5 năm trước, chàng trai trẻ Minh Duy lần đầu đặt chân đến Canada với nhiều hoài bão xen lẫn mông lung khi đổi hẳn ngành từ Chemical Engineering sang học Business, vốn là một ngành cạnh tranh cao ở Canada.
5 năm sau, với rất nhiều nỗ lực bền bỉ, Minh Duy giờ đây sở hữu một “kho tàng” trải nghiệm với công việc full-time ổn định tại Canada, một năm career break Ấn Độ đầy lý thú.
Không những thế, Minh Duy cũng “ẵm” luôn giải thưởng danh giá Governor General's Academic Silver Medal tại trường Seneca Polytechnic (Toronto, Canada) nơi anh theo học nhờ GPA tuyệt đối 4.0/4.0, giúp anh làm vẻ vang tên tuổi du học sinh Việt Nam tại Toronto và Canada.
Hành trình du học thành công này liệu có dễ? Cùng ngồi lại nghe Minh Duy chia sẻ.
Từ những ngày đầu tiên, vì sao bạn chọn du học?
Du học, ban đầu là kế hoạch tẩu thoát của mình.
Tốt nghiệp 3 năm cấp 3 ở Trần Đại Nghĩa chuyên Hóa, với bảng điểm mà nhiều người nhìn vào sẽ nghĩ cái cậu này dành cả thanh xuân chỉ biết học, năm 2019, mình được tuyển thẳng vào Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, khoa Kỹ sư Hóa học.
Nghe lý tưởng phải không?
Đáng buồn mà nói, đó là một lựa chọn “trước mắt thấy gì thì vớ đấy”. Nỗi khổ của đứa học gì cũng khá là nó thực sự không biết mình muốn làm gì cả.
Vào Bách Khoa, mình học với thái độ “cái này ra đời chẳng dùng được”. Bảng điểm kỳ Một của mình dĩ nhiên cũng phản ánh điều đó: Toán ma trận 3 điểm, Hóa phân tích 4 điểm...
Mình tìm đường chuồn. Anh họ mình lúc đó đã có dự định du học Canada. Mình hỏi thăm, lấy thông tin, rồi sau đó với lý luận sắc bén và vài giọt nước mắt, bố mẹ mình (và Lãnh sự quán) gật đầu.
Có khó khăn nào bạn gặp trong giai đoạn thích nghi đầu không?
Phần lớn là tiếng Anh. IELTS mình lúc đó 7.0, nghĩ vậy là đủ.
Về đọc hiểu nghe giảng mình không vấn đề gì mấy. Chỉ có điều giao tiếp với bạn bè, nhất là với người bản xứ họ dùng nhiều slangs và tốc độ nói như Aroldis Chapman ném bóng chày ở 105.8 mph, mình vất vả lắm mới chụp được vài chữ.
Chương trình học ở Seneca Polytechniccho mình làm bài tập nhóm rất nhiều. Đây có thể là một bất tiện khi phải thảo luận qua lại, song lại là thứ mình thích nhất. Vì phải thảo luận qua lại, mình được rèn luyện kỹ năng bàn bạc phát biểu ý kiến và điều phối nhóm mượt mà hơn.
Bạn có lời khuyên nào để giúp các bạn sinh viên thích nghi với cuộc sống ở một đất nước mới không?
Học nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, sống ngăn nắp, dậy sớm, thể dục đều đặn.
Ngắn gọn là các kỹ năng cơ bản để sống tốt, không chỉ ở Canada mà ở bất kỳ đâu.
Mẹ bắt anh em mình thuần thục những kỹ năng này từ nhỏ. Chúng quan trọng thế nào thì ai cũng biết. Nhưng hơn hết là ý thức trách nhiệm. Tất cả đều bắt đầu với ý thức: Có ý thức với sức khỏe của mình, với công việc mình làm, với những người xung quanh.
