Hindsight bias - Có thật ngay từ đầu bạn đã thấy trước kết quả? | Vietcetera
Billboard banner
18 Thg 03, 2022
Cuộc SốngTâm Lý Học

Hindsight bias - Có thật ngay từ đầu bạn đã thấy trước kết quả?

Thiên lệch nhận thức muộn - Lời lý giải cho tâm lý “Thấy chưa, biết ngay mà!"
Hindsight bias - Có thật ngay từ đầu bạn đã thấy trước kết quả?

Anh Thư Ng @immortal_wurst cho Vietcetera

Bạn vừa hoàn thành xong một bài thi, nhưng khi kiểm tra kết quả, đáp án của bạn lại khác bạn cùng bàn. Cả hai tốn cả buổi tranh luận xem ai là người đúng. Đến khi trả kết quả thì người đó là bạn. Và bạn không khỏi đắc ý vì cho rằng mình đã biết thừa từ trước.

Có bao giờ bạn gặp phải tình huống tương tự, khi cách nhìn nhận về sự kiện thay đổi ngay khi biết được kết quả? Đã bao giờ bạn cảm thấy mình dường như có năng lực đoán trước tương lai?

Hiện tượng này được gọi là thiên lệnh nhận thức muộn, hay hiểu nôm na là tâm lý “Thấy chưa, biết ngay mà!”

Thiên lệch nhận thức muộn là gì?

Thiên lệch nhận thức muộn (hindsight bias) miêu tả khuynh hướng một người đánh giá cao khả năng dự đoán của mình trước một tình huống. Khi nhìn lại sự việc đã qua, họ tin là mình có thể dễ dàng nhìn thấy tất cả những dấu hiệu và sự kiện dẫn đến kết quả hiện tại. Nhưng thực tế, khi đang ở trong cuộc thì họ khó nhìn ra chúng.

Ví dụ điển hình của hiện tượng này là việc chúng ta hay “vỗ đùi” cho rằng mình đã biết tỏng kết quả của trận bóng đá, chỉ ngay sau khi trận đấu kết thúc. Nhưng nếu ở giữa trận đấu mà được yêu cầu dự đoán, chúng ta sẽ không đoán chắc như vậy.

Mấu chốt của hindsight bias là việc chúng ta tự đưa ra lời giải thích hợp lí dựa trên một chuỗi những sự kiện đã qua lẫn kết cục đã biết.

Vì sao chúng ta lại tin là mình biết trước kết quả?

Highsight bias diễn ra khi những thông tin mới về một sự kiện đã qua thay đổi góc nhìn của chúng ta về sự kiện đó. Theo nhà tâm lý học Neal Roese và Kathleen Vohs, hiện tượng này có thể được giải thích dựa trên 3 khía cạnh:

Nhận thức (cognitive)

Chúng ta có xu hướng bóp méo trí nhớ của mình về các sự kiện trong quá khứ dưới tác động của thiên kiến xác nhận. Đây là xu hướng tìm kiếm thông tin để củng cố cho suy nghĩ, niềm tin của bản thân.

alt
Chúng ta có xu hướng bóp méo trí nhớ của mình về các sự kiện trong quá khứ.

Một cách có chọn lọc, chúng ta chỉ nhớ về những thông tin xác nhận rằng mình đã biết trước kết quả. Ví dụ như những lỗi sai, bất lợi của đội thua cuộc trong trận bóng. Chúng ta làm vậy để tạo ra một câu chuyện “hợp lý” với những thông tin đã biết. Trong trường hợp này là kết quả của trận đấu.

Siêu nhận thức (metacognitive)

Siêu nhận thức được dùng để chỉ suy nghĩ về chính suy nghĩ của mình. Khi thấy mình có thể dễ dàng lý giải (suy nghĩ hiện tại) những gì đã xảy ra (suy nghĩ trước đó), chúng ta hay mặc nhiên là mình đoán trước được sự việc. Điều này là do nhầm lẫn giữa “dể hiểu” và “dễ đoán”.

Chẳng hạn, chúng ta thấy kết cục chia tay của bạn mình là điều “dễ hiểu” bởi hai người thường hay cãi nhau trước đó. Nhưng trong tình huống này chúng ta thường tin là mình đã biết tỏng việc này từ lâu. Tuy nhiên, việc hiểu một sự việc đã qua không đồng nghĩa với sự chắc chắn về kết quả diễn ra trong tương lai.

Động lực (motivational)

Nghiên cứu cho thấy, mong muốn duy trì hình ảnh tích cực về bản thân chính là động cơ cho hành vi của con người.

Chúng ta cảm thấy khoan khoái (nếu không muốn nói là “hơn người”) khi tỏ ra là mình biết trước. Và điều này thúc đẩy chúng ta coi những gì không thể dự đoán là việc mà mình đã “tiên liệu trước” sau khi nó xảy ra.

Để dễ mường tượng, bạn có thể nhớ về cảm giác tự đắc khi thấy mình đoán trúng kết cục chia tay của đứa bạn thân. Con người nhìn chung thích cảm giác rằng “thế giới này là một nơi dễ đoán”.

Hindsight bias có thể gây ra ảnh hưởng gì và làm sao để tránh?

Sở dĩ hiện tượng này được coi là một thiên kiến là bởi chúng ta tự tạo ra những lời giải thích hợp lý để nó khớp với kết quả mà ta đã biết. Và lời giải thích này không dựa trên bản chất ban đầu của sự việc.

Việc ngụy tạo những lời giải thích sai lầm về quá khứ khiến chúng ta mất đi khả năng học hỏi và thích ứng trước những quyết định trong tương lai.

Chẳng hạn như khi các nhà đầu tư chứng khoán tránh quay lại thị trường sau đợt cổ phiếu rớt giá, dù thị trường đã ấm lại. Lúc này, lầm tưởng rằng mình vốn đã biết trước kết quả (cổ phiếu rớt giá) ngay từ đầu sẽ ngăn cản họ nhìn lại và tìm hiểu xem điều gì đã thực sự diễn ra.

alt
Để tránh hindsight bias, bạn có thể tập ghi chép lại các sự kiện và những dự đoán của mình.

Để tránh việc “thầy bói xem voi”, bạn có thể tham khảo lời khuyên của hai nhà nghiên cứu Roese và Vohs về hiện tượng này:

  • Giải thích các sự kiện một cách đa chiều: Khi đánh giá lại một sự kiện, hãy suy nghĩ về mọi kết quả có thể diễn ra (cho dù nó đã không diễn ra). Bằng cách xem xét lại tất cả các kết cục tiềm năng, bạn sẽ thấy không gì là chắc chắn hay dễ đoán như mình nghĩ.
  • Ghi chép lại các sự kiện: Bao gồm những quyết định trong quá khứ và những dự đoán liên quan trước đó của bạn. Tương tự như nhật ký, nhưng đây sẽ là những chi tiết về quyết định của bạn và yếu tố nào đã dẫn đến quyết định đó. Việc ghi chép sẽ tránh được việc não bạn tự bỏ qua những lần đoán sai mà chỉ chăm chăm vào những lần mình nói “trúng phóc”.