Manchester By The Sea và sự trần trụi của tâm lý hậu mất mát | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
21 Thg 03, 2021
Điện ẢnhDVD

Manchester By The Sea và sự trần trụi của tâm lý hậu mất mát

Nếu hỏi tôi về một bộ phim buồn tê tái đến nỗi tôi sẽ chẳng bao giờ dám giới thiệu nó cho ai, tôi sẽ không ngần ngại tiến cử Manchester By The Sea.

Manchester By The Sea và sự trần trụi của tâm lý hậu mất mát

Nguồn: Amazon Studios

Được đề cử 6 hạng mục Oscar vào năm 2017, trong đó có hạng mục Phim xuất sắc, tác phẩm thuộc thể loại drama của Kenneth Lonergan khẳng định một điều: không có viễn cảnh màu hồng và sự chữa lành dễ dãi khi con người đối diện với mất mát người thân.

Mỗi mùa Oscar, tôi lại có thói quen cố gắng tìm và xem hết mọi đề cử Best Pictures (phim xuất sắc) để bắt kịp với thời đại và phổ cập những tác phẩm được đánh giá là xuất sắc của một năm qua. Tôi nhớ năm đó, khi xem tác phẩm của Kenneth Lonergan xong, tôi đã không dám mở miệng ra khen phim. Tôi sợ mình sẽ vô tình khuyến khích người thân xem và để họ phải chịu sự thống khổ mà phim mang lại.

alt
Nguồn: Amazon Studios

Sau 4 năm nhìn lại, tôi vẫn thấy Manchester By The Sea là một trong những đề cử Best Picture ấn tượng nhất kể từ tôi khi tiếp xúc với phim ảnh. Không biết có phải vì đó là một thước phim drama quá hay với diễn xuất thần sầu của dàn diễn viên, hay vì đơn giản là nỗi buồn của phim ám ảnh tôi đến mức tôi coi đó là một tài năng của đạo diễn. Lonergan không chỉ tái hiện một lát cắt của cuộc sống, mà còn tái hiện được những nỗi đau của con người bén như những nhát dao cứa vào cổ tay.

Thị trấn của những vết thương khó lành

Nếu phải tóm tắt Manchester By The Sea ngắn gọn, tôi sẽ nói: một người qua đời ở đầu phim, nhưng phải tới cuối phim đám tang mới diễn ra.

Một câu ngắn gọn như vậy, những ai chưa xem cũng sẽ lờ mờ đoán được nội dung phim xoay quanh sự mất mát của một người thân, cũng như việc đối mặt để vượt qua nỗi đau ấy. Nhân vật chính của phim là Lee Chandler (Casey Affleck thủ vai, người thắng giải Nam diễn viên xuất sắc nhất mùa Oscar năm đó với vai diễn này), một anh thợ sửa chữa ở Boston. Một ngày mùa đông lạnh lẽo, Lee nhận được tin anh trai Joe của mình đã đột ngột qua đời tại quê nhà Manchester-by-the-Sea, một thị trấn nhỏ ở New England.

Sự ra đi đột ngột của Joe đã khiến Lee phải đối mặt với hai vấn đề lớn: Anh sẽ trở thành người giám hộ cho đứa cháu trai Patrick và có khả năng phải ở lại thị trấn này một thời gian khá dài để lo hậu sự cho anh trai, nơi mà Lee đã chạy trốn để quên đi quá khứ đầy bi kịch của mình.

Ở nửa đầu của phim, khán giả được làm quen với hai hình ảnh Lee Chandler khác nhau: một của hiện tại và một của quá khứ qua những cảnh hồi tưởng (flashback). Lee của hiện tại là một gã đàn ông chán đời, nói chuyện cụt ngủn, có phần sỗ sàng cùng lối sống cách biệt về mặt cảm xúc với xã hội xung quanh. Lee thờ ơ trước lời tán tỉnh từ những người phụ nữ khác, thường xuyên bị phàn nàn vì thái độ cộc lốc và lời lẽ bất lịch sự với các chủ hộ, và hay gây rối không cần lý do ở những quán bar khi đã say bét nhè.

alt
Đầu phim vẽ ra sự đối lập giữa Lee của quá khứ và hiện tại. | Nguồn:

Nhưng Lee của quá khứ thì hoàn toàn ngược lại: hoạt bát, thích đùa, hay cười và hết lòng yêu thương gia đình mình. Đối lập với một người mưu sinh cau có, không có nổi một nụ cười ở Boston là một thanh niên miền biển với khuôn mặt toả nắng cùng ly bia trên con tàu đánh cá ở Manchester-by-the-Sea. Sự tương phản này rõ rệt đến mức khán giả bị kéo vào dòng hồi ức ấy và đặt ra nhiều câu hỏi cho Lee. Vấn đề của người đàn ông này là gì? Điều gì có thể thay đổi một con người đến như vậy?

Phải đến nửa sau phim khán giả mới có được câu trả lời. Lee chạy trốn khỏi quê nhà để quên đi một tấn bi kịch mà vợ cũ Randi (Michelle Williams) đã đổ hết lên anh. Suốt ngần ấy năm, Lee chưa bao giờ tha thứ cho mình về điều đó.

