Joni Mitchell: Để không bị dán nhãn, ta cần sự thành thật | Vietcetera
Billboard banner

Joni Mitchell: Để không bị dán nhãn, ta cần sự thành thật

“Tôi là một kẻ công khai, và cuộc đời tôi là trang sách mở.”

Joni Mitchell: Để không bị dán nhãn, ta cần sự thành thật

Joni Mitchell chụp bởi Jack Robinson năm 1968 | Nguồn: Getty Images

Người làm sáng tạo thường loay hoay trong việc bị định hình bởi những luồng ý kiến bên ngoài, hoặc tự dán nhãn bản thân. Vậy làm cách nào để bảo vệ được tầm nhìn của mình? Câu trả lời của Joni Mitchell là đừng thỏa hiệp và hãy thành thật.

Joni Mitchell là ca sĩ, nhạc sĩ người Canada, với 17 album mang ảnh hưởng đa dạng từ pop, nhạc thính phòng, folk, jazz, rock. Lời ca của bà giàu triết lý và lý tưởng về xã hội, tình yêu, đấu tranh cho bình đẳng.

Là một trong những người viết nhạc giàu ảnh hưởng nhất, góp phần định hình cả văn hóa đại chúng, Joni đã có 9 giải thưởng Grammy, có mặt trong "Rock and Roll Hall of Fame".

Sự thành thật là cần thiết để bảo vệ tầm nhìn của mình

Trong quan niệm của Joni, âm nhạc đôi khi giống như một “nghề nghiệp trả lương cao”. Ở tuổi 20, bà vốn theo học trường mỹ thuật và chỉ bỏ học vì mang thai ngoài ý muốn.

Việc hát ở các quán bar phần nào giúp bà sinh tồn khi còn là một bà mẹ đơn thân, và đưa bà tiến dần trong con đường âm nhạc. “Tôi luôn coi bản thân như một họa sĩ, đi chệch đường chỉ vì hoàn cảnh.” - bà trả lời tờ Globe and Mail năm 2000.

Với lời ca giàu tự sự, đầy xúc cảm và những chi tiết chân thành, Joni là một trong những nghệ sĩ mở đường cho dòng nhạc pop giàu tính tự thuật. Âm nhạc của bà thường đến từ nỗi đau cá nhân. Từ thuở ấu thơ - khi phải sống trong cô độc nhiều tháng liền vì bệnh bại liệt, đến nỗi đau của một bà mẹ trẻ đơn thân phải từ bỏ con vào chế độ nhận nuôi.

Chụp bởi Jack Robinson năm 1968

“Tôi phải tạm biệt con gái khi mới 21 tuổi. Tôi phải từ bỏ nó vì tôi hoàn toàn khánh kiệt, không có nhà để trở về, không có tiền để chăm sóc. Đó là một sang chấn lớn. Nên tài năng âm nhạc của tôi đến từ bi kịch, và sự mất mát.”

Và “Little Green” (trong album Blue) chính là một lời ca vĩnh biệt con gái của Joni: “Little green, have a happy ending.” (Và hạnh phúc thay: hai mẹ con bà đã đoàn tụ năm 1997).

Joni nhìn cuộc đời giống như chúng ta - đều là những kẻ cô đơn. Vào thời điểm album Blue được ra mắt, những nghệ sĩ nhạc Pop cùng thời luôn từ chối thú nhận nỗi cô đơn ấy. Còn với Joni, bà luôn công khai, thoải mái với điều đó và nhìn cuộc đời như một trang sách mở.

Sự thành thật không đồng nghĩa với việc biến bản thân trở thành chủ thể trong mọi tác phẩm. Joni là một người quan sát và lắng nghe đầy thấu cảm, tường thuật lại về cuộc sống với lời ca đa cảm của mình.

Đó cũng là điều giúp người nghệ sĩ bảo vệ tầm nhìn, cái tôi và màu sắc riêng của mình một cách sắc sảo nhất.

“Có một cái “nhãn” mà tôi sẽ chấp nhận: Tôi là một ‘cá thể’. Tôi là một người không thể theo đuôi ai, và tôi cũng không muốn dẫn đầu."

“I have an aversion to being mislabeled. Here's a label I'd accept: I'm an 'individual.' I'm someone who can't follow, and doesn't want to lead.”

Cần nhiều hơn một đam mê để giữ cân bằng

Đứng trước những thách thức trong sáng tác, người nghệ sĩ nên có những hoạt động sáng tạo khác để giữ cân bằng.

Một số bìa album của bà: Song To A Seagull (1968), Ladies of the Canyon (1970), Turbulent Indigo (1994), Taming The Tiger (1998), Both Sides Now (2000)

Để tìm thấy cảm hứng thuần khiết khi được sáng tác tự do. Joni không gò ép mình để làm những thứ không rõ ràng. Khi thấy bức bối, bà cầm cọ lên và vẽ. Khi không thể vẽ tiếp, bà cầm đàn guitar lên và chơi.

Với Joni, việc vẽ giống như một chốn an toàn. Dù bà sống ở California từ năm 1968, Joni ít khi vẽ cảnh vật ở Los Angeles, mà thường là những phong cảnh ở quê hương Canada, hay những người thân yêu (và những chú mèo của bà nữa). Trái ngược với âm nhạc đầy ẩn ức, tranh vẽ của bà thơ mộng và trong lành.

Joni trả lời trước buổi triển lãm tranh năm 2000 phần nào giải thích lý do bà giải nghệ và chuyển sang vẽ: “Tôi hát nỗi buồn của mình, và tôi vẽ những niềm vui.” Joni tự vẽ hầu hết các bìa album của bà, làm nên một Joni Mitchell trọn vẹn cả trong âm nhạc và hình tượng. 

Chuyển hóa nỗi tức giận thành nghệ thuật

Việc chuyển hóa nỗi tức giận trong sáng tác - là một hoạt động kéo dài suốt sự nghiệp của Joni Mitchell. Minh chứng là Big Yellow Taxi - bài “quốc ca” của phong trào bảo vệ môi trường suốt 5 thập kỷ qua, với những lời ca giễu cợt cay đắng. 

Joni luôn có một mối liên kết tinh thần chặt chẽ với thiên nhiên, với thời ấu thơ ở giữa rừng-núi-sông Saskatchewan hoang dã. Bà quan niệm về nỗi đau tinh thần lớn nhất trong cuộc đời, là khi con người bất lễ với thiên nhiên.

Joni Mitchell tại nhà ở British Columbia, chụp bởi Joel Bernstein

Không chỉ trong phong trào bảo vệ môi trường, Joni còn dùng lời ca của mình để phản đối chiến tranh, bảo vệ quyền phụ nữ và kêu gọi công bằng xã hội. Không gượng ép, không hô hào, bài hát của bà là những câu chuyện.

Đó là cuộc đời một người lính bị PTSD sau chiến tranh Việt Nam trong The Beat of Black Wings hay một em nhỏ bị bạo hành trong Cherokee Louise. Chính những câu chuyện cuộc đời, cùng lời ca giãi bày và giàu ẩn dụ, đã chạm đến trái tim người nghe nhiều thế hệ.