Giải mã 5 lời đồn xung quanh việc tiêm vaccine COVID-19 | Vietcetera
Billboard banner

Giải mã 5 lời đồn xung quanh việc tiêm vaccine COVID-19

Ăn uống phải kiêng cữ? Phụ nữ mang thai không nên đi tiêm? Nhiều lời đồn về vaccine COVID-19 sẽ được giải đáp trong bài viết này!

Giải mã 5 lời đồn xung quanh việc tiêm vaccine COVID-19

Nguồn: Trà Nhữ cho Vietcetera

Trước cơn bão thông tin về vaccine COVID-19, phải làm sao để xác định đâu là tin đồn, đâu là những thông tin chính xác cần được lưu ý?

Là một trong những người nằm trong tuyến đầu chống dịch, tôi xin phép làm rõ 5 lời đồn nổi bật nhất hiện tại về vaccine COVID-19 qua bài viết này.

Lời đồn 1: Tiêm ngừa vaccine COVID-19 vẫn mắc bệnh như thường nên không cần chích

"Dù có chích cũng sẽ nhiễm virus COVID-19" là suy nghĩ khiến nhiều người thấy việc tiêm vaccine là không cần thiết | Nguồn: Báo Chính Phủ

Đúng là đã tiêm chủng đầy đủ (trải qua 2 tuần sau khi tiêm đủ 2 liều của vaccine ngừa COVID-19 như Pfizer, Moderna hay AstraZeneca) vẫn có khả năng bị mắc bệnh. Điều này liên quan đến hiện tượng nhiễm đột phá (breakthrough infection) hoặc nhiễm khi vaccine chưa có đủ thời gian để hoàn chỉnh khả năng bảo vệ.

Tuy nhiên, cả 2 hiện tượng trên đều có thể xảy ra ở tất cả các loại vaccine, chứ không riêng gì vaccine ngừa COVID-19. Tình trạng trên cũng rất hiếm xảy ra.

Vai trò của vaccine là để giảm tỉ lệ bệnh nặng và tử vong do COVID–19, ngay cả với những biến thể mới Delta. Do đó việc tăng cường chủng ngừa diện rộng nhằm nhanh tạo được miễn dịch cộng đồng là giải pháp quan trọng.

Nếu như không có chống chỉ định, việc đi tiêm chủng không chỉ là trách nhiệm với bản thân, gia đình mà còn với cộng đồng mà mình đang sống.

Lời đồn 2: Sau khi tiêm ngừa COVID-19 phải có phản ứng sốt thì cơ thể mới tạo được kháng thể

Phải sốt thì mới chứng minh vaccine hiệu nghiệm? | Nguồn: Báo Chính Phủ
Phải sốt thì mới chứng minh vaccine hiệu nghiệm? | Nguồn: Báo Chính Phủ

Sốt chỉ là phản ứng sau tiêm vaccine, thường không liên quan đến tính sinh miễn dịch của vaccine.

Khi vaccine được chích vào cơ thể, sẽ có 2 pha đáp ứng miễn dịch diễn ra: đáp ứng miễn dịch bẩm sinh (MDBS) và đáp ứng miễn dịch thích nghi (MDTN).

Những tín hiệu ngay sau tiêm sẽ kích hoạt các tế bào miễn dịch bẩm sinh chống lại nó, là cơ chế đề kháng ngay lập tức của hệ miễn dịch để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên đáp ứng MDTN mới là giai đoạn hoạt hoá lympho B sản xuất kháng thể. Quá trình này diễn ra nhiều ngày sau đó, thường 2 tuần.

Phản ứng sau tiêm chỉ là một phần của đáp ứng miễn dịch. Vẫn còn rất xa mới đến được kết quả chúng ta mong đợi là sự sản xuất kháng thể.

Do đó, chưa thể kết luận có phản ứng sốt sau tiêm đồng nghĩa với việc hệ miễn dịch tạo kháng thể tốt hơn.

Lời đồn 3: Những món không được ăn và uống sau khi tiêm ngừa vaccine COVID-19 

Nhiều tin đồn cho rằng không nên ăn trứng sau khi tiêm vaccine COVID-19 | Nguồn: Unsplash
Nhiều tin đồn cho rằng không nên ăn trứng sau khi tiêm vaccine COVID-19 | Nguồn: Unsplash

Hãy ăn uống như bình thường, nếu trước kia chúng ta không hề có tiền sử dị ứng nặng với loại thức ăn đồ uống đó.

