Giải mã tam giác CEO Vietjet, Linacre College và COP 26 | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Giải mã tam giác CEO Vietjet, Linacre College và COP 26

Với số tiền quyên góp từ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, một ngôi trường thuộc Đại học Oxford sắp có tên gọi mới: Thao College.
Giải mã tam giác CEO Vietjet, Linacre College và COP 26

Nguồn: Sovico

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày 31/10 vừa qua, bà Nguyễn Thị Phương Thảo vừa ký vào một biên bản ghi nhớ với Linacre College, một trường thuộc Đại học Oxford. Theo đó, trường này sẽ nhận được một khoản quyên góp 155 triệu bảng Anh, khoảng 4,8 nghìn tỷ đồng, từ tập đoàn Sovico của bà.

Đáng chú ý, ngôi trường này sẽ xin phép được đổi tên từ Linacre College thành Thao College sau khi nhận được 50 triệu bảng Anh đầu tiên từ khoản quyên góp.

Nổi tiếng là nữ tỷ phú đô la đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện tại của Việt Nam, bà Thảo hiện nắm giữ các vị trí như Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch HDBank.

Với khối tài sản lên đến 2,7 tỷ đô, bà là một trong số 6 người Việt có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới, theo Forbes.

titleNguyen Thi Phuong Thao Nguyen Thi Phuong Thao
Chân dung tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo | Nguồn: Harvard Business School

2. Khoản tiền này được quyên góp trong bối cảnh nào?

Thỏa thuận giữa Tập đoàn Sovico và Đại học Oxford là một trong số 26 ký kết diễn ra trong chuyến tham dự Hội nghị COP26 (Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu) của Thủ tướng và các lãnh đạo Việt Nam tại Anh.

Cùng với chính phủ, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng hợp sức nhằm mang lại nhiều mối hợp tác giữa ta và Anh Quốc trong các lĩnh vực: giáo dục, thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, bảo vệ môi trường, v.v.

Ở khu vực công, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hợp tác cùng Chính phủ xứ Wales để liên kết hệ thống đại học giữa hai nước. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hợp tác cùng Đại học Hume (Thụy Sỹ) để hỗ trợ khởi nghiệp cho Việt Nam.

Ở khu vực tư, bên cạnh Tập đoàn Sovico, Đại học Oxford cũng bắt tay cùng Tập đoàn Văn Lang để cùng phát triển chuyên môn đội ngũ sư phạm, lập ra các chương trình đào tạo liên thông giữa hai nước.

3. Có gì đáng chú ý ở Linacre College?

Được thành lập năm 1962, Linacre College là một trường đa ngành trực thuộc Đại học Oxford. Nơi đây được đặt tên theo Thomas Linacre (1460-1524), một học giả người Anh có thành tựu trong nhiều lĩnh vực như nhân văn, y tế, nghệ thuật cổ điển.

Trường hiện là nơi học tập và làm việc của nghiên cứu sinh và sinh viên sau đại học đến từ 133 quốc gia. Nổi bật nhất của Linacre College có lẽ là những cam kết mà trường này đặt ra về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Trong hệ thống Đại học Oxford, Linacre College là một trong những nơi nhận được ít tài trợ nhất, hiệu trưởng Nick Brown chia sẻ. Do đó với số tiền quyên góp hào phóng này, trường dự định sẽ dùng để thành lập một trung tâm đào tạo mới, cấp học bổng, cũng như cho công tác nghiên cứu và vận hành.

titleLinacre College Linacre College
Linacre College là nơi học tập và làm việc của nghiên cứu sinh và sinh viên sau đại học đến từ 133 quốc gia. | Nguồn: Linacre College

4. Việt Nam nhận được gì từ khoản quyên góp này?

Trong khoản quyên góp, sẽ có 7,5 triệu bảng được dành riêng để cấp học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam và các nước trong khu vực. Ngoài ra, các chuyên gia từ Oxford cũng sẽ hỗ trợ Tập đoàn Sovico và các đối tác trong việc giảm thiểu lượng carbon thải ra môi trường trong sản xuất và hoạt động.

