Làn Sóng Xanh, chiếc radio cũ chạy pin và một bầu trời âm nhạc | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Làn Sóng Xanh, chiếc radio cũ chạy pin và một bầu trời âm nhạc

Thứ âm nhạc đầu tiên tôi nghe và đặc biệt yêu thích có tên là nhạc trẻ.
Làn Sóng Xanh, chiếc radio cũ chạy pin và một bầu trời âm nhạc

Nguồn: TD Cat

Khoảng 20 năm trước, tất cả âm nhạc tôi nghe là từ chiếc radio nhỏ ông nội tặng cho. Một chiếc máy đã rất cũ của hãng Sony, màu sơn đen bong tróc lỗ chỗ nhưng cây anten mạ inox vẫn luôn sáng bóng. Với 2 viên pin tiểu, chỉ cần bật nút, vặn núm tần số và kéo cần anten là tôi đã có thể bước vào thế giới âm nhạc.

Đó là một thời còn thiếu thốn phương tiện nghe nhìn. Thế nên mỗi lần phát sóng của chương trình radio mà tôi yêu thích quả thực là một món quà. Sau này khi sở hữu chiếc MP3 đầu tiên, rồi đĩa than hay dịch vụ streaming, ký ức về những năm tháng cũ vẫn thỉnh thoảng ùa về.

Khi giải thưởng Làn Sóng Xanh 2023 công bố danh sách đề cử, đặc biệt là diva Mỹ Linh được vinh danh giải Thành tựu khiến cho ký ức tưởng quên chợt nhớ. Nhìn vào danh sách đề cử với những gương mặt nghệ sĩ trẻ nổi bật đương thời, những kỷ niệm về Làn Sóng Xanh, về lớp nghệ sĩ nhạc nhẹ của thời chúng tôi lại dâng lên.

Nhạc trẻ và lần đầu tiên biết đến “trending”

Ba mẹ tôi xây căn nhà ngói đỏ đầu tiên vào năm 1997. Tôi khi ấy đã 6 tuổi nhưng chưa biết radio là gì, cũng không hay về một chương trình âm nhạc mới được yêu thích có tên Làn Sóng Xanh.

Phải thêm hơn 6 năm nữa (2003) tôi mới bắt đầu biết đến Làn Sóng Xanh, mới bắt đầu thưởng thức nhạc đại chúng, và mới bắt đầu biết những hạnh phúc được truyền đến tai mình theo dạng… “sóng âm.”

Thực ra, với Làn Sóng Xanh, tôi và những bạn đồng trang lứa (sinh sau 1990) có thể là người đến muộn. Bởi sau 3 năm ra đời, Làn Sóng Xanh không còn hào quang như cuối thập niên 1990. “Làn sóng vốn rất xanh” (Quốc Bảo) đã từng tạo ra những ngôi sao lấp lánh như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Bằng Kiều, Minh Thuận, Phương Thanh, Đan Trường, Lam Trường… Chương trình và các ca sĩ có lọt Top từ năm 2001 trở đi không còn “nóng” như trước đó.

Nhạc đại chúng, hay nhạc pop ở Việt Nam, từ lúc bắt đầu đã được gọi bằng cái tên là nhạc trẻ. Ý để chỉ những luồng âm nhạc mới từ sau 1975 và đặc biệt phát triển từ thập niên 1990, để khu biệt nó với những thể loại âm nhạc trước đó như nhạc tiền chiến, nhạc vàng, nhạc đỏ. Nhạc trẻ là nhạc pop của Việt Nam, với những sáng tác và trình bày theo thể loại nhạc pop phương Tây.

05jan2024mylinhdoatgiaithanhtuulansongxanh1703675334png
Mỹ Linh hát "Hương Ngọc Lan" tại Làn Sóng Xanh ở Hà Nội năm 1998. | Nguồn: Phương Nam Phim

Cũng từ đó mà sau này chúng ta có thị trường nhạc pop (thường gọi là VPop) với một thế hệ những nghệ sĩ đặt lời Việt cho các bài pop nổi tiếng của Âu-Mỹ, của nhạc Pop Trung Quốc hay những sáng tác của nhạc sĩ Việt Nam.

Những Nhất Huy, Bảo Chấn, Dương Thụ, Quốc Bảo, Đỗ Bảo, Anh Quân… là những nhạc sĩ Việt Nam tiêu biểu cho nhạc trẻ (nhạc nhẹ) Việt Nam cuối và đầu năm 2000.

