Hơn 6500 công nhân thiệt mạng để phục vụ cho World Cup Qatar 2022 | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Hơn 6500 công nhân thiệt mạng để phục vụ cho World Cup Qatar 2022

Dưới cái nóng đổ lửa của Qatar và điều kiện làm việc tồi tệ, hàng ngàn công nhân quốc tế đã thiệt mạng do sốc nhiệt, trụy tim khi chuẩn bị cho World Cup 2022.
Hơn 6500 công nhân thiệt mạng để phục vụ cho World Cup Qatar 2022

Nguồn: Forbes

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Năm 2010, FIFA chính thức công bố Nga và Qatar sẽ là hai nước đăng cai World Cup 2018 và 2022. Sự lựa chọn này ngay lập tức đã vướng phải nhiều tranh cãi và nghi vấn tham nhũng đến từ cộng đồng bóng đá thế giới. Giữa bầu không khí sục sôi ấy, Qatar chính thức chiến dịch kéo dài 12 năm để chuẩn bị cho World Cup 2022.

alt
Sân vận động Al Janoub tại Qatar | Nguồn: Goal

Qua 12 năm, một thành phố hoàn toàn mới được xây dựng tại Qatar cùng hệ thống di chuyển công cộng hiện đại và hàng trăm tòa nhà, khách sạn. Thêm vào đó, Qatar đã xây dựng thêm 7 sân vận động mới để đáp ứng nhu cầu của FIFA. Số tiền đầu tư hơn 220 tỷ đô không phải là thứ duy nhất Qatar đã bỏ ra để thực hiện dự án khổng lồ này.

Theo một cuộc điều tra bởi tờ Guardian, hơn 6500 công nhân quốc tế đã chết trong 12 năm Qatar chuẩn bị cho World Cup 2022. Con số này đã được nhiều đại sứ quán có số lượng nhân công tại Qatar như Ấn Độ, Nepal, Pakistan xác nhận.

2. Những công nhân tại Qatar bị đối xử như thế nào?

Ngay sau khi trở thành đất nước đăng cai World Cup 2022, đã có rất nhiều chỉ trích nhắm đến cách mà Qatar đối xử với lực lượng công nhân quốc tế. Từ những cuộc điều tra lớn của những tổ chức nhân quyền thế giới đến những bộ phim tài liệu như The Workers Cup, tất cả đều vẽ nên một bức tranh khủng khiếp mà những nhân công tại đây phải chịu đựng.

Nếu nhìn vào bản đồ qui hoạch của đất nước này, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra một phần thành phố Doha, được gọi là khu công nghiệp, đã được qui hoạch tách biệt khu đô thị lớn. Để tạo nên một hình tượng Qatar giàu có và thịnh vượng, những công nhân quốc tế được dồn vào khu công nghiệp được xây dựng kế bên hồ nước cống này nhằm giấu họ khỏi ánh nhìn của khách du lịch.

alt
Khu công nghiệp được đánh dấu màu xanh biển trên bản đồ qui hoạch Doha | Nguồn: Johnny Harris

Tại đây, một căn phòng nhỏ là nơi ở của 6-8 công nhân. Nhiều cuộc điều tra đã chỉ ra rằng chính quyền đã thất bại trong việc cung cấp đầy đủ nước uống và nước sinh hoạt cho những người công nhân này.

Hàng ngày, những công nhân làm việc theo ca từ 10-15 tiếng giữa cái nóng gay gắt của Qatar. Theo lời kể của những công nhân tại đây, họ liên tục bị hối thúc và mắng chửi bởi những người chủ thợ, những người đã không thể đảm bảo một môi trường làm việc đủ an toàn cho những người công nhân.

Chính vì điều kiện sống và làm việc tệ hại này, hơn 6500 công nhân quốc tế làm việc tại Qatar đã mãi mãi không thể trở về với gia đình vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu là sốc nhiệt và trụy tim.

alt
Bên trong một căn phòng tại khu công nghiệp | Nguồn: BBC

3. Vì sao những "nô lệ thời hiện đại" chấp nhận điều kiện làm việc này?

Để đảm bảo cho tiến trình xây dựng cho World Cup 2022, chính quyền Qatar đã đẩy mạnh hệ thống Kafala, một hệ thống mà về cơ bản, cho phép chủ thầu và chủ công trình toàn quyền quyết định số phận của những nhân công.

