Wealth guilt - Khi giàu không có tội, nhưng vẫn cảm thấy có lỗi? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Wealth guilt - Khi giàu không có tội, nhưng vẫn cảm thấy có lỗi?

Giữa dịch bệnh, bạn có cảm thấy mình may mắn hơn nhiều người khác?
 Wealth guilt - Khi giàu không có tội, nhưng vẫn cảm thấy có lỗi?

Wealth guilt thường xảy ra ở tầng lớp trung lưu trở lên khi họ đối mặt với chênh lệch khoảng cách giàu – nghèo trong xã hội. | Nguồn: Jordan Opel cho Unsplash.

1. Wealth guilt là gì?

Wealth guilt là cụm từ chỉ cảm giác tội lỗi khi ý thức được hoàn cảnh của mình tốt hơn nhiều người. Chẳng hạn, bạn cảm thấy ngại vì mình có vẻ quá xa xỉ khi đi học bằng ô tô, trong khi đa số bạn bè đi xe máy và xe bus.

Sinh sống tại Việt Nam vào thời điểm dịch bệnh đang căng thẳng nhất, bạn có thể đôi lúc cảm thấy bồn chồn và có phần xấu hổ khi chứng kiến tình hình hiện tại. Nhiều người lao động bất chấp vi phạm giãn cách để hồi hương vì tình cảnh cùng quẫn. Nhiều gia đình thất nghiệp, phải dựa vào tiền tiết kiệm. Trong khi đó, bạn ở trạng thái ổn định để làm việc và sinh hoạt.

2. Nguồn gốc của wealth guilt?

Giải thích trên góc độ tâm lý học, cơ chế tội lỗi của wealth guilt bắt nguồn từ lý thuyết công bằng của nhà tâm lý học John Stacy Adams. Khi cá nhân tự thấy mình bị đối xử bất công hoặc được ưu ái quá mức sẽ cảm thấy phiền muộn, điều này sẽ kích thích những nỗ lực để cân bằng lại mối quan hệ.

Về phía những người may mắn hơn, những đặc ân họ đang hưởng có thể là kết quả của giai tầng xã hội, thừa kế, nền tảng gia đình… chứ không hoàn toàn đến từ nỗ lực của bản thân. Vì vậy, họ có thể thấy tội lỗi vì cho rằng mình chưa đóng góp đủ nhiều để xứng với sự sung túc đó.

Wealth guilt thường xảy ra ở tầng lớp trung lưu trở lên, khi họ đối mặt với chênh lệch khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội. Vì thế, wealth guilt còn có những cách gọi khác là upper middle class guilt (tội lỗi của tầng lớp trung bình khá) hay privilege guilt (tội lỗi của sự ưu tiên)

3. Tại sao wealth guilt trở nên phổ biến?

Sự phổ biến của wealth guilt tỷ lệ thuận với mức chênh lệch khoảng cách giàu nghèo. Theo TS. Đặng Hoàng Giang, nguyên nhân chính (của sự chênh lệch) là do những thành tựu từ tăng trưởng kinh tế và phát triển không được phân bổ công bằng và bình đẳng cho mọi người trong xã hội.

Vì thế, dù nền kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển, song khoảng cách giàu nghèo vẫn không ngừng rộng thêm ở các quốc gia.

Trong thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành, sự chênh lệch này ngày càng lộ rõ trên nhiều phương diện: y tế, giáo dục, môi trường sống,… Sự đối lập khi vẫn có công ăn việc làm ổn định trước sự thiếu thốn ngoài kia khiến wealth guilt dần trở thành phiền muộn của những người được no đủ.

Để bớt cảm giác tội lỗi, ta có thể chọn cách biết ơn và trân trọng những gì mình đang có. Lòng biết ơn cũng chính là động lực để mang lại ảnh hưởng tích cực đến những đối tượng kém may mắn hơn, qua việc hành động giúp đỡ họ.

4. Dùng wealth guilt như thế nào?

Tiếng Anh:

A: I always have this thought of wealth guilt for my lucky situation in this pandemic.

B: I think instead of feeling guilty, you should see that we are able to help many unfortunate people.

Tiếng Việt:

A: Mình luôn thấy lăn tăn khi nghĩ về hoàn cảnh may mắn của mình trong đại dịch này.

B: Thay vì cảm thấy tội lỗi, cậu nên thấy là chúng ta đang có khả năng giúp đỡ được nhiều người khó khăn nè.