Manchester-by-the-Sea là cái hố sâu đầy tội lỗi và những ký ức đau đớn mà anh muốn quên đi. Bối cảnh mùa đông không khiến cho phim sáng sủa hơn, bởi việc chôn cất Joe không thể diễn ra khi tuyết phủ đầy đất. Tới lúc biết sự thật, khán giả mới dần thấm được tâm lý của nhân vật Lee khi cùng một lúc phải gặm nhấm những cảm xúc quá đỗi kinh hoàng.

alt
Lee chạy trốn khỏi quê nhà để quên đi tấn bi kịch mà vợ cũ đã đổ hết lên anh. Suốt ngần ấy năm, Lee chưa bao giờ tha thứ cho mình về điều đó. | Nguồn: Amazon Studios

Tuy nhiên, câu chuyện về nỗi đau được sưởi ấm bởi mối quan hệ của Lee và đứa cháu trai Patrick (Lucas Hedges, hoàng tử mới của phim indie). Lee đứng giữa hai lựa chọn, hoặc ở lại làm người giám hộ theo di chúc cho đứa cháu không gia đình, hoặc tiếp tục chạy trốn khỏi thị trấn đầy ám ảnh đó.

Mối quan hệ cậu-cháu được khai thác sâu xuyên suốt phim dưới dạng “cặp đôi hoàn cảnh” hay “tough love” (thương cho roi cho vọt). Mâu thuẫn liên tục xảy ra giữa cả hai, phần vì họ đều là những người mang vết thương lòng lớn, phần vì sự có mặt của cả hai đều khơi gợi những ký ức không mấy vui vẻ trong quá khứ.

Lee tỏ ra khó chịu trước lối sống của Patrick khi đôi lúc cậu hờ hững với cái chết của bố và tập trung cho những mối quan hệ bạn bè xung quanh. Patrick phản kháng khi bị ông cậu biệt tăm biệt tích bấy lâu quay lại và kiểm soát cuộc sống của mình, thậm chí còn yêu cầu cậu dọn đến Boston, rời xa cộng đồng cậu đã gắn bó từ nhỏ. Cứ thế, cả hai quẩn quanh trong những cảm xúc tiêu cực của mình ở một nơi dường như chỉ cứa sâu hơn vào những tổn thương tâm lý của chính họ.

manchester3
Mâu thuẫn liên tục xảy ra giữa cả hai, phần vì họ đều là những người mang vết thương lòng lớn, phần vì sự có mặt của cả hai đều khơi gợi những ký ức không mấy vui vẻ trong quá khứ. | Nguồn: Amazon Studios

Để khắc hoạ rõ điều này, Kenneth Lonergan đảm bảo rằng “thời gian” và “sự im lặng” là kẻ thù lớn nhất để bóp nghẹt những kẻ khốn khổ đang tìm cách thoả hiệp với nó.

Khi thời gian và sự im lặng là kẻ thù đáng sợ nhất của nỗi đau

Người đạo diễn như bậc thầy của nhịp phim. Xuyên suốt Manchester By The Sea, Kenneth Lonergan bóp nghẹt trái tim của nhân vật và khán giả bằng lối kể chuyện theo trường phái hiện thực: không tô hồng nỗi đau.

Chỉ sau 10 phút vào phim, khán giả sẽ dễ nhận ra đây là một thước phim rất nặng: Lee mở cửa nhà xác nhìn thi thể anh trai mình lần cuối. Cú máy tĩnh (static) tập trung vào cảm xúc của nhân vật khi đón nhận mất mát. Dù đây là một cảnh tượng gây cảm xúc mạnh và có thể khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, cách quay phim vẫn khiến khán giả không thể rời mắt khỏi hình ảnh thi thể đang nằm trên bàn, khi Joe bần thần một nhịp dài, tiến tới gần rồi dùng tay xoa mặt, cúi xuống ôm, hôn nhẹ lên má anh trai, và bắt đầu khóc.

manchester4
Nếu Lonergan dùng thời gian như một lưỡi dao, thì sự im lặng chính là viên đạn gây sát thương không kém. | Nguồn: Amazon Studios

Cái chết luôn là một đề tài cấm kỵ trong văn hoá truyền thông phương Tây. Trong rất nhiều phim điện ảnh, cái chết được khắc hoạ một cách nhanh, gọn, lẹ. Một cuộc gọi báo tin sẽ được tiếp nối bằng cảnh đám tang với vài ba giọt nước mắt ước lệ. Sau đó là cảnh chia buồn tại nhà nhân vật chính, và rồi mọi thứ cứ thế trôi nhanh, để mất mát lại phía sau.

Lonergan dường như căm ghét cách khắc hoạ cái chết tuy hời hợt nhưng lại phổ biến này. Với ông, nỗi đau mất đi một người thân và quá trình đối mặt, tiếc thương chưa bao giờ là điều nhanh gọn, dễ dàng. Nhưng nếu ông dùng thời gian như một lưỡi dao, thì sự im lặng chính là viên đạn gây sát thương không kém.

