Jean-Luc Godard: Trở thành bất tử trước đã, rồi hãy chết! | Vietcetera
Billboard banner
14 Thg 09, 2022
Điện ẢnhDVD

Jean-Luc Godard: Trở thành bất tử trước đã, rồi hãy chết!

Godard đã bất tử ngay từ bộ phim đầu tay của ông – Breathless – và chết 62 năm sau, đúng như một câu thoại mà ông “cài” vào thoại của một nhân vật do Jean-Pierre Melville đóng.
Jean-Luc Godard: Trở thành bất tử trước đã, rồi hãy chết!

Nguồn: Getty Images

Tin Jean-Luc Godard tạ thế ngày hôm qua là một cú sốc lớn đối với giới mộ điệu điện ảnh, dù ông qua đời ở tuổi 91 – cửu thập cổ lai hy xưa nay vốn hiếm trong giới điện ảnh. Nhưng tôi nghĩ cảm giác bất ngờ và bàng hoàng luôn xảy ra khi những tên tuổi lớn, những vĩ nhân của thời đại qua đời vì khoảng trống mà họ để lại.

Godard có thể coi là người khổng lồ cuối cùng của điện ảnh, với những kiệt tác từ thập niên 60 mà vẫn có ảnh hưởng lớn ở thời đại này. Những người khổng lồ khác như Federico Fellini, Ingmar Bergman, Andrei Tarkovsky, Michelangelo Antonioni, Luchino Visconti, Stanley Kubrick và ngay cả François Truffaut - người “đồng chí” của Godard - đều đã đã qua đời từ lâu.

Godard chọn một cái chết theo dạng “trợ tử” (assisted dying) sau nhiều năm tháng sống ẩn dật, dù vẫn làm phim đến gần cuối đời (bộ phim cuối cùng của ông là The Image Book từng tranh giải Cành cọ vàng năm 2018). Thực ra, Godard đã trở thành bất tử từ lâu rồi, như một câu thoại trong kiệt tác quan trọng nhất của ông là Breathless (1960): “Trở thành bất tử, rồi chết.”

Biết nói gì về người khổng lồ cuối cùng của điện ảnh Pháp?

Hơn 20 năm trước, lúc mới bắt đầu viết về điện ảnh, những đại diện tiêu biểu trong hai trào lưu quan trọng nhất của điện ảnh là Làn sóng mới (Pháp) và Tân hiện thực (Ý) - Godard, Truffaut, Fellini, Antonioni, Visconti – gây tò mò cho tôi vì họ luôn được nhắc tới như những huyền thoại “bí ẩn” nhất.

14sep2022communityicon4ot1jk9f2c871jpg
Godard và Truffaut tại LHP Cannes năm 1968. | Nguồn: Deadline

Khác với các huyền thoại của Hollywood mà tôi xem hàng tuần ở Fansland Cinema (Lý Thường Kiệt, Hà Nội), các bậc thầy châu Âu rất khó tiếp cận ở thời điểm ấy. Đó là cho đến khi rạp chiếu phim nghệ thuật Hanoi Cinematheque của một “ông Tây” khánh thành tại một góc phố nhỏ trên đường Hai Bà Trưng.

Tại đây, tôi bắt đầu được “mở mắt” và thường lạc lõng giữa những ông Tây bà đầm ngồi say mê thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật kinh điển nhất của điện ảnh châu Âu. Những tuần phim nối tiếp nhau một cách hệ thống của Hanoi Cinematheque thực sự đã khai sáng tôi, dẫn dắt tôi bước vào thế giới điện ảnh nghệ thuật.

Tôi được xem những bộ phim quan trọng nhất của Ozu, Kurosawa, Fellini, Antonioni… Và tất nhiên, không thể thiếu hai tuần phim nối tiếp nhau giới thiệu hai “icon” của Làn sóng mới: Francois Truffaut và Jean-Luc Godard.

Tôi đón nhận hai biểu tượng này với hai thái độ hoàn toàn khác nhau. Say mê và có phần sùng bái Truffaut với The 400 Blows, Shoot the Piano Player, Jules & Jim, Day for Night, nhưng lại… nuốt không trôi với Godard. Sau Breathless khá ức chế về mặt thưởng thức và Week-end có vẻ nhàm chán, mệt mỏi, tôi đành bỏ cuộc và không xem tiếp các bộ phim khác của ông.

