Hệ sinh thái Khởi nghiệp tại Việt Nam - Điểm đến lý tưởng cho hoạt động đầu tư mạo hiểm | Vietcetera
Billboard banner
30 Thg 09, 2021
Kinh DoanhXu Hướng Kinh Doanh

Hệ sinh thái Khởi nghiệp tại Việt Nam - Điểm đến lý tưởng cho hoạt động đầu tư mạo hiểm

Với số lượng công ty khởi nghiệp mới thành lập tăng vọt, một thế hệ các doanh nhân đổi mới tại Việt Nam đang dần tạo tiếng vang trong cộng đồng quốc tế.
Hệ sinh thái Khởi nghiệp tại Việt Nam - Điểm đến lý tưởng cho hoạt động đầu tư mạo hiểm

Kể từ khi Đề án 844 chính thức được đưa vào hoạt động, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc về cả số lượng các công ty khởi nghiệp mới cũng như doanh thu. | Nguồn: Shutterstock

ISEV - Vietcetera

Với kinh nghiệm 10 năm vận hành trong ngành thương mại điện tử, đã và đang hỗ trợ hoạt động của hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên khắp các châu lục, OpenCommerce Group (OCG) - tiền thân là nền tảng marketing tự động Beeketing - hiện sở hữu một đội ngũ nhân viên đầy đam mê, nhiệt huyết, có đủ năng lực, kiến thức, và kinh nghiệm giúp các chủ doanh nghiệp trực tuyến phát triển và mở rộng quy mô.

Mục tiêu của OCG là tạo ra hệ sinh thái các sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng của các hoạt động thương mại điện tử (e-commerce) nói chung, và thương mại xuyên biên giới nói riêng. Đặc biệt, đối với hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại xuyên biên giới thường đòi hỏi những nỗ lực rất lớn.

Do sự khác biệt về văn hóa, hệ thống chính trị, và luật pháp, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với không chỉ những bài toán về hậu cần, mà còn về phương pháp thâm nhập thị trường nước ngoài trong khi vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm, thời gian vận chuyển, dịch vụ khách hàng cao cấp, và dòng tiền ổn định.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng khối lượng hàng hóa của công ty khởi nghiệp công nghệ OCG đã tăng gấp 13,8 lần, cùng tỷ lệ gia tăng nhân sự gấp 3 lần sau mỗi năm.

Nhưng trước khi đạt được thành công, OCG cũng từng trải qua nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Qua podcast “Vietnam Innovators”, Chị Hà Phương Anh, CRO tại OCG, đã chia sẻ với host Ruby Nguyễn về những khó khăn này, từ những chiến dịch marketing không phù hợp đến việc đối mặt với những biến động thị trường không thể lường trước.

Không chỉ dựa vào nỗ lực từ phía nội bộ công ty, mà OCG cũng may mắn nhận được sự ủng hộ và niềm tin của các nhà đầu tư. Trong giai đoạn đầu hoạt động, OCG đã thành công huy động được nhiều khoản vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư thiên thần như Tiến sĩ Hajime Hotta (CEO của Cinnamon), doanh nhân Nguyễn Thành Nhân (CEO của Kalapa), cùng quỹ đầu tư 500 Startups. Để thu hút các nhà đầu tư ở thời điểm đó, OCG đã đề ra tầm nhìn chiến lược rõ ràng, tiếp đó khẳng định tiềm năng tăng trưởng lớn mạnh của công ty.

Tương tự như OpenCommerce Group, mọi công ty khởi nghiệp đều cần đến sự hỗ trợ về vốn tài chính và hướng dẫn kinh doanh từ các nhà đầu tư có kinh nghiệm hoặc các đơn vị đầu tư mạo hiểm. Đầu tư vốn khởi nghiệp là điều kiện cần để các công ty có đủ khả năng biến những ý tưởng kinh doanh thành hiện thực.

Ngoài ra, các khoản đầu tư cũng sẽ giúp các doanh nghiệp chi trả phí thuê địa điểm làm văn phòng (khi đội ngũ nhân sự dần tăng lên), phí đăng ký các loại giấy phép kinh doanh, phí kho hàng và phát triển sản phẩm, cũng như trả lương cho nhân viên.

Với số lượng công ty khởi nghiệp mới thành lập tăng vọt trong thời gian gần đây, một thế hệ các doanh nhân đổi mới tại Việt Nam đang dần tạo tiếng vang trong cộng đồng quốc tế. Trên thực tế, vào tháng trước, đã có 4 công ty khởi nghiệp của Việt Nam lọt vào danh sách “100 to Watch” của Forbes Asia (100 công ty nhỏ và startup mới nổi đáng chú ý tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương).

Đây đều là những công ty đã chứng minh được khả năng phục hồi, cũng như khả năng tăng trưởng bền vững dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ngoài ra, gần đây cũng có một số công ty khởi nghiệp tại Việt Nam thành công huy động các khoản vốn đầu tư trị giá hàng triệu USD từ các nhà đầu tư nước ngoài và quỹ đầu tư mạo hiểm.

Nguồn: Shutterstock

Hỗ trợ từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tinh thần kinh doanh

Vào tháng 05/2016, Việt Nam phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844), nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ trong nước. Năm 2016 còn được chính phủ Việt Nam công nhận là “Năm quốc gia khởi nghiệp”, ghi nhận khoảng 1800 công ty khởi nghiệp hoạt động trên khắp cả nước, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ.

