Mùa nóng đã qua nhưng Hà Nội vẫn "hạn hán" nước sạch | Vietcetera
Billboard banner

Mùa nóng đã qua nhưng Hà Nội vẫn "hạn hán" nước sạch

Làm thế nào mà một thành phố có nhiều nhánh sông bao bọc lại có thể thiếu nước sạch?
Mùa nóng đã qua nhưng Hà Nội vẫn "hạn hán" nước sạch

Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Xách xô chậu, mang chai và can ra xếp hàng lấy nước - cảnh tượng thuộc về quá khứ bao cấp xa lắm nay đang diễn ra giữa lòng thủ đô. Trong vòng nửa tháng qua, từ 60 ngàn tới 100 ngàn người dân tại Hà Nội không có nước sạch để sinh hoạt vì mất nước hoặc nước quá bẩn cho việc nấu nướng, tắm giặt.

Tình trạng này diễn ra nhiều tại các khu dân cư, khu đô thị phía Tây và Tây Nam khu vực trung tâm Hà Nội như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Hoài Đức, v.v. Tại nhiều gia đình, nước từ vòi có màu nâu với nhiều đất hay cặn ở trong. Một số người cho biết rằng họ gặp các bệnh ngoài da khi sử dụng nước tại nhà.

31oct2023516981370596671137885935jpg
Một bé gái đi xếp hàng lấy nước tại Hà Nội. | Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam

Tới thời điểm này, dưới sự phản ánh liên tục của truyền thông, một số khu vực bắt đầu có nước sạch trở lại. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phải trông chờ vào nguồn nước tiếp tế do quyên góp, hoặc nhờ vả người thân ở các khu vực khác.

2. Tại sao nguồn nước lại mong manh thế?

Thiếu nước là vấn đề xảy ra thường xuyên hơn chúng ta tưởng. Theo thống kê của VnExpress với số liệu từ Sở Xây dựng và Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội, công suất cấp nước còn thiếu hụt ở các khu vực quanh trung tâm và vùng ven.

Việc thiếu mạng lưới cấp nước ngoại thành là nguyên nhân trực tiếp. Ở một số huyện như Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, tỉ lệ tiếp cận nước sạch lần lượt là 42%, 58%, và 60%.

Là một vấn đề không mới, tình trạng thiếu nước thêm trầm trọng do sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng và các dự án cấp nước chậm hoàn thành. Trong quá khứ, đơn vị cấp nước khu vực phía Tây và trung tâm Hà Nội là Nhà máy nước Sông Đà nhiều lần phải ngưng cấp nước vì vỡ đường ống. Trong khi đó, nhà máy và đường nước mới vẫn chưa thành hiện thực.

31oct2023suco17471559199137jpg
Sự cố rò rỉ đường ống nước của Nhà máy nước Sông Đà vào năm 2019. | Nguồn: VnExpress

Giảm khai thác nước ngầm là một lý do khác. Do khai thác trong thời gian dài, nguồn nước ngầm tại Hà Nội đã ô nhiễm. Việc lấy nước quá mức cũng gây ảnh hưởng tới môi trường và địa hình. Vì thế, Hà Nội đang hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm.

3. Thiếu nước sạch có đang là vấn đề tại Việt Nam?

Nhìn tình hình tại Hà Nội, nhiều người đặt câu hỏi rằng những tỉnh thành khác có như vậy không? Thử đối chiếu với một siêu đô thị khác ở Việt Nam là Sài Gòn, ta sẽ thấy rằng vấn đề thiếu nước sạch luôn luôn hiện diện ở tất cả các thành phố, chỉ là với những mức độ khác nhau.

Cuộc khủng hoảng về nguồn nước gần nhất ở Sài Gòn diễn ra vào năm 2022, khi phát hiện váng dầu trong nước ở Trạm bơm Hóa An. Đây là trạm bơm cấp nước thô cho Nhà máy nước Thủ Đức xử lý và phân phối cho khoảng một nửa cư dân tại Sài Gòn.

