Làm thế nào để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của sự trì hoãn? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO
18 Thg 09, 2019
Tâm Lý Học

Làm thế nào để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của sự trì hoãn?

Sự trì hoãn có thể có lợi trong một số trường hợp. Tuy nhiên, trì hoãn quá mức và quá nhiều lần cũng gây ra nhiều trở ngại trong cuộc sống và công việc. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số cách để kiểm soát sự trì hoãn của bản thân.

Làm thế nào để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của sự trì hoãn?

Sự trì hoãn (procrastination) không hẳn là một điều xấu. Nếu được vận dụng một cách hợp lý, sự trì hoãn có thể mang lại một số lợi ích nhất định hoặc trở thành một chiến lược giúp tăng năng suất và hiệu quả công việc của bạn.

Tuy nhiên, với nhiều người, sự trì hoãn có thể rất nghiêm trọng và là trở ngại trong việc hoàn thành công việc được giao cũng như phát triển bản thân. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tuy sự trì hoãn có thể cho ta một số lợi ích ngắn hạn nhưng lại gây ra những hậu quả dài hạn (căng thẳng hơn, chất lượng công việc giảm sút…).

Nếu bạn đang cảm thấy bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự trì hoãn của bản thân, một số cách dưới đây có thể giúp bạn cải thiện tình hình.

Những lý do của sự trì hoãn

Trái với suy nghĩ của nhiều người, việc trì hoãn không nhất thiết đồng nghĩa với việc bạn đang lười biếng. Đôi khi, bạn chỉ đơn giản cảm thấy vẫn còn nhiều thời gian để hoàn thành công việc của mình. Vì vậy, bạn trì hoãn công việc và bị cuốn hút vào những hoạt động khác ít tốn năng lượng hơn và thú vị hơn, như chơi game hay xem một bộ phim mình yêu thích chẳng hạn. Trong trường hợp này, chúng ta có thể nói việc trì hoãn đã làm bạn “lười biếng” hơn.

Trì hoãn không nhất thiết đồng nghĩa với lười biếng mà có nhiều tầng nguyên do sâu xa hơn sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Trì hoãn không nhất thiết đồng nghĩa với lười biếng, mà có nhiều tầng nguyên do sâu xa hơn.

Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp khác, bạn trì hoãn một công việc chỉ vì nó có vẻ nhàm chán. Bạn tạm gác công việc ấy qua một bên và chuyển sang những công việc khác thú vị hơn. Thật là bất công nếu nói bạn “lười biếng” khi bạn không muốn dọn dẹp phòng vào hôm nay mà thay vào đó là hoàn thành một bản dịch thuật cho khách hàng trước, chỉ vì bạn thích làm việc với những con chữ hơn là với cây chổi.

Vậy nếu không phải là lười biếng thì những lý do gì khiến bạn trì hoãn? Theo nghiên cứu từ đại học DePaul và đại học Athens, Greece, có 4 lý do chính dẫn đến sự trì hoãn, đó là:

1. Sợ hãi và lo âu

Chúng ta sợ kết quả đầu ra sẽ không như mong muốn. Chúng ta lo lắng rằng mọi người sẽ không đón nhận những gì chúng ta làm. Từ đó, chúng ta trì hoãn công việc lại một cách vô thức. Bạn có thể đợi một thời gian dài để ứng tuyển vào một công việc mình yêu thích, bắt chuyện với một chàng trai bạn có cảm tình, bắt đầu thử sức ở một lĩnh vực hoàn toàn mới,… Tất cả chỉ vì bạn sợ mình sẽ thất bại.

2. Mức độ yêu thích

Chúng ta có xu hướng thực hiện những công việc mà chúng ta yêu thích trước và “để dành” những công việc nhàm chán hơn sau cùng.

3. Sự phân tâm

Chúng ta dễ bị phân tâm bởi những hoạt động giải trí khác thú vị hơn (như chơi game, xem phim, đọc truyện,…) trong quá trình làm việc.