Đề án 844 được thực hiện thông qua Bộ Khoa học và Công nghệ, nhằm mang đến sự hỗ trợ toàn diện, kịp thời và chặt chẽ trong việc thực hiện quy trình và yêu cầu đối với các doanh nghiệp, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống pháp lý cho hệ sinh thái khởi nghiệp.

Để hoàn thành các mục tiêu, Đề án 844 tập trung vào hai nhiệm vụ chính bao gồm nhiệm vụ khoa học và công nghệ, và nhiệm vụ hàng năm. Theo một bài báo được đăng trên trang Cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia, mục tiêu của nhiệm vụ khoa học và công nghệ là nghiên cứu, đề xuất cơ chế và chính sách mới, đồng thời điều chỉnh các quy định pháp lý cần thiết nhằm nâng cao năng lực của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thời hạn dành cho các công việc nghiên cứu, thu thập ý kiến, khuyến nghị và phản biện giữa các đối tác có liên quan là khoảng 2-3 năm, để từ đó hoàn thiện các đề xuất chính sách phù hợp với nhu cầu của thị trường và hệ sinh thái.

Các nhiệm vụ hàng năm đóng vai trò trực tiếp hỗ trợ hệ sinh thái thuộc Đề án 844. Được phân loại thành 6 nhóm nhiệm vụ với các mục tiêu khác nhau, nhiệm vụ hàng năm sẽ hỗ trợ toàn diện hệ sinh thái khởi nghiệp, cụ thể trong các nội dung:

  • Đào tạo phát triển; nâng cao năng lực xây dựng

  • Hỗ trợ thực hiện và tăng tốc phát triển các hoạt động

  • Hỗ trợ đẩy mạnh tương tác thông qua các sự kiện

  • Hỗ trợ mảng truyền thông cho các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ, và đầu tư

  • Thiết lập và phát triển mạng lưới

  • Kết nối các doanh nghiệp địa phương với các tổ chức hỗ trợ trong khu vực và toàn cầu, các nhà đầu tư mạo hiểm.

Kể từ khi Đề án chính thức được đưa vào hoạt động, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc về cả số lượng các công ty khởi nghiệp mới cũng như doanh thu. Năm vừa qua, Việt Nam được biết đến như một trung tâm khởi nghiệp mới nổi trong khu vực Đông Nam Á, sau khi thành công huy động khoản vốn đầu tư trị giá 815 triệu USD tại diễn đàn Vietnam Ventures Summit.

Trong nửa đầu năm 2019, các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đã thành công huy động vốn đầu tư với tổng trị giá 246 triệu USD, trong đó những công ty như Tiki, VNPay, và VNG chiếm đến 63% tổng giá trị các thương vụ này.

Trong nửa đầu năm 2021, theo một báo cáo của Nextrans Việt Nam, tổng giá trị đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt đã đạt hơn 100 triệu USD - tăng khoảng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chưa bao gồm các khoản đầu tư không được tiết lộ.

Nguồn: Shutterstock

Điểm đến lý tưởng cho hoạt động đầu tư mạo hiểm

Các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đã và đang khẳng định được thành tích tăng trưởng rõ rệt cùng vô vàn tiềm năng dẫn đầu thị trường Đông Nam Á - nơi có nhiều mô hình kinh doanh đang phát triển mạnh. Qua đó, Việt Nam được đánh giá là “điểm đến lý tưởng” cho hoạt động đầu tư mạo hiểm.

Trong báo cáo Southeast Asia: Startup Ecosystem 2.0 (Đông Nam Á: Hệ sinh thái Khởi nghiệp 2.0) mới công bố gần đây, Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures ghi nhận rằng Việt Nam đã bắt đầu củng cố vững chắc các hoạt động kinh doanh trong khu vực. Đến năm 2022, dự kiến số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào thị trường Đông Nam Á đầu tư vào các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu của Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể.

Báo cáo cũng cho biết thêm, những công ty hoạt động trong các ngành thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, truyền thông trực tuyến, du lịch trực tuyến, thực phẩm và vận tải, sẽ có khả năng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài hơn cả.

Tổng giá trị hàng hóa của thương mại xã hội sẽ vượt 5 tỷ USD vào năm 2025, và vượt 25 tỷ USD vào năm 2030, nhờ sự gia tăng không ngừng của các loại hình ứng dụng thương mại điện tử. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và giải trí sẽ nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn, khi Việt Nam và khu vực ngày càng đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số. Nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này sẽ đạt 700 triệu USD vào năm 2030.

Các quỹ đầu tư, trong đó có thể kể đến CyberAgent Capital, 500 Startups, AlphaJWC, Monk’s Hill Ventures, và Access Ventures, cũng được dự đoán là sẽ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghệ trong những năm tới đây.

Để tiếp tục hỗ trợ mong muốn đưa đất nước trở thành một trung tâm đổi mới trong khu vực (cũng như trên thế giới), các thành phố phát triển mạnh về thương mại như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục thực thi các đề án phát triển.

Ngoài ra, các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư cũng cần tiếp tục hợp tác để nắm bắt những cơ hội kinh doanh phù hợp với định hướng và mục tiêu dài hạn của mình. Và khi những công việc này tiếp tục được thực hiện, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam sẽ có tiềm năng thu hút rất lớn và trở thành điểm đến uy tín cho các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Bài viết được biên dịch bởi Thảo Vân