Girl From Nowhere 2: Có gì hay và không hay ở 8 tập phim? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
13 Thg 05, 2021
Điện Ảnh

Girl From Nowhere 2: Có gì hay và không hay ở 8 tập phim?

Bài viết giúp bạn hệ thống lại cả một mùa 2 “xuống sức” thấy rõ của Girl From Nowhere - series Netflix đình đám thời gian gần đây. Bạn thích tập phim nào nhất?

Girl From Nowhere 2: Có gì hay và không hay ở 8 tập phim?

Nguồn: Girl From Nowhere

*Bài viết có tiết lộ nội dung phim

Ra mắt năm 2018, Girl From Nowhere là một series do Thái sản xuất và được phát sóng trên nền tảng Netflix. Đây là một anthology series (tuyển tập phim có nội dung không liên quan đến nhau) được đón nhận tích cực. 

Mỗi tập phim là một ngôi trường, bối cảnh, phong cách đạo diễn và câu chuyện khác nhau. Điểm chung là mọi thứ đều xoay quanh Nanno, một nữ sinh huyền bí. Không ai rõ nguồn gốc của Nanno, nhưng sự hiện diện của cô khơi dậy những điều xấu xa nhất của môi trường học đường. 

Cách kể chuyện này dẫn khán giả qua một series có tính concept cao, qua đó rút ra được những thông điệp chủ đề thú vị, sâu cay về bản chất con người và những vấn đề tâm sinh lý tuổi mới lớn. Dẫu không phải tập nào cũng xuất sắc, mùa 1 của bộ phim vẫn để lại dấu ấn với một số tập phim có ngôn ngữ hình ảnh phong phú, tính nghệ thuật cao và câu chuyện ám ảnh, đi kèm những suy ngẫm sau đó. 

Vì sao Girl From Nowhere 1 được đánh giá cao?

Ở mùa đầu tiên, nhiều tập phim đi theo hướng kinh dị slow-burn (kinh dị gặm nhấm), tức có sự xây dựng từ tốn, nỗi sợ không dồn dập. Mỗi tập phim của mùa 1 đều dùng Nanno để đẩy các nhân vật vào vòng xoáy tội lỗi với quyết định của chính họ, với đỉnh điểm là sự cuồng loạn. 

Mọi thứ đều được triển khai khá logic, mới mẻ và hiện lên như một series mang tính “social experiment” (thí nghiệm xã hội) về bản chất con người. 

Dựa theo ba mức độ kinh dị của ông hoàng Stephen King bao gồm grossed-out (kinh tởm), horror (kinh sợ) và terror (kinh hoàng). Mùa 1 của Girl From Nowhere thiên về mức độ thứ 3 khi xoáy sâu những nỗi sợ tâm lý với hiệu ứng ám ảnh kéo dài và gợi nhiều trăn trở. 

Mùa 1 sử dụng yếu tố tâm lý (psychological) để tạo cảm giác sợ hãi. | Nguồn: Girl From Nowhere
Mùa 1 sử dụng yếu tố tâm lý (psychological) để tạo cảm giác sợ hãi. | Nguồn: Girl From Nowhere

Trong tập Trophy, terror đến từ sự căng thẳng tâm lý kéo dài của một học sinh chịu áp lực thành tích đến mức ăn cắp ý tưởng. Và vì sợ phải chứng minh khả năng, cô đã tự dùng búa đập tay mình. Trong tập Hi-So, terror đến từ giây phút nhân vật chính nhận ra bố mẹ chính là người hầu của mình trong căn biệt thự anh thuê để “giả giàu”, nhằm hoà nhập với hội bạn thượng lưu. 

Với Stephen King, terror là mức độ những bậc thầy làm phim kinh dị luôn hướng tới, và nhiều phim có yếu tố kinh dị những năm gần đây đã rất thành công trong việc xây dựng “terror” như Get Out, Us (Jordan Peele) hay Hereditary, Midsommar (Ari Aster). 

Trong khi đó, những tập phim ở mùa 2 đa số chỉ dừng ở mức grossed-out: nhiều máu nhưng không cảm thấy ám ảnh. Gấp đôi hiểm hoạ, gấp đôi kịch tính và gấp đôi độ tàn nhẫn, song series cho thấy sự xuống cấp rõ rệt so với những gì mùa 1 đã làm được. 

