Khi ‘Nghịch lý kẻ sát nhân' thiếu đi nghịch lý… | Vietcetera
Billboard banner
21 Thg 02, 2024
Sáng TạoĐiện Ảnh

Khi ‘Nghịch lý kẻ sát nhân' thiếu đi nghịch lý…

…hay là trò chơi người dơi có hơi hời hợt.
Khi ‘Nghịch lý kẻ sát nhân' thiếu đi nghịch lý…

Hai diễn viên chính Choi Woo-sik và Son Seok-koo trong series A Killer Paradox | Nguồn: Netflix

Dựa trên webtoon nổi tiếng của tác giả Kkomabi, A Killer Paradox (Nghịch lý kẻ sát nhân) là series được chấp bút bởi biên kịch Kim Da-min và đạo diễn bởi Lee Chang-hee (The Vanished, 2018). Nhờ kết hợp giữa yếu tố tội phạm, điều tra phá án và hài đen, A Killer Paradox nhanh chóng thu hút khán giả quan tâm khi vừa ra mắt trên Netflix.

A Killer Paradox không đào sâu mà bò ngang, chú trọng vào sáng tạo phong cách và thẩm mỹ hơn là tập trung vào cốt truyện. Nó từ chối cung cấp những “manh mối” quan trọng giúp người xem “phá án”, nhưng lại dẫn dụ cảm xúc người xem một cách thân mật. Phim có gì đó gần gũi với Vigilante Diaries, mang mô-típ “chất chơi” khá giống Người dơi, nhưng lại có phong cách thẩm mỹ tương tự series Mask Girl (2023).

Lưu ý: Phần sau đây có thể tiết lộ nội dung phim.

Phi lý, nghịch lý, thiên lý, hợp lý

Mở đầu A Killer Paradox khiến khán giả nhớ đến Parasite, khi Choi Woo-sik (lúc này thủ vai Lee Tang) một lần nữa vào vai một thanh niên lười biếng theo học tại một trường đại học xoàng xĩnh, sống cùng bố mẹ và chị gái trong một gia đình bình thường. Nhưng thay vì đi theo hướng “ký sinh" như Bong Joon-ho, bộ phim của đạo diễn Lee Chang-hee lại mở ra một chuỗi những phi lý.

Phi lý đầu tiên là “siêu năng lực" nhận ra kẻ ác của Lee Tang sau một lần cậu vô tình ra tay với tên giết người hàng loạt giữa hẻm tối trong một đêm mưa. Mỗi khi va chạm hoặc đến gần ai, anh chàng có thể nhìn thấy tội ác của người đó. Sau đó, anh thường đi đến một trong hai quyết định: trừ khử hoặc tạm bỏ qua.

20feb2024aaaaqadm4hz52jyqeds14x74ipzvegejeze6njbdmuqba21vysecyrnl9chm7wo0xpnaeial6pkgka6bjebylvxpkrm8re3h6mkr9noxfpw75j7kqzltawiw4krcknvmx8fiujofxgvimqydtxmph9xjpg
Nguồn: A Killer Paradox/ Netflix

Cái phi lý thứ nhất dẫn đến cái phi lý thứ 2: mỗi lần Lee Tang “hạ thủ” đều không để lại bất cứ dấu vết nào, do vô tình hoặc do được một “thế lực" nào đó giúp đỡ. Sau này, thế lực đó xuất hiện và phần nào giải quyết được sự phi lý này.

Cái phi lý cuối cùng, dù thú tội nhưng Lee Tang lại không bị kết tội. Lee Tang dường như luôn được giúp đỡ, che giấu, thậm chí tôn thờ cho chính hành vi bạo lực của anh ta. Điều này khiến anh giống như một nhân vật phản anh hùng, nhưng lại không hẳn như vậy.

Cái phi lý đã che mờ đi cái nghịch lý: một kẻ giết người hàng loạt, song không bao giờ bị buộc tội (vì thiếu bằng chứng), và cứ thú tội thì lại được giấu nhẹm đi. Nghịch lý ở đây là, nếu giết người là điều xấu, thì giết một kẻ xấu có phải là điều tốt hay không?

Cái phi lý của A Killer Paradox được giải quyết bằng thiên lý (có nghĩa là ý trời). Liệu Lee Tang có phải là người được chọn, là anh hùng, là chiến binh công lý, là người thực thi những ý định của thượng đế? Tuy nhiên, những khoái cảm bạo lực xuất hiện trong các cảnh 18+ đầu phim dường như đã phủ nhận tính chất “anh hùng" trong nhân vật này.

20feb2024screenshot20240220113937jpg
Choi Woo-sik có màn hoá thân tuyệt vời trong vai Lee Tang của A Killer Paradox | Nguồn: Netflix

Tương tự như The Vanished (cũng do Lee Chang-hee đạo diễn), A Killer Paradox không đặt các nhân vật dưới góc nhìn khách quan. Vị đạo diễn trẻ đã đặt nhân vật dưới góc nhìn của một nhân vật khác, chơi trò mèo đuổi chuột với những tội ác, để khán giả “chìm” trong đó rồi chuyển sự chú ý sang nhân vật tiếp theo.

