Khoảng lặng của giấc mơ Mỹ: Khi "con nhà người ta" muốn làm con nhà mình | Vietcetera
Billboard banner
10 Thg 07, 2020
Cuộc SốngThương

Khoảng lặng của giấc mơ Mỹ: Khi "con nhà người ta" muốn làm con nhà mình

Nếu được chọn lại, bạn có chọn đi du học hay không?

Khoảng lặng của giấc mơ Mỹ: Khi "con nhà người ta" muốn làm con nhà mình

Khoảng lặng của giấc mơ Mỹ: Khi "con nhà người ta" muốn làm con nhà mình

Tối hôm qua, mình tới thăm và dùng bữa với một gia đình người Mỹ gốc Việt mình gặp lần đầu. Trên đường đưa mình về nhà, nhân câu chuyện COVID-19, người cha hỏi, "Em có hối hận khi quyết định không về Việt Nam không?"

Mình trả lời, "Em nghĩ em đã đưa ra phương án tốt nhất tại thời điểm đó, nên em không hối hận anh ạ." Anh gật gù, nói thêm một hai câu động viên, kiểu dạng em giỏi thật, mạnh dạn đi du học từ sớm.

Mình chỉ cười ("cũng nhờ em được tạo điều kiện học hành thôi anh ạ"), và câu hỏi của anh tiếp tục khiến mình lăn tăn cho đến tận khi mình chào tạm biệt và trở về căn nhà trống không, lặng lẽ.

Chiều nay, khi nghe tin chính phủ Mỹ đưa ra chính sách mới khiến du học sinh tại Mỹ ở không được mà về cũng không xong, mình nghĩ lại về câu trả lời của mình đêm trước và tự hỏi liệu đó phải chăng là một câu nói đùa? Liệu mình còn đủ can đảm và kiên định để tiếp tục tin tưởng vào lựa chọn không về khi đất nước sở tại đang khiến biết bao du học sinh phải chao đảo?

Nhưng rồi mình nhận ra, cuộc đời mình hơn 6 năm nay là thế, bởi đi du học thực chất là việc đưa ra những quyết định để trả lời cho những câu hỏi từ nhỏ (như tối nay ăn gì?) tới lớn (kì sau học lớp nào?) tới lớn hơn nữa (năm sau thuê nhà ở đâu, làm việc gì ra tiền trả tiền nhà, học xong sẽ làm gì tiếp?). Du học là một chuỗi những ngã rẽ móc nối nhau như thế, để rồi sau một vài năm mình nhìn lại và nhận ra mình đã đi xa thật xa so với điểm bắt đầu.

Ở điểm bắt đầu (là gia đình, là bè bạn, là xã hội Việt Nam mình sống tới năm 15 tuổi), nhiều người nhìn mình với ánh mắt ngưỡng mộ. Có bố mẹ liếc mình rồi thì thầm bảo con họ hãy học thật giỏi như chị ấy nhé, để đi du học, sướng lắm. Có bố mẹ hỏi han chuyện trò, hỏi cháu học tiếng Anh như thế nào thế, truyền bí kíp cho con cô chú với. Có bố mẹ trách con mình sao không chăm chỉ kiếm cơ hội như chị ấy kìa, chán thật.

Mọi người cứ truyền tai nhau những câu nói như thế - những mẩu chuyện và nhận định mơ hồ về một trường hợp du học sinh "thành công". Và cũng có lẽ vì thế mà chúng ta cứ bị cuốn vào cái vòng xoáy giấc mơ Mỹ ấy, rằng để thành công là phải giỏi tiếng Anh, phải du học và kiếm lương hàng trăm triệu. Cái "chân lý" này cứ đeo bám mãi, để rồi đến ngày đặt chân lên nước Mỹ, mình mới nhận ra cái sự thật trần trụi khiến mình mỗi ngày tỉnh ngộ thêm một chút.

Và có lẽ chỉ tụi du học sinh chúng mình mới hiểu để mà thủ thỉ với nhau rằng, đằng sau những trải nghiệm mới có vẻ hào nhoáng, đằng sau tư tưởng "du học sướng lắm" và cái mác "con nhà người ta" mình nghe đã đến thuộc lòng, là những khoảng lặng.

