Godzilla x Kong: The New Empire, một trong những bom tấn thành công nhất của năm 2024 cho tới thời điểm hiện tại, đã tiếp diễn một xu hướng đang âm thầm được xây dựng bởi xưởng phim Legendary.
Học tập Marvel, Legendary đã xây dựng nên một vũ trụ điện ảnh khăng khít qua các bộ phim hành động - khoa học viễn tưởng, với những quái vật khổng lồ như Kong hay Godzilla được lắp vào khuôn mẫu những “đấng cứu thế” hùng mạnh của nhân loại.
Trong khi đó, phía bên kia Thái Bình Dương, Nhật Bản lại đang đưa một trong những biểu tượng kinh điển nhất trong điện ảnh của họ trở về với nguyên tác tăm tối, một lần nữa biến Godzilla trở thành hiện thân tàn ác của cái chết và nỗi sợ vũ khí hạt nhân.
Godzilla 1954: Ẩn dụ kinh hoàng về nỗi sợ hạt nhân của Nhật Bản
Godzilla lần đầu xuất hiện trên màn bạc của Nhật Bản vào năm 1954, qua bộ phim đen trắng của đạo diễn Ishirō Honda. Trong phim, Godzilla là một sinh vật bò sát tiền sử, bị đánh thức sau một cuộc thử nghiệm bom hạt nhân. Godzilla tàn phá Tokyo và đánh bại nhiều cuộc phản công của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, sau cùng chỉ bị tiêu diệt bởi một loại vũ khí thử nghiệm.
Ở thời điểm bộ phim ra mắt, nỗi sợ và những sang chấn về vũ khí hạt nhân vẫn ám ảnh phần lớn người dân Nhật Bản. Bộ phim được công chiếu chưa đầy một thập kỷ sau vụ đánh bom Hiroshima và Nagasaki, và chỉ nửa năm sau sự kiện thủy thủ đoàn của tàu cá Lucky Dragon 5 bị nhiễm phóng xạ do thử nghiệm bom hạt nhân của Mỹ.
Godzilla không chỉ là một con quái vật thông thường, như những yōkai trong văn hóa Nhật Bản trước đây. Sinh vật trong phim là hiện thân của sức hủy diệt và sự tàn phá của vũ khí hạt nhân, kinh hoàng, không thương tiếc, nằm ngoài khả năng tưởng tượng của loài người.
Godzilla được thiết kế với lớp vảy sần sùi, lấy cảm hứng từ các vết sẹo lồi đã khắc lên thân thể của những người sống sót hai vụ đánh bom bởi quân đội Mỹ. Sinh vật này vừa khắc họa nỗi sợ và nỗi đau bởi vũ khí hạt nhân, và cũng ẩn dụ cho sự trừng phạt dành cho con người vì đã sử dụng thứ phát minh đáng sợ đó.
Godzilla “Tây tiến”: Hòa nhập, và cũng hòa tan
Sau thành công của bộ phim tại Nhật Bản, Hollywood làm thứ mà họ vẫn làm giỏi nhất, và mua bản quyền của bộ phim Godzilla để làm lại cho khán giả phương Tây.
Ra mắt chỉ hai năm sau đó, Godzilla, King of the Monsters! là một tác phẩm hoàn toàn khác những gì khán giả Nhật Bản từng được xem. Bộ phim bị cắt đi gần 20 phút thời lượng gốc, chủ yếu là những phân đoạn mang yếu tố chính trị, như khi một nhân vật so sánh sự tàn phá của Godzilla với vụ đánh bom Hiroshima, hay lời kêu gọi dừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân cuối bộ phim.
Và tệ hơn, chúng được thay thế bởi những cảnh quay lại tập trung vào một nhân vật da trắng, biến người này trở thành trọng tâm mới của bộ phim.
Hơn 40 năm sau, Hollywood một lần nữa cố gắng tái khởi động chuỗi phim Godzilla với bộ phim năm 1998. Tuy nhiên kể cả trong phiên bản này, Godzilla cũng được đánh thức bởi một cuộc thử nghiệm bom hạt nhân của Pháp, thay vì bởi quân đội Mỹ.
Theo nhận định của William Tsutsui, tác giả cuốn Godzilla on My Mind: Fifty Years of the King of Monsters, đây là cách mà những bộ phim này lảng tránh hoặc phủ nhận hoàn toàn với khán giả Mỹ trách nhiệm của đất nước này trước hậu quả của vụ đánh bom Nhật Bản.
MonsterVerse: Godzilla trở thành đấng cứu thế của nhân loại
Thỏa thuận bản quyền giữa hãng phim Toho của Nhật Bản và Legendary Entertainment của Mỹ giờ đây cho phép cả hai quốc gia làm phim về Godzilla, miễn rằng những bộ phim này không ra rạp vào cùng thời điểm.
