Điện ảnh, công nghệ và y tế: Việt Nam đang đứng ở đâu? | Vietcetera
Billboard banner

Điện ảnh, công nghệ và y tế: Việt Nam đang đứng ở đâu?

Chỉ mới 2 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cùng Vietcetera điểm qua những sự kiện này nhé.

Điện ảnh, công nghệ và y tế: Việt Nam đang đứng ở đâu?

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

#TràVẫnCònNóng là series kể những sự kiện vẫn khiến bạn thổi phù phù cho nguội bớt.

1. Diễn viên Việt được vinh danh trong liên hoan phim Paris 

Liên hoan phim Quốc tế Paris, được tổ chức hằng năm để tôn vinh các hãng phim độc lập, vừa xướng tên một cái tên Việt Nam - Hoàng Phượng (tên của chị cũng đậm chất Việt).

Hoàng Phượng thắng giải ‘Diễn viên quốc tế xuất sắc’ khi “nhập vai” y tá Nguyễn Thị Hoa trong bộ phim Invisible Love của đạo diễn người Trung Quốc - Quách Tường.

Poster phim Tình Yêu Vô Hình Invisible Love
Poster phim Tình Yêu Vô Hình (Invisible Love)

Trước Invisible Love, không thiếu những trường hợp diễn viên hay phim ngắn Việt Nam được vinh danh ở liên hoan phim quốc tế. Ít ai biết, phim Việt 'Ngọt, mặn' của đạo diễn Dương Diệu Linh năm 2019 đã thắng giải "Phim ngắn hay nhất" trong Liên hoan phim Quốc tế Singapore. Tuy nhiên những bộ phim này còn hơi lạ lẫm với khán giả Việt vì không được chiếu rộng rãi trong nước.

Một cảnh trong phim Vợ Ba
Một cảnh trong phim Vợ Ba | Nguồn: The Third Wife cutscene

Nhiều phim độc lập hay phim nghệ thuật không chạy theo yếu tố thị hiếu nên đôi khi khá kén khán giả. Như nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nhận định: “Phim nghệ thuật luôn cố gắng tìm những tiếng nói riêng, những dấu ấn sáng tạo riêng, không lệ thuộc vào khán giả hay đám đông nào”.

2. Điện thoại Việt nuôi giấc mộng Mỹ

Trên thị trường quốc tế, Vinsmart trở thành đại diện tiếp theo trong lĩnh vực công nghệ. Sau khi vượt qua các bài kiểm tra chất lượng, ba mẫu điện thoại do VinSmart sản xuất đã được trưng bày gọn gàng trong các cửa hàng viễn thông của hãng AT&T và các đối tác lớn khác, như chuỗi siêu thị Walmart.

Không dừng lại ở điện thoại thông minh, xe điện VinFast cũng được lên kế hoạch để lăn bánh ở Mỹ, sau đó mở rộng ra các quốc gia khác.

VinSmart đang nuôi tham vọng quốc tế Nguồn Vietnaminsider
VinSmart và tham vọng quốc tế | Nguồn: Vietnaminsider

Năm 2019, đện thoại thương hiệu Việt Mobiistar từng được kỳ vọng sẽ thành công khi lấn sân sang thị trường Ấn Độ, nhưng sớm rút lui vì doanh thu thất vọng. 

Thị trường Mỹ rất tiềm năng nhưng lại khó tính và có sức cạnh tranh bậc nhất, nếu chinh phục được, thời điểm để Vingroup mở rộng sức ảnh hưởng ra các quốc gia khác sẽ không còn xa. 

3. Dùng tiền điện tử, dân mình không thua kém ai!

Khi được hỏi đã sử dụng hoặc sở hữu tiền kỹ thuật số (cryptocurrency) bao giờ chưa, 21% người Việt nói có, nghe có vẻ không nhiều nhưng lại cao thứ hai thế giới. 

Tiền kỹ thuật số hay tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum là một dạng tiền tệ được trao đổi hoàn toàn trên môi trường Internet, nhưng chưa được quản lý bởi cá nhân hay tổ chức cụ thể nào. Nhiều nước, trong đó có Việt Nam, không công nhận Bitcoin như một loại tiền tệ hợp pháp. Mặc dù tiềm tàng nhiều rủi ro, việc đầu tư tiền ảo Bitcoin vẫn diễn ra hằng ngày.

“Trong quá trình giao dịch, nếu nhà đầu tư quên địa chỉ ví điện tử chứa tiền ảo thì sẽ mất luôn vĩnh viễn vì không ai có thể lấy lại được, từ đó dẫn đến nguy cơ bị đánh cắp tài khoản ví tiền ảo” - ông Phan Dũng Khánh, giảng viên thị trường tài chính Trường Doanh nhân Bizlight cho biết.

4. Việt Nam dần thoát danh hiệu “cư xử kém văn minh trên mạng”

Nếu như Việt Nam của năm 2019, từng lọt top 5 quốc gia kém văn minh trên Không gian mạng (DCI), thì qua 2020, chỉ số này đã tăng 6 bậc, từ 78 điểm lên tới 72 (mức độ văn mình tỉ lệ nghịch với chỉ số DCI). 

Thực hiện trên hơn 30 quốc gia, dựa các tương tác trên mạng của hai nhóm tuổi là người trưởng thành và thanh thiếu niên, Microsoft - chủ xị của nghiên cứu - thống kê 5 chủ đề mà dân mạng thường “quên” cư xử đúng mực: quan điểm chính trị, xu hướng giới tính, văn hóa, chủng tộc và ngoại hình. Trong đó ‘giới tính’ và ‘ngoại hình’ xếp thứ hạng cao hơn hẳn.

Tính hiếu chiến và khả năng ẩn danh khiến người dùng mạng không ngại lao vào một cuộc chiến của cái tôi và những màn công kích cá nhân không hồi kết. Nhất là khi việc hành xử trên mạng không bị ràng buộc bởi pháp luật, quyền lực của “bàn phím” đối với họ càng lớn.

Cái khó ló cái may, sự chuyển biến tích cực thời gian qua có nguyên nhân nhờ đại dịch. Gần nửa người tham gia khảo sát Việt Nam nhận thấy sự văn minh đang lên này là do người dùng mạng chứng kiến người dân hỗ trợ lẫn nhau.

5. Sắp có thêm 5 triệu liều vaccine được nhập về?

Việt Nam đã xác định danh sách những người được tiêm 204.000 liều vaccine Covid-19, nhập từ công ty dược AstraZeneca. Nếu thuận lợi, sau đó 3 tháng, chúng ta sẽ có hơn 5 triệu liều. Những nhân viên y tế, lực lượng bộ đội, người ở khu vực cách ly hay tuyến đầu chống dịch sẽ được ưu tiên tiêm phòng trước.

Nhập vaccine từ bên ngoài, nhưng Việt Nam cũng đã tự nghiên cứu, phát triển vắc xin “của nhà trồng được”, sau đó tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 trên 60 tình nguyện viên, kết quả đều khả quan.

Khi thế giới chao đảo bởi dịch bệnh, các bộ kit xét nghiệm nhanh và vaccine được triển khai, Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc chiến khi đã thành công phát minh ra bộ kit kiểm tra SARS-CoV-2 và giờ là made-in-Vietnam vaccine. Chứng kiến những sự tăng trưởng thần kỳ trong một năm qua mới thấy tự hào hơn về danh hiệu “Ngôi sao đang lên của châu Á” ngày nào.

 

#TràVẫnCònNóng là series kể những sự kiện vẫn khiến bạn thổi phù phù cho nguội bớt.