Có nhiều bạn trẻ chia sẻ với mình rằng, khi đi làm ở công việc mới, bạn nhận ra rằng có những người đồng nghiệp coi thường bạn, vì bạn là người trẻ nhất, là dân tỉnh, là du học sinh, là sinh viên mới ra trường, và vô số danh từ khác.
Hoặc ngay cả khi bạn đã làm việc ở công ty một thời gian, bạn cảm thấy mình đã “thay đổi rất nhiều” nhưng vẫn thường bị người khác đóng khung trong một hình mẫu nhất định, mà thường là ấn tượng ban đầu của họ về bạn. Do đó, bạn không thể thăng tiến hay đơn giản là được trao cho thêm cơ hội trong công việc.
Mọi người vẫn thường nói chúng ta không kiểm soát được cách người khác cảm nhận về mình. Nhưng có thật sự là như vậy? Có cách nào để người khác cũng nhìn thấy được sự thay đổi tích cực của bạn?
Hình ảnh của bạn = Hành động, thói quen của bạn
Khi còn ở tuổi teen, mình rất thích xem một bộ phim Mỹ có tên là Dexter, kể về một nhân vật chính cùng tên. Anh sống một cuộc đời hai thân phận. Ngoài công việc kiếm cơm ban ngày là chuyên viên phân tích hiện trường vụ án cho Sở Cảnh sát, anh còn là một sát thủ chuyên nghiệp. Anh “thay trời hành đạo” đối với những vụ án mà Sở Cảnh sát không có đủ bằng chứng để bắt hung thủ dưới vòng pháp luật. Gọi anh là anh hùng cũng được, mà phản diện cũng không sai.
Mình vẫn còn nhớ trong phim Dexter có nói một câu, đại khái rằng, mỗi người đi làm đều đeo một chiếc mặt nạ. Hình ảnh của một người khi ở chỗ làm rất khác với khi họ ở bên gia đình hay bạn bè. Nhờ tạo ra vỏ bọc hoàn hảo ở Sở cảnh sát là một người cực kỳ thân thiện, hài hước, thậm chí có phần khù khờ, thường bị người khác bắt nạt và sai vặt, Dexter có thể “làm thêm” công việc sát thủ của mình suốt bao năm mà không bị phát hiện.
Trong kịch bản vẫn có những lúc Dexter vô ý làm “lệch” chiếc mặt nạ. Chẳng hạn trong một lần đi khám nghiệm hiện trường nọ, không hiểu sao anh không thể buông ra những câu đùa như thường lệ, mà bộc lộ cảm xúc thật của mình là sự ghê tởm đối với những cái xác. Người đồng nghiệp đi cùng anh ban đầu cũng ngạc nhiên, nhưng may mắn cho anh, chiếc mặt nạ anh tạo ra quá chắc chắn. Những người ở chỗ làm đã quá quen với sự cợt nhả, khù khờ được dựng lên của Dexter.
Một mặt nó cho thấy rằng rất khó để thay đổi quan điểm của một người. Mặt khác, chính sự cố chấp trong suy nghĩ của chúng ta có thể tạo điều kiện cho người khác lợi dụng, kiểm soát mình.
Từ bộ phim đó, mình đã hiểu hình ảnh của mình trong mắt của người khác là rất quan trọng. Mình không cần phải là người nổi tiếng, KOL thì mới cần có “thương hiệu cá nhân.” Thương hiệu cá nhân là dành cho tất cả mọi người. Bạn muốn mọi người nhìn mình như thế nào thì hình ảnh bạn thể hiện ra, năng lượng bạn toả ra cũng phải như thế. Bạn không thể cư xử theo hướng này, nhưng lại muốn người khác nghĩ theo hướng khác.
Và quan trọng hơn cả, hãy chính là hình ảnh bạn muốn thể hiện ra bên ngoài. Thế giới trong phim của Dexter đã được tối giản đi rất nhiều lần so với thực tế. Nếu chỉ tạo ra một vỏ bọc thì “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra.”
Khi bạn ra trường đi làm, mỗi một hành động mình làm, mỗi bước mình đi đều đang góp phần xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình. Thậm chí nếu bạn đã đi làm một thời gian rồi, có lẽ các bạn sẽ càng hiểu hơn ý nghĩa của việc này.
Làm sao mà khi đã đi làm một thời gian rồi mình có thể thay đổi được nhận diện thương hiệu cá nhân? Nếu bạn chuyển việc hoặc chuyển đến một vùng đất mới thì đấy là một câu chuyện khác. Nhưng giả dụ bạn đang ở vị trí hiện tại và bạn muốn thăng chức, bạn muốn mọi người nhìn thấy sự trưởng thành của mình thì phải làm thế nào?
Mình sẽ chia sẻ với các bạn 4 bước dưới đây.
1. Là chính mình
Nghĩa là mình không phải thay đổi gì, mà đơn giản là dám bộc lộ ra nhiều khía cạnh khác của bản thân hơn. Con người của mình ra sao thì thể hiện ra đúng như thế ấy.
Chuyện một người có các bản thể khác nhau là rất bình thường. Mình khi ở nhà với khi lên giảng đường, khi trên YouTube sẽ khác nhau. Mình khi nói tiếng Việt sẽ khác với khi nói tiếng Anh.