Và thế là kể từ năm 2014, Godzilla đã trở thành nền tảng để Legendary xây dựng nên MonsterVerse, một vũ trụ điện ảnh gồm những kaiju nổi tiếng nhất như Godzilla, Mothra, King Ghidorah, kết hợp với sự xuất hiện của King Kong mà hãng phim vốn đã sở hữu bản quyền.
Trong bộ phim năm 2014, Godzilla vẫn có thể được coi là một quái vật đúng nghĩa. Nhưng trong những phần hậu truyện sau đó, từ Godzilla: King of the Monsters, Godzilla vs. Kong và Godzilla x Kong: The New Empire, kaiju này ngày một được xây dựng theo khuôn mẫu của một siêu anh hùng.
Giống với người khổng lồ xanh Hulk, Godzilla của Mỹ giờ đây là một sinh vật sở hữu sức mạnh vô biên, giải quyết tất cả mọi thứ bằng bạo lực và luôn để lại những thiệt hại nặng nề, nhưng sau cùng, những hành động đó luôn được thực hiện với mục đích tốt.
Trong MonsterVerse, nhân loại phải sống chung với những Titans “tốt bụng” như Godzilla và Kong, và chúng ta phải biết ơn điều đó, vì chúng đang bảo vệ con người khỏi những phản diện thực sự, là các quái vật khổng lồ hoang dã hơn, hoặc những kẻ muốn lạm dụng sức mạnh của chúng.
Nhật Bản đưa Godzilla trở lại nguyên tác
Thực chất, sau tác phẩm mang màu sắc đen tối vào năm 1954, Godzilla của Nhật Bản cũng từng trải qua những giai đoạn khá… hài hước. Những bộ phim Godzilla từ thập niên 60 đến 90 sẽ có nhiều điểm quen thuộc đối với khán giả của các series “siêu nhân” như Power Rangers hay Siêu nhân Điện quang.
Godzilla của Nhật Bản ở thời điểm đó cũng đóng vai cứu tinh của nhân loại, đối đầu với những kaiju hung bạo khác như King Ghidorah, Rodan hay Mechagodzilla. Godzilla ở giai đoạn đó có con trai, đôi khi biết nói, có thể bay bằng sức đẩy của hơi thở, thậm chí có thể song cước để hạ gục đối thủ.
Nhưng kể từ bộ phim Shin Godzilla vào năm 2016, Nhật Bản dường như đang muốn đưa sinh vật huyền thoại này trở về với gốc gác tăm tối của nó. Ngoài vụ đánh bom Hiroshima và Nagasaki cùng sự kiện tàu Lucky Dragon 5, Shin Godzilla còn lấy cảm hứng từ vụ động đất và sóng thần đã gây ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Trong phim, Godzilla xuất hiện lần đầu trong hình thù của một sinh vật lưỡng cư xấu xí đến ghê tởm, dần tiến hóa thành con quái vật khổng lồ chỉ biết giết chóc, như hiện thân của cái chết và sự tàn phá đến từ thiên tai và thảm họa hạt nhân.
Chủ nghĩa dân tộc còn được thể hiện rõ hơn trong bộ phim Godzilla Minus One, chủ nhân của một tượng vàng Oscar năm ngoái. Bộ phim đưa khán giả trở lại những năm tháng ngay sau Thế chiến II, với một đất nước Nhật Bản vừa phải hứng chịu hai quả bom nguyên tử, giờ tiếp tục phải đương đầu với một sinh vật được tạo nên bởi chính thứ công nghệ đó.
Những nhân vật chính của bộ phim là các cựu binh lính đã sống sót qua Thế chiến, sẵn lòng khoác lại những quân phục và chấp nhận rủi ro hy sinh để ngăn Nhật Bản không một lần nữa bị phá hủy.
Khác với những tác phẩm Godzilla của Mỹ, vốn thường kết thúc trong sự vẻ vang sau khi sinh vật này chiến thắng được đối thủ, Shin Godzilla và Godzilla Minus One đều khép lại một cách mơ hồ hơn, với những người Nhật Bản vẫn phải chịu đựng đau thương mất mát, nhưng sẵn sàng để đương đầu với những nguy hiểm mới.
Godzilla của Mỹ và Nhật Bản: Cùng tiến hóa, để cùng tồn tại
Sự khác biệt giữa cách khắc họa một nhân vật kinh điển không đồng nghĩa rằng một trong hai hướng tiếp cận đó là sai. Shin Godzilla và Godzilla Minus One quả thực được đánh giá nhỉnh hơn bởi giới phê bình, nhưng điều đó không có nghĩa rằng những bộ phim của MonsterVerse đã hiểu sai nhân vật Godzilla.
Những bộ phim này chỉ đơn giản đang có những mục đích khác nhau, và được tạo ra dành cho những khán giả khác nhau. Và ở một góc độ nào đó, nó cũng giống với chính Godzilla, liên tục tiến hóa để thích nghi với môi trường xung quanh, trở thành ẩn dụ cho tư tưởng, và cả cho những hoài bão và lo âu rất khác biệt mà mỗi quốc gia đang sở hữu.