Làm gì khi có 100 triệu trong tay? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
15 Thg 08, 2021
Tài Chính Cá Nhân

Làm gì khi có 100 triệu trong tay?

Đầu tư thì quan trọng đấy, nhưng trước đó nhớ kiểm tra các khoản nợ và chuẩn bị một quỹ dự phòng nhé!
Làm gì khi có 100 triệu trong tay?

Với những người mới bắt đầu, việc đầu tư tài chính cần ưu tiên yếu tố an toàn là trên hết. | Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera.

Thỉnh thoảng, mình nhận được email hay tin nhắn hỏi rằng, “Hiện giờ em có khoảng 100 triệu đồng, em nên đầu tư gì?”.

Để nắm bắt vấn đề rõ hơn, mình gợi ý đặt thêm nhiều câu hỏi liên quan khác nữa. Vì mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nên không thể có câu trả lời chung cho mọi trường hợp. Khi có nhiều dữ kiện thì số tiền của mình cũng được cân nhắc sử dụng tối ưu hơn.

Để số tiền bạn có được sử dụng tốt nhất, hãy đi từng bước như sau, trước khi đến bước cuối cùng là cầm 100 triệu đi đầu tư!

Bước 1: Xác định những ưu tiên ở thời điểm hiện tại

Hãy hỏi bản thân liệu muốn tích lũy tài sản về lâu về dài, hay sẽ sử dụng cho một mục đích nào đó trong thời gian tới.

Bạn cũng cần dự tính trước thời gian cho việc tích lũy hay đầu tư. Nếu ngắn hạn thì vài tháng, nhưng dài hạn thì có thể lên đến vài năm. Hãy giả sử bạn có số tiền là 100 triệu đồng, nhưng nhất quyết không đụng đến trong vòng 05 năm tới. Liệu có những khả năng nào cho số tiền này?

Bạn nên đặt mình vào những tình huống cấp bách. Hãy hỏi bản thân liệu có thể “đụng” đến số tiền này trước thời hạn của kế hoạch không? Giả sử bạn bỏ tiền vào một kênh đầu tư, nếu có sự biến động lớn thì sẽ làm gì ngay khi đó?

Việc đặt những câu hỏi cụ thể giúp bạn xây dựng một kế hoạch sử dụng tiền tối ưu hơn, vì mỗi người có một mục đích khác nhau. Có bạn dự định mua nhà, sắm xe ô tô. Có bạn dự định học một chương trình MBA danh giá. Có bạn lại muốn nâng cấp ngôi nhà cho ba mẹ.

Bước 2: Dự phòng cho trường hợp khẩn cấp

Rủi ro trong cuộc sống luôn hiện hữu. Đó có thể là những cuộc khủng hoảng kinh tế, thiên tai, tai nạn hay giãn cách xã hội do dịch bệnh (như Covid-19 hiện nay). Việc công ty nơi mình làm việc gặp khó khăn dẫn đến cắt giảm nhân sự cũng là biến cố làm giảm thu nhập đột ngột, nhiều khi còn gia tăng các chi phí.

Chính vì vậy, việc có một quỹ dự phòng khẩn cấp là ưu tiên hàng đầu. Không có mức tối thiểu cho quỹ này, nhưng bạn có thể tham khảo kinh nghiệm phổ biến của nhiều người là để dành 3-6 tháng sinh hoạt phí. Ví dụ nếu chi phí sinh hoạt hàng tháng của bạn ở mức 10 triệu đồng, thì số tiền cần có trong quỹ dự phòng là 30-60 triệu.

Bạn cũng nên dự trữ bằng tiền mặt, hoặc các hình thức có tính thanh khoản cao. Nếu không thích cầm tiền mặt, hãy dự trữ bằng ngoại tệ mạnh (USD, EUR, GBP,...) hoặc vàng nhé!

Tuy là quỹ dự phòng, bạn cũng cần tối ưu nguồn quỹ này bằng cách không để nó chết một chỗ. Vì vậy, có người gửi tiết kiệm, có người mua vàng để giảm tác động của lạm phát, có người lại giữ ngoại tệ mạnh để đề phòng trường hợp đồng VND bị mất giá.

Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, việc có một quỹ dự phòng khẩn cấp là ưu tiên hàng đầu.

Bước 3: Kiểm tra các khoản vay

Sau khi có quỹ dự phòng, bạn cần kiểm tra xem mình đang có khoản vay nào phải trả lãi cao không. Những bạn quen xài thẻ tín dụng thì càng phải để ý hơn, vì nợ từ thẻ càng kéo dài, lãi phải trả sẽ càng cao. Các khoản vay trả góp cũng thường có lãi suất thực cao hơn nhiều người thường nghĩ.