Tuy nhiên, điều quan trọng là mình phải làm sao để khoảng cách giữa các tính cách không quá lớn. Mình trong cuộc sống hằng ngày là một người giản dị, không makeup. Trên video, mình có thể chỉn chu hơn nhưng sẽ không “lồng lộn” đến mức người quen không nhận ra. Trong quan điểm của mình, điều tốt nhất là mình sẽ có một bản thể cố định xuyên suốt trong tất cả mọi việc mình làm. Nếu bạn có sự chân thật này thì bạn không cần phải lo lắng đến việc thay đổi hình ảnh bản thân.
Tuy nhiên, điều này có thể khá khó khăn, đặc biệt đối với những bạn trẻ vẫn đang còn trong hành trình tìm hiểu mình là ai. Khi đó chắc chắn bạn sẽ phải có sự tự chỉnh sửa qua công việc thứ nhất, công việc thứ hai, thứ ba thì mới tìm được đúng hình ảnh của mình.
2. “Công khai” về sự thay đổi của bạn
Nếu bạn thấy bên trong mình đã thay đổi nhiều và cũng đã thể hiện sự thay đổi đó ra bên ngoài nhưng người khác vẫn không dễ cảm nhận được nó, thì hãy thử nói thành lời về sự thay đổi đó.
Tại sao phải làm như thế? Bởi vì có thể mọi người đã quá quen với hình ảnh của bạn rồi, như câu chuyện về Dexter trong bộ phim Mỹ mình đã kể bên trên.
Bản thân mình cũng chia sẻ với các bạn rất nhiều về những nút thắt khiến cho cái nhìn của mình về cuộc sống thay đổi. Mình không còn là mình của ngày xưa nữa, mà đã trở thành một phiên bản khác tích cực hơn, và sát với con người thật của mình hơn.
Thế nhưng khi bạn chia sẻ nó với những người chưa thực sự hiểu bạn, hãy chọn những điều mà bạn cảm thấy thoải mái nhất, hay dễ hiểu nhất đối với họ.
Để việc này hữu hiệu hơn nữa, bạn hãy tạo ra một khoảng cách – ngừng gặp một thời gian với những người mà bạn muốn họ nghĩ khác về bạn. Ví dụ trong cuộc sống của mình, con người của mình trước khi đi du học và con người mình sau khi đi du học là hai con người khác nhau. Không hẳn là mình thay đổi 180 độ, mà vì ngày xưa khi còn ở Việt Nam mình đã không thực sự sống thật với bản thân. Mình sợ nói ra suy nghĩ của chính mình. Nhưng sau đó nhờ khoảng cách địa lý và thời gian không gặp gỡ, khi mình quay lại, những thay đổi của mình dễ được mọi người chấp nhận hơn.
Với trường hợp của bạn, bạn có thể xin đi công tác một thời gian, hay xin nghỉ một thời gian. Sau đó khi bạn quay lại, hãy chia sẻ về những thay đổi của bản thân. Đôi khi chỉ riêng việc bạn “biến mất” một thời gian thôi đã khiến người khác nghĩ rằng đã có chuyện gì đó thay đổi với bạn.
3. Chờ đợi người khác thay đổi
Đi song song với việc chia sẻ là hãy kiên nhẫn hành động từng chút một để những người xung quanh cảm nhận và làm quen với sự thay đổi của bạn, như chính bạn cũng mất thời gian để thay đổi.
4. Là chính mình
Tại sao mình lại quay vòng trở về với bước đầu tiên? Đó là vì hành trình phát triển bản thân của mỗi người sẽ không bao giờ ngừng lại. Trong lúc chờ đợi sự công nhận từ người khác rằng “bạn đã thay đổi” ở khía cạnh này thì có thể bạn đã thay đổi thêm ở khía cạnh khác. Thế nên, đến cuối cùng điều quan trọng nhất là bạn phải lắng nghe chính mình.
Có bạn từng chia sẻ với mình rằng sau khi sự thay đổi tích cực của bạn được công nhận, bạn được cất nhắc lên vị trí quản lý. Tuy nhiên, thời gian đầu bạn gặp nhiều khó khăn, không thể hiện được tốt trong công việc. Vượt qua những lời đàm tiếu rằng bạn không xứng đáng cho vị trí mới, bạn phải quay trở lại nhìn nhận con người thật của mình, phát triển bản thân hơn, và tiếp tục xây dựng hình ảnh bản thân.
Kết
Bạn muốn người khác nghĩ theo cách nào thì hãy thể hiện đúng như thế. Đừng ngoài miệng nói lời cay đắng, nhưng lại mong muốn người khác hiểu rằng đó là cách bạn thể hiện sự quan tâm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là bạn biết mình là ai, và thể hiện ra đúng như vậy.
Bốn bước mình vừa chia sẻ trong bài tạo thành một vòng tròn khép kín, vì mình mong rằng nó có thể giúp bạn thay đổi hình ảnh của mình trong mắt người khác, nhưng vẫn giữ cho hình ảnh ấy là hình ảnh bạn yêu thích nhất. Hình ảnh mà chúng ta tạo ra trước nhất là cho chính chúng ta, không phải cho ai khác.