Henri Matisse: Đừng cố gắng trở nên nguyên bản | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Henri Matisse: Đừng cố gắng trở nên nguyên bản

Trước khi một người họa sĩ tìm thấy tiếng nói riêng, họ phải làm chủ những nền tảng mỹ thuật như bố cục, đường nét hay ánh sáng.

Henri Matisse: Đừng cố gắng trở nên nguyên bản

Henri Cartier-Bresson chụp Henri Matisse tại nhà ông ở Vence, 1944.

Người làm sáng tạo luôn khao khát tìm “chất riêng” - từ phong cách, tư duy thẩm mỹ đến câu chuyện cá nhân. Nhưng trước khi làm nên những tác phẩm nguyên bản với phong cách đặc trưng, họ phải thực hành nhuần nhuyễn từ những điều căn bản nhất.

Henri Émile Benoît Matisse (1869-1954) là họa sĩ, nhà đồ họa in ấn, nhà điêu khắc người Pháp, được biết đến như một bậc thầy đã cách tân hội họa và nghệ thuật thị giác thế kỉ XX.

Matisse là nhân vật tiên phong của trường phái Dã thú (Fauvism), với những đột phá trong sử dụng màu sắc và hình khối phóng khoáng, ngôn ngữ tạo hình giàu cảm xúc.

Không thể bỏ qua kiến thức và kĩ thuật căn bản

Matisse đến với hội họa ở tuổi trưởng thành - là một nhân viên luật, ông tranh thủ đi học vẽ vào buổi sáng sớm và tối sau giờ làm. Ông chỉ quyết tâm trở thành họa sĩ ở tuổi 22 và chuyển tới Paris, theo học ở Học viện Mỹ thuật Paris dưới những giảng viên đề cao mỹ thuật cổ điển.

Không phù hợp với cách học hàn lâm với những bài vẽ tả thực tĩnh vật và phong cảnh, Matisse đam mê các tác phẩm Hậu Ấn tượng (Post-Impressionism) của Seurat hay Van Gogh.

Từ đó, ông khám phá cách sử dụng màu nguyên chất rực rỡ của riêng mình. Dù vậy, với Matisse, trong hội họa không có lối tắt - người họa sĩ trước hết phải làm chủ kiến thức và kỹ thuật căn bản.

Được khuyến khích bởi chính thầy mình Gustave Moreau - một họa sĩ Tượng trưng (Symbolism), Matisse đến bảo tàng Louvre và chép lại tranh của Raphael, Chardin hay Poussin, những bậc thầy cổ điển.

Như ông viết trong tiểu luận “Ghi chép của một Họa sĩ” (Notes of a Painter, 1908): 

“Đừng cố gắng để trở nên nguyên bản. Hãy đơn giản. Hãy giỏi kỹ thuật, và nếu có điều gì [đặc biệt] trong bạn, nó sẽ tự xuất hiện.” 

“Don't try to be original. Be simple. Be good technically, and if there is something in you, it will come out.”

Khi giảng dạy năm 1908, Matisse luôn yêu cầu sinh viên học vẽ tả thực, dù họ tìm đến Matisse với mong muốn được học từ trường phái Dã thú đang làm nên tên tuổi của ông khi ấy.

Ông đề cao việc học tập từ lịch sử mỹ thuật cũng như từ các họa sĩ đồng lứa, từ các nền văn hóa khác thông qua những món di vật sưu tầm hoặc các chuyến đi. 

Ông viết năm 1935: "Sẽ là sai lầm khi tin rằng có một quãng nghỉ trong sự phát triển mỹ thuật từ xa xưa tới các họa sĩ ngày nay. Bỏ qua truyền thống, người họa sĩ sẽ chỉ thành công thoáng qua, và tên tuổi của họ sẽ sớm phai nhòa."

Với nền tảng vững chắc, vẽ nên thế giới quan của mình

Tuy nhiên, Matisse muốn sinh viên nắm vững căn bản không phải là để làm theo những bậc thầy đi trước. Ông viết: “Với người họa sĩ sáng tạo thực thụ, không có điều gì khó bằng việc đơn thuần vẽ một bông hoa hồng. Bời vì trước đó, họ phải quên đi tất cả những bông hồng từng được vẽ.”

Các bài học vẽ tả thực của ông cũng không phải để người học sao chép thực tế. Khi được hỏi vì sao ông vẽ quả cà chua với màu xanh dương, Matisse trả lời: “Vì tôi thấy nó như vậy.”

Trong Woman With A Hat (1905), vợ ông bà Amelie bận chiếc đầm rực rỡ những mảng màu đối lập - nhưng thực ra lúc làm mẫu, bà mặc chiếc đầm màu đen. 

Woman with a Hat, 1905

Với Matisse: “Sắc màu không được ban cho con người để ta bắt chước lại Tự Nhiên, mà để chúng ta thể hiện cảm xúc của riêng mình.”  

Hơn ai hết, Matisse tin vào sự biểu đạt cá nhân. Nhưng ông luôn khẳng định: trước khi một người họa sĩ tìm thấy tiếng nói riêng, họ phải làm chủ những nền tảng mỹ thuật như bố cục, đường nét hay ánh sáng. 

Có thể thấy rõ điều này trong tranh của ông: bố cục mạnh tạo tính đồ họa cao, những đường nét nhịp nhàng giàu nhạc điệu, màu sắc táo bạo mà hài hòa.

Như một vận động viên acrobat đã luyện tập nhiều năm để biểu diễn một cách dễ dàng và hoàn toàn chính xác, người họa sĩ nhuần nhuyễn sẽ tạo ra những tác phẩm không gượng ép.

Vậy khi đã làm chủ kỹ thuật, làm thế nào để tính nguyên bản “tự xuất hiện”? Theo Matisse, người họa sĩ luôn phải nhìn mọi vật “như lần đầu tiên”. Hãy bỏ qua những sáo mòn của người khác và của chính mình, chỉ tập trung vào những cảm xúc mang trong lòng. 

Red Room (Harmony in Red), 1908

Bằng việc nhìn cuộc sống với đôi mắt hồn nhiên và sáng tác với đôi tay lành nghề, người sáng tạo mới có thể lột tả chân thành nhất thế giới quan của riêng mình.