So với Hà Nội, hệ thống nước tại Sài Gòn ít gặp các sự cố như vỡ hay hỏng, và ít ra thì Sài Gòn cúp nước theo lịch thông báo trước từ phía các công ty cấp nước, chứ không đột ngột và trải dài như Hà Nội. Vấn đề nước sạch tại Sài Gòn nằm nhiều hơn ở việc đảm bảo chất lượng nguồn nước cấp và nước đã xử lý, với hàm lượng ô nhiễm vượt mức tiêu chuẩn.

Nhìn rộng ra, nước luôn là vấn đề lớn tại Việt Nam, dù chúng ta có nhận ra hay không. Ngoài việc thiếu nước sạch, nhiều tỉnh thành còn thiếu nước trồng trọt và canh tác. Đây chính là vấn đề từng gây tranh cãi cách đây không lâu về việc có nên phá rừng nguyên sinh để xây dựng hồ chứa nước tại Bình Thuận.

4. Hành trình của nước tới ngôi nhà của bạn?

"Đi qua đường ống dẫn nước chứ sao?" - câu trả lời này đúng, nhưng chưa đủ. Trên thực tế, việc khai thác và xử lý nước có nhiều công đoạn và nhiều đơn vị tham gia hơn là chỉ đưa nước vào đường ống.

Các nhà máy hay trạm bơm nước khai thác hai nguồn nước chính là nước ngầm và nước mặt. Nước ngầm là nguồn nước ở dưới lòng đất, còn nước mặt là nguồn nước hiển lộ như sông, hồ, suối, v.v. Tại Hà Nội, hầu hết các nhà máy nước đều lấy nguồn nước thô, chưa qua xử lý từ nước mặt.

Sau khi các trạm bơm đưa nước về, nhà máy sẽ làm sạch nước. Công đoạn này khác nhau ở từng nơi, với từng giá trị nước ở mỗi khu vực. Điều này có nghĩa là một nhà máy nhỏ vẫn có thể tốn nhiều chi phí vận hành hơn nhà máy lớn nếu nước ở đó cần phải sử dụng nhiều hóa chất hơn hay qua nhiều công đoạn lọc hơn.

Nhận nước đã qua xử lý từ các nhà máy, các công ty hay xí nghiệp kinh doanh sẽ có trách nhiệm phân phối nước tới từng khu vực. Các đơn vị kinh doanh này có thể thuộc cùng một công ty với các nhà máy lọc nước, cũng có thể là những đơn vị riêng lẻ.

5. Bạn có thể làm gì để kiểm tra nguồn nước nhà mình?

Nếu cảm thấy lo lắng về chất lượng nước đang sử dụng, bạn có thể thử một số cách sau để biết nước có nhiễm khuẩn, hay có các thành phần có hại cho sức khỏe hay không:

  • Rót nước ra cốc, để lắng vài phút rồi kiểm tra độ trong suốt, màu, mùi, và vị. Nước sạch sẽ trong suốt, không có màu vẩn đục hay các hạt nhỏ ở trong, cũng sẽ không có các mùi lạ như mùi đất, mùi mốc, v.v.
  • Lấy vải hoặc giấy ướt, giấy thấm có một chút độ đàn hồi bịt đầu vòi nước, lấy ra sau vài tiếng đồng hồ. Nếu thấy có cặn đen bám trên vải hay giấy, có khả năng nguồn nước nhà bạn đã nhiễm tạp chất, hoặc bạn cần vệ sinh đường ống nước.
  • Để ý xem các dụng cụ đựng nước, hay vật chứa nước như bình nước, ấm đun, chậu rửa, bồn cầu, v.v. có bám cặn đen hay không. Đó là dấu hiệu cho thấy nguồn nước nhà bạn đã nhiễm mangan.
  • Yêu cầu đơn vị cung cấp nước của nhà bạn tới lấy mẫu và kiểm tra chất lượng.
  • Nếu cẩn thận và muốn đầu tư nhiều hơn, bạn có thể mua các bộ dụng cụ thử chất lượng nước với các loại máy đo khác nhau.