Có thể thấy, sự hợp tác này giữa Oxford và một tập đoàn của Việt Nam cũng nằm trong chiến lược mà chính phủ đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị COP26. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nước ta thông qua sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sẽ hướng đến Thỏa thuận Paris để đạt mức khí thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

5. Cá nhân bà Thảo và tập đoàn của bà có thể nhận được gì từ khoản quyên góp này?

Về phía bà Thảo, có con trai theo học phổ thông ở Anh và ứng tuyển vào Đại học Oxford, bà từng đến tham quan Oxford nhiều lần. Ấn tượng về chất lượng giáo dục của nơi này, bà tin rằng Oxford sẽ là một nơi đúng đắn để biến nguyện vọng trước giờ của bà về đóng góp cho nhân loại thông qua giáo dục, đào tạo, nghiên cứu thành hiện thực. (theo Nikkei Asia)

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu từ LIN Vietnam về hoạt động từ thiện doanh nghiệp, khi tài trợ cho cộng đồng (philanthropy), một doanh nghiệp cũng đang xây dựng hình ảnh, đầu tư vào hoạt động kinh doanh, tạo những mối quan hệ mới, cũng như thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.

6. Vì sao các trường đại học lớn thường được tài trợ?

Sự thật là các trường đại học lớn nhất trên thế giới, thuộc hệ thống Ivy League hay Russell Group, đều nhận được những khoản tài trợ lớn hàng năm từ người giàu, nhất là những ai có con em theo học tại đây.

Theo The Conversation, nếu có một nơi biết cách sử dụng các khoản tiền quyên tặng lớn (từ 1 triệu bảng Anh trở lên), đó thường là các trường đại học danh tiếng. Năm 2015, thống kê cho thấy có đến 35 trường đại học ở Anh nhận được khoản tài trợ lên đến hàng triệu bảng. Trong số đó, Đại học Oxford thường đứng đầu danh sách. Năm 2020, tổng cộng đã có 164 triệu bảng được quyên góp cho trường này.

Càng uy tín và lâu đời, các trường lại càng có khả năng tận dụng khoản tiền được nhận từ các nhà tài trợ. Chúng có thể được dùng cho các dự án nghiên cứu quy mô lớn, các quỹ học bổng, hay để đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao trong trường.

Vì vậy khi tài trợ cho các trường đại học lớn, người giàu và các doanh nghiệp vừa có thể củng cố tên tuổi, vừa có cơ sở để an tâm về cách số tiền quyên góp được sử dụng.

7. Còn trường nào thuộc Đại học Oxford cũng mang tên của tỷ phú?

Trong hệ thống Đại học Oxford, có không ít trường nhận được các khoản tài trợ lớn, sau đó đặt tên trường theo tên mạnh thường quân để tri ân. Với Thao College, đây là lần đầu tiên một trường thành viên của Oxford được đặt theo tên của người châu Á, cụ thể là người Việt Nam.

Trước đó, một trường thuộc Oxford mang tên của nhà tài trợ có thể kể đến là Blavatnik School of Government, được đặt theo tên tỷ phú người Anh Leonard Blavatnik, người đã quyên góp 75 triệu bảng Anh để thành lập nơi này.

Hay năm 2019, với khoản tài trợ lên đến 150 triệu bảng từ tỷ phú người Mỹ Stephen Schwarzman, một trung tâm về triển lãm và trình diễn nghệ thuật của Oxford đã được xây dựng (dự kiến ra mắt vào năm 2024) với cái tên Schwarzman Centre.

Có thể thấy, 155 triệu bảng Anh từ bà Thảo và tập đoàn của mình là số tiền quyên góp lớn nhất mà một cơ sở giáo dục trong hệ thống Oxford từng được nhận.

Xem thêm: Những thuật ngữ định hình việc làm từ thiện trong thế kỷ 21