4. Sự phản kháng

Khi cảm thấy bị bắt buộc phải làm một công việc nào đó, chúng ta dễ có xu hướng phản kháng và trì hoãn công việc đó.

Một số cách để hạn chế việc trì hoãn

Tùy theo nguyên nhân gây ra sự trì hoãn mà bạn sẽ cần những biện pháp cải thiện tương ứng sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Tùy theo nguyên nhân gây ra sự trì hoãn mà bạn sẽ cần những biện pháp cải thiện tương ứng.

Nếu bạn trì hoãn vì sợ hãi hoặc lo âu, cách tốt nhất là hãy tập đối diện và chấp nhận chúng, thay vì cố gắng lảng tránh và trì hoãn nguồn cơn gây ra những cảm xúc tiêu cực trên. Lòng tự trắc ẩn là một trong những phương pháp hiệu quả giúp bạn thực hiện điều này.

Trong một nghiên cứu vào năm 2012, giáo sư Sirois phát hiện ra rằng những người hay trì hoãn thường có mức độ căng thẳng cao và lòng tự trắc ẩn thấp. Vì vậy, việc rèn luyện lòng tự trắc ẩn sẽ giúp bạn giảm thiểu stress và sẵn sàng trải nghiệm các cảm xúc tiêu cực hơn, từ đó hạn chế việc trì hoãn.

Ngoài ra, thay vì nghĩ rằng mình phải hoàn thành một công việc cụ thể, hãy chia công việc đó thành những phần việc nhỏ hơn. Hãy cố gắng bắt đầu từ những phần việc dễ nhất. Sau khi hoàn thành chúng, bạn sẽ được tiếp thêm động lực để hoàn thành những bước tiếp theo, rồi dần dần hoàn thành cả công việc. Thậm chí ngay cả những việc nhỏ như ngồi vào bàn làm việc hoặc mở máy tính lên cũng sẽ khiến cho việc thực hiện các bước tiếp theo trở nên dễ dàng hơn nhiều. Phương pháp này đặc biệt có lợi khi bạn phải bắt tay vào làm những công việc mà mình không thích.

Để không bị phân tâm, bạn không cần thiết phải loại bỏ những thú vui của mình. Thay vào đó, hãy cố gắng thực hiện chúng sau khi đã hoàn thành công việc, như một cách tự thưởng cho bản thân. Bạn cũng có thể sắp xếp lại góc làm việc của mình để dễ bắt đầu công việc hơn và khó bị phân tâm bởi những thứ khác hơn.

Một trong số các biện pháp là tìm kiếm ý nghĩa trong công việc bạn làm để không cảm thấy bị ép buộc sizesmaxwidth 1200px 100vw 1200px
Một trong số các biện pháp là tìm kiếm ý nghĩa trong công việc bạn làm để không cảm thấy bị ép buộc.

Việc tìm kiếm ý nghĩa trong công việc bạn đang làm sẽ giúp bạn không cảm thấy mình đang bị bắt buộc phải làm, từ đó cũng không phải trì hoãn để “phản kháng” nữa. Ví dụ, thay vì nghĩ rằng việc cấp trên giao cho là chuyện bắt buộc, hãy nghĩ xem hoàn thành tốt công việc này sẽ giúp bạn phát triển bản thân hơn như thế nào.

Cuối cùng, việc hạn chế sự trì hoãn đòi hỏi một nỗ lực lâu dài và sẽ không thể đạt được trong một sớm một chiều. Đừng quá lo lắng nếu bạn có “lỡ” trì hoãn một vài lần. Bắt đầu lại ngay từ bây giờ sẽ luôn tốt hơn việc cứ dằn vặt bản thân chỉ vì mình đã trì hoãn.

Bài viết được thực hiện bởi Sơn Đặng.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.

Xem thêm:
[Bài viết] “Để mai tính” – Khi trì hoãn là một chiến lược
[Bài viết] 5 Điều cần biết để quản lý thời gian hiệu quả