Sống tươm tất là tiền đề. Đừng coi thường nó, bởi vì nó thể hiện chúng ta là người như thế nào. Và ở đâu ai cũng cần người sống chỉn chu và có ý thức.
Bạn có thể chia sẻ về giải thưởng danh giá tại Seneca Polytechnic mà bạn vừa đạt được?
Lúc đầu nghe tin mình nhận được giải, mình kiểu “chuyện gì đang xảy ra vậy?” Sau đó mới biết đó là do điểm trong trường 4 năm của mình cao nhất khóa.
Nói thật là mình chẳng có nhiều cảm xúc lắm khi biết tin. Lúc học, mình đã có chủ ý là học hết sức mình bởi vì đó là điều tốt nhất mình có thể làm cho bản thân và gia đình.
Không phải kiến thức trong trường là quan trọng. Đi làm rồi mình mới biết mình không dùng nhiều mấy. Quan trọng là ý thức làm hết sức mình trong mọi việc. Điều này làm cho việc học trở nên rất hứng thú, bởi vì mình học với sự tò mò muôn biết, học cho mình, chứ không phải cho ai khác.
Đã có công việc full-time gần như ổn định, điều gì thôi thúc bạn gap year để đến Ấn Độ?
Mình từ chối lời mời làm việc sau khi thực tập để đi Ấn Độ tham gia chương trình Sadhanapada, mục đích là để học cách sử dụng tâm trí, cơ thể, và cảm xúc tốt hơn nữa.
Câu chuyện bắt đầu từ cuối tháng 1 năm 2022, mình tham gia chương trình Inner Enginneering của Sadhguru. Đó là điểm ngoặt trong cuộc đời mình.
Trước đó thì suy nghĩ mình cứ chạy liên tù tì như đoàn tàu kéo dài đến vô tận. Nặng đầu. Cảm xúc mình thì phụ thuộc các yếu tố bên ngoài: phải theo ý mình thì mình mới vui, còn trái ý thì buồn, stress, khó chịu, giận dữ.
Sau Inner Engineering, mình được trao cho “công cụ” để sử dụng cơ thể, tâm trí, và cảm xúc theo ý mà mình muốn.
Khi chúng trong sự kiểm soát của mình, mình làm việc hiệu suất hơn hẳn. Một ví dụ nhỏ: mình ngày trước ngủ tận 8 tiếng đồng hồ. Bây giờ, chỉ cần 5 giờ là mình có thể chạy máy ngon rơ.
Không bao giờ mình có thể khiến mọi thứ xung quanh mình xảy ra theo ý mình 100%. Nhưng những thứ bên trong - cảm xúc, suy nghĩ - chúng là của mình. Tại sao không sử dụng chúng theo ý mình muốn?
Đó là những gì Inner Engineering đã trao cho mình. Trải qua một hành trình dài cho đến hiện tại, giờ đây mình muốn vui mình có thể vui, muốn hạnh phúc có thể hạnh phúc. Cảm xúc mình trở nên ngọt ngào, không vì lý do gì cả, mà chỉ bởi vì đó là thứ mà mình muốn.
Năm đi Ấn Độ là năm đi “mài rìu” của mình.
Trải nghiệm đáng nhớ nhất của bạn ở Ấn Độ là gì? Chúng giúp bạn trưởng thành như thế nào?
Ở Ấn Độ thì mình tình nguyện trong App team. Công việc của mình là quản lý nội dung - như phân loại các bài viết, video, audio, tag chúng, và đảm bảo các đường link vẫn hoạt động.
Công việc không khó, nhưng ban đầu mình thấy chán vô cùng. Mình lại một lần nữa, làm nửa vời.
Trước đây, mình kén cá chọn canh. Phải vẽ thì mới vui. Phải chơi đàn thì mới hết mình được. Còn lại làm văn phòng thì chán òm.
