Họa sĩ Hải Tre: ‘Chọn hạnh phúc trong muôn vàn khả thể từ hành trình đi và vẽ.’  | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Họa sĩ Hải Tre: ‘Chọn hạnh phúc trong muôn vàn khả thể từ hành trình đi và vẽ.’ 

Hồi sinh không phải là thứ gì đó hoành tráng. Nó là bình yên và hạnh phúc, dẫu vùng đất đó đã từng là tử địa chiến tranh hay con người nơi đó đã và vẫn đang trải qua khó khăn.
Họa sĩ Hải Tre: ‘Chọn hạnh phúc trong muôn vàn khả thể từ hành trình đi và vẽ.’ 

Họa sĩ Đinh Quang Hải (Hải Tre.) | Nguồn: Bobby Vũ

alt

Từ lâu, trong tâm trí họa sĩ Đinh Quang Hải (Hải Tre) đã hình thành ý tưởng từ một lời nhắc “Vẽ - Đi -Tre.” Ở đó, đi và vẽ là hai hành động song hành: đi để có thêm trải nghiệm, vẽ để ghi lại cuốn nhật ký bằng tranh. Trong 10 năm lang thang và “nhảy cóc” qua các công việc khác nhau như lập trình, nhiếp ảnh, thiết kế đồ họa… Hải Tre vẫn không ngừng nghĩ về câu chuyện đi và vẽ.

Mới đây, Hải Tre bắt đầu dành trọn hai năm để chỉ đi và vẽ. Người họa sĩ vừa thưởng ngoạn phong cảnh và con người Việt Nam vừa dùng bút vẽ của mình để kể lại những điều bình dị, thân thương. Trong hành trình ấy, anh gặp được Lotus Gallery và tác giả, đạo diễn Xuân Phượng. Và triển lãm Hồi Sinh được bắt đầu từ đấy.

Những bức ký họa chiến tranh của cố hoạ sĩ Phạm Thanh Tâm bên cạnh những bức tranh phong cảnh đương thời; những dấu ấn đã qua và những hồi sinh hôm nay là một sự kết hợp đặc biệt để mọi người có thể “ôn cố tri tân” về chính con người và đất nước Việt Nam.

alt
Họa sĩ Đinh Quang Hải (Hải Tre.) | Nguồn: Bobby Vũ.

Điều gì đến với anh trước: đi rồi vẽ; muốn vẽ rồi mới đi hay là cả hai đến cùng một lúc?

Họa sĩ vẽ chủ đề phong cảnh ở Việt Nam mình xưa giờ rất nhiều và rất giỏi, nhưng tôi nhận thấy họ thường vẽ những rung động riêng tư, những vùng đất họ gắn bó. Nên có những địa danh nhiều tranh vẽ, có những nơi không, hoặc nếu có tranh thì lại rất khác nhau về phong cách và chất liệu.

Tôi ham đi và có thể vẽ, nên tôi đã quyết định theo đuổi hành trình kết nối các bức tranh phong cảnh của Việt Nam theo cách riêng của mình.

Tôi nghĩ, mọi thứ đều diễn ra một cách tự nhiên và không có kế hoạch quá cụ thể. Triển lãm ‘Hồi Sinh’ chính là sự khởi đầu trong hành trình đi và vẽ các vùng đất Việt Nam lần này của tôi. Và để bắt đầu, tôi muốn kể chuyện các vùng đất khác nhau đã trải qua thời kỳ gian khó nhưng bằng góc nhìn và cảm nhận đương thời.

Tôi đến Quảng Bình và Quảng Trị đầu tiên. Hòa bình hay sự hồi sinh đối với đất nước mình, theo tôi, phải đến từ những những vùng tử địa ác liệt nhất, những vùng đất đã trải qua nhiều khó khăn nhất.