Ăn trứng, uống nước lọc, nước cam, chanh, nước ép rau củ, nước dừa đều được. Vừa cung cấp nước, lại cung cấp những vitamin và chất xơ tốt cho cơ thể. Khi có sốt càng cần phải uống nước thường xuyên hơn mà không đợi cảm giác khát.

Nên hạn chế bia rượu và các thức ăn nhiều dầu mỡ. Các phản ứng sau tiêm như sốt, đau nóng chỗ tiêm, mệt mỏi, đau nhức cơ, đau đầu thường cải thiện sau 48 giờ.

Nếu bạn thấy một trong các biểu hiện sau: nổi mẩn đỏ, ngứa, phù mi mắt, đau ngực, khó thở, choáng váng, mệt mỏi, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Lời đồn 4: Vì có thể gây hại, vaccine ngừa COVID-19 không nên chích cho phụ nữ mang thai 

Nhiều phụ nữ mang thai e ngại việc tiêm vaccine vì sợ ảnh hưởng đến con | Nguồn: Medical Republic
Nhiều phụ nữ mang thai e ngại việc tiêm vaccine vì sợ ảnh hưởng đến con | Nguồn: Medical Republic

Nhiều bằng chứng cho thấy phụ nữ mang thai khi mắc COVID-19 sẽ tăng nguy cơ tiền sản giật, sẩy thai, sinh non, thai lưu. Ngoài ra, còn tăng tỉ lệ phải nhập hồi sức, thở máy và tử vong. Thai phụ cũng được xem là dễ mắc COVID-19 hơn phụ nữ không mang thai.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy vaccine COVID-19 có khả năng sinh miễn dịch và không gây dị tật cho thai nhi. Hiệp hội sản phụ khoa Mỹ cũng như WHO đã khuyến cáo chích ngừa vaccine cho tất cả phụ nữ mang thai.

WHO cũng khuyến cáo không cần làm test thử thai trước khi tiêm, cũng như không trì hoãn việc mang thai hoặc bỏ thai kỳ vì lý do tiêm chủng vaccine.

Hiện tại, theo quyết định 3802/QĐ BYT ngày 10/08/2021, phụ nữ mang thai trên 13 tuần được khuyến khích chích ngừa vaccine, chỉ chống chỉ định với Spunik V của Nga. 

Lời đồn 5: Phải ngừng việc cho con bú sữa mẹ sau khi tiêm ngừa vaccine COVID-19 

Phụ nữ đang cho con bú có được tiêm vaccine COVID-19? | Nguồn: Reuters
Phụ nữ đang cho con bú có được tiêm vaccine COVID-19? | Nguồn: Reuters

Bản chất của vaccine ngừa COVID-19 không phải là virus sống mà chỉ là các vật liệu di truyền mRNA (Pfizer, Moderna) hoặc chỉ là vector virus (AstraZeneca). Các vật liệu này không gây tác động vào DNA của người, và cũng bị phân huỷ nhanh chóng.

Do đó, về mặt sinh học, vaccine COVID-19 không có khả năng gây nguy hại cho trẻ đang bú mẹ. Hiệu quả cũng được kỳ vọng là tương tự như ở những phụ nữ không cho con bú.

Các báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng phụ nữ đang cho con bú đã được tiêm vaccine COVID-19 (Pfizer, Moderna, Astra) có kháng thể trong sữa mẹ, được kỳ vọng là có thể giúp bảo vệ trẻ.

Cho đến nay, WHO và CDC đều khuyến cáo có thể tiêm ngừa cho phụ nữ đang cho con bú giống như những người khác. Thậm chí, WHO cũng khuyên không nên dừng cho con bú sữa mẹ chỉ vì lý do tiêm chủng vaccine.

Công văn 3802/QĐ BYT ngày 10/08/2021 cũng đã loại đối tượng này ra khỏi đối tượng trì hoãn tiêm chủng. Có nghĩa là chích bình thường, chỉ chống chỉ định với Spunik V của Nga.

Do đó, nếu hiện đang là mẹ của bé, bạn cứ tự tin đi chích và cho con tiếp tục bú sữa mẹ sau đó nhé!