Love language - 5 Cách đánh vần từ “yêu” | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
14 Thg 02, 2023
ThươngBóc Term

Love language - 5 Cách đánh vần từ “yêu”

Ngôn ngữ tình yêu không chữa bách bệnh, đó là sự gắn kết hai chiều và là cuộc đối thoại cởi mở để cùng nhau học cách hòa hợp.
Love language - 5 Cách đánh vần từ “yêu”

Nguồn: Unsplash

1. Love language là gì?

Love language hay ngôn ngữ tình yêu là cách một người “cho và nhận” cảm giác yêu trong mối quan hệ.

Có 5 loại ngôn ngữ tình yêu:

  • Lời yêu (Words of Affirmation): kiểu yêu bằng ngôn từ/ ca từ/ câu chữ ngọt ngào, ngợi khen, khích lệ: “anh yêu em,” “anh cố lên,” “cảm ơn em.”
  • Thời gian bên nhau (Quality time): cảm giác yêu vào những giây phút chỉ có đôi ta, dành trọn sự chú ý cho nhau: bữa tối hẹn hò lãng mạn, “đưa nhau đi trốn,” cùng nhau xem phim.
  • Quà tặng (Gifts): tình yêu đến từ những món quà được gói bằng công sức, tâm huyết và sự thấu đáo: cuốn sách ảnh tự thiết kế, sự xuất hiện bất ngờ của người ấy sau thời gian yêu xa.
  • Cử chỉ chu đáo (Acts of Service): cảm giác yêu khi được người thương chăm sóc và quan tâm đến những điều nhỏ nhặt như san sẻ việc nhà, bóc vỏ tôm.
  • Những cái chạm (Physical touch): tình yêu “nở hoa” trong những cái ôm hôn, âu yếm, cưng nựng hoặc cuộc làm tình.

Một người có thể có nhiều cách yêu và được yêu. Nhưng Gary Chapman, cha đẻ của thuật ngữ, tin rằng ai cũng có ngôn ngữ yêu nổi trội nhất, được gọi là primary language.

Ngôn ngữ này có thể được hình thành từ môi trường sống lúc nhỏ và thấm dần vào ta như tiếng mẹ đẻ. Còn ngôn ngữ thứ hai (secondary language) sẽ là thứ tiếng của đối phương mà ta cần học để kết nối với họ.

2. Nguồn gốc của love language

Như có đề cập ở trên, love language được ra đời và định nghĩa bởi tiến sĩ Gary Chapman trong cuốn sách The 5 Love Languages: The Secret to Love That Lasts (1992). Chỉ trong một năm ra mắt, khoảng 8500 bản in của cuốn sách đã được bán sạch và con số này tăng gấp đôi trong năm tiếp theo.

Cuốn sách mở đầu với câu hỏi “Chuyện gì đã xảy ra với tình yêu sau lễ cưới?” Trải qua nhiều năm tham vấn các cặp vợ chồng, Gary Chapman đã tìm ra câu trả lời: sự bất đồng ngôn ngữ yêu.

Gary phát hiện rằng nguyên do làm sâu sắc mâu thuẫn này là ước mộng “yêu như lúc mới yêu.” Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Dorothy Tennov trích trong sách, những cảm xúc say sưa, “điếu đổ” chỉ kéo dài chừng 2 năm.

Cuộc tình sẽ dừng ở đó nếu lý trí và nỗ lực không can thiệp. Yêu cũng cần phải học và học ngôn ngữ của nhau là bước đi đầu tiên.

3. Vì sao love language trở nên phổ biến?

Sau khi trở thành “tân binh khủng,” cuốn sách The 5 Love Languages: The Secret to Love That Lasts vẫn trụ vững trong vị trí bán chạy nhất trên New York Times. Hiện cuốn sách đã bán được hơn 12 triệu bản và được dịch ra 50 thứ tiếng.