Tôi không chọn cách đi nhanh, đi cho bằng hết, vì đất nước mình không chỉ đẹp ở cái nhìn. Tôi dành thời gian ở lại lâu nhất có thể, trò chuyện cùng người dân địa phương, tìm những đặc trưng trong đời sống như gam màu ở nơi đây, cách bố trí nhà cửa, kiến trúc ngôi làng, phong cách ăn mặc thường ngày, món ăn và vị đặc trưng. Khi cảm hứng đến, tôi có thể ngẫu hứng vẽ phong cảnh trực tiếp ở đó nếu điều kiện cho phép. Tôi có thể trò chuyện hay vẽ tặng tranh cho chính những con người nơi tôi đi qua. Lúc đó hội họa trở thành chất xúc tác để kết nối con người với con người và đời sống này.

Trong hành trình đi và vẽ, đặc biệt là đến những vùng từng là đất lửa trong chiến tranh trước đây, tâm thế của anh như thế nào?

Khi xem lại bộ tranh của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm vẽ thời kỳ chiến tranh, tôi không nghĩ bác ấy vẽ để một ngày nào đó sẽ có một màn song tấu với một họa sĩ sau này. Tôi nghĩ bác ấy đã vẽ theo một cách tự nhiên, về những gì xảy ra lúc đó. Chính những bức ký họa hay mỹ thuật thời chiến sẽ mang lại cho người xem cảm xúc rất mãnh liệt và kể câu chuyện lịch sử khi ấy.

alt
Nguồn: Bobby Vũ.

Cũng vậy, sau hơn nửa thế kỷ, tôi đến và vẽ về đời sống thường nhật nơi đây. Là con người của thời đại này, nhìn thấy cuộc sống ở thời đại này, vì thế tôi sẽ không quá để ý đến những di tích chiến tranh. Thay vào đó, tôi quan sát đời sống hàng ngày và những tiếp xúc thường nhật của người dân ở đây.

Tôi có thể bắt gặp những đàn trâu bò đang thơ thẩn gặm cỏ ở bên các lô-cốt ngày xưa. Những lô-cốt vẫn tồn tại ở đó giờ đây trở thành chỗ nghỉ của đàn bò, là chỗ mọi người đi qua rất tự nhiên.

Nếu nhìn lại chiến tranh, những tác phẩm ký họa của họa sĩ Phạm Thanh Tâm sẽ là một tham chiếu đầy ý nghĩa. Còn với những tác phẩm của tôi, nó là những gì đang diễn ra trong đời sống hiện tại.

Chuyến đi này, với anh, còn mang ý nghĩa nào khác không?

Tôi muốn đem khả năng kể chuyện của mình thông qua những bức vẽ đến với mọi người. Khi mọi người nhìn vào một bức tranh, trong một tích tắc, mọi dữ liệu hình ảnh đã được truyền đến với người xem. Nếu bức tranh đủ thú vị sau cái nhìn đầu tiên đó, người xem sẽ lần lượt bóc tách các tầng lớp ý nghĩa bên trong bức tranh như lạc vào trong khung hình ấy. Tôi nghĩ đó cũng chính là hiệu quả mà hình ảnh hay tranh có thể làm được. Tất nhiên, nếu có thời gian để lắng nghe câu chuyện, bằng giọng kể, thì còn nhiều chiều sâu hơn nữa.

alt
Nguồn: Họa sĩ Hải Tre.

Tôi nhìn thế giới bây giờ, thông tin quá nhiều và diễn ra quá nhanh. Khi mọi người dành thời gian đi xem một triển lãm tranh, để rồi mang về một câu chuyện mới mẻ, nhiều chiêm nghiệm, đó là thành công đối với tôi.

Lúc nào thì anh cho rằng mình đã đủ mọi thứ để ngồi xuống và vẽ một bức tranh trên đường đi?

Tôi nghĩ khi đã trải nghiệm đủ sâu sắc thì sẽ hiểu được tông màu mà mình sẽ vẽ về vùng đất đó. Không chỉ tông màu, điều quan trọng nữa là vẽ lại được cái nhịp điệu của vùng đất mà tôi đã ghé đến. Và cuối cùng, sau khi tìm ra được gam màu, cái nhịp điệu của một vùng đất, tôi gần như đã biết cách thể hiện những vùng đất đó lên bức tranh.