Girl From Nowhere 2 có gì mới?

Cấu trúc độc lập mỗi tập theo phong cách “anthology” đã bị xoá bỏ với sự xuất hiện của Yuri, một cô gái với năng lực tương tự Nanno, luôn tìm cách cạnh tranh và phá huỷ kế hoạch của Nanno. Các tập phim vì thế mà có sự xâu chuỗi với nhau theo một mạch truyện chính: mối quan hệ giữa Nanno và Yuri. 

Mùa 2 tập trung vào mối quan hệ của Nanno và Yuri. | Nguồn: Girl From Nowhere
Mùa 2 tập trung vào mối quan hệ của Nanno và Yuri, hai thực thể có năng lực tương đương. | Nguồn: Girl From Nowhere

Sự liên kết này lại bị 'cấn' với phong cách kể chuyện độc lập của mỗi tập phim, tạo nên một series thiếu sự thống nhất. 

Cách mỗi tập phim kéo khán giả vào thế giới đen tối của học đường Thái Lan là một trong những dấu ấn thương hiệu của mùa đầu tiên. Tuy nhiên, ở mùa thứ 2, bộ phim rẽ hướng sang những tiểu thể loại của kinh dị: slasher (chặt chém), gore (máu me), dystopian (phản địa đàng) và torture (tra tấn). Yếu tố tâm lý bị giảm đi rất nhiều để chừa đường cho những phân cảnh tạo cảm giác “thốn”. 

Đâm chém dã man, máu đổ như mưa hay tra tấn có phần biến thái là điểm chung của mùa 2 này. Mọi thứ làm theo hướng “ăn miếng trả miếng”, không có sự xây dựng đường dây tâm lý và quan hệ nhân-quả một cách logic mà nhân vật sẽ bị trừng phạt một cách bất chấp. 

Sau đây là những điểm tốt và chưa tốt người viết nhận thấy ở mỗi tập phim của Girl From Nowhere mùa 2.

1. Pregnant - đạo diễn Pokpong

Điểm tốt:

  • Nửa đầu phim, tình huống cả trường cá cược thời gian tìm hiểu nhau trước khi quan hệ của Nanno và Nanai, kịch bản có tiết tấu lôi cuốn và hấp dẫn. 
  • Chi tiết Nanno tiết lộ mình là người thao túng tất cả khiến khán giả “nổi da gà”, gợi nhắc nhiều đến sự thông minh trong cách Nanno xử lý tình huống ở mùa đầu.
  • Diễn xuất của Teeradon Supapunpinyo trong vai Nanai là điểm sáng thú vị!
Nếu đánh giá là một bộ phim mở đầu cho mùa 2, Pregnant làm khá tốt chức năng của nó: dẫn dắt khán giả vào lại thế giới học đường phức tạp và giới thiệu lại Nanno - cô gái đến từ hư vô. | Nguồn: Girl From Nowhere
Nếu đánh giá là một bộ phim mở đầu cho mùa 2, Pregnant làm khá tốt chức năng của nó: dẫn dắt khán giả vào lại thế giới học đường phức tạp và giới thiệu lại Nanno. | Nguồn: Girl From Nowhere

Điểm chưa tốt:

  • Nanno dùng sức mạnh siêu nhiên của mình để Nanai trải nghiệm cảm giác có thai đầy tính “ăn miếng trả miếng” là một tình huống phi thực tế. 
  • Ở mùa 1, Nanno có đôi lần sử dụng sức mạnh của mình để làm tiền đề phát triển mặt tối của con người. Ví dụ ở tập 6 và 7 mùa 1 Wonderwall, bức tường trong toilet có thể biến mọi ước muốn thành sự thật trở thành một hiện tượng lạ thu hút tất cả sự chú ý của học sinh. Ở Pregnant, việc một chàng trai có bầu được mô tả là “trường hợp” hiếm và tất cả các nhân vật khác chỉ xem nó như một chuyện đúng rồi. Khán giả đặt câu hỏi liệu Nanno có khả năng thay đổi thực tại? Sự lạm dụng sức mạnh để bẻ cong logic này sau đó được lặp lại khá nhiều lần trong suốt mùa 2 làm series mất đi yếu tố xã hội ban đầu.
  • Khung hình Nanai mặc váy, ôm bụng bầu trên lề đường bị lọt hẳn ra khỏi thiết kế mỹ thuật của tập phim, trở thành một chiếc meme của cộng đồng mạng vì độ hài hước đến ngớ ngẩn.

