trầm trong mưu sinh đồng điệu với những nghệ sĩ Hát bội phía sau lớp hóa trang lộng lẫy, những trăn trở về biểu hiện giới suy ra từ múa bồng,...

Có người tham dự từng chia sẻ rằng chị đọc mô tả của một tác phẩm những hai ba lần, vì quá cảm động trước tác phẩm ấy. Nghệ thuật biểu diễn truyền thống đã trở thành một phần của những người nghệ sĩ ấy, hữu hình hóa thành tác phẩm.

Câu chuyện người xem có thể cảm nhận được, không chỉ là nét đẹp chung nhất của nghệ thuật biểu diễn truyền thống, mà còn là những tiếng nói cá nhân dễ gây được sự đồng cảm, thấu hiểu hơn.

Bạn nghĩ đâu là khoảng cách giữa văn hóa truyền thống và đương đại? Với một khoảng cách như thế thì cần một chiếc cầu nối “bắc nhịp” như thế nào?

Chúng ta thường nói đến văn hóa truyền thống và đương đại như một cặp nhị nguyên của hai yếu tố độc lập. Sự xa cách ấy khó làm nên sự đồng điệu về mặt cảm xúc giữa một người và các yếu tố văn hóa, mà không cảm thấy sự kết nối thì người ta sẽ không để tâm nhiều đến nó.

Không riêng gì nghệ thuật biểu diễn, sự hiện hữu của văn hóa truyền thống có nguy cơ bị cô lập như một thứ chỉ nên tồn tại trong sách vở, viện bảo tàng hay nhà hát.

alt
Sự cởi mở trong nhận thức mỗi người luôn rất quan trọng trong việc "bắc nhịp" truyền thống và hiện đại.

Để “bắc nhịp” giữa khoảng cách ấy, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận và cách truyền tải. Văn hóa nên tồn tại như một dòng chảy đến từng ngóc ngách của đời sống, trong đó, các yếu tố dù là quá khứ hay đương đại đều có sự cộng hưởng, gắn kết.

Chúng ta cần nhìn nhận văn hóa truyền thống như một phần không thể tách rời với đời sống ngày nay. Nhà nghiên cứu, người nghệ sĩ vừa phải cân bằng giữa chất lượng chuyên môn và vừa phải đem đến những bài nghiên cứu, các tác phẩm gần với sự quan tâm từ công chúng. Quan trọng nhất vẫn là sự cởi mở trong nhận thức của mỗi người.

Chúng ta nên đến với văn hóa cùng tinh thần học hỏi, sự cầu tiến, để mở mang cho bản thân mình, thấy được cái hay cái đẹp của nó, yêu nó, và có ý thức bảo vệ, giữ gìn giá trị văn hóa ấy.

Theo bạn, đâu là rào cản và giới hạn của việc “khoác áo mới" cho văn hoá truyền thống?

Văn hóa là một lĩnh vực rất phức tạp, việc mang đến một hình hài mới cho văn hóa truyền thống lại càng yêu cầu, đòi hỏi cao hơn.

Hạn chế đầu tiên là dường như chưa có một hệ thống nghiên cứu hoàn chỉnh về văn hóa truyền thống, nhiều yếu tố dân gian được lưu giữ qua truyền miệng nên chưa có sự thống nhất. Người sáng tạo khi tiếp cận văn hóa nhiều lúc cũng sẽ gặp hạn chế trong việc tìm tư liệu.

Mặt khác, phần đông coi văn hóa truyền thống như một yếu tố bất biến, cố định, thuộc phạm trù hàn lâm. Vậy nên khi đưa đến một sự khai thác mới mẻ cho văn hóa truyền thống dễ nhận lại sự hoài nghi, phê bình.

alt
Văn hóa là một lĩnh vực rất phức tạp, việc mang đến một hình hài mới cho văn hóa truyền thống lại càng yêu cầu, đòi hỏi cao hơn.

Dĩ nhiên ý kiến trái chiều là cần thiết, bởi nó khiến người làm văn hóa cần càng phải có trách nhiệm, sự đầu tư về nội dung và cách truyền tải. Thế nhưng cần có sự đón nhận cởi mở từ công chúng, ý kiến đóng góp cũng phải mang tính xây dựng, tránh văn hóa tẩy chay nếu sản phẩm không quá phản cảm, khiếm nhã, xúc phạm.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm khi đưa đến công chúng cũng chưa có sự rõ ràng cho mục đích và đối tượng. Cần làm rõ đó là sản phẩm, tác phẩm hướng đến lứa tuổi, nhóm người, mục đích giáo dục hay giải trí, thương mại hay phi thương mại.

Từ đó có định hướng rõ ràng, xác định xem sản phẩm, tác phẩm cần độ chính xác như nào về mặt lịch sử. Chúng ta đang trong quá trình tiếp nhận và thích nghi với việc tái khám phá, tái định danh văn hóa truyền thống, nên còn nhiều khoảng mở cho các thử nghiệm và đối thoại đa dạng, đa chiều mới.