Margaret Atwood: Để tìm ý tưởng mới, hãy biết đặt câu hỏi | Vietcetera
Billboard banner

Margaret Atwood: Để tìm ý tưởng mới, hãy biết đặt câu hỏi

Làm sao để có những ý tưởng nguyên bản và mang tính thời đại? Không đâu xa xôi, người sáng tạo cần trăn trở và đặt câu hỏi về chính cuộc sống hiện tại của mình.

Margaret Atwood: Để tìm ý tưởng mới, hãy biết đặt câu hỏi

Margaret Atwood | Nguồn: Đại diện của Atwood

Margaret Atwood là nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động môi trường, nhà phát minh người Canada. Gia tài của bà có hơn 60 cuốn sách: từ tiểu thuyết, thơ, truyện ngắn, sách thiếu nhi, phê bình văn chương tới series truyện tranh. 

Trong đó, các tiểu thuyết giả định đan xen nhuẫn nhuyễn giữa yếu tố khoa học và thần thoại giúp bà được biết đến như “Nhà tiên tri của văn học Phản địa đàng”.  

Đặt câu hỏi về thực tại giúp đem đến những ý tưởng mới

Margaret Atwood định nghĩa tiểu thuyết giả định là một cách khai phá những giả định tiềm năng về xã hội hiện tại. Bà cho rằng nó lấy nền móng từ những công nghệ và hệ tư tưởng mà loài người đã và đang thực hành.

Chính yếu tố hiện thực đầy cấp thiết này khiến người đọc phải chiêm nghiệm về những vấn đề của hiện tại.

Atwood năm 1981 khi ra mắt sách Bodily Harm, chụp bởi Terry Jorden

Trong khóa học trên Masterclass, Atwood đưa ra gợi ý cho người viết tiểu thuyết: Hãy bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi “Nếu như?” (What if?) về thế giới chúng ta đang sống:

  • Đặt ra 3 vấn đề xã hội bạn quan tâm đến. Vấn đề này có thể là ý tưởng cốt lõi cho câu chuyện, hoặc đơn thuần là một chủ đề được lồng ghép trong tác phẩm. 
  • Hãy tìm hiểu và phân tích cụ thể: Đâu là những tin tức hoặc phát minh khoa học bạn muốn đưa vào không gian, thời gian giả định này? Chúng không cần mang tính toàn cầu hoặc nổi cộm. Đôi khi, bạn chỉ cần thay đổi thứ tự của sự kiện là đủ để tăng tính quan trọng của vấn đề.
  • Chọn một sự kiện từ danh sách trên và vạch ra nhiều đặc điểm về các (nhóm) nhân vật bị ảnh hưởng.
  • Bạn không cần bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự kiện, mà đôi khi, đứng từ ngoài nhìn vào sẽ giúp bạn có góc nhìn hay hơn về nó.

Với Chuyện Người Hầu Gái (Handmaid's Tale), Atwood khởi đầu từ những câu hỏi: "Cần gì để một thế lực chiếm đóng nước Mỹ?" hay "Làm thế nào để ràng buộc phụ nữ khi họ đang sống trong một xã hội tự do?"

Từ đó bà dựng nên một nước cộng hoà Gilead - nơi phụ nữ không có quyền tự do. Họ chỉ là công cụ sinh sản khi tỉ lệ sinh giảm trầm trọng do ô nhiễm môi trường. 

Được xuất bản năm 1985, Handmaid’s Tale có một khả năng “tiên tri” đầy cảnh tỉnh. Độc giả tìm thấy ở nước Mỹ ngày nay những dấu hiệu của nhà nước cộng hoà Gilead với những điều luật gia trưởng, áp bức, oằn mình trước thảm họa môi trường và khủng hoảng nhập cư.

Bộ y phục tùy nữ trở thành một biểu tượng trong các cuộc biểu tình bảo vệ quyền sinh sản của phụ nữ. Ảnh: Shutterstock.

 

Nghiền ngẫm và đặt câu hỏi về hiện thực xã hội là bước đầu để khơi dậy ý tưởng. Như lời nhắn nhủ của bà, không chỉ đúng với người viết, mà còn dành cho người đọc:

“Câu trả lời bạn tìm thấy từ văn học phụ thuộc vào những câu hỏi bạn đặt ra."

“The answers you get from literature depend on the questions you pose.”

Biết thật nhiều về nhân vật 

Mường tượng nhân vật trong các viễn cảnh “Nếu như…?” là một phương pháp quan trọng bởi sự kiện và nhân vật là cốt lõi của tiểu thuyết. Thay vì mặc định tác phẩm trên những chủ đề, ý tưởng, Margaret Atwood viết dựa trên nhân vật.

Bà tin rằng, ý tưởng là điều sẽ dần được độc giả khai phá. Còn phản ứng của nhân vật trước sự kiện mới là chìa khóa khai mở tính cách và số phận.

Từng nhân vật phải hành động dựa theo tính cách và bản năng riêng. Người viết phải hiểu hết về nhân vật - từ quá khứ, sở thích, nỗi ám ảnh, những bí mật riêng. (Thậm chí Atwood còn ghi chép lá số chiêm tinh của nhân vật). 

Bà nhắc nhở rằng trong quá trình viết, có những lựa chọn ở những trang trước khiến nhân vật trở nên “sai lệch”. Người viết phải tinh ý và can đảm viết lại để nhân vật có thể phát triển hợp lý. 

Margaret Atwood trong buổi ra mắt cuốn The Testaments tại London, 2019. Nguồn: Dylan Martinez/Reuters

Cụ thể, Atwood lập bảng thống kê sinh nhật của từng nhân vật và những sự kiện toàn cầu trong cuộc đời họ. Phương pháp này giúp bà ghi nhớ mối tương quan giữa các nhân vật, và độ tuổi của họ khi những sự kiện (dù có thật trong lịch sử hay là hư cấu) xảy ra.

Việc xây dựng nhân vật trên bề dày quá khứ này đã đem lại những phân đoạn hồi tưởng giàu cảm xúc, khi nhân vật thực sự tương tác với tình hình chính trị-xã hội sinh động.

Bởi vì những tâm niệm và ý thức rõ trong việc cầm bút như vậy, nên không phải ngẫu nhiên Margaret Atwood trên văn đàn luôn là một cái tên mang màu sắc đa diện.

Năng lực nhìn nhận sâu sắc, sự thấu hiểu và châm biếm hóm hỉnh chính là tiếng nói cần thiết mỗi người viết phải cất lên trong mỗi tác phẩm của mình.