Chính việc đi với tâm thế tự nhiên và gần gũi, người nghệ sĩ cũng sẽ ít bị đóng khung hay đóng gói các giá trị từ chính nơi mà họ xuất phát. Tôi nhận ra, đôi khi chúng ta không đủ cởi mở để tiếp nhận những điều mới mẻ.

alt
Tác phẩm "Ấm no Bố Liêu, Quảng Trị." | Nguồn: Họa sĩ Hải Tre.

Có hình ảnh nào đặc biệt trong hành trình rong ruổi và vẽ những bức họa sẽ xuất hiện trong triển lãm Hồi Sinh sắp tới của anh?

Tôi đến Quảng Trị vào mùa gặt, người dân bắt đầu thu hoạch mùa màng trước khi mùa mưa bão đến. Vì thế, vừa đến đây, tôi đã được chứng kiến cảnh nhộn nhịp của người dân, không chỉ thu hoạch mà còn cải tạo, gia cố nhà cửa, thu dọn vườn tược.

Những ngôi nhà nhỏ nhắn với sân vườn, cây rơm, đàn gà ríu rít… giúp tôi khám phá được nhịp điệu cho những bức tranh của mình.

Khi đến những vùng đất như vậy, gặp gỡ một ai đó rồi được mời về nhà, pha một ấm trà và bắt đầu trò chuyện sâu hơn… tôi có thể vẽ một bức chân dung tặng chủ nhà lúc cao hứng. Hoặc đôi khi tôi cũng mượn sân nhà của họ để ngồi vẽ tranh. Và cứ thế, tôi đem những thứ cô đọng của riêng mình để kể về vùng đất đó.

Cảm xúc của anh như thế nào khi vẽ lại hình ảnh nơi đã từng đau thương và bây giờ đã có những sự thay đổi?

Mọi người nghĩ hồi sinh có nghĩa là phải xây dựng hoành tráng, sẽ phải là xe hơi nhà lầu… Nhưng trong hành trình này, tôi thấy hồi sinh đôi khi lại là những mái nhà yên ấm, hạnh phúc; lợn, gà, chó, mèo được sống một cách yên bình. Với tôi, đó là sự hồi sinh.

Giá trị của sự hạnh phúc sẽ khác nhau đối với từng hoàn cảnh, từng con người. Ở nơi đây, dù chiến tranh đã đi qua, nhưng thiên tai năm nào cũng tàn phá! Đây là những tỉnh phải hứng chịu nhiều khó khăn khắc nghiệt nhất ở nước ta. Vậy mà, những ngôi làng nhỏ ở đây vẫn rất đỗi thanh bình, sạch sẽ và ngăn nắp. Người dân thật thà, mến khách, luôn thấy ở họ một nụ cười. Có thể nói nghị lực sống mạnh mẽ chính là điều đẹp đẽ nhất tôi khám phá được ở đây. Hạnh phúc cũng chính ở đó, khi được nhìn thấy sự yêu thương ngay trong những điều nhỏ nhặt.

alt
Tác phẩm "Ngày mùa Quảng Trị." | Nguồn: Họa sĩ Hải Tre.

Giống như sau đại dịch Covid, chúng ta nhận ra đời sống bình thường là một điều vô cùng quý giá. Khi lắng đọng, chúng ta sẽ thấy sự hồi sinh không có gì quá to tát hay xa vời mà rất chân thực, gần gũi.

Đối với nhiều người trẻ, du lịch có thể xem như là một cách ‘tạm trốn’ khỏi những vấn đề hiện tại. Anh cảm nhận như thế nào về quan điểm này?

Thời còn trẻ, tôi cũng đã có những cuộc trốn chạy như vậy. Khi chạy trốn, mình tạm trở thành một số phận khác, sống một cuộc đời khác. Để khi trở lại mình có một góc nhìn khác, một quan điểm khác. Tất nhiên “chạy trốn” ở đây với tôi là lang thang đến những vùng đất mới lạ, hoặc nhiều khi chỉ là để ngắm mây trời, nhiều khi là cảm giác ngồi trên yên xe để cảm nhận con đường. Khi tâm trạng của mình thư giãn, mình sẽ gỡ bỏ được nhiều khúc mắc, nảy sinh nhiều ý tưởng mới. Lúc đó, chuyến đi là cách hiệu quả để mình thêm hiểu bản thân mình hơn.

