Đầu tư chứng khoán: Làm sao để tránh có quá nhiều "giỏ trứng"? | Vietcetera
Billboard banner

Đầu tư chứng khoán: Làm sao để tránh có quá nhiều "giỏ trứng"?

Nên sắp xếp danh mục danh mục đầu tư như thế nào?

Đầu tư chứng khoán: Làm sao để tránh có quá nhiều "giỏ trứng"?

Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ là lời khuyên căn bản của giới đầu tư. | Minh Phương @phuonglivesbeautifully_ cho Vietcetera.

Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ là lời khuyên căn bản của giới đầu tư. Nếu vậy, nên bỏ bao nhiêu trứng vào một giỏ và nên có bao nhiêu giỏ trứng?

Với một người mới bắt đầu đầu tư, lại đang tập trung phát triển sự nghiệp riêng của mình thì nên phối hợp các giỏ trứng sao cho hợp lý?

Cần phải duy trì một mức đa dạng hóa nhất định

Đa dạng hóa danh mục đầu tư là bài học vỡ lòng của bất kỳ sách giáo khoa về tài chính nào hay bất kỳ một lời khuyên quản lý tài chính cá nhân nào.

Người ta hay nói một cách nôm na là không nên để tất cả trứng vào một giỏ. Nếu hiểu các khoản tiền có thể dành cho đầu tư của bạn là những quả trứng khác nhau, thì bỏ tất cả trứng vào một giỏ nghĩa là bạn lấy hết tiền rồi đi mua chỉ một cổ phiếu. Dân cờ bạc gọi là tẩy sạt (all-in) vào một ván.

Cách đầu tư này rất rủi ro. Hãy thử ví dụ như sau: bạn chỉ giữ một cổ phiếu ngành nhà hàng cao cấp. Bỗng đến một ngày đẹp trời, chính phủ ra quyết định đóng cửa các nhà hàng, tiệm ăn. Thử nghĩ xem lúc đấy danh mục với một-mã-cổ phiếu-duy-nhất của bạn sẽ tổn thất thế nào.

Nhiều lý thuyết đầu tư có thể được chứng minh bằng mô hình toán. Khi bạn đa dạng hóa danh mục đầu tư lên một tỷ lệ nhất định, nghĩa là nâng số công ty mà bạn đang đang đầu tư lên thay vì chỉ đầu tư vào một công ty, bạn sẽ giảm được rất nhiều rủi ro danh mục đầu tư.

Tỷ suất lợi nhuận do đó sẽ tốt hơn, trong khi rủi ro được giảm thấp.

Khi nâng số công ty mà bạn đang đang đầu tư lên thay vì chỉ đầu tư vào một công ty, bạn sẽ giảm được rất nhiều rủi ro danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, không nên đa dạng hóa danh mục đầu tư quá mức

Đa dạng hóa danh mục đầu tư quá mức (overdiversification) là bạn nắm giữ quá nhiều khoản đầu tư trong danh mục của bạn.

Điều này giống như bạn có quá nhiều giỏ trứng, mỗi giỏ có một ít trứng. Dần dần, nó bắt đầu nằm ngoài tầm kiểm soát. Bạn sẽ không biết giỏ nào là cái gì, hay vì sao mình cần giỏ trứng đó.

Bất lợi do việc nắm giữ quá nhiều khoản đầu tư nằm ở hai vấn đề chính.

Thứ nhất, vì bạn đa dạng hóa quá mức, bạn đã bổ sung thêm vào danh mục một số khoản đầu tư không đem lại lợi nhuận tốt. Trong khi đó, khoản đầu tư được thêm vào cũng không giúp giảm rủi ro của danh mục đi bao nhiêu. 

Thứ hai, vì có quá nhiều cổ phiếu trong danh mục, bạn mất tập trung và không theo sát được diễn biến của các khoản đầu tư. Đây là hệ quả của tác động của hiệu ứng sức tập trung có giới hạn (limited attention).

Các chuyên gia kinh tế và tâm lý học đã tìm thấy nhiều bằng chứng cho thấy não của đa số người chỉ có thể xử lý được một số lượng thông tin rất giới hạn, trong một thời gian nhất định.

Hiểu nôm na là khi chỉ có thông tin của chỉ 10 người đẹp trong một cuộc thi hoa hậu, bạn sẽ dễ dàng nhớ được một số thông tin về họ. Nhưng khi con số tăng lên 30-40 người thì bạn sẽ dễ bị lạc lối trong một biển thông tin.

Nắm giữ quá nhiều khoản đầu tư trong danh mục là điều không được khuyến khích.

Vậy người bận rộn nên đầu tư một danh mục bao nhiêu cổ phiếu?

Nhiều tài liệu đầu tư khuyến nghị nên chỉ ở mức tối đa 20-30 khoản đầu tư. Tuy nhiên, bản thân người viết chọn một danh mục đầu tư tối đa chỉ 10 khoản đầu tư, và thực tế thì thường xuyên nắm giữ danh mục chỉ có 5-7 cổ phiếu. 

Có một mẹo để bạn có thể đảm bảo được danh mục vẫn đủ độ đa dạng hóa hợp lý, dù danh mục đầu tư chỉ có 10 “giỏ trứng” đổ lại. Đó chính là trong số 10 “giỏ trứng” đó, có một giỏ trứng là chứng chỉ của một quỹ đầu tư đa dạng hóa.

Trong trường hợp của Việt Nam, đó có thể là chứng chỉ của một quỹ đầu tư theo sát danh mục VN30. 

Biểu hiện của một portfolio.

Đây là một ví dụ để bạn tham khảo. Đồ thị phía trên minh họa một danh mục gồm Berkshire (55%), Microsoft (20%) và Amazon (25%).

Trong đó, đường màu xanh thể hiện tỷ suất sinh lợi của danh mục, còn đường màu đỏ là tỷ suất sinh lợi của Vanguard 500 index. Đây là chỉ số mà nhiều quỹ đầu tư xem là danh mục đại diện cho tỷ suất sinh lợi bình quân của thị trường.

Như vậy, chỉ với một khoản đầu tư, bạn đã có thể đạt mức cân bằng tỷ suất sinh lợi so với rủi ro ở mức độ trung bình của thị trường. Từ đây, với những khoản đầu tư còn lại, bạn có thể tập trung thời gian tìm kiếm những công ty thật sự có điểm nhấn mà bạn yêu thích để đầu tư.

Với quy mô dưới 10 cổ phiếu, bạn sẽ có đủ thời gian và khả năng xử lý thông tin để tìm ra những cổ phiếu có tiềm năng nhất.

Và với một danh mục đầu tư "gọn" như vậy, bạn cũng có thể dành nhiều thời gian hơn cho sự nghiệp, đi chơi với bạn bè hay dành thời gian cho gia đình.