Kết thúc năm COVID thứ nhất, thể loại phim sinh tồn lên ngôi | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Kết thúc năm COVID thứ nhất, thể loại phim sinh tồn lên ngôi

Tại sao bạn phải coi ngay Alice In Borderland!
Kết thúc năm COVID thứ nhất, thể loại phim sinh tồn lên ngôi

Tại sao bạn phải coi ngay Alice In Borderland!

1. Alice in Borderland liên quan tới Alice in Wonderland như thế nào?

Alice in Borderland có cái tên nghe tương đồng với câu chuyện cổ tích Alice lạc vào xứ sở thần tiên. Tuy nhiên, bộ phim lại mang màu tàn khốc với thực tại méo mó, hoàn toàn khác với phiên bản cổ tích.

Xoay quanh chủ đề sinh tồn, bộ phim bắt đầu với Ryohei Arisu (Arisu là cách đọc của Alice trong tiếng Nhật), một thanh niên thất nghiệp. Arisu liên tục gặp vấn đề từ gia đình tới định hướng tương lai. Sống một cách không mục đích chưa bao lâu thì Arisu “rơi" vào một thế giới kỳ lạ, một phiên bản phản địa đàng của Tokyo. Arisu bắt buộc phải tham gia các trò chơi sinh tồn tàn khốc để giành lấy quyền được sống, thứ trước đó được cho là vô nghĩa với cậu.

2. Alice in Borderland manga và live action có khác nhau nhiều?

Alice in Borderland được chuyển thể thể từ bộ truyện tranh Nhật Bản (manga) ăn khách cùng tên của Haro Aso. Bộ phim đã sớm nhận được nhiều lời khen với bối cảnh một Tokyo hoang tàn, những trục đường vắng lặng và đại lộ Shinjuku không một bóng người. Bên cạnh đó dàn diễn viên với hình ảnh và tính cách gần như sát với bản gốc.

Một điểm cộng tuyệt vời cho phiên bản Live-action khi một số trò chơi và tình tiết trong truyện đã được “hiện thực hoá" cho phù hợp, tập trung vào cốt truyện chính cũng như làm tăng tính thực tế cho các trò chơi trong phim.

Trograve chơi sống cograven đầu tiecircn trong phim được thay thế bằng phiecircn bản Escape Room trong bản liveaction Nguồn Netflix
Trò chơi sống còn đầu tiên được thay thế bằng phiên bản Escape Room trong bản live-action | Nguồn: Netflix

3. Tìm được cảm giác gì trong thể loại (kinh dị) sinh tồn?

3 lý do chính để giải thích sự “ghiền" phim kinh dị nói chung và sinh tồn nói riêng:

  • Sự căng thẳng: Sự căng thẳng nhất thời của phim kinh dị đánh lừa bộ não, khiến ta tạm quên đi những lo lắng thật sự mà bộ não đang trải qua
  • Sự liên quan: Ít hay nhiều thì những người coi phim kinh dị đều đã một lần đặt cho mình câu hỏi là mình sẽ sống còn như thế nào khi bị rơi vào tình huống đấy?
  • Tính phi thực tế: Sau khi căng thẳng suy nghĩ về sự tương đồng của bản thân về bộ phim kinh dị thì cũng là lúc bộ não thở phào nhẹ nhõm khi biết bộ phim này không có thật!

4. Năm COVID thứ nhất có phải là lúc thời đại sinh tồn lên ngôi?

Chuyên gia về Văn hoá và Truyền Thông James Kendrick nhận định rằng thể loại phim kinh dị luôn luôn hướng tới “nỗi sợ" của con người qua nhiều thời kỳ. Chủ đề của phim cũng thay đổi dựa theo những nỗi sợ đó.

Nếu như những phim kinh dị thời đầu với những con quái vật đáng sợ như Nosferatu (1922); Jacob’s Ladder (1990) với những lồng ghép về ám ảnh của chiến tranh Việt Nam. Trong khoảng thời gian này, thể loại sinh tồn trở nên thức thời hơn bao giờ hết trước đại dịch.

Sự thay đổi bất chợt và đột ngột với những lệnh cấm tiếp xúc và những con số gia tăng mỗi ngày của tỷ lệ tử vong do COVID-19, khiến cuộc sống bình yên trở nên xáo trộn. Viễn cảnh về một ngày “tận thế" trở nên gần hơn bao giờ hết. Tất cả những dự định và mục đích trong năm gói gọn lại trong 2 chữ làm sao để “sinh tồn".

5. Cách mà não nhảy vào chế độ sống còn

Khi rơi vào trường hợp phải sinh tồn, trong một số trường hợp, não bộ “đánh lừa” rằng bản thân đang an toàn để giảm mức độ lo lắng. Đây chính là những nhân vật phụ chết ngay đầu những trò chơi sinh tồn đầu tiên. Cứu cánh của não trong trường hợp này chính là phản ứng chống trả hoặc bỏ chạy (Fight or Flight), thứ đã được nhân vật chính Arisu của chúng ta phản hồi rất tốt.

Dưới sự phóng thích của các loại hormone stress (cortisol) và các chất dẫn truyền thần kinh khác như dopamine và serotonin... đều giúp kích hoạt chế độ bảo vệ an toàn cho cơ thể. Việc này dẫn đến hàng loạt các sự thay đổi vật lý trong cơ thể như tăng nhịp tim, thở gấp... Điều này giúp chủ thể sẵn sàng hơn trong việc đối đầu với những mối nguy tiềm tàng hoặc đang xảy ra trong thực tế.

Việc chơi các game sinh tồn hoặc coi phim kinh dị cũng đem lại phản ứng tương tự với cơ thể nhưng với một tâm trạng yên tâm hơn khi những gì xảy ra không có thật.

6. Những thành công của thể loại sinh tồn

Nhắc tới huyền thoại sinh tồn Nhật Bản không thể không nhắc tới bộ phim Battle Royale (2000). Với nội dung xoay quanh câu chuyện sống còn của 40 học sinh của lớp 3-B phải giết lẫn nhau để tìm ra người sống sót cuối cùng.

Poster phim Battle Royale Nguồn IMDB
Poster phim Battle Royale | Nguồn: IMDB

Tuy vấp phải nhiều chỉ trích về mức độ bạo lực và máu me, nhưng không ai có thể phủ nhận được sự thành công của Battle Royale tại thị trường phòng vé trên toàn thế giới. Đạo diễn Quentin Tarantino cũng đã thừa nhận đây là bộ phim yêu thích của ông. Sự thành công của Battle Royale là nguồn cảm hứng cho hàng loạt thể loại game và phim ảnh cùng thể loại. Thậm chí Battle Royale đã trở thành một thể loại riêng với những game nổi tiếng như Fortnite Battle Royale (2017), Apex Legends (2019), và Call of Duty: Warzone.

7. Còn gì để mong chờ sau khi coi hết Alice in Borderland?

Với cái kết mở, phần 2 của Alice in Borderland không phải là điều xa vời. Đấy là chưa kể đến những thành tựu đáng kể mà bộ phim mang lại sau khi công chiếu.

Nếu các bạn thích những bộ phim với nội dung sinh tồn tại Châu Á, có thể lưu ngay vào danh sách các bộ phim như Sweet home (sắp ra mắt trên Netflix), Liar game hoặc Kingdom. Còn nếu là thích những bộ phim phong cách “trời Tây", bạn có thể ngó qua: Final Destination, Saw hay Platform.