Đầu tiên là sự vắng bóng của thoại phim ở một vài phân cảnh. Đơn cử là khi Lee nhận được cú điện thoại báo tin buồn từ quê nhà. Anh nhấc máy, đứng trong im lặng. Không thoại ở đầu dây bên kia, không nhạc kịch tính, khán giả chỉ nghe được vài câu đáp trổng không từ Lee. Cả những khoảng lặng dài trong những cuộc đối thoại đều giúp tô đậm tâm lý nhân vật, như cảnh Lee và một người phụ nữ cố gắng trò chuyện để hiểu nhau hơn. Cách xây dựng sự im lặng này không những tôn lên diễn xuất nội tâm của diễn viên mà còn khắc họa những tâm hồn tổn thương luôn cảm thấy thời gian trôi qua thật chậm, hệt như một màn tra tấn.

Tiếp đến là về phần nhạc. Phim thoát khỏi phong cách melodrama thường thấy khi tránh việc chi phối người xem bằng âm nhạc. Không có những cảnh “nhạc buồn vang lên, lệ rơi xuống”, nước mắt trong phim là những giọt nước mắt rất đời, không lãng mạn hoá, không mang tính áp đặt cảm xúc. Nhân vật trong phim tỉnh táo ngay những lúc khán giả nghĩ họ sẽ vỡ oà, và vỡ oà ngay những lúc khán giả nghĩ họ đang bình tĩnh nhất. Sự thiếu vắng của âm nhạc khiến khán giả tập trung hoàn toàn vào phản xạ của nhân vật với thế giới của họ.

manchester5
Các nhân vật tỉnh táo ngay những lúc khán giả nghĩ họ sẽ vỡ oà, và vỡ oà ngay những lúc khán giả nghĩ họ đang bình tĩnh nhất. | Nguồn: Amazon Studios

Một trong những phân cảnh xúc động nhất phim là khi Patrick thấy những hộp thịt đông trong tủ lạnh rồi chợt oà khóc như một đứa trẻ vào nửa đêm. Cậu bàng hoàng khi nghĩ đến việc bố mình đang phải nằm trong nhà xác và chờ được chôn cất vào mùa xuân. Sự vỡ oà đó diễn ra một cách tự nhiên, như một thước phim tài liệu về cảm xúc con người, không hề có sự dàn dựng hay tín hiệu nào.

Tiếp đến là cảnh Lee và vợ cũ Randi gặp lại nhau, khi Randi tìm cách giãi bày tâm tư sau nhiều năm xa cách. Dẫu là người làm chủ cuộc đối thoại, Randi vỡ oà khi từng lời nói của cô bị nuốt chửng bởi cảm xúc, và bởi cách Lee đẩy cô ra xa. Hay cả lúc Lee, con người tưởng chừng khô cằn nhất phim, lại gục đầu vào ngực y tá và khóc khi được săn sóc sau một vụ đánh nhau. Ở tất cả phân đoạn trên, âm nhạc không hiện diện để khán giả phải xúc động, và góc máy không cần cố gắng tôn lên “vẻ đẹp của nước mắt” một cách sáo rỗng.

Chữa lành chưa bao giờ là điều dễ dàng

Từ đầu phim, khán giả luôn kỳ vọng một kết thúc tươi sáng từ đông sang xuân, từ mất mát sang sự sống, từ đổ vỡ sang chữa lành. Theo lẽ thường, có lẽ khán giả cũng mong mối quan hệ cậu cháu giữa Patrick và Lee sẽ giúp họ vượt lên những nỗi đau trong đời và sống với những điều tốt đẹp hơn. Kết thúc trong mơ là hai cậu cháu họ sẽ chung sống và yêu thương nhau như một gia đình. Lee cũng sẽ quyết định quay về Manchester-by-the-Sea, bỏ hết quá khứ sau lưng.

Tiếc thay, Lonergan không đứng về sự chữa lành viên mãn ấy. Niềm tin của ông về sự hồi phục tâm lý hậu mất mát không phải kiểu hồi phục nhiệm màu, ấm áp tình thương đầy màu hồng. Đó là sự hồi phục chậm rãi nhưng tất yếu của cuộc sống. Dẫu thương yêu cháu mình, Lee vẫn quyết định rời Manchester-by-the-Sea với vỏn vẹn một câu nói: "I can't beat it."(Cậu không đánh bại nó được.) như thể nhấn mạnh rằng anh vẫn không vượt qua được nỗi đau quá khứ. Đó chính là trường phái hiện thực có phần nhẫn tâm của Lonergan, song vẫn mang lại cho phim một phong vị rất chân thật, rất đời.

manchester7
Nguồn: Amazon Studios

Và, giữa bộn bề những nỗi đau, phim khép lại với đoạn hội thoại đầy niềm tin vào tương lai của hai cậu cháu, với ánh mặt trời chiếu rọi báo hiệu một mùa xuân ấm áp, còn Patrick lại lấy con thuyền của bố mình ra khơi.