Gatsbying - Tán tỉnh như không hề tán tỉnh | Vietcetera
Billboard banner
04 Thg 04, 2022
Cuộc SốngThươngBóc Term

Gatsbying - Tán tỉnh như không hề tán tỉnh

Làm sao để crush biết được tình cảm của mình nhưng không phải trực tiếp nói ra?
Gatsbying - Tán tỉnh như không hề tán tỉnh

Nguồn: phim The Great Gatsby

1. Gatsbying là gì?

Gatsbying /ˈɡætsbiɪŋ/ (danh từ) chỉ hành động đăng tải công khai hình ảnh, video lên mạng xã hội nhằm gây ấn tượng với người mình thích. Người tán tỉnh theo cách này được gọi là gatsby.

Gatsbying được hiểu như một kiểu thả thính qua mạng. Thay vì rải thính tràn lan thì hình thức này chỉ tập trung vào một hoặc vài đối tượng nhất định. Những gì một gatsby mong muốn là xem người mình thầm thương trộm nhớ đã “cắn câu” chưa.

2. Nguồn gốc của gatsbying?

Cảm hứng cho thuật ngữ này đến từ nhân vật Jay Gatsby trong cuốn tiểu thuyết kinh điển của F. Scott Fitzgerald - The Great Gatsby và bộ phim chuyển thể cùng tên.

Theo một tình tiết trong phim/truyện, nhân vật Gatsby đã vung tiền cho những bữa tiệc xa hoa chỉ để gây ấn tượng với Daisy - người anh ta thích. May thay, nhờ sự phát triển của Internet, chúng ta không cần tốn kém như vậy.

alt
Gatsby đã vung tiền cho những bữa tiệc xa hoa chỉ để gây ấn tượng với Daisy - người anh ta thích. | Nguồn: phim The Great Gatsby

Để gọi tên kiểu tán tỉnh tương tự Gatsby nhưng dưới hình thức mạng, người mẫu Úc Matilda Dods đã chính thức đặt ra thuật ngữ “gatsbying” vào năm 2017. Ý tưởng nảy đến với Matilda trong một lần đi chơi tại quán bar.

Cô đã đăng một video lên mạng nhằm ám hiệu cho người cô thích, chờ đợi anh ta chủ động nhắn tin và hẹn gặp cô. Nhưng rốt cuộc, anh ấy đã không làm vậy. Matilda bộc bạch trong bài viết trên blog Tomboy: “Hóa ra đây là tâm trạng của Gatsby, khi tổ chức tiệc tùng chỉ để Daisy đến và yêu anh ấy!”

3. Vì sao gatsbying phổ biến?

Nỗi sợ bị từ chối chính là nguyên nhân chính đằng sau sự phổ biến của gatsbying. Theo chuyên gia tư vấn hẹn hò Julie Spira, gatsbying được ưa chuộng vì chứa ít rủi ro hơn việc tỏ tình hoặc hỏi thẳng. Nhỡ có bị crush “phũ” thì những bài đăng của bạn vẫn vô thưởng vô phạt với chế độ “dành cho mọi người”. Hay dù buồn bã, thất vọng, bạn còn nơi để che giấu cảm xúc sau màn hình máy tính, điện thoại.

Qua gatsbying, nhiều người có thể thăm dò tín hiệu “đèn xanh” từ đối phương. Tuy nhiên, những tín hiệu và ý nghĩa của chúng chỉ mang tính tương đối. Việc thả tim hay xem story của bạn, kể cả nhiều lần, chưa chắc là vì họ có tình ý. Người ấy có thể chỉ một cách vô thức hoặc thân thiện đi “like dạo”. Đôi khi, bạn quá chú tâm vào giải mã động thái của crush mà quên mất đó chỉ là một trong nhiều cách nhận biết.

alt
Cách thả thính dành cho những người không muốn quá lộ liễu.

Để có nội dung “ăn điểm”, các gatsby thường đăng tải dựa trên những gì họ biết về sở thích, tính cách của đối phương. Nhưng theo nhà trị liệu Lynsie Seely, nếu quá sa đà vào việc đó, họ sẽ vấp phải cái bẫy của gatsbying - những vai diễn.

Điều này không mới khi nhắc đến tác động của việc sử dụng mạng xã hội. Ta trở thành những người biểu diễn để thu hút sự quan tâm, thỏa mãn ánh nhìn của ai đó. Xu hướng gatsbying phần nào phản ánh nhu cầu được hồi đáp và yêu thương của chúng ta, có khi còn vượt lên trên cả việc hài lòng với bản thân.

Chủ đề “gatsbying” từng được bàn luận sôi nổi trên The Real - một talk show của Mỹ (từng đoạt nhiều giải Emmy). Trong chương trình, những người nổi tiếng đã chia sẻ trải nghiệm của họ với tư cách là một gatsby và là đối tượng của gatsbying.

4. Gatsbying như thế nào?

Tiếng Anh

A: Why do you look so dull?

B: I’ve been gatsbying all day, but he hasn’t seen my story yet.

Tiếng Việt

A: Sao mặt mày xị ra thế?

B: Tao đăng story cả ngày trời rồi mà chưa thấy crush tao xem.