Khi học sinh giỏi bị ghét | Vietcetera
Billboard banner
27 Thg 06, 2023
Cuộc SốngĐời sốngOpinion

Khi học sinh giỏi bị ghét

Khi việc viết 21 trang trong bài thi văn trở thành đối tượng công kích trên mạng, ta nhận ra rằng có quá nhiều tiêu chuẩn và sự đánh giá trên vai những cá nhân có thành tích học tập xuất sắc.
Khi học sinh giỏi bị ghét

Nguồn: Lao Động, Vietnamnet. Ảnh mang tính chất minh họa.

Sau mỗi mùa thi, truyền thông tràn ngập những bài viết về gương học sinh giỏi, những cá nhân có thành tích xuất sắc. Đó là dịp để ta trầm trồ ngưỡng mộ, để những bậc phụ huynh đốc thúc con cái phấn đấu, cũng là dịp để công chúng bình phẩm về những thành tích học thuật của nhân vật, và cả những thứ chẳng liên quan như ngoại hình, tính cách.

Trong nhiều trường hợp, những bình phẩm ấy có thể biến thành những sự đánh giá một cách bất công, thậm chí sa đà vào mạt sát nhân vật vì những thứ không đâu. Điển hình là vụ việc thủ khoa chuyên văn tại kỳ thi vào lớp 10 tỉnh Hà Tĩnh bị một số người trách móc là “không não” và viết “như một cái máy chữ tự động” khi viết được 21 trang.

Chuyện dân tình bới móc đời tư, xỉa xói hình ảnh của một cá nhân tưởng chừng như chỉ xảy ra với các ngôi sao giải trí, những vận động viên nổi tiếng, hay những KOL nhiều người theo dõi. Thế nhưng điều này còn xảy ra với cả những cô cậu học trò, những người phải chịu sự công kích vì chính những thành tích của mình, và nó xuất hiện thường xuyên hơn ta tưởng.

Khi học sinh giỏi chịu sự soi xét của dư luận

Chúng ta đã quen thuộc với việc tiết lộ điểm thi và thành tích học tập, ngoại khóa của những gương mặt nổi bật, để rồi cùng trầm trồ hoặc bỉ bôi với những thứ đó, cứ như thể đó là bài thi của mình, là cuộc đời của mình. Chuyện tưởng như bình thường này thực ra rất phiền phức, và đôi khi là đáng sợ, đối với những gương mặt ấy.

26jun2023lichdangkythithptquocgia2021tructuyenjpg
Mỗi mùa thi, điểm thi phấp phới trên truyền thông. | Nguồn: Vietnamnet

Bạn Trần Thế Trung - quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 - là người đã chịu nhiều tình huống “dở khóc dở cười” do sự dòm ngó của cộng đồng. Sau chiến thắng trong chương trình, những tin nhắn và bình luận trên các bài đăng của Trung tới dồn dập.

Phần nhiều trong đó là những tin nhắn chúc mừng, chia vui, hỏi han kinh nghiệm học tập, hay là xin vía học giỏi. Nhưng cũng có những tin nhắn rất ngẫu nhiên và vô duyên như việc hỏi han những chi tiết về đời sống cá nhân, bình luận về các hành động của Trung, hay thậm chí là… hỏi bài tập về nhà.

Trung cũng chia sẻ rằng nhiều người đã sử dụng chính danh hiệu quán quân đó để công kích bạn, rằng họ coi đó là một cái cớ để bảo Trung rằng phải thế này hay không được thế kia. Danh hiệu và thành tích tại cuộc thi Olympia, vốn tượng trưng cho tình yêu với tri thức và sự nỗ lực, bỗng trở thành cái khung giam lỏng con người ta trong rào cản vô hình của những “được” và “không được.”

Vậy điều gì khiến người ta chăm chú vào đời tư của các bạn học sinh như vậy, ngoại trừ lý do ghen tị hoặc thích chọc ngoáy? Các bạn không phải là những ngôi sao ca nhạc hay diễn viên điện ảnh, chỉ loáng thoáng xuất hiện trên truyền thông vào những mùa thi tháng luyện, nhưng vẫn phải chịu ánh nhìn khó chịu?

Đáp án có lẽ nằm ở quan niệm của chúng ta về học sinh giỏi hay về nhân tài. Xã hội Việt Nam trọng nhân tài và có những tiêu chuẩn rất rõ ràng cho những người này: phải có thành tích xuất sắc, phải có đạo đức tốt song song với tài năng của mình, v.v. Không những vậy, với những tiêu chuẩn giáo dục hiện nay, học giỏi còn phải là giỏi về tư duy, về ứng dụng tri thức, chứ không phải là giỏi nhớ, giỏi làm “cái máy” như nhiều người nặng lời chê trách.

Cộng đồng mạng dựa vào những tiêu chuẩn ấy để đề ra những cái “được” và “không được.” Ví dụ, có thành tích môn toán nhưng mà điểm môn sử thấp thì chắc là không yêu nước. Được học bổng tiền tỷ đi nước ngoài nhưng lại không quay về cống hiến cho quê hương thì chắc là bội bạc. Thành tích học tập tốt nhưng lại vô tình đẹp trai, xinh gái và có “tình sử” dài thì chắc hẳn là lăng nhăng hay “thơm da mát thịt."