14sep202218447022masterjpeg
Poster phim Wee-kend (1967). | Nguồn: iMDB

Mãi hơn 20 năm sau, vào thời điểm này năm ngoái, lúc nghe tin huyền thoại Jean-Paul Belmondo qua đời, lại đúng dịp dư dả thời gian trong giai đoạn phong tỏa, tôi mới nhân dịp đó làm một cuộc marathon với Godard. Tôi bắt đầu với Breathless (1960) rồi tiếp tục với Pierrot le Fou (1965), Contempt (1963), và kết thúc bằng Masculin Féminin (1966).

Bốn bộ phim là không nhiều so với hơn 40 phim trong suốt gần 6 thập niên sáng tạo của Godard, nhưng giúp tôi hiểu về ông và xóa bỏ những định kiến theo kiểu “cách tân nhưng nhàm chán.”

Quả thực, khác với những bộ phim kinh điển của thế hệ cũ vốn luôn gây cảm giác cổ điển "của một thời xa xưa,” phim của Godard đầy hiện đại, đầy phá cách và táo bạo với những bộ phim thực sự là điện ảnh. Ngôn ngữ và phong cách được đưa lên hàng đầu, trong khi các yếu tố quan trọng khác như cốt truyện, sự kịch tính, nội tâm nhân vật… trở nên thứ yếu và khá lỏng lẻo.

Cuộc cách mạng mang tên Breathless

Năm 2012, trong cuộc bình chọn 100 bộ phim vĩ đại nhất do Sight and Sound tổ chức (đây luôn là list phim mà tôi tín nhiệm nhất), Breathless xếp thứ 13 và Godard có 4 phim trong danh sách này. Ông thuộc nhóm đạo diễn có nhiều phim được bình chọn nhất.

Là bộ phim đầu tay của Godard, Breathless như một cuộc cách mạng thực sự với điện ảnh. Cùng với The 400 Blows của Truffaut ra trước đó một năm, Breathless ngay lập tức khởi phát một trào lưu điện ảnh được nhắc tới nhiều nhất trong thế kỷ 20: Làn sóng mới của Pháp.

Godard vẫn dành sự tôn kính cũng như chịu ảnh hưởng bởi những bậc thầy của Hollywood thời đại vàng, đặc biệt là Howard Hawks, Otto Preminger, và ngôi sao nam biểu tượng của thế hệ này là Humphrey Bogard qua những hình ảnh mà ông đưa vào Breathless (Jean-Paul Belmondo đội một chiếc mũ rộng vành và bắt chước cách hành xử như Bogard trong các bộ phim noir).

14sep2022jeanpaulbelmondobreathlesspng
Jean-Paul Belmondo trong Breathless. | Nguồn: Vague Visages

Tuy nhiên, ông phá bỏ rất nhiều thứ thuộc về truyền thống và chuẩn mực của Hollywood trong cách dàn cảnh, kỹ thuật quay phim cũng như cắt dựng – những thứ sau này trở thành cuộc cách mạng cho điện ảnh nghệ thuật.

Breathless bám vào một cốt truyện về gangster, những ảnh hưởng của văn hóa đại chúng, nhạc jazz và nhiều thứ “đương thời” khác, đặc biệt là không khí chính trị tại Pháp những năm đầu 60. Thế nhưng tác phẩm lại tràn ngập sự phóng túng và táo bạo trong cách thể hiện, đặc biệt là những cảnh quay trên đường phố Paris ngập tràn ánh nắng, hay một cảnh kinh điển dài miên man giữa tên du thủ du thực (Belmondo) và nàng thơ của hắn, cô sinh viên báo chí người Mỹ (Jean Seberg).

Trong phim còn có cảnh cô kí giả trẻ phỏng vấn một nhà văn nổi tiếng (vai cameo của Jean-Pierre Melville - một trong những đạo diễn mà Godard tôn kính) có câu trả lời mà tôi trích dẫn ở nhan đề:

"Tham vọng lớn nhất của ông là gì?" (What’s your greatest ambition?)

"Trở thành bất tử, rồi chết." (To become immortal, and then die.)

Màn ra mắt chói sáng của Breathless thực sự trở thành một cú hích cho Làn sóng mới của Pháp bùng nổ. Ngay ở bộ phim đầu tay ở tuổi 32, Godard được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Berlin.

