Juvenile Justice: Cái nhìn cương quyết về tội phạm vị thành niên | Vietcetera
Billboard banner

Juvenile Justice: Cái nhìn cương quyết về tội phạm vị thành niên

"Nạn nhân sẽ ở nhà, còn kẻ thủ ác bị trừng phạt." - Có phải lúc nào điều này cũng được áp dụng (đúng) với tội phạm trẻ tuổi?
Juvenile Justice: Cái nhìn cương quyết về tội phạm vị thành niên

Nguồn: Juvenile Justice/Netflix/Minh Hồng cho Vietctera.

1. Juvenile Justice kể câu chuyện gì?

Ra mắt trên Netflix từ ngày 25/02, Juvenile Justice (tựa tiếng Việt: Tòa án vị thành niên) nhanh chóng được khán giả chú ý bởi đề tài gây tò mò và tranh cãi. Bộ phim theo chân Shim Eun Seok, một thẩm phán tại tòa án vị thành niên Quận Yeonhwa, Hàn Quốc xét xử các tội phạm trẻ tuổi.

10 tập phim Juvenile Justice mang đến các câu chuyện đau lòng, ám ảnh; một số dựa trên những vụ án có thật ngoài đời tại Hàn Quốc. Hầu hết các vụ việc đều có tính chất nghiêm trọng như giết người dã man, bạo lực gia đình, hiếp dâm...

2. Dàn diễn viên “đỉnh của chóp” gồm những ai?

Bên cạnh nội dung gây tò mò, một phần làm nên thành công của Juvenile Justice là ở dàn diễn viên. 4 vai chính được đảm nhận bởi các tên tuổi đầy ấn tượng gồm Kim Hye Soo, Kim Moo Yeol, Lee Sung Min và Lee Jung Eun.

Dàn diễn viên trẻ cũng có những màn hóa thân tuyệt vời như Lee Yeon, Lee Joo Won, Shim Dal-Gi, Kim Joon Ho... Đặc biệt, nữ diễn viên 28 tuổi Lee Yeon đã để lại ấn tượng mạnh khi vào vai phạm nhân giết người 13 tuổi tên Baek Sung Woo.

3. Juvenile Justice khác gì với các phim tội phạm vị thành niên trước đây?

So các bộ phim cùng chủ đề, tác phẩm của đạo diễn Hong Jong Chan đi thêm một bước đầy mới mẻ khi soi chiếu tội ác dưới góc độ pháp luật (tư pháp).

Có thể nói, bộ phim đã mang đến một cách nhìn nghiêm túc, đa chiều, không ngại động chạm về vấn đề tội phạm trẻ vị thành niên. Ở đó, người nắm trong tay quyền lực sẽ đưa ra những bản án công tâm cho kẻ thủ ác, dù chỉ đang tuổi cắp sách đến trường.

Biên kịch Kim Min Seok mong muốn trình bày nhiều quan điểm và ý kiến trái chiều về tội phạm vị thành niên thông qua 4 nhân vật vào vai thẩm phán, chánh án. Từ đó, khán giả có thể nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau qua sự va chạm giữa các thẩm phán với niềm tin của chính họ.

4. Juvenile Justice chưa “đã” chỗ nào?

Có nhiều điều để khen ngợi nhưng Juvenile Justice cũng có không ít hạn chế. Chủ đề phim liên hệ phức tạp đến hệ thống giáo dục, công lý, gia đình, sức khỏe tinh thần và đạo đức… nhưng đôi chỗ chưa được giải quyết thỏa đáng.

Thời lượng dài, một vài khoảnh khắc cố tỏ ra triết lý, hay thừa thãi khiến bộ phim chưa thực sự đã trong lúc theo dõi. Chưa kể các yếu tố bạo lực hoặc gây hấn được sử dụng rải rác trong phim chưa thực sự đạt được hiệu quả ngoài yếu tố gây sốc, hoặc tô điểm nghệ thuật cho bộ phim.

5. Pháp luật quốc tế xét xử tội phạm vị thành niên dựa trên điều gì?

Khác với những người phạm tội đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, trẻ vị thành niên thực thi tội ác vẫn thường gây bối rối và khó xử. Mỗi quốc gia có một cách xác định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, mức độ nghiêm trọng; cũng như có những khung hình phạt khác nhau với loại tội phạm này.

Trong hầu hết các hệ thống pháp luật hiện đại, trẻ em phạm tội được đối xử khác với người lớn hợp pháp đã phạm tội tương tự. Ở một số quốc gia, tội phạm vị thành niên sẽ được xét xử tại Tòa án vị thành niên.

Trong hệ thống pháp luật quốc tế, việc xét xử tội phạm vị thành niên còn được dựa trên những điều sau:

  • Công ước quyền trẻ em: Được thông qua và mở cho các quốc gia ký kết, phê chuẩn và gia nhập theo Nghị quyết của Liên hợp quốc.
  • Bộ quy tắc về Tiêu chuẩn tối thiểu về Quản lý tư pháp người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh), được ban hành bởi Liên hợp quốc .
  • Bộ quy tắc về Bảo vệ trẻ em bị tước tự do của Liên hợp quốc (Quy tắc Havana).
  • Hướng dẫn về Làm việc với trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự - Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc.
  • Bình luận Chung số 10 (2007) về Quyền trẻ em trong Tư pháp người chưa thành niên của Uỷ ban Quyền trẻ em.

6. Tội phạm vị thành niên ở Việt Nam bị xét xử như thế nào?

Việt Nam không có tòa án riêng để xét xử các tội phạm vị thành niên. Theo quy định của Luật hình sự, người từ đủ 14 tuổi phái chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp; người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi loại tội phạm.

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định người từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi được hưởng chính sách về người dưới 18 tuổi phạm tội, theo đó:

  • Không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người dưới 18 tuổi.
  • Người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 12 năm.
  • Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì hình phạt tù cao nhất không quá 18 năm tù.

Trường hợp áp dụng tù có thời hạn thì hình phạt với người dưới 18 tuổi sẽ không quá 3/4 mức hình phạt so với người đã thành niên.

7. Những tác phẩm nào cùng chủ đề bạn nên xem?

Với chủ đề tội phạm vị thành niên, khán giả có một số lựa chọn thú vị ngoài Juvenile Justice. Bạn có thể sẽ rợn tóc gáy khi xem Lời thú tội (confession) của điện ảnh Nhật Bản; hay ám ảnh với The Girl From Nowhere của Thái Lan.

Cùng chủ đề, tác phẩm A Clockwork Orange (Cỗ máy con người) của đạo diễn Stanley Kubrik sẽ là một trải nghiệm điện ảnh dị biệt và ám ảnh. Hay như phim điện ảnh Don't Cry Mommy (Mẹ ơi đừng khóc) có thể lấy đi nước mắt của bạn về tội phạm hiếp dâm vị thành niên.

Điểm chung ở những bộ phim kể trên thường năm ở việc mô tả câu chuyện, nỗi đau, mặc cảm của nạn nhân. Những yếu tố rùng rợn, bạo liệt cũng được sử dụng mang đến nhiều trải nghiệm cho người xem. Công lý, đôi khi, được thực thi từ phía nạn nhân như trong Lời thú tội hay thế lực siêu nhiên từ Girl From Nowhere.