“Tóc ngắn mắt bồ câu sáng ngời” - Diva Mỹ Linh hát; hay “Tình yêu như mật ngọt trên cao/ Làm lòng ta luôn khát khao/ Tình yêu như mộng đẹp nên thơ/ Làm lòng ta luôn ước mơ” của Mỹ Tâm từng là giai điệu vang lên thường xuyên trên Làn Sóng Xanh.

Những giai điệu và lời ca đó không bao giờ cũ, bởi nó chuyên chở thêm cả những ký ức ngồi trước radio đợi chờ ca khúc yêu thích của mình vang lên. Đó là thứ cảm xúc vô cùng đặc biệt như The Carpenters hát trong Yester One More, “When I was young/ I’d listen to the radio/ Waitin' for my favorite songs/ When they played I'd sing along/ It made me smile.” Mỗi khi bài hát của mình yêu thích vang lên, tôi bất giác cười và hát ông ổng theo.

“Em on top không phải trending/ Không phải YouTube không phải trên Zing…” Nếu đưa Bigcityboi của Binz về 20 năm trước, có lẽ câu trả lời đầy đủ và chính xác nhất là Làn Sóng Xanh. Đó là lần đầu tiên tôi biết bài hát gì đang được yêu thích và yêu cầu phát nhiều nhất. Đó cũng là lần đầu tiên tôi biết đến trending.

Thế hệ ca sĩ Gen Z tại Việt Nam không còn được ca ngợi là nghệ sĩ “hit radio.” Thời nay, bảng xếp hạng thuộc về các dịch vụ trực tuyến như Spotify, iTunes/Apple Music, YouTube… Nhưng cách đây 20 năm, thước đo của nhạc trẻ Việt Nam là Làn Sóng Xanh. Bài hát được yêu cầu nhiều nhất nghĩa là bài hát đó được yêu thích nhất, phổ biến và thành công nhất.

Lần đầu tiên biết thần tượng “Idol”

Khi anh trai tôi dán hình Đan Trường lên tường và hát theo những Kiếp ve sầu; còn chị gái tôi bắt đầu “cover” Ưng Hoàng Phúc, thì tôi tập theo họ dán những Britney Spears, Linkin Park lên mảng tường trước bàn học tập của mình.

Đó là giữa những năm 2000, khi số tiền tiết kiệm được chỉ đủ để mua số báo Hoa Học Trò có poster của thần tượng mà mình yêu thích. Nhờ Làn Sóng Xanh, lần đầu tôi biết đến cảm xúc thần tượng một nghệ sĩ là như thế nào.

05jan2024smallh2860d5614bbjpeg
Những tờ báo Hoa Học Trò. | Nguồn: VieZ

Không đến nỗi tôn thờ họ, đặt họ lên đầu tiên, nhưng nhờ có những nghệ sĩ đó mà tôi đã có những thì giờ khuây khoả, những thì giờ ngóng trông và những thì giờ được hạnh phúc.

Những cuốn sổ tay chép lời ca khúc, trang trí “hoa lá cành” trở thành một hoạt động phổ biến trong chuỗi “hành vi” thần tượng nghệ sĩ thuở đó. Và tôi nhớ, trong cuốn tuyển tập “Greatest Hits” của mình chứa đầy những bài hát từ Trần Thu Hà, đến Lam Trường, rồi Westlife, Linkin Park, OneRepublic, v.v.

Sau cuốn sổ tay chép lời bài hát là những tấm poster dán đầy những mảng tường, những chiếc sticker dán ở khắp mọi nơi. Vì quá thiếu thốn để có thể sở hữu những băng cassette, CD… thứ chúng tôi có thời đó chỉ từ các hoạ báo.

05jan2024loatsoghichepbaihat0116762766343291890156383jpg
Sổ tay chép lời bài hát là trải nghiệm mà chắc chắn nhiều bạn trẻ ngày nay thấy bất ngờ. | Nguồn: Tuổi Trẻ

Việc ai có nhiều poster hay sổ tay lời bài hát kỳ công là một việc vô cùng “đỉnh”. Ngày xưa, tuổi thiếu thiên của chúng tôi “ngầu” theo cách đó.

Sau này, khi Kpop trở thành làn sóng ở Việt Nam, Sơn Tùng MTP nổi tiếng, Billie Eilish trở thành hiện tượng… việc sở hữu CD, thẻ bo góc trở thành một “mốt” thần tượng khác. Và chúng tôi không lạ lẫm với những kiểu thần tượng như vậy vì trước đó chúng tôi đã được tập dượt trước.

