Người làm sáng tạo đều hiểu rằng quan sát và tư duy là điều một nghệ sĩ phải thực hành hằng ngày để cho ra một tác phẩm đủ độ “dày” về chiều sâu trải nghiệm. Nhưng quan sát bao nhiêu là đủ? Một “cây đa cây đề” trong làng điện ảnh là Hayao Miyazaki đã quan sát thế nào để thổi hồn vào các tác phẩm của mình?
Hayao Miyazaki không chỉ là đạo diễn, họa sĩ, ông còn là người kể chuyện, giám sát âm thanh và tham gia vào gần như toàn bộ quy trình sản xuất phim của Studio Ghibli.
Tới nay, dù đã có rất nhiều anime xuất sắc, nhưng Spirited Away của Studio Ghibli vẫn là tác phẩm anime duy nhất từng chạm đến tượng vàng Oscar. Năm 2014, Miyazaki được trao giải thưởng Oscar Danh Dự vì những cống hiến không ngừng nghỉ cho điện ảnh.
Nói về “lý tưởng” làm phim, Miyazaki tin rằng “ta phải xác định rằng phim của mình có thể thay đổi thế giới, kể cả khi chẳng có gì thay đổi hết”. Ông liên tục đẩy bản thân đến những giới hạn mới trên hành trình làm phim. Nhờ vậy, ông thành công tạo ra các nhân vật mang tính biểu tượng và có tầm ảnh hưởng lớn.
Chi tiết làm nên một câu chuyện đáng giá. Và để chi tiết có “sức nặng”, phải quan sát thật nhiều!
Nhờ bộ phim tài liệu “10 năm theo chân Miyazaki Hayao”, khán giả được theo dõi quy trình sáng tạo của Hayao Miyazaki. Ông tận dụng mọi công cụ mình có để hỗ trợ cho việc quan sát.
Miyazaki dùng camera quay lại con đường đi làm, thử nghiệm các góc quay mới, rồi xem lại nhiều lần để đào ra chất liệu sáng tác. Soi chiếu sự vật bằng mắt thường là không đủ, Miyazaki còn nhờ đến cả kính lúp. Khi quan sát đủ lâu, ông ghi lại suy tưởng và cảm nhận cá nhân trên cuốn sổ bất ly thân.
Chính những khung cảnh thường nhật là nơi tôi khám phá ra những điều phi thường
Nhờ để tâm nhịp điệu và cách cuộc sống vận hành, Miyazaki tạo nên những cảnh phim hoạt hình mà tại đó, mọi nhân vật, dù chính hay phụ, đều đang thực sự sống, biết suy nghĩ độc lập và có cá tính riêng.
Trong Spirited Away, sau khi đeo giày, Chihiro đã cẩn thận gõ nhẹ vào từng chiếc giày để đảm bảo độ vừa vặn. Các chi tiết như bụi bẩn, đũa rơi, cách ánh sáng phản chiếu cũng được mô phỏng tinh tế như những gì diễn ra ở đời thật.
Miyazaki trau chuốt cả nhân vật ở khung cảnh nền. Họ tương tác liên tục, biết suy nghĩ và mang những biểu cảm riêng. “Đám đông trong phim không phải là đám người vô danh, khốn khổ. Họ tạo nên xã hội. Vì vậy phải vẽ họ thật hợp lý”.
Miyazaki hoàn toàn có thể lược đi chi tiết nhỏ, như rất nhiều nhà làm phim cùng thời đã làm, nhưng đó không phải phong cách của ông.
Với Hayao Miyazaki, bất kỳ điều gì xảy ra hằng ngày đều ẩn chứa một bài học, miễn là phải nhìn đủ lâu, nghe đủ kỹ, soi chiếu qua con mắt của người khác và quan sát bằng mọi công cụ.
Thành thật với tác phẩm của mình, đừng giả vờ
Sự “thành thật” Miyazaki nói đến chính là thành thật với câu chuyện và nhân vật mình tạo nên.
Các nhân vật của Studio Ghibli dù sống trong thế giới giả tưởng nhưng vẫn có cách suy nghĩ, hành động chân thực. Sự phát triển tính cách cũng diễn ra tự nhiên, có lớp lang, tạo thành một sợi dây kết nối với khán giả.
Miyazaki đã không thể làm được điều này nếu không học cách đặt mình vào nhân vật, hoặc trò chuyện thật nhiều với hình mẫu đời thực của nhân vật.
Hơn nữa, luôn có một điều gì đó trong các tác phẩm của Miyazaki được truyền cảm hứng bởi một sự kiện hoặc những người đã bước qua đời ông. Đề tài chiến tranh hoặc xung đột đến từ tuổi thơ đầy bom đạn. Những chiếc phi cơ được vẽ nên từ niềm đam mê đặc biệt với máy bay. Hình tượng người phụ nữ dũng cảm, xông pha được xây dựng dựa trên tính cách của người mẹ quá cố.
Tất cả yếu tố trên cộng hưởng và bổ sung lẫn nhau. Chúng hiện lên một cách chân thực vì Miyazaki hiểu sâu sắc về điều mình mang đang vẽ. Ông tin chúng có thật.
Chỉ khi không “gồng” hay gượng ép, Miyazaki mới yêu được tác phẩm của mình, và lúc đó khán giả mới thấy yêu đứa con tinh thần của ông. “Một bộ phim sẽ phản ánh chính người đạo diễn của nó. Không có cách nào tránh được việc này. Tôi sẽ hối hận nếu không làm phim đúng với lòng mình”.