Malcolm Gladwell: Tạo sự cuốn hút cho những tác phẩm phi hư cấu | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Malcolm Gladwell: Tạo sự cuốn hút cho những tác phẩm phi hư cấu

Giữ chân độc giả bằng cách...lạc đề.
Malcolm Gladwell: Tạo sự cuốn hút cho những tác phẩm phi hư cấu

Tác giả Malcolm Gladwell. | Nguồn: Inc. Magazine.

Những chủ đề bị gắn mác “nhàm chán” như tài chính, kinh tế, làm việc hiệu quả, hay… tập thể dục, lại thường có lợi ích thực tế. Với tư cách là một người viết, việc của bạn không chỉ là đưa tới kiến thức cho độc giả, mà khó hơn thế là cho họ một trải nghiệm đọc thú vị.

Ai cũng biết rằng tập thể dục rất tốt cho sức khỏe, nhưng rất ít người có thể thuyết phục bạn rằng tập thể dục cũng rất thú vị, rất vui, thậm chí còn có thể làm bạn "sướng" hơn gói bánh và tập phim trên màn hình.

Nếu đã từng thử thuyết phục một người không tập thể dục đi tập thể dục, bạn sẽ hiểu cái khó của việc thuyết phục một người không quan tâm tới kinh tế đọc về kinh tế. Malcolm Gladwell lại là người làm việc này rất tài tình.

Malcolm Gladwell là một ký giả, tác giả nổi tiếng với những cuốn sách phi hư cấu bán chạy nhất thế giới như: Điểm Bùng Phát (The Tipping Point), Kẻ Xuất Chúng (Outliers), David & Goliath,... Ông cũng là người sinh ra khái niệm “sự kết dính” (stickiness) của nội dung, truyền cảm hứng cho “Made To Stick”, cuốn sách gối đầu giường của giới copywriter. Ông cũng là người dẫn của podcast “Revisionist History” - podcast lật lại những sự việc bị bỏ quên hay hiểu lầm trong lịch sử.

profile
Tác giả - nhà báo Malcolm Gladwell. | Nguồn: Esquire.

Được huấn luyện để trở thành một cây bút chuyên nghiệp, Malcolm Gladwell có khả năng phỏng vấn nhân vật, nghiên cứu và tổng hợp thông tin xuất sắc trong những chủ đề liên quan đến lịch sử, kinh tế, chính trị - xã hội, văn hóa - nghệ thuật, và cả khoa học. Dù những tác phẩm của ông cũng gây nhiều tranh cãi, không thể phủ nhận rằng Malcolm Gladwell là một tác giả rất giỏi biến những thứ khô khan trở nên thú vị. Đó là nhờ sự nhạy bén với thông tin, cùng cách chọn lọc và sắp xếp chúng trong bài viết của mình.

Malcolm Gladwell đã làm tốt điều gì? Ông cho người đọc những công cụ để họ tự giải mã tác phẩm, bài viết của mình. Việc kích thích sự chủ động trong suy nghĩ khiến người đọc bị cuốn hút vào bài viết.

Hãy cho độc giả công cụ để khám phá bài viết

Malcolm Gladwell nghĩ rằng việc cho người đọc một công cụ sẽ thúc đẩy họ đọc tiếp.

“Tôi cung cấp công cụ để người đọc theo kịp thông tin trong bài viết, và để họ có thể suy nghĩ về chủ đề như cái cách mà tôi suy nghĩ.”

“Ví dụ, tôi sẽ kể cho các bạn một câu chuyện rất vui về X, nhưng trước khi tới được X, các bạn sẽ cần phải biết những thông tin sau đây. Và đây là lý thuyết để giải thích cho những thông tin đó, còn đây là cách để sử dụng chúng.”

Khi đã có đủ công cụ trong tay, tự nhiên bạn sẽ muốn sử dụng chúng.

Trong bài viết The Ketchup Conundrum, trước khi thực sự giải thích thành công của tương cà chua hiệu Heinz, ông đã cho chúng ta biết về hành vi của con người trước những hương vị mới; sự khác biệt về gu ăn uống; cách những chuyên gia ngành thực phẩm đánh giá độ thành công của một hương vị; cách họ tạo ra công thức tốt nhất cho sản phẩm và cách bán được nhiều nhất có thể...

heinz
Nguồn: Heinz.

Sau đó ông quay lại và nói tiếp về tương cà hiệu Heinz. Giờ đây người đọc đã có một số kiến thức tổng quan để hình dung được sự tài tình của nhà sản xuất này, từ đó thực sự hiểu được lý do đằng sau thành công của tương cà Heinz.

“Đôi lúc thứ người đọc cần là những công cụ, nên hãy đưa cho họ đi, và tìm cái nào vui vui vào.” - Malcolm chia sẻ trong Masterclass về việc viết của mình.

Cho dù bạn có đang dài dòng, khán giả sẽ không khó chịu nếu sự lạc đề của bạn đủ thú vị.

Cho độc giả “kẹo”

“Kẹo” ở đây là những mẩu thông tin thú vị mà người đọc có thể lấy ra để bàn bạc với bạn bè.

“Kẹo” là một thứ phụ thêm, ngoài món chính là chủ đề mà bạn đang muốn truyền tải tới độc giả.

Malcolm Gladwell nhận ra rằng trong những cuộc nói chuyện hàng ngày về một món ăn, một cuốn sách, một bộ phim,... người ta không nói về chúng như cái cách họ nghĩ về chúng. Cách bạn nghĩ về một thứ thì rất phức tạp, có nhiều lớp lang, nhiều sự mâu thuẫn và cả những điều bạn chưa giải thích được. Những thứ bạn hiểu về một tác phẩm có thể vượt ngoài khả năng giải thích, truyền tải của bạn.

Nhưng khi nói về những chủ đề này, bạn sẽ nói những thứ bạn đủ hiểu để CÓ THỂ nói được. Do đó chúng ta chỉ nói được về một vài lát cắt nhỏ, và những lát cắt này không thể đại diện cho cách chúng ta suy nghĩ về một việc gì đó.

Khi đã hiểu rằng thứ chúng ta nói khác thứ chúng ta nghĩ, thì với tư cách là một người viết, ngoài việc cho người đọc thứ gì đó để suy ngẫm, hãy cho thêm những thứ mà họ có thể nói về, những viên “kẹo”, những thứ vui vẻ và bé nhỏ. Đó là những mẩu thông tin, những sự thật thú vị liên quan đến chủ đề chính, dù thêm chúng vào không hỗ trợ cho luận điểm của bạn.

Trong bài viết hơn 5000 chữ về tương cà, Malcolm đã dành khoảng 3000 chữ để viết về mù tạt, Coca ăn kiêng, sốt spaghetti, bánh sừng trâu,... Với mỗi loại thực phẩm, ông lại viết thêm về những mẩu thông tin thú vị khác liên quan đến chúng.

Mãi tới giữa bài ông mới thực sự nhắc đến sự đặc biệt của sốt cà chua.

Và tới cuối bài, Malcolm vẫn không trả lời được câu hỏi đặt ra ban đầu: “Vì sao tương cà chỉ có một kiểu trong khi các loại nước chấm khác có nhiều kiểu?” Nhưng tới lúc này thì bạn đã học được rất nhiều thứ thú vị từ ông, đơn cử:

5 vị cơ bản mà con người nếm được: chua, cay, mặn, ngọt, và umami.

Trong 5 vị này, umami là vị của sữa mẹ.