Những công ty xây dựng này đi đến những nước như Bangladesh, Ấn Độ, Philipines để tuyển nhân công. Những công ty này vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp, thậm chí nói dối người dân tại đây rằng họ đến Qatar để làm những công việc khác để thu hút nhân công.

Những người được chọn để làm công nhân tại Qatar đã phải đóng một lệ phí tuyển dụng lên đến 4000 đô la để tới đây làm việc. Khi họ chính thức đặt chân đến Qatar, hộ chiếu của họ sẽ bị giữ lại bởi những công ty xây dựng nhằm ngăn chặn họ đi ra khỏi Qatar khi không có sự cho phép của những công ty này.

Ngoài ra, hệ thống Kafala còn nghiêm cấm những nhân công này đổi công việc, đổi nơi ở của họ tại Qatar. Việc những người công nhân tại đây bị giữ lương, tịch thu lương, trừ ngày nghỉ bởi công ty xây dựng cũng được chính quyền Qatar “mắt nhắm mắt mở” bỏ qua.

Với lệ phí tuyển dụng cực kì cao mà họ phải nộp cho những công ty này, những người công nhân không hề có một lựa chọn nào khác là phải tiếp tục làm việc để trả nợ. Hệ thống này đã tạo ra một môi trường làm việc mà tại đó, những công ty xây dựng nắm giữ toàn bộ tài sản và nhân quyền của một công nhân khi họ tới Qatar làm việc.

4. Qatar đã làm những gì để cải thiện tình trạng?

World Cup 2022 được Qatar xem là một cơ hội để chứng minh cho thế giới là họ khác biệt so với những đất nước làm giàu bằng dầu mỏ khác. Khi vấp phải những chỉ trích đến từ vấn đề nhân quyền vẫn còn hiển hiện tại đây, chính quyền Qatar đã có những hứa hẹn sẽ thay đổi hệ thống Kafala.

Vào năm 2017, Qatar nghiêm cấm những công ty xây dựng tịch thu hộ chiếu của công nhân và cho phép họ tự do đổi công việc mà không cần sự cho phép của công ty. Ngoài ra những điều lệ mới đã được đưa ra để công nhân không phải làm việc tại những thời điểm nóng bức nhất trong ngày nhằm giảm thiểu tình trạng sốc nhiệt.

alt
Những người công nhân biểu tình tại Qatar | Nguồn: Global Construction Review

Tuy nhiên theo những cuộc điều tra bổ sung của những tổ chức nhân quyền thì những điều lệ này chưa thật sự được thực thi một cách hiệu quả. Những hứa hẹn của chính quyền Qatar trong việc cải thiện môi trường sống và làm việc của nhân công vẫn chưa được thực hiện và ngay cả khi World Cup đã diễn ra, vẫn chưa hề có dấu hiệu bắt đầu.

5. Vì sao những người hâm mộ bóng đá nên quan tâm?

Đọc hết bài viết này, chắc chắn sẽ có nhiều người hâm mộ bóng đá đặt ra câu hỏi trên. Vì sao họ lại phải quan tâm đến những vấn đề này khi chúng không hề liên quan hay ảnh hưởng đến chất lượng của những trận bóng mà họ đang xem.

Từ Thế Vận Hội Mùa hè tại Đức Quốc Xã năm 1936, World Cup 1978 tại Argentina đến World Cup 2018 tại Nga và World Cup 2022 tại Qatar, thể thao đã trở thành một công cụ để những đất nước này đánh lạc hướng người dân và thế giới về tình trạng tệ hại mà họ đã gây nên cho những con người sống tại đây.

Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đã trở thành một thứ ngôn ngữ chung, nơi hàng tỷ con người trên thế giới có thể cùng thưởng thức và kết nối. Việc hiểu và nhận biết được những vấn đề đang hiện hữu này đặc biệt quan trọng vì niềm vui và sự kết nối ấy không thể được xây dựng dựa trên nỗi đau mất mát của hàng ngàn những gia đình đã mất đi người thân, những trụ cột gia đình khi họ đến Qatar.

Sự lũng đoạn của FIFA, lẫn sự thờ ơ của cộng đồng bóng đá phần nào đã và đang tiếp tục tạo cơ hội cho những cái chết thương tâm này diễn ra tại Qatar, và có thể là những quốc gia khác trong tương lai. Nhưng chính World Cup 2022 cũng đã khiến những vấn đề nhân quyền này được chú ý bởi thế giới và chúng ta không thể thờ ơ và để những cái chết ấy chìm vào quên lãng.