Khi Làn Sóng Xanh bắt đầu “chững” lại bởi sự phát triển của công nghệ và thói quen nghe nhạc thay đổi, tôi bắt đầu “di cư” đến các nền tảng khác. Và giống như thói quen thần tượng “Idol” đã có trước, chúng tôi cũng bắt đầu sưu tầm những gì liên quan đến nghệ sĩ mình yêu thích.

Nhưng mỗi lần nhớ về kỷ nguyên sống dưới bóng thần tượng, không gì có thể thắng được một cuốn sổ chép tay lời bài hát và những tấm poster hay hình hoạ báo cắt xiên xẹo dán lên một mảng tường ấu thơ.

Xác định mình đang tồn tại

Tôi cũng nhận ra mình đã thực sự tồn tại trong một cộng đồng cũng yêu thích Làn Sóng Xanh, cùng tâm trạng giống như trong các bức thư mà họ gửi về cho đài phát thanh. Họ chia sẻ câu chuyện, tâm trạng; họ bộc bạch nỗi buồn, họ nhắn những lời yêu thương trên sóng. Vì thế, mỗi lần lắng nghe Làn Sóng Xanh không chỉ là chờ đợi ca khúc yêu thích vang lên, mà còn chờ xem tâm tình nào của thính giả được phát sóng.

Sau này tôi yêu thích lắng nghe Quà tặng âm nhạc, Quick & Snow Show, XoneFM vì họ trẻ trung, bài hát (quốc tế) cập nhật hơn, những lá thư của thính giả gần với tâm trạng của mình hơn. Nhưng nếu không có Làn Sóng Xanh, có lẽ tôi đã không “cuốn” vào thế giới âm nhạc đặc biệt đó.

Cũng giống như hội nhóm Bút Hương Đầu Mùa trên Hoa Học Trò, trên Thiếu Niên Tiền Phong hay Mực Tím… những thính giả của các show Radio cũng có những hội nhóm như vậy. Ra đời vào thập niên 2000 khi Internet phát triển, các forum (diễn đàn) và Blog 360… nở rộ, mọi người bắt đầu kết nối lại với nhau thành cộng đồng như thế.

Trong những năm tháng tuổi thiếu niên của mình, tôi may mắn khi biết đến những cộng đồng như vậy. Chính chúng đã định nghĩa và hình thành nên sở thích, cũng như cho tôi biết rằng mình đang tồn tại.

Sau này, mỗi khi rơi vào một cơn “khủng hoảng hiện sinh,” khi lạc lối trong sự hỗn loạn của việc xác định sự tồn tại của bản thân, tôi đều nhớ về những năm 2000, nhớ về những cộng đồng yêu âm nhạc như vậy.

Các hội nhóm kín hay mở, trên Facebook hay Sub-Reddit ngày nay có lẽ ít vui hơn những forum ngày xưa. Sự khác nhau và kém vui ở chỗ, những cộng đồng ngày xưa thường hoà nhã và thân mật hơn rất nhiều. Điều đó không có nghĩa là không có những xung đột hay những cuộc rời đi.

Nhưng dù sao đi nữa, những cộng đồng đó vẫn luôn tồn tại; và những con người đó dù đang làm gì ở đâu, chắc chắn trong họ vẫn có một mảnh ký ức mang tên Làn Sóng Xanh và những thuở ban đầu lưu luyến ấy.

Tạm kết

6 năm sau khi tặng tôi chiếc radio, ông nội qua đời. Mùa hè năm đó khắc nghiệt đến nỗi tôi nghĩ mình không thể vượt qua. Nhưng khi cầm chiếc radio cũ, nghĩ về những thì giờ hạnh phúc mà mình có với Làn Sóng Xanh, Quà tặng âm nhạc, Quick & Snow Show… tôi đã nói lời cảm ơn ông nội trong im lặng.

Cũng nhờ chiếc radio cũ đó, sau này tôi có cơ hội làm phóng viên âm nhạc, văn hoá; luôn được sống trong thế giới ngập tràn những giai điệu và âm thanh. Và mỗi lúc nhớ lại thời kỳ đó, tôi đã biết lớn lên là gì, và cảm ơn những mất mát và hạnh phúc đã, đang và sẽ đến.

Và tất nhiên, tôi thấy mình tồn tại giữa những cộng đồng luôn biến đổi, luôn có muôn vàn khả thể của trưởng thành và tự do.