Nhiều nhà phê bình, đến ngày nay, vẫn coi Breathless là bộ phim giàu tính thể nghiệm và táo bạo nhất của điện ảnh khi phá vỡ những ranh giới giữa điện ảnh và nghệ thuật. Thậm chí, một số người còn cho rằng Godard đã phát minh lại nghệ thuật điện ảnh, đẩy nó đến lằn ranh của sự mạo hiểm và thể nghiệm.

httpsnofilmschoolcom201505whatjeanlucgodardsbreathlesscanteachyouaboutfilmmaking
Hậu trường phim Breathless. | Nguồn: No Film School

Điện ảnh của Godard là vậy, nhất là trong giai đoạn sáng tạo sung sức và bùng nổ nhất của ông với một loạt phim nối đuôi nhau ra mắt, từ Breathless cho đến Week-end (1967).

Không cần diễn viên nổi tiếng (dù Godard làm nên sự nổi tiếng cho một loạt diễn viên cộng tác với ông, trong đó có Belmondo, Jean Seberg và Anna Karina), không cần những “character study” với nội tâm phức tạp hay dàn cảnh hoành tráng, Godard vẫn tạo ra được một thứ điện ảnh mang đậm dấu ấn cá nhân với những cảnh quay, những câu thoại ngẫu hứng.

Xem phim của Godard đôi lúc không cần phải quan tâm đến bắt đầu hay kết thúc. Nó cứ diễn ra như chính cuộc sống vậy. Thế cho nên, dù 4 bộ phim tôi xem đều có những cái kết kiểu “thảm kịch” với 4 nhân vật chính đều chết thảm ở cuối phim, nhưng Godard không xử lý những đoạn kết thành những màn bi kịch gây sốc hay mua nước mắt khán giả. Thế giới của Godard diễn ra như nó-đang-là vậy!

Sức ảnh hưởng của cây đại thụ trong làng điện ảnh

Bên cạnh vai trò nhà phê bình, biên kịch, đạo diễn, Godard còn là một bậc thầy về lý thuyết, về cải cách, về nghệ thuật, về chính trị, về văn hóa đại chúng (phim của ông sử dụng vô số các trích dẫn, đôi lúc để nhân vật nhìn thẳng vào ống kính và đối thoại với khán giả, tìm cách phá vỡ bức tường thứ tư). Ông cũng là một nghệ sĩ vô cùng cực đoan và khiêu khích. Ông đã nhiều lần tuyên bố rằng “điện ảnh đã chết”.

Dù tôn kính các bậc thầy cổ điển của điện ảnh Mỹ, Godard không ngừng chỉ trích điện ảnh Mỹ và tính thương mại của nó qua những câu nói “sốc óc” như: “Tôi thương cho điện ảnh Pháp vì không có tiền. Tôi tiếc cho điện ảnh Mỹ vì không có ý tưởng.” Hay là: “Điện ảnh là chủ nghĩa tư bản ở dạng thuần túy nhất… Chỉ có một giải pháp: quay lưng lại với điện ảnh Mỹ.”

Nhưng bất chấp điều đó, nhiều tên tuổi của điện ảnh Mỹ đương đại vẫn tôn kính Godard, trong đó có Martin Scorsese và Quentin Tarantino. Và người ta nói rằng, thật khó để tưởng tượng về bất kỳ đạo diễn cách tân nào sau những năm 1960 mà không học hỏi hoặc kế thừa từ Godard.

Roger Ebert, ngay từ năm 1969, cũng đã viết về Godard với sự ngưỡng mộ: “Godard là một đạo diễn hạng nhất. Không có đạo diễn nào trong thập niên 1960 có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của điện ảnh hơn ông. Giống như James Joyce trong tiểu thuyết hay Samuel Beckett trong sân khấu, Godard là người tiên phong mà tác phẩm lúc mới ra đời thường không được khán giả đương thời chấp nhận. Nhưng sự ảnh hưởng của ông đối với các đạo diễn lớn khác sau ông đang dần dần tạo được sự lan tỏa và “giáo dục” lại khán giả. Có lẽ là trong các thế hệ tiếp theo, họ sẽ xem lại các bộ phim của Godard và nhận ra rằng, đây là nơi mà điện ảnh của họ bắt đầu.”