2. True Love - đạo diễn Khomkrit Treewimol

Điểm tốt:

  • Xoay quanh một nữ giáo viên luôn ám ảnh bởi việc ngăn cấm nam sinh và nữ sinh có sự tiếp xúc gần gũi với nhau, tập phim có ý tưởng về ứng dụng hẹn hò che tên gợi nên sự tò mò và nhiều khả năng để đẩy câu chuyện đi theo hướng kịch tính nhất.

Điểm chưa tốt:

  • Câu chuyện thiếu kịch tính học đường vì quá tập trung vào nhân vật giáo viên, bối cảnh đơn điệu và không khai thác được triệt để ý tưởng ứng dụng hẹn hò
  • Cảnh học sinh tập trung ở sân trường chỉ có vài chục người (do dàn diễn viên quần chúng thiếu đa dạng) trong một không gian hẹp, tạo cảm giác kinh phí thấp
  • Phim được ghép thành từ những cảnh oneshot cùng hiệu ứng shaky cam (máy quay rung) vốn được dùng để diễn tả sự bất ổn trong tâm lý nhân vật lại bị lạm dụng quá nhiều, tạo cảm giác thiếu chuyên nghiệp.
  • Nụ hôn đồng tính ở cuối tập phim được đưa vào một cách khiên cưỡng, kém thuyết phục khiến người xem chỉ muốn thắc mắc: “Tại sao cần phải làm vậy?”

3. Minnie and The Four Bodies - đạo diễn Pokpong.

Điểm tốt:

  • Tập phim được làm đúng chất kinh dị tâm lý khi khắc họa những cảm giác mà một người lái xe đâm chết người phải trải qua. Những cú sốc, áp lực và đặc biệt là các ảo ảnh liên tục nhắc nhân vật Minnie về tội ác đã gây ra. 
  • Càng đến cao trào, Minnie càng lâm vào trạng thái “hysteria” (cuồng loạn), vốn là trạng thái rất hay gặp ở dòng phim này. Minnie bị đưa về hiện trường vụ án (được thiết kế ám ảnh và đầy nghệ thuật) để bắt cô trải qua cảm giác “đền mạng”, dẫn đến thông điệp “hãy chịu trách nhiệm cho những hành động của mình”.
  • Yếu tố kinh dị trong tập phim được xây dựng theo lối slowburn, chậm rãi, ít jumpscare nhưng được đẩy lên dần dà để đến cao trào đầy ám ảnh.
Minnie phải trải qua nhiều áp lực tâm lý sau vụ án mạng. | Nguồn: Girl From Nowhere
Minnie phải trải qua nhiều áp lực tâm lý sau vụ án mạng. | Nguồn: Girl From Nowhere

Điểm chưa tốt: 

  • Sự xen ngang của Yuri làm tập phim mất đi bài học cốt lõi mà Nanno muốn dạy cho Minnie. Từ tập phim này, Yuri trở thành một thế lực đối đầu với cách trừng phạt của Nanno.
  • Cách đưa Yuri vào tạo nên drama và tính liên kết cho cả mùa phim nhưng lại hy sinh thông điệp chủ đề mỗi tập phim cố xây dựng.

