Giáo viên phạt học sinh bằng compa: Hiệu trưởng nên làm gì? | Vietcetera
Billboard banner

Giáo viên phạt học sinh bằng compa: Hiệu trưởng nên làm gì?

Ngoài hình thức kỷ luật truyền thống, hiệu trưởng có những lựa chọn nào để đảm bảo hiện tượng này không lặp lại?
Giáo viên phạt học sinh bằng compa: Hiệu trưởng nên làm gì?

Nguồn: Shutterstock

Vừa qua, sự việc một thầy giáo trường THPT Hàn Thuyên (Phú Nhuận, HCM) phạt học sinh bằng compa đã dấy lên lo ngại về tình trạng bạo hành học đường.

Phương pháp trừng phạt của thầy giáo này khá đau đớn, nếu học sinh không làm đúng như thầy hướng dẫn, các em sẽ bị đâm compa vào tay.

Hiện nhà trường đã tạm đình chỉ người giáo viên và đang đề xuất mức kỷ luật phù hợp. Ngoài hình thức kỷ luật truyền thống, hiệu trưởng có những lựa chọn nào để đảm bảo hiện tượng này không lặp lại?

Lựa chọn #1: Tổ chức đào tạo giáo viên và phụ huynh

Tài liệu của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, nguyên nhân sâu xa và cơ bản của tình trạng giáo viên bạo hành học sinh là do nhận thức của giáo viên. Một số người đứng lớp đã nhiều năm nhưng thiếu kiến thức về phát triển tâm sinh lý của trẻ, hoặc vẫn bị ảnh hưởng bởi quan niệm giáo dục truyền thống.

Vì vậy, việc cần thiết là thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng mềm cho các thầy cô, có thể 2-3 lần/năm, giúp họ hiểu tác động của nhà trường đến học sinh, trách nhiệm và quyền hạn trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ. Các buổi tập huấn này cũng nên nhấn mạnh vào những chế tài cụ thể nếu thầy cô vượt quá quyền hạn của mình.

Nhiều vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ở trường không được phát hiện kịp thời, một phần do nhà trường thiếu hệ thống bảo vệ học sinh với quy trình chặt chẽ. Để giữ được sự trung lập, hệ thống này có thể được giao cho một bên thứ 3 - một cơ quan không nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của trường.

Cần tổ chức thecircm caacutec lớp tập huấn về kỹ năng mềm hằng năm Nguồn Thuvienphapluat
Cần tổ chức thêm các lớp tập huấn về kỹ năng mềm hằng năm | Nguồn: Thuvienphapluat

Ngoài ra, nhiều học sinh sẽ không dám nói lại với phụ huynh hoặc giáo viên khác cho đến khi sự việc đi xa hơn. Lúc này lại cần đến sự can thiệp của gia đình các em. Nhà trường có thể cân nhắc mở các lớp đào tạo dành riêng cho phụ huynh, giúp họ nhận biết biểu hiện khác lạ của con, hoặc biết nên làm gì nếu nghi ngờ giáo viên đang bạo hành trẻ.

Lựa chọn #2: Trao quyền cho học sinh

Theo cuốn T.E.T.: Đào tạo giáo viên hiệu quả của tiến sĩ Thomas Gordon, một số giáo viên có xu hướng lạm dụng quyền lực của mình để kiểm soát học sinh. Quyền lực này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và chất lượng học tập.

Trong xã hội Việt Nam thời phong kiến, người thầy đã luôn ở một vị trí rất cao, thậm chí hơn cả cha mẹ. Đến nay, dù học sinh đã được tạo điều kiện để có tiếng nói hơn, nhưng đa phần vẫn còn tâm lý e sợ giáo viên.

Vì chưa biết mình được pháp luật bảo vệ đến thế nào, cộng thêm những trải nghiệm không tốt trong quá khứ, các em sẽ không dám tố cáo với hành vi sai lệch của một người nắm giữ rất nhiều quyền lực. Nhiều em nghĩ: tố cáo cũng không giải quyết được gì, tệ hơn còn bị giáo viên trù dập.

Nhà trường cần mở thêm các lớp học ngoại khóa, lớp huấn luyện kỹ năng mềm để học sinh nhận thức những mặt khác nhau của bạo lực học đường, hiểu rằng mình đang được xã hội và pháp luật bảo vệ. Đồng thời các khóa học này cũng nên giúp các em trang bị một số kỹ năng tự vệ (ví dụ ghi âm để lưu lại bằng chứng bị bạo hành).

Rất có thể trong quá khứ, cách nhà trường giải quyết các sự vụ tương tự thường mang tính qua loa, làm học sinh cảm giác lời nói và hành động của mình không có tầm ảnh hưởng. Do đó, nhà trường hãy trao nhiều quyền lợi hơn và rèn giũa sự độc lập cho học sinh, bắt đầu từ việc giải quyết triệt để các khiếu nại bạo hành.

Lựa chọn #3: Cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý

Nhà trường có thể cân nhắc mở một phòng tư vấn tâm lý riêng dành cho cả học sinh và giáo viên. Theo báo cáo của trường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, phòng tư vấn tâm lý của trường đã giúp sàng lọc hơn 80% trường hợp, phát hiện 15% học sinh bất ổn tâm lý, và 5% cần nhờ sự trợ giúp của chuyên gia. Điều này phần nào chứng minh sự hiệu quả của tổ tư vấn trong môi trường học tập.

Văn phograveng tham vấn tacircm lyacute tại trường Đinh Tiecircn Hoagraveng Nguồn qdndvn
Văn phòng tham vấn tâm lý tại trường Đinh Tiên Hoàng | Nguồn: qdnd.vn

Các phòng tư vấn này đồng thời cũng cần tỏ thái độ cởi mở với chính giáo viên trong trường, bởi họ cũng có thể gặp nhiều vấn đề. Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM chỉ ra, một nguyên nhân khác khiến giáo viên có hành động chưa phù hợp với học sinh là bởi mức lương thấp. Sức ép kinh tế trong thời gian dài làm giảm khả năng chịu đựng của họ, khiến họ dễ giận, dễ thất vọng với học sinh hơn.

Nếu không đủ cơ sở vật chất, kinh phí để mở một tổ tư vấn tâm lý riêng, nhà trường có thể cân nhắc cộng tác với một số tổ chức phi chính phủ, hoặc cung cấp số liên hệ của những dịch vụ tư vấn bên ngoài.

Một bên thứ 3 trung lập và có thể giữ kín danh tính người tham vấn sẽ thúc đẩy nhiều người tìm đến tư vấn hơn, dù là giáo viên hay học sinh.