Chưa dừng ở đó, cuốn sách còn có thêm nhiều phiên bản đặc biệt: ngôn ngữ yêu của trẻ con, thanh thiếu niên, người độc thân, nam giới và quân nhân.

Năm 2010, trang web The 5 Love Languages đã được ra mắt với mục đích cung cấp các tài liệu, khóa học và bài test ngôn ngữ yêu (hiện cán mốc hơn 30 triệu người dùng). Cùng với đó là một ứng dụng có tên Love Nudge giúp các cặp đôi luyện nói chuyện hằng ngày.

Ngôn ngữ tình yêu còn là nguồn cảm hứng bất tận cho các ý tưởng tặng quà vào dịp lễ Tình nhân, Ngày của mẹ hay buổi cầu hôn.

Mô hình yêu của tiến sĩ Gary Chapman chưa từng lỗi thời vì nó đại diện cho những nhu cầu sâu thẳm của con người. Đó là mong muốn bảo vệ cái tôi và nguyện vọng được hồi đáp. Cảm xúc hờn dỗi, thất vọng sẽ đến nếu những dấu hiệu tình yêu quá mịt mờ. Và cái kết là “em không hiểu anh,”“anh không thương em.”

Nói riêng về ngôn ngữ yêu “chạm sát cơ thể,” nhu cầu được ôm ấp và an toàn (contact comfort) có thể là lý do. Điều này xuất phát từ khi ta mới lọt lòng đã được nằm trọn trong vòng tay mẹ. Nhiều nghiên cứu nhận thấy, những đứa trẻ không được tiếp xúc thoải mái trong sáu tháng đầu đời, lớn lên sẽ bị thương tổn tâm lý.

Quan điểm của Gary Chapman khá “ăn nhập” với thuyết trao đổi xã hội (social exchange theory). Yêu là mối quan hệ “có qua - có lại.” Một khi bạn “đọc-hiểu” được ngôn ngữ yêu của đối phương, họ cũng sẽ ngầm hiểu nên yêu lại bạn thế nào.

Có 3 lợi ích khác của việc áp dụng ngôn ngữ yêu (theo Verywell Mind):

  • Tăng sự thấu cảm trong tình yêu: Hiểu được ngôn ngữ yêu là hiểu được nhu cầu và quan điểm yêu của người ấy, từ đó trân trọng cách yêu của nhau hơn.
  • Duy trì mối quan hệ có chiều sâu: Những cuộc trao đổi ngôn ngữ yêu thường xuyên sẽ tạo môi trường an toàn, gần gũi để chia sẻ và tiếp xúc.
  • Hỗ trợ sự phát triển cá nhân: Yêu nửa kia theo những cách nằm ngoài vùng an toàn của bạn sẽ buộc bạn phải trưởng thành và thay đổi.

Và đây là những cách dùng sai ngôn ngữ tình yêu:

  • Tìm người có chung ngôn ngữ hoặc yêu cầu họ học ngôn ngữ của bạn.
  • Cuộc chiến tình yêu hơn-thua “tôi yêu chừng này mà bạn chỉ có từng ấy.”
  • Bất chấp áp dụng ngôn ngữ yêu dù không phù hợp, chẳng hạn như khi đối phương thể hiện cảm cúc cực đoan, bạo lực.

Tóm lại, ngôn ngữ tình yêu không chữa bách bệnh, mà đó là sự gắn kết hai chiều và là cuộc đối thoại cởi mở để cùng nhau học cách hòa hợp.

4. Cách dùng love language

Tiếng Anh

A: What should I give my boyfriend on Valentine's Day? I can’t think of anything. Help me!

B: What about gift ideas based on his love language? Go to Vietcetera there's an article about this.

Tiếng Việt

A: Tặng cái gì cho người yêu tao vào Valentine đây? Tao không nghĩ được gì cả. Cứu với!

B: Kiểu tặng quà theo ngôn ngữ tình yêu của bồ mày thì sao? Lên Vietcetera đi, có bài viết về cái này đó.