Khi tình yêu không chỉ là tình yêu đôi lứa… | Vietcetera
Billboard banner

Khi tình yêu không chỉ là tình yêu đôi lứa…

… mà còn là tình yêu nghệ thuật, yêu quê hương, đất nước, yêu những gì thân thuộc nhất với mình.
Khi tình yêu không chỉ là tình yêu đôi lứa…

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera



“Tình yêu” có lẽ không phải một cảm xúc đơn lẻ, mà là một tổ hợp cảm xúc phức tạp bậc nhất của con người. Bởi mỗi người lại có cách nhìn nhận về tình yêu khác nhau, tùy thuộc vào hành trình của cuộc đời họ.

Ở Yêu Lành mùa 1, chúng ta đã nhìn thấy tình yêu qua tâm thức chánh niệm, từ góc nhìn của một người tu tập. Đến mùa 2, tình yêu lại khác biệt qua lăng kính của một nhà đầu tư. Và ở mùa 3, một người làm nhạc lại diễn giải tình yêu qua những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Và ở mùa 4, trong con mắt một người đã sống gần thế kỷ, làm qua đủ công việc và chứng kiến bao sự kiện quan trọng của đất nước, “tình yêu” không chỉ đơn thuần là tình cảm đôi lứa mà nó lớn hơn thế rất nhiều.

Nó còn là tình yêu nghệ thuật, yêu quê hương, đất nước, yêu những gì thân thương nhất với chính mình. Khi biết yêu như vậy, thì bản thân sẽ “yêu lành” với bất cứ mối quan hệ nào trong đời. Đó chính là những gì đạo diễn, tác giả sách, nhà sáng lập Lotus Gallery Nguyễn Thị Xuân Phượng muốn truyền tải cùng khán giả trong mùa 4 của Yêu Lành.

14aug2024bnb00510jpg
Đạo diễn, tác giả sách, nhà sáng lập Lotus Gallery Nguyễn Thị Xuân Phượng. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Mở phòng tranh vì mong muốn đưa nghệ thuật Việt ra thế giới

Từ nhỏ, bà Xuân Phượng vốn đã có tình yêu đặc biệt với hội họa. Thế nhưng phải đến 55 tuổi, bà mới có dịp phát triển tình yêu ấy thành một điều gì đó lớn lao.

Khi đó dù đã đến tuổi về hưu ở Việt Nam, nhưng bà vẫn rạo rực mong muốn tìm kiếm mục tiêu lớn tiếp theo của cuộc đời. Vậy là bà tới Pháp. Và trong thời gian ở đó, bà nhận thấy ấn tượng của người nước ngoài về Việt Nam hầu như chỉ gói gọn trong chiến tranh và đói nghèo, trong khi nước ta có một lịch sử lâu đời về văn hóa, nghệ thuật xứng đáng được biết đến nhiều hơn.

Điều này thôi thúc bà Xuân Phượng quyết tâm phải đưa một hình ảnh khác về Việt Nam, phải đưa được nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Với tình yêu hội họa sẵn có, bà quyết định dành 2000 USD dành dụm được để mở phòng tranh, vừa là để quảng bá văn hóa Việt, vừa để nâng đỡ những họa sĩ tài năng nhưng chưa được công chúng và giới chuyên môn biết đến nhiều.

Trong số những hình ảnh biểu tượng cho Việt Nam, bà Xuân Phượng ấn tượng đặc biệt với hoa sen. Đó là loài hoa “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, và lá của nó dù mưa to đến đâu thì vẫn không thấm nước. Nó giống như ý chí của người Việt, dù khó khăn đến đâu cũng vẫn cố gắng vươn lên chứ không bao giờ bỏ cuộc. Phòng tranh của bà được đặt tên Lotus cũng là lấy cảm hứng từ loài hoa này.

14aug2024lotus312682022114916bjpg
Bà Xuân Phượng trò chuyện cùng khách đến thăm Lotus Gallery. | Nguồn: Lotus Gallery

Yêu tranh theo cách “khổ tận cam lai”

Bà Xuân Phượng nhận định, khái niệm “tình yêu sét đánh” không tồn tại trong hội họa. Để có thể yêu một bức tranh, ta phải dành thời gian nhất định ngắm nhìn, cảm nhận vẻ đẹp trong nó. Với bà, ngắm những bức tranh mang lại sự bình ổn trong tâm hồn cũng là một cách “yêu lành”.

Mở phòng tranh ở tuổi gần 60 với vốn liếng 2000 USD là một quyết định liều lĩnh, nhưng nó cũng phản ánh phương châm của bà Xuân Phượng “khổ trước, sướng sau”. Nếu bắt đầu hành trình với một quãng đường sỏi đá, gập ghềnh rồi mới đến một quãng bằng phẳng, ta sẽ thấy dễ dàng hơn nhiều so với việc đi đường bằng trước rồi mới “leo dốc”.

Bà có thể hy sinh, chịu phần thiệt về phía mình để “nuôi” được phòng tranh, nâng đỡ được các nghệ sĩ rồi mới dần tìm ra cách kinh doanh có lợi nhuận. Và trong quãng đường “khổ tận” ban đầu ấy, khó khăn lớn nhất mà bà phải vượt qua lại không nằm ở chi phí, mà là ở tình cảm với những nghệ sĩ bà làm việc cùng.

Không ít họa sĩ được bà giúp đỡ làm triển lãm, quảng bá giờ đã thành danh. Nhưng nghịch lý thay, lúc này tranh của họ cũng được bán với giá cao hơn, mà bà không thể tiếp tục mua nữa. Về khía cạnh nào đó, nó cũng đau đớn giống như cảm giác của chúng ta khi kết thúc mối quan hệ với người thương. Tình yêu (với hội họa) thì vẫn ở đó, nhưng người ta yêu (các họa sĩ) thì đã rời đi, đầu quân cho các phòng tranh khác.

14aug2024bnb00382jpg
Bà Xuân Phượng luôn trân trọng khoảng thời gian được đồng hành cùng các họa sĩ, dù họ có quyết định thế nào. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Nhưng sau một thời gian, bà Xuân Phượng nhận ra rằng, con chim khi còn non thì có thể bay gần, nhưng khi thành đại bàng nó bắt buộc phải tung cánh bay xa. Bà trân trọng khoảng thời gian mình và các họa sĩ đã đồng hành cùng nhau, và dù họ quyết định ra sao thì tranh của họ vẫn mãi đẹp. Đây là sự trưởng thành trong tình yêu mà chúng ta đều mong muốn hướng đến.

Và quan trọng nhất, họ rời đi không có nghĩa là tình yêu hội họa của bà kết thúc. Bà vẫn tiếp tục đi khắp nơi từ Bắc vô Nam, tìm kiếm những “viên ngọc thô” trong hội họa và mài cho nó sáng.

Trên hành trình ấy có những lúc phải chững lại, có những lúc phải chạy thật nhanh, nhưng hạnh phúc khi được làm hội họa thì vẫn luôn ở đó xuyên suốt. Điều này gợi nhớ một câu nói chúng ta vẫn hay nghe trong tình yêu, “hạnh phúc không phải đích đến, mà là một cuộc hành trình”.