Về nguyên tắc thì khoản nợ nào cũng vậy, nên trả hết càng sớm càng tốt!

Bước 4: Đầu tư!

Nếu đến bước này mà bạn vẫn còn nguyên số tiền thì xin chúc mừng! Việc đầu tư giờ chỉ còn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của bạn mà thôi. Tùy vào mức độ “chịu chơi” mà bạn có thể cân nhắc những hình thức đầu tư dưới đây.

Đầu tư vào các quỹ ETF

Với những người mới bắt đầu thì đầu tư vào các quỹ ETF luôn là khuyến nghị phổ biến. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng ETF có nhiều loại khác nhau về khả năng sinh lời và mức độ rủi ro, cũng như phí giao dịch.

Ví dụ bạn có 100 triệu đồng. Nếu bạn muốn sau 5 năm có được 200 triệu thì lợi nhuận kỳ vọng phải là 15%/năm, muốn có 160 triệu thì phải đạt lợi nhuận 10%/năm. Và dĩ nhiên rồi, lợi nhuận cao thì đi kèm với rủi ro cao.

Ở các nước có thị trường tài chính phát triển, việc lựa chọn các sản phẩm đầu tư hợp pháp phong phú hơn nhiều. Ở những thị trường này, các bạn có thể tiếp cận được hầu hết các ETF trên thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Đầu tư cổ phiếu riêng lẻ

Nếu bạn chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn, hãy cân nhắc đầu tư vào một số cổ phiếu riêng lẻ. Với người chưa nhiều kinh nghiệm thì cách tốt nhất là đứng trên vai của người khổng lồ.

Theo cách này, bạn hãy nghiên cứu danh mục của các ETF lớn. Thông thường, họ công bố top 10 mã cổ phiếu mà họ đang nắm giữ. ETF này có thể là của các quỹ trong nước, hay ETF của các quỹ nước ngoài như MSCI, VanEck, Fubon. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn dưới dạng trực tiếp hay CFD.

Nếu mã cổ phiếu của bạn nằm trong top 5 nắm giữ của các ETF thì đó là một dấu hiệu đáng tin cậy. Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về hình thức đầu tư này qua bài viết Đầu tư theo các quỹ ETF: Làm sao cho hiệu quả?

Điều khó nhất trong đầu tư là rèn luyện tính kỷ luật, sự kiên trì và tâm lý vững. Nếu tuân thủ được thì sẽ thành công.

Đầu tư vào các quỹ tín thác

Ở các thị trường phát triển, với một lượng vốn còn hạn chế, bạn có thể đầu tư vào bất động sản qua các Quỹ đầu tư bất động sản tín thác (REIT).

Các quỹ này đầu tư vào các bất động sản hữu hình như bệnh viện, trường học, văn phòng, căn hộ cho thuê, ký túc xá sinh viên, trung tâm thương mại, cửa hàng trong phố,... Các quỹ này chia nhỏ thành các đơn vị đầu tư có mệnh giá nhỏ, phù hợp với nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Với 5 nghìn USD (khoảng hơn 100 triệu), bạn có thể mua được vài chục đơn vị quỹ của một quỹ REIT, nghĩa là cũng gián tiếp sở hữu được bất động sản hữu hình.

Một số hình thức đầu tư khác

Trong đầu tư, bạn cần tuân theo một nguyên tắc quan trọng để giảm thiểu rủi ro, là “không để hết trứng vào một giỏ”.

Các cryptocurrency có vốn hóa lớn, được giao dịch ở các sàn hợp pháp như BTC, ETH, USDT hay BNB là một kênh để đa dạng hóa danh mục. Dù vậy, bạn lưu ý là chỉ nên bỏ một tỷ trọng nhỏ nếu muốn “thử thách” danh mục của mình.

Ngoài ra, ở một số thị trường cũng đã có hình thức cho vay ngang hàng (P2P). Tuy nhiên lĩnh vực này cũng có những rủi ro nhất định.

Kết

Như vậy, với 100 triệu - một số vốn có thể nói là không nhiều cũng không ít, vẫn có khá nhiều lựa chọn cho việc đầu tư. Nhưng ưu tiên trước hết là cần kiểm tra lại đã có quỹ dự phòng khẩn cấp chưa, và còn các khoản nợ lãi cao nào.

Với những người mới bắt đầu, việc đầu tư tài chính cần ưu tiên yếu tố an toàn là trên hết. Do đó, trước tiên bạn nên ưu tiên các hình thức ít rủi ro như ETF, rồi sau này theo thời gian, có kinh nghiệm và kiến thức thì dần chuyển sang các sản phẩm có mức độ rủi ro cao hơn.