4. Yuri - đạo diễn Sitisiri Mongkolsiri

Điểm tốt:

  • Tập phim có cảnh mở màn ấn tượng: hiện trường một vụ án mạng với xác nữ sinh rải rác.
  • Nhân vật Yuri cũng được giới thiệu với nguồn gốc là một nữ sinh bình thường cũng khiến khán giả tò mò về những biến cố sắp xảy ra với cô, biến cô thành Nanno 2.0.
Tập 4 giới thiệu về xuất thân của Yuri - Nanno 2.0. | Nguồn: Girl From Nowhere
Tập 4 giới thiệu về xuất thân của Yuri - Nanno 2.0. | Nguồn: Girl From Nowhere

Điểm chưa tốt:

  • Vấn đề Yuri gặp phải là sự tự ti khi có hai người bạn thân giàu có, nhưng những gì Yuri trải qua trong tập phim được khắc họa quá dễ dãi và không xây dựng được một sự ức chế dồn nén để dẫn đến tâm lý phản kháng. 
  • Yuri được khắc họa như một nạn nhân, nhưng tập phim không cho thấy sự thống khổ mà nhân vật phải trải qua. Tất cả đều chỉ qua loa qua lời kể của cô.
  • Khi Yuri trở mặt và chống lại hai người bạn kia, khán giả lâm vào trạng thái lưỡng lự: vừa cảm thấy hai nhân vật phản diện chưa đủ đáng ghét, vừa cảm thấy Yuri không có cái để đồng cảm.

5. SOTUS - đạo diễn Khomkrit Treewimol

Điểm tốt:

  • Đề tài về “sự biến tướng của truyền thống học đường” mang tính xã hội cao khi lấy cảm hứng từ SOTUS - truyền thống ở trường trung học Thái Lan, khi học sinh khoá trên vinh danh tinh thần đoàn kết để bày ra những hoạt động bạo hành học sinh mới.
  • Diễn viên chính Jasper Jeon Kaye, kẻ hiếp đáp đàn em, sau đó trở thành nạn nhân bị hiếp đáp có diễn xuất thuyết phục và tạo sự ám ảnh bằng ánh mắt. 

Điểm chưa tốt:

  • Phim có ⅔ thời lượng bắt khán giả phải chịu trận những màn tra tấn, trả thù của Nanno dành cho nhân vật Kaye. Thông điệp duy nhất là “ăn miếng trả miếng” bị kéo dài một cách vô nghĩa và có phần phản cảm. 
  • Việc nhắc đến The Human Centipede (Con rết người) còn cho thấy rõ ràng tập phim đang muốn gợi nhắc đến nhánh “torture porn” của phim kinh dị, một tiểu thể loại lấy niềm vui của khán giả bằng những trò tra tấn man rợ, xúc phạm và động chạm cơ thể con người. Tuy nhiên phong cách này đi ngược lại cách Nanno hành động ở mùa 1, vốn là những cách thức tinh tế và tạo sức hút hơn.

6. Liberation - đạo diễn Paween Purijitpanya & Surawut Tungkarak

Điểm tốt:

  • Tập phim trắng đen ấn tượng với sự thay đổi tỉ lệ khung hình đầy dụng ý. 
  • Lựa chọn nghệ thuật này khắc họa rõ nét một tập phim mang hơi hướm dystopian horror (kinh dị phản địa đàng), bởi ngôi trường được vẽ nên như một chế độ Phát Xít với những nội quy và hình thức kỷ luật hà khắc. 
  • Xoay quanh đề tài về sự áp bức ở một vài hệ thống giáo dục cũng như phòng trào đấu tranh, phim dùng hai mảng màu trắng đen để đại diện cho “trật tự” và “kỷ cương”. Sự xuất hiện của Nanno và Yuri với màu đỏ và tím lại đại diện cho “nổi loạn” và “hỗn loạn”. 
Nguồn: Girl From Nowhere
Những màu đỏ, tím hiện lên tương phản trong thế giới này như báo hiệu cho sự nguy hiểm và những kinh hoàng mà hai cô gái này có thể mang lại. | Nguồn: Girl From Nowhere

Điểm chưa tốt:

  • Câu chuyện về áp bức và đấu tranh có sự phát triển khá vụng về khi liên tục thay đổi đề tài: tham nhũng, trả thù hay đến cả truyền thông đều được đem vào một cách khó hiểu.
  • Câu chuyện lẽ ra phải mang sức nặng rất lớn về sự tự do trong môi trường học đường không còn được chú trọng và trôi qua dễ dàng.
  • Nanno vẫn tiếp tục vận dụng sức mạnh của mình để bẻ cong logic khi có tới 4 bản thể khác nhau cùng xuất hiện, hoàn toàn đập tan những gì mùa 1 đã xây dựng.

