Hiểu Emily in Paris như "người trong ngành" | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
06 Thg 10, 2020
Fashion Forum

Hiểu Emily in Paris như "người trong ngành"

Khán giả học được gì về thời trang từ Emily in Paris?

Hiểu Emily in Paris như "người trong ngành"

Nguồn: Netflix

Với cốt truyện dễ nuốt, diễn viên đẹp cùng các trang phục mãn nhãn, sẽ rất dễ để xem liền 10 tập của Emily in Paris trong một buổi tối. Cũng nhờ điều này, mùa đầu của series (ra mắt ngày 2/10/2020) đã từ top 3 lên top 1 chỉ sau một cuối tuần.


Song, series này đang nhận về rất nhiều bình luận tiêu cực từ báo chí, bởi chưa khai thác trọn vẹn và thực tế cuộc sống tại Pháp, cũng như màu sắc của thế giới marketing. Nhưng, Vietcetera tin rằng: Nếu đã lên top 1, Emily in Paris chắc chắn có gì đó đáng xem!

Bài viết này sẽ là một bài bình phim thời trang, dưới góc nhìn của thời trang.

‘Sexy’ hay ‘Sexist’?

Ngay từ tập 3, Emily đã bất ngờ trước một TVC quảng cáo nước hoa: Một người phụ nữ khoả thân sải bước dọc cầu Pont Alexandre III, trong sự ngắm nhìn của những người đàn ông khác.

Antoine và Emily trong một sự kiện buổi tối Nguồn Netflix
Antoine và Emily trong một sự kiện buổi tối. | Nguồn: Netflix

Cô cho rằng thông điệp của TVC là sự áp đặt nhãn quan nam giới (male gaze) về cái đẹp của phụ nữ mà bỏ qua quan điểm từ phía họ. Nhưng, Antoine — chủ thương hiệu nước hoa, lại cho rằng: Được đàn ông ngưỡng mộ và theo đuổi mới chính là điều mà phụ nữ khao khát. Và mùi nước hoa chính là thứ khiến họ trở nên quyến rũ.

Bộ phim đề cập đến nữ quyền trong thời trang, và các chiến dịch bình đẳng giới của thời kỳ hiện đại như #MeToo, hay còn gọi là #BalanceTonPorc tại Pháp.

Influencer hay agency?

Khi đến Pháp, Emily đổi tên tài khoản mạng xã hội của mình thành @emilyinparis. Cô nhanh chóng nhận được sự chú ý từ hàng nghìn người, với góc nhìn dí dỏm của một cô gái Mỹ lần đầu đến Pháp: "âm đạo" trong tiếng Pháp lại là từ giống đực, và "smoking body" hoá ra là kết quả của việc hút thuốc sau khi đi tập gym…

Cô vì thế vô tình trở thành influencer khi nhận được lời mời tham dự sự kiện của Durée, một thương hiệu mỹ phẩm lớn.

Emily tại sự kiện influencer được tổ chức bởi Durée Nguồn Netflix
Emily tại sự kiện influencer được tổ chức bởi Durée. | Nguồn: Netflix

Với thế mạnh về marketing, Emily nhanh chóng ghi điểm với Durée. Cô được ngỏ lời mời làm đại sứ thương hiệu, trong khi bản thân lại đang làm việc tại một agency lớn. Cuộc trò chuyện giữa cô và giám đốc marketing của Durée là tình huống “tiến thoái lưỡng nan”: Có nên chọn agency bên ngoài, hay tận dụng nguồn lực influencer phong phú?

Tuy mang lại lợi thế về ngân sách và kết quả tức thì, giữa thị trường influencer đã bão hoà, sẽ rất khó để thương hiệu tạo ra sự kết nối lâu dài với người dùng. Còn với agency, việc tạo được niềm tin nơi khách hàng là một thử thách. Bởi chiến lược của họ mang tính dài hạn và tốn rất nhiều thời gian, nguồn lực và kinh phí.

Đây cũng chính là bài toán của thương hiệu trong việc quảng bá đến người dùng: Họ chọn gì? Xây dựng tên tuổi chớp nhoáng hay kết nối với khách hàng bằng những chiến dịch lâu dài? Và liệu, vai trò của agency là gì trong thời đại mạng xã hội lên ngôi?

Haute Couture vs. Streetwear

Ở hai tập cuối, Emily phải đứng giữa hai nhà mốt: Grey Space đại diện cho thế hệ mới với thời trang streetwear, và Pierre Cadault đại diện cho thế hệ gạo cội cùng tượng đài haute couture.

Cuộc xung đột phần nào phản ánh mối quan hệ thực tế giữa hai thị trường thời trang khổng lồ, khi streetwear đang dần khẳng định sức ảnh hưởng của mình lên phân khúc thời trang xa xỉ.

Emily và cô sếp Sylvie hào hứng trước bộ sưu tập của Pierre Cadault Nguồn Netflix
Emily và cô sếp Sylvie hào hứng trước bộ sưu tập của Pierre Cadault. | Nguồn: Netflix

Có thể nói, đây là một cuộc tranh luận không hồi kết. Gần đây nhất là sự kiện Givenchy thay thế giám đốc sáng tạo Clare Waight Keller bằng Matthew William, một nhà thiết kế streetwear. Khác với những trang phục couture duy mỹ trước đó, William ra mắt bộ sưu tập đầu với thiết kế phóng khoáng và hiện đại, nhưng lại nhận về những nhận xét thất vọng và chê bai.

Câu hỏi ở đây là: Mối quan hệ giữa thời trang cao cấp và thời trang đường phố rốt cuộc là gì? Một cuộc chiến hay một sự chuyển giao?

Kết

Tóm lại là, tuy chưa đào sâu vào một vấn đề nào cụ thể, Emily in Paris đã mang đến cái nhìn đa chiều hơn về ngành thời trang, cùng những vấn đề nhức nhối mà nó đang gặp phải. Có thể, mạch phim nhanh đã khiến cho những vấn đề này mau chóng bị lướt qua.

Với tính cách hướng ngoại Emily chắc chắn sẽ còn mang đến cho người xem nhiều tình tiết bi hài khác Nguồn Netflix
Với tính cách hướng ngoại, Emily chắc chắn sẽ còn mang đến cho người xem nhiều tình tiết bi hài khác. | Nguồn: Netflix

Nhìn chung, Emily in Paris mang một màu sắc tươi sáng và có tính giải trí cao. Bộ phim rao bán giấc mơ về một thành phố Paris hoa lệ cho mọi cô gái trẻ, như cách Sex and The City đã từng làm với New York (cả hai phim đều do Darren Star tạo ra). Hi vọng ở mùa kế tiếp, series sẽ đánh được đến nhiều vấn đề thú vị hơn, cả trong thời trang và những lĩnh vực khác.