Cho đến khi mình nhìn thấy coordinator của mình - một anh tình nguyện viên người Đức đã làm vị trí này hơn 5 năm. Anh làm việc quên cả bản thân. Lúc nào anh cũng tươi cười, mặc dù công việc cũng chẳng khác gì mình mấy. Thái độ làm việc cùa anh khiến mình cúi đầu ngưỡng mộ. Mình muốn trở thành con người giống như thế.
Mình biết mình trưởng thành khi mà mình có thể làm bất kỳ việc gì với đam mê và nhiệt huyết.
Đã nhận ra điều đó rồi thì mọi việc mình làm, từ rửa chén đến xếp quần áo đến nhập dữ liệu đều trở nên hết sức thú vị. Khi mà mình biết cách lao vào công việc một cách hết mình, đó là lúc mình cảm thấy nhiều sức sống nhất.
Với một thị trường cạnh tranh khan hiếm job, bạn đã làm thế nào để giành được cơ hội việc làm?
Đây là cơ bản của Marketing: “Làm thế nào để khách hàng cảm nhận được giá trị mà mình đem đến?”
Tương tự, nếu công ty không cảm nhận họ sẽ nhận được giá trị gì từ bạn, rất khó để bạn có thể xin được việc.
Nên làm hết sức có thể để khiến họ cảm nhận được điều đó.
Một tip đơn giản: liệt kê tất cả các thành tích mà bạn đạt được một cách cụ thể. Càng nhiều số liệu, càng nhiều thông tin thì càng tốt.
Ví dụ như hồi lúc mình học, mình là nhóm trưởng của tất cả - đúng vậy, tất cả - các bài tập nhóm. Chẳng ai muốn làm, thế là mình làm. Và trong tất cả các bài tập nhóm, nhóm mình bao giờ cũng được A+. Đây là vài dòng trong resume mình viết:
Bạn có lời khuyên nào dành cho những bạn sinh viên muốn “career break” khi ở nước ngoài?
Trước tiên chúng ta phải biết mục tiêu khi giành 1 năm gap của mình là gì. Ba mẹ mình không vui chút nào khi mình quyết định đi Ấn Độ, từ chối lời mời đi làm của công ty, và quẳng đi hơn 1 năm work permit.
Nhưng mình biết rõ là mình muốn “nâng cấp” bản thân, bằng cách học cách sử dụng “cỗ máy tuyệt vời nhất trên thế giới- aka cơ thể này”.
Giống như khi ta biết dùng camera tốt hơn, ta có thể quay được những thước phim đẹp hơn, sống động hơn. Tương tự như vậy, khi ta biết cách dùng cơ thể, tâm trí, cảm xúc, và năng lượng tốt hơn, mặc định hiệu suất và chất lượng làm việc của ta sẽ cao hơn.
Mình đã cố gắng dồn hết tâm huyết trong thời gian internship đầu tiên ở công ty Oracle Netsuite, đạt Batch Winner trong số các sinh viên thực tập kỳ đó. Có lẽ nhờ vậy mà mình may mắn được công ty đề xuất vị trí full-time ngay cả khi phải nghỉ việc đi career break 1 năm.
Tốt nghiệp Cử nhân Business Administration cũng là ngành đang khó khăn xin việc ở Canada, bạn đã có những chiến thuật gì?
Mình thực sự không có chiến thuật gì cả. Mình chỉ biết rằng mình sẽ làm hết sức trong mọi việc, rồi tới đâu thì nó tới. Học hết sức, viết resume hết sức, chuẩn bị phóng vấn hết sức, thực tập làm hết sức, tình nguyện cũng hết sức. Chỉ đơn giản vậy.
Ngoài ra thì bảng điểm hay giải thưởng từ trường Seneca thực sự giúp nhà tuyển dụng cảm nhận mình là người như thế nào.
“À, cậu này điểm trong trường tốt, nghĩa là cậu ta chịu khó học - ít nhất trên giấy tờ đã thể hiện điều đó” Mình nghĩ đó là những gì mà nhân sự nghĩ tới lúc duyệt hồ sơ.