7. JennyX - đạo diễn Japuphong Rungrueangdechaphat

Điểm tốt:

  • Xoay quanh đời sống của một người nổi tiếng trên mạng xã hội, tập phim có nửa đầu rất tốt. Đặc biệt là ở cách Nanno tiếp xúc với nhân vật Jane, đưa cho cô một lựa chọn để cô có thể thoát khỏi cuộc sống đầy áp lực của một influencer.
  • Hướng đi này gợi nhắc nhiều đến mùa 1, đặc biệt là ở tập 8 Lost & Found. Với tôi, đó là tập phim hay nhất series. Bởi đó là tập cho thấy rằng chỉ cần con người đưa ra lựa chọn đúng đắn, Nanno sẽ là một thực thể ấm áp, có cảm xúc. 
Nguồn: Girl From Nowhere
Tập 8 mùa 1 Lost & Found là một trong những tập được đánh giá cao nhất của series này. | Nguồn: Girl From Nowhere

Điểm chưa tốt:

  • Sự xuất hiện và chen ngang của Yuri vào câu chuyện khiến mọi thứ trở nên dễ đoán và không còn cuốn hút như những phút đầu.
  • Dẫu biết thông điệp mạnh mẽ rằng Yuri là thực thể mang đến sự hỗn loạn, tác động của Yuri khiến câu chuyện mất đi sức nặng tinh thần, mất đi những thông điệp đầy tiềm năng mà đề tài về “influencer” có thể truyền tải.
  • Sự lạm dụng sức mạnh siêu nhiên của Nanno khiến thế giới logic và gần với đời sống của phim bị sụp đổ và khó kết nối với người xem.

8. Judgement - đạo diễn Khomkrit Treewimol

Điểm tốt:

  • Tập phim khép lại mùa 2 xoay quanh một học sinh giỏi phải ngồi xe lăn và một người mẹ hết mực chăm sóc cô với những loại thuốc đầy khả nghi. Mâu thuẫn của hai mẹ con và sự nhúng tay của Nanno lẫn Yuri dẫn đến một kết thúc đẫm máu và gợi nhiều câu hỏi cho mùa phim tiếp theo. Bộ phim có plot twist thú vị với đại đa số khán giả.
  • Câu hỏi tiền đề “ai được quyền phán xét tính đúng sai và hành động của con người?” là một câu hỏi nhức nhối và có sức nặng của series này. 

Điểm chưa tốt:

  • Motif không còn tính nguyên bản. Nếu ai đã xem Run (Aneesh Chaganty) đều dễ dàng biết được lý do vì sao cô bé bị liệt.
  • Trường đoạn cãi nhau và ẩu đả của hai mẹ con ở gần cuối tập phim có những lập luận phi logic, màn vật lộn 'sượng' và cách giải quyết khó hiểu. 
  • Màn “tắm máu” giữa sân trường giữa ban ngày vừa khó tin trong bối cảnh, vừa phản nhân văn. Người xem không ngại những kết thúc thách thức đạo đức của con người, nhưng hành động dùng dao cắt cổ mẹ mình của cô gái khiến khán giả lạnh người và không thể hiểu nổi quyết định của biên kịch.
  • Tập phim kết thúc một mùa phim thứ 2 với ấn tượng mạnh nhất: chết chóc và máu. Không còn những câu chuyện được kể một cách hiệu quả. Không còn nét duyên và tính châm biếm xã hội sâu cay. Tất cả đọng lại là một mùa phim “xôi thịt”, thiếu cảm xúc, thiếu tinh tế.
Ở mùa thứ 2, bộ phim rẽ hướng sang những tiểu thể loại của kinh dị: slasher (chặt chém), gore (máu me), dystopian (phản địa đàng) và torture (tra tấn). | Nguồn: Girl From Nowhere
Ở mùa thứ 2, bộ phim rẽ hướng sang những tiểu thể loại của kinh dị: slasher (chặt chém), gore (máu me), dystopian (phản địa đàng) và torture (tra tấn). | Nguồn: Girl From Nowhere