Làm sao để ngừng lo lắng người khác nghĩ gì? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
01 Thg 10, 2023
Chất Lượng Sống

Làm sao để ngừng lo lắng người khác nghĩ gì?

Theo Mark Manson, cái chúng ta thực sự lo lắng không phải là suy nghĩ của người ngoài, mà là cách quản trị những cảm xúc và suy nghĩ liên quan đến chúng.
Làm sao để ngừng lo lắng người khác nghĩ gì?

Nguồn: Jansel Ferma @ Pexels

Được chuyển ngữ từ bài viết “How to Stop Caring About What People Think” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Có vẻ chúng ta có chung một ảo tưởng về việc không bao giờ (phải) quan tâm người khác nghĩ gì. Đây dường như là siêu năng lực mà chúng ta đều ao ước, giống như cách Superman làm chệch hướng những viên đạn. Nhưng thay vì đạn, thì cái ta ước mình có thể “đánh trống lảng” chính là sự quan tâm của ta với những gì người khác nghĩ.

Chúng ta tưởng tượng nên một trạng thái tinh thần hoàn hảo, nơi sự bất an của chúng ta biến mất và chúng ta chinh phục thế giới. Nhưng khi bị cuộc đời dội cho gáo nước lạnh vào mặt, ta mới nhận ra nó không hề dễ dàng. Để giải quyết vấn đề này, ta hãy thử “mổ xẻ” nó thành ba câu trả lời: một ngắn, một dài và một sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên.

Câu trả lời ngắn: Đón nhận con người thật của bạn

Tại sao bạn không thể ngừng quan tâm người khác nghĩ gì? Câu trả lời ngắn gọn: Vì bạn không bị tâm thần.

Việc quan tâm đến ý kiến người khác là bản năng tự nhiên, giúp bạn hình thành khả năng thấu cảm, nhân ái và kết bạn với người khác. Trên thực tế, ý kiến của người khác có thể mang lại cho bạn niềm vui, sự đồng cảm, lòng trắc ẩn và những kết nối sâu sắc.

24sep2023raychanztpngbcfbjqunsplashjpg
Quan tâm đến suy nghĩ của người khác vốn là bản năng tự nhiên của con người. | Nguồn: Unsplash

Thế nên khi đặt câu hỏi “làm sao để ngừng quan tâm người khác nghĩ gì?”, thì cái bạn đang thực sự thắc mắc là “làm sao để quản trị những cảm xúc và suy nghĩ đó tốt hơn?”.

Câu trả lời dài: Cơ sở tiến hóa của khả năng xã giao

Trong thế giới động vật, loài người sở hữu hai “siêu năng lực” đặc quyền là trí thông minh và khả năng xã giao. Bởi chúng ta yếu ớt, chậm chạp và kém hơn đa số các loài khác về mặt thể chất. Cái giúp ta trở nên khác biệt là khả năng tư duy và xây dựng các cấu trúc xã hội phức tạp.

Trong phần lớn lịch sử nhân loại, con người sống theo những bộ lạc nhỏ mà mọi người phải dựa vào nhau để sinh tồn. Trong hoàn cảnh này, bị xã hội cô lập đồng nghĩa với cái chết. Não chúng ta đã tiến hóa theo hướng này, và coi việc bị từ chối là một trải nghiệm đau đớn. Thế nên việc học cách xử lý cảm giác phụ thuộc vào người khác là một phần tất yếu của kiếp người.

24sep2023pexelspixabay247314jpg
Não bộ được “mã hóa” để coi sự từ chối như mối nguy hiểm tới tính mạng con người. | Nguồn: Pexels

Phước lành của xã hội hiện đại: Bạn có thể chọn bộ tộc của riêng mình

Một điều may mắn của xã hội hiện đại là chúng ta không còn bị bó hẹp trong phạm vi một cộng đồng nhỏ. Bạn luôn có thể tìm người mới để kết giao nếu bị từ chối hoặc tẩy chay. Bạn sẽ luôn khao khát được xã hội công nhận, nhưng bạn có quyền quyết định xem bạn muốn gây ấn tượng với ai, và ai là người đáng để gây ấn tượng.

Một vấn đề mà nhiều người gặp phải, là họ để những người tồi tệ vây quanh cuộc sống của mình. Hệ quả là họ khao khát sự công nhận từ những thành phần đó.

Thay vì lo lắng người khác nghĩ gì, bạn nên tập trung tìm kiếm những người tốt hơn để kết nối. Đó phải là những người tôn trọng bạn, ngưỡng mộ bạn hoặc có thể dạy bạn một bài học đáng quý nào đó.

Câu trả lời đáng ngạc nhiên: Tìm điều gì đó quan trọng hơn

Đôi khi bạn quá quan tâm đến suy nghĩ của người khác không phải vì bạn muốn vậy, mà bởi bạn không có điều gì quan trọng hơn để quan tâm.

Khi bạn có điều gì đó thực sự quan trọng trong cuộc sống, điều bạn sẵn sàng chấp nhận bị cười nhạo chỉ vì quan tâm đến nó, bạn sẽ tự khắc dừng để tâm đến người khác. Khá trớ trêu ở chỗ, đó cũng là lúc người ta bắt đầu tôn trọng bạn.

Thử tưởng tượng có một đứa bé mắc kẹt trong một tòa nhà bị cháy. Nếu bạn là người duy nhất có thể cứu đứa bé, bạn chẳng hơi đâu quan tâm đến người khác nghĩ gì nữa. Bạn sẽ lao ngay vào tòa nhà đang cháy mà không một phút nghĩ ngợi. Ví dụ này có thể hơi cực đoan, song nguyên tắc nó mang lại có thể áp dụng rộng rãi trong cuộc sống hàng ngày.

24sep2023photo01539500989889218769227jpg
Nếu biết có đứa bé trong tòa nhà cháy, bạn sẽ lao vào cứu mà không chút nghĩ ngợi. | Nguồn: GD

Thế nên bạn hãy thử tự vấn bản thân: đối với bạn, điều gì quan trọng đến mức bạn sẵn sàng chấp nhận bị trêu chọc vì quan tâm đến nó? Nếu không thể trả lời câu hỏi trên, có lẽ bạn sẽ phải xử lý vấn đề này trước đã.