Mỗi nhân vật trong A Killer Paradox dường như không thuộc về quy ước nào của hệ thống xã hội, đạo đức và luật pháp thông thường. Các nhân vật vừa là kẻ thủ ác, lại vừa là nạn nhân; vừa chính diện lại vừa phản diện; vừa có vẻ lương thiện nhưng cũng lại tàn nhẫn, ác độc. Chính nhờ sự lập lờ này mà những yếu tố phi lý, thiên lý và nghịch lý có vẻ lại trở nên hợp lý trong toàn bộ diễn biến của series này.

20feb2024c2b435ef57e840aba2320e02df074632595de0ffjpg
Nam diễn viên Son Seok-koo trong vai thám tử Jang Nan-gam | Nguồn: Netflix

Rậm rạp cài cắm, xum xuê bí ẩn

A Killer Paradox tràn ngập những chi tiết “gợi mở" cách tiếp cận cốt truyện. Đầu tiên phải nhắc đến mô típ The Batman và người hùng thực thi công lý. Nhân vật Song-chon (Lee Hee-joon) xuất hiện, đóng vai trò kẻ phản diện Joker trong mạch truyện là bước ngoặt quan trọng của series này. Nó khiến khán giả phải lưỡng lự đặt câu hỏi: ai mới là kẻ ác thực sự?

Đến lúc này, người xem cũng bắt đầu nhận ra Batman, Robin (trong phim phiên âm là Roh-bin) và phía công lý (cảnh sát, thám tử Jang Nam-gan). Khi cảnh sát không thể trừng trị kẻ ác, liệu có phải xã hội sẽ cần một người hùng như Lee Tang để “thay trời hành đạo”?

20feb2024gf8n8ttamaa8n6e6cee60724c83b42eda22c8e8632bb1aef3300a08dc279cd4dbddb8a9ffb409ecjpeg
Nguồn: Netflix

Tiểu thuyết nổi tiếng của Fyodor Dostoevsky Tội ác và trừng phạt (tựa tiếng Anh: Crime and Punishment) cũng được nhắc đến nhiều lần trong nửa sau của series. Quả thực Lee Tang của A Killer Paradox cũng có nét hao hao Raskolnikov trong tiểu thuyết của Dostoevsky. Anh cũng dùng búa giết người (rồi hoảng loạn và dằn vặt), đối diện và thú tội, và rồi chịu “đày ải" để chuộc tội.

Trong Tội ác và trừng phạt, nhân vật Raskolnikov thú nhận "ta đã giết không phải một con người, ta đã giết một nguyên lý đạo đức." Nếu mang ý niệm “giết một nguyên lý đạo đức" vào A Killer Paradox, người xem sẽ thấy sự khiên cưỡng, từ đó tái tạo nên những phi lý, nghịch lý như bộ phim đã cố tình nhào nặn ra.

Ngay cả cặp nhân vật có vẻ “đối ngẫu” Lee Tang (Choi Woo-sik) và Jang Nan-gam (Son Seok-koo) cũng thể hiện một sự sắp đặt khéo léo của biên kịch. Nếu coi Lee Tang là một miếng sườn, thì thám tử Jang Nan-gam lại chỉ thích nhai và thổi bóng kẹo cao su. Như vậy thì làm sao mà anh “nhai” được Lee Tang?

20feb2024akillerparadoxsongchun21024x576jpg
Nam diễn viên Lee Hee-joon (trái) trong vai Song-chon | Nguồn: Netflix

Bên cạnh đó, bộ phim được cài cắm nhiều yếu tố đại chúng như GenZ, Revenge Porn, #Metoo, bạo lực học đường… và các yếu tố chính trị không có trong bản webtoon. Chúng trở thành nguyên liệu làm “nhân" cho một chiếc bánh có “vỏ" bắt mắt nhưng không có gì mới mẻ của A Killer Paradox.

Chính việc cài cắm nhiều yếu tố văn hoá đại chúng và điển tích văn học đã vô tình khiến A Killer Paradox mất đi sự bí ẩn và hấp dẫn trong cách kể chuyện. Có lẽ vì nhận ra điều này mà đạo diễn Lee Chang-hee đã cố gắng sáng tạo hơn ở khâu âm thanh và hình ảnh.

Những màn chuyển cảnh táo bạo, màu sắc rực rỡ, cảnh hành động quay chậm đẹp mắt, CGI hay công nghệ deep fake được sử dụng thuần thục và sáng tạo để “bù" lại cho một cốt truyện thiếu đi vẻ đẹp của sự bí ẩn.

Tạm kết

Có thể nói bộ ba Choi Woo-sik, Son Seok-koo và Lee Hee-joon đã có màn hoá thân hoàn hảo trong A Killer Paradox. Trong đó, Choi Woo-sik lại một lần nữa cho thấy khía cạnh diễn xuất tuyệt vời, như những gì anh đã thể hiện trong Parasite, Train to Busan hay Our Beloved Summer.

A Killer Paradox kết thúc với sự trở lại của Lee Tang cùng một vụ ám sát mới, còn thám tử Jang Nan-gam biết thông tin này qua truyền hình. Liệu có phải điều này cho thấy “hành trình” của Lee Tang vẫn chưa kết thúc, và Nan-gam vẫn là “người canh chừng”? Chi tiết này cũng cho thấy, rất có thể series ăn khách này sẽ còn một mùa tiếp theo.