Họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng: Người Việt vốn có nền văn hóa thẩm mỹ rất cao | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng: Người Việt vốn có nền văn hóa thẩm mỹ rất cao

Là nhà phê bình, nghiên cứu văn hóa nặng lòng với di sản người Việt, Phan Cẩm Thượng luôn mong muốn những giá trị ấy được người trẻ biết đến nhiều hơn.
Họa sĩ, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng: Người Việt vốn có nền văn hóa thẩm mỹ rất cao

Nguồn: TINPHUNG cho Vietcetera

Nhắc đến Phan Cẩm Thượng, ông để lại ấn tượng với công chúng là một họa sĩ tài ba, đặc biệt với dòng tranh giấy dó và lụa. Nhưng bên cạnh đó, ông còn là nhà phê bình, nghiên cứu văn hóa nặng lòng với di sản người Việt. Ông là tác giả của Nghệ thuật ngày thường, Tập tục đời người hay Văn minh vật chất Việt Nam - những tựa sách “gối đầu giường” cho bạn đọc muốn nhập môn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

Trong suốt hành trình gần 50 năm nghiên cứu văn hóa, ông Phan Cẩm Thượng luôn trăn trở vì sao các nghệ sĩ đương đại ít khai thác văn hóa truyền thống Việt, mà thường đi tìm cái thẩm mỹ ở phương Tây.

Trong khi đó Việt Nam có vốn văn hóa đặc sắc, phong phú hơn 2000 năm mà chúng ta không nên bỏ phí. Phải chăng vì nó không “hiển hiện” rõ ràng trong sách vở như văn hóa phương Tây, mà là một kho tàng ẩn giấu ta phải chịu khó đào sâu hơn nữa để khai thác?

Đi một vòng thế giới để trở về với cha ông

Sinh ra trong gia đình có nhiều người biết vẽ, Phan Cẩm Thượng bén duyên với hội họa từ nhỏ. Ông mày mò học vẽ theo lối thủy mặc Trung Hoa, rồi học vẽ trong trường học, và cả khi đang trong quân ngũ. Đến 22 tuổi thi đỗ trường mỹ thuật, ông tiếp tục học lối vẽ Tây phương.

Thế nhưng sau quá trình tiếp thu nhiều lối thẩm mỹ khắp nơi trên thế giới, ông trở về lối tạo hình truyền thống Việt Nam. Tình yêu ấy có lẽ xuất phát từ những năm tháng đi sơ tán chiến tranh, ông ấn tượng với những pho tượng, hoành phi trong đền chùa ở các làng xã. Bản thân ông cũng dành gần 20 năm tới nhiều làng trong cả nước, để nghiên cứu văn hóa làng xã Việt.

Đối với Phan Cẩm Thượng, bản thân người Việt đã có nền văn hóa thẩm mỹ rất cao. Nó thể hiện ngay trong kiến trúc đình chùa, trong những điệu dân ca quan họ, hát xoan đã quá đỗi quen thuộc với đời sống làng xã Việt.

Vậy mới thấy đôi khi cái đẹp ở ngay trong chính quê hương, cội nguồn, trong những điều giản dị quanh ta. Chỉ là nó không thể hiện rõ ràng như văn hóa phương Tây, mà mình phải dành thời gian tìm tòi và cảm nhận.

23aug202426bjpg
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng (ngoài cùng bên trái) trong một chuyến đi nghiên cứu văn hóa làng xã Kinh Bắc. | Nguồn: Báo Bắc Ninh

Điều này cũng khá đúng với văn hóa đại chúng và người trẻ hiện nay. Chúng ta thích văn hóa nước ngoài bởi nó phổ biến trên truyền thông, ta tiếp xúc nhiều ắt sẽ có sự thiên vị nhất định.

Thành ra đôi khi nghệ sĩ đương đại khai thác văn hóa nước ngoài quá nhiều mà vô tình quên mất văn hóa truyền thống, bởi nó không dễ thấy. Song khi chịu khó tìm tòi nghiên cứu và xây dựng phông nền văn hóa dân tộc, chúng ta sẽ mở ra một kho tàng văn hóa hơn 2000 năm đặc sắc, phong phú làm chất liệu sáng tạo bền vững sau này.

Làm nghệ thuật không được từ chối đau khổ, và cuộc đời cũng vậy

Một vấn đề khác được Phan Cẩm Thượng nêu ra, là nghệ thuật đương đại Việt gần như không có tính cập nhật (hoặc rất ít). Cụ thể, khi xem tranh của các họa sĩ Thái Lan hay Indonesia, ta nắm được ngay sự kiện gì đang xảy ra ở xã hội họ.

Trong khi mỹ thuật đương đại Việt Nam dường như tập trung hơi nhiều vào mô tả cái đẹp, như vẽ phong cảnh, vẽ chân dung con người. Điều này cũng có mặt trái của nó, là vô tình khiến nghệ thuật Việt mất đi kết nối với thực trạng xã hội.

Các nghệ sĩ đi tìm cái đẹp dường như là cách để “chạy trốn” việc thể hiện nỗi đau, trong khi đây là điều không thể chối bỏ. Trái lại, khi tìm ra cách vật chất hóa đau khổ vào tác phẩm của mình, bạn sẽ có nhiều chất liệu để sáng tác.

23aug2024tranhphancamthuong124541650365762jpg
Tranh “Đối diện” của Phan Cẩm Thượng. | Nguồn: The Muse Artspace

Vượt ngoài khía cạnh nghệ thuật, triết lý này cũng luôn đúng với cuộc đời. Đau khổ là một phần tất yếu của cuộc sống, ta càng chạy trốn nó càng không giải quyết được vấn đề. Ngược lại, khi biết biến nỗi đau của bản thân thành sức mạnh, ta sẽ có được khả năng phục hồi cùng những bài học kinh nghiệm quý giá để tiến gần hơn tới thành công.

Mỗi con người đều sáng tạo theo một cách riêng

Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận định, sáng tạo là một phần tất yếu của cuộc sống. Không chỉ có người làm nghệ thuật hay truyền thông mới sáng tạo, mà ai cũng sáng tạo theo cách riêng dù làm công việc gì. Nhưng cái khó của chúng ta khi đi học là phải giỏi toàn diện, thành ra năng lượng bị phân tán, không thể tập trung sáng tạo trong khía cạnh ta giỏi.

05aug2024haspcttinphung11jpg
Đối với họa sĩ Phan Cẩm Thượng, mỗi người đều sáng tạo theo cách riêng của mình. | Nguồn: TINPHUNG cho Vietcetera

Vì vậy khi xác định theo đuổi điều gì, ta cần tập trung năng lượng vào học tập, trau dồi nó từ cái cổ điển, cơ bản nhất. Và bản thân ông khi xác định nghiên cứu văn hóa dân tộc, thì phải dành thời gian nghiên cứu làng xã - nét đặc trưng tạo nên bản sắc văn hóa Việt. Hiểu được nó thì hiểu được tập tục, thói quen người Việt ở mọi thời đại. Bởi ngày nay các cộng đồng trên mạng xã hội cũng chính là những “ngôi làng” thời đại mới.