Tuy mục đích đi du lịch với mỗi người là khác nhau, nhưng mình hi vọng, với hành trình đi và vẽ của mình, mọi người sẽ thêm yêu mến vẻ đẹp vốn có của cuộc sống quanh ta.

Dường như Vẽ-Đi-Tre cũng là hành trình tôn vinh vẻ đẹp của phong cảnh và con người Việt Nam?

Nếu chúng ta để ý trên mạng xã hội, những bức ảnh du lịch thường chụp trước những địa điểm checkin hào nhoáng, tới đâu mọi người cũng đi tìm những khu chụp ảnh được sắp đặt để thu hút du lịch và coi đó như là đặc trưng của điểm đến mà dường như đã quên nhìn vào những nếp nhà nhỏ, những thửa ruộng, sông núi, đàn trâu hay hít một hơi tràn hương lúa chẳng hạn. Và có lẽ lâu rồi mọi người không còn nhìn vào những hình ảnh đơn sơ đấy. Vì thế triển lãm Hồi Sinh nói riêng hoặc dự án Vẽ-Đi-Tre nói chung, với những phong cảnh bình dị tôi đã vẽ, biết đâu lại nhắc mọi người nhớ về những điều giản đơn mà đẹp vô cùng.

alt
Nguồn: Bobby Vũ.

Để thể hiện được sự bình dị hết sức tự nhiên đó, tôi cũng chọn cho mình lối diễn đạt đơn giản, dẫn dắt bằng cảm xúc, hạn chế dấu ấn của kỹ thuật. Sự đơn giản, mộc mạc sẽ khiến người thưởng thức không cảm thấy đối kháng với tác phẩm. Tôi nghĩ đây cũng là điều sẽ thu hút mọi người đến xem tranh phong cảnh và thuyết phục họ đi vào cảnh của bức tranh để trải nghiệm sự yên bình.

Ngoài những tác phẩm là thành quả, chuyến đi và vẽ này còn điều đặc biệt gì đối với riêng anh?

Sau tất cả, tôi cảm thấy hạnh phúc nhờ đi và vẽ. Nhờ có Hồi Sinh mà tôi đã hiểu thêm về nhiều vùng đất của đất nước mình. Tôi không dám nói là mình biết tất cả về những vùng đất mà tôi từng đi qua, nhưng tôi đã có những cảm nhận và trải nghiệm của riêng mình.

Anh sẽ tiếp tục đi và vẽ chứ?

Tất nhiên! Còn thời gian nghĩa là tôi sẽ còn vẽ và còn đi.

Được thành lập từ năm 1991, Lotus Gallery là một trong những phòng tranh nghệ thuật tư nhân đầu tiên của TP.HCM (Sài Gòn) với mục tiêu nuôi dưỡng, phát triển và mang hội họa Việt Nam vươn ra tầm thế giới.

Khai mạc vào 18 giờ ngày 15 tháng 12, triển lãm Hồi Sinh sẽ mở cửa tự do tham quan từ ngày 16 tháng 12 đến hết ngày 25 tháng 12 tại Lotus Gallery (Tầng 1, Trung tâm C space, 12-13 Đường N1, Khu thương mại Nam, phường Tân Thuận Đông, Quận 7).

Lotus Gallery xin cảm ơn các đối tác chiến lược Vietcetera, Cara Lighting, Ted Saigon đã luôn đồng hành cùng với Lotus trong các hoạt động nghệ thuật. Cảm ơn các nhà tài trợ Nguyễn Hoàng Tú, Guerlain, Johnnie Walker, Nội thất Nhà XinhDHTI đã yêu mến và chung tay hiện thực hoá triển lãm Hồi Sinh.