Ta có thể thấy rằng, những đánh giá của mọi người về những cá nhân có thành tích học tập xuất sắc nhiều khi chả liên quan gì tới thành tích của các em. Nhưng người ta vẫn làm vậy, bởi qua đó họ vừa kiểm chứng xem các bạn học sinh có đang nằm gọn ghẽ trong bộ khung nhân tài đó hay không, vừa để củng cố chính bộ khung ấy.

Một ví dụ nổi bật khác của sự trói buộc trong bộ khung ấy là trường hợp của Đỗ Nhật Nam. Tới tận ngày nay, người ta vẫn không buông tha cho Nam, vẫn soi mói đời tư của cậu và buông những lời cười cợt, giống như người ta đã chỉ trích và dè bỉu cậu bé Nam trong nhiều năm trước - chỉ vì cậu đã bày tỏ ý kiến cá nhân, hay đã sống đúng tuổi của mình.

Ai vẽ chân dung con nhà người ta?

Nguyên nhân lớn và trực tiếp nhất tạo điều kiện cho công chúng soi mói các bạn học sinh là cách truyền thông đưa tin về các thành tích. Chính điều này đã góp phần tạo nên một bức chân dung chung nhất của con nhà người ta: học tập xuất sắc, ngoại khóa năng nổ, chứng chỉ này, bằng cấp nọ, thành tích đầy mình, v.v.

Trong quá trình nhấn mạnh vào thành tích và các đặc điểm nổi bật của nhân vật, truyền thông vô tình biến những bạn học sinh thành những con người gần như hoàn hảo, những vị thánh học tập. Theo thời gian, hàng loạt bài phỏng vấn hay tô vẽ chân dung thủ khoa với cùng một công thức và những từ ngữ lặp lại tiếp tục thần thánh hóa quan niệm về học sinh giỏi.

Chính vì vậy, nhiều khi ta quên mất rằng các bạn học sinh cũng là người, cũng có những khiếm khuyết, những sự lựa chọn chưa chính xác trong cuộc sống. Quan trọng hơn, các bạn cũng sẽ vấp ngã và thất bại như bao con người khác. Vì thế, khi có những sự việc xảy ra trái với bộ khung về nhân tài và bức chân dung con nhà người ta, dư luận sẽ phản ứng dữ dội với chính các bạn học sinh đó.

Đây là nguyên nhân tại sao ta thường thấy những bài báo theo kiểu “Thủ khoa trường X năm nào giờ ra sao” hay “Học sinh đạt huy chương vàng cuộc thi Y nay thế nào.” Ta luôn có nhu cầu cập nhật và nhìn vào đời sống của những cá nhân này không chỉ để thỏa mãn sự tò mò, mà để kiểm chứng xem là họ có đang sống đúng với chân dung mà truyền thông đã dựng nên, với cái khung mà ai cũng tin tưởng hay không.

Bên cạnh đó, cách đưa tin thiên lệch khiến cho những cá nhân học tập xuất sắc bị đóng khung vào quá khứ. Truyền thông khiến cho các bạn “chết tên” khi gán những thành tích về điểm số, làm người ta mãi chỉ nhớ tới các bạn với số điểm này hay thành tích nọ, và mãi mãi tham chiếu bạn vào những hệ giá trị nêu trên.

Đây là điều đã xảy ra với Trần Thế Trung. Bạn kể rằng, cho tới nay người ta vẫn chỉ coi bạn là quán quân chương trình Olympia. Họ không biết và không muốn biết rằng Trung còn có những mặt khác, những dấu mốc đáng trân trọng và đáng tự hào khác. Trung là một sinh viên thiết kế, là một trọng tài bóng rổ bán chuyên và đang trau dồi để trở thành trọng tài VBA, là phó chủ tịch hội cờ Shogi Việt Nam.

26jun202329222201813477348990507697095283035942650773n40jpg
Trọng tài bóng rổ Thế Trung. | Nguồn: Trung tâm thể thao Italy Sport

Ngoài ra, bạn cũng phải cố gắng vượt qua những trở ngại trong học tập hay những khó khăn trong cuộc sống. Tất cả những thứ này đều lu mờ bởi cái bóng to lớn của ngôi vị trong một chương trình truyền hình.

Tạm kết

Như vậy, thông qua những ví dụ trên, chúng ta thấy được suy nghĩ và một số động cơ đằng sau hành động soi mói và bình phẩm về đời tư của người có thành tích học tập xuất sắc. Trong quá trình bình phẩm ấy, các kênh truyền thông đóng vai trò vừa là những “bình phẩm viên” chủ chốt, vừa tạo không gian cho mọi người bình phẩm cùng.

Do đó, giải pháp ở đây có lẽ là thay đổi cách đưa tin về những thủ khoa, những cá nhân đạt điểm cao. Người đưa tin cần phải cân nhắc và xem xét kỹ về việc những thông tin mình đưa ra có thể làm hại cho các bạn không, và cần có sự đồng thuận của cả các bạn học sinh lẫn các bậc phụ huynh trước khi đưa những thông tin đó.

Ngoài ra, có lẽ ta nên chấp nhận rằng các bạn học sinh dù có giỏi giang và tài năng tới mấy thì cũng là người, cũng là những cá nhân với bản sắc riêng. Các bạn có toàn quyền đưa ra những quyết định và lựa chọn trong cuộc đời mình, và không đáng phải chịu những sự đánh giá chỉ vì lựa chọn đưa ra khác với thứ mà cộng đồng muốn chọn thay. Khi ấy, mọi sự bình phẩm về thành tích cũng như đời tư của các bạn trở thành những lời vô duyên không đáng nói.