Đó là cảm giác lơ lửng giữa nhiều vùng trời, là những buổi chiều hoang mang không biết mình sẽ đi đâu về đâu như hôm nay, là những hôm nán lại làm thêm giờ để trả nợ tín dụng, là những lần sốt trên 38 độ C vẫn lê lết 30 phút ra hiệu thuốc, là những đêm mất ngủ nằm nghe tiếng quạt quay xịch xịch trên đầu và nhìn ánh sáng ngoài cửa sổ chuyển từ le lắt sang chói mắt.

Rồi cứ thế, sau những lần tủi thân, bơ vơ, hoài nghi, đắn đo, quay quắt đã không còn xa lạ, mình mới nhận ra rằng, cũng lâu rồi mình chưa được cảm nhận không khí gia đình. Để từ đó, mình học cách tìm thấy nguồn động viên trong những thứ nhỏ nhất, như việc ăn chung bữa cơm và nghe gia đình người Mỹ gốc Việt kia cầu nguyện cho sự bình an của mình dù là lần đầu gặp mặt, hay việc trồng một vườn rau rồi hát cho chúng nghe và ngắm chúng lớn hàng ngày, hay việc gọi điện tào lao nhân dịp sinh nhật với một người bạn cách mình vài nghìn cây số, hay việc mọi người nhắn tin hỏi thăm mỗi lần Mỹ đưa ra những quyết định táo bạo đến giật mình.

Những việc nhỏ thật nhỏ thôi nhưng gợi nhắc cho mình một khái niệm cứ ngày một trở nên xa xỉ: nhà.

Sau hôm nay, mình cảm giác, với mỗi một tin nhắn, một bài viết mà những du học sinh như mình truyền nhau về chính sách mới này, khái niệm "nhà" lại càng trở nên mông lung, bởi dù sao thì mỗi học sinh đều có một sự gắn bó nhất định với cái đất nước đã phần nào đóng góp vào sự trưởng thành của cá nhân mình.

Nhưng mẹ mình hay bảo, sống trên đời "hãy chọn yêu người nào yêu mình nhiều hơn mình yêu họ, con à!" Mình yêu thương đất nước Mỹ, nhưng đất nước Mỹ này có vẻ như không yêu mình nhiều lắm rồi, bởi sự phân biệt, kì thị rõ ràng trong tư tưởng của một bộ phận người dân và trong các chính sách (mà mình nghĩ từ giờ chỉ có tệ đi nếu chính sách mới nhất này được thông qua) khiến cho cái được gọi là "giấc mơ Mỹ" trở thành một điều gần như bất khả thi. Không ngủ được thì làm sao mơ? Nhưng những thiên kiến, những phân biệt cứ khiến con người ta trằn trọc, đăm chiêu, không biết sự tồn tại của bản thân mình trên mảnh đất này là một món quà hay món nợ.

6 Năm, và chắc sẽ còn nhiều năm nữa, mình như một người trong gánh xiếc, nhón chân đi trên một sợi dây mong manh kết nối giữa hai thế giới. Đó là một trải nghiệm kịch tính, hoang dại, khiến con người ta cười nhưng cũng lại khiến con người ta run. Mình chẳng thể nói mình thiệt thòi, vì trên thực tế, mình biết ơn cuộc đời và gia đình đã cho mình rất nhiều đặc ân hơn biết bao người, có cơ hội đi nhiều nơi và khám phá nhiều thứ mới mẻ.

Ấy thế mà vẫn có những lúc (như hôm nay chẳng hạn), chao đảo trên sợi dây mong manh kia, mình lại thầm ước rằng, chỉ hôm nay thôi, được làm "con nhà mình" chắc sẽ an yên lắm.

Còn bạn? Bạn có nhớ những khoảnh khắc được làm "con nhà mình"? Và nếu được chọn lại, bạn có chọn đi du học hay không?

Bạn có thể ký kiến nghị không thông qua chính sách mới này ở đây.