Ta thường nghĩ trọng trách cứu thiên là của các tập đoàn, các tổ chức quốc tế, và các nhà khoa học mà không biết rằng văn chương và nghệ thuật có vai trò tối quan trọng trong cuộc đấu tranh vì một môi trường sống trong sạch hơn. Đó là thay đổi nhận thức của con người về thiên nhiên.
Ngay cả trong những sản phẩm tưởng như vị môi trường, ta vẫn có thể tìm thấy những ranh giới đang khiến thiên nhiên xa cách khỏi chúng ta. Đây chính là điều mà Nguyễn Huy Thiệp và truyện ngắn Muối của rừng muốn thay đổi.
Nguyễn Huy Thiệp: bước ngoặt văn xuôi sinh thái Việt Nam sau 1975
Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) là một tác giả đương đại. Ông chắc tay nhất ở mảng truyện ngắn, và là cây viết nổi bật nhất trong hàng ngũ những nhà văn sáng tác sau 1986, có ảnh hưởng tới nhiều nhà văn trẻ hiện nay.
Ông là người tiếp bước di sản văn học sinh thái của Nguyễn Minh Châu và Trần Duy Phiên. Ông mở rộng dòng văn học về môi trường không chỉ bằng việc cải tiến thi pháp sáng tác, mà còn tập trung vào những suy tư mới và cách đặt vấn đề mới về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
Truyện ngắn Muối của rừng (1986) là ví dụ thuyết phục cho những nét mới đó.
Cốt truyện rất đơn giản, kể về một ông già tên Diểu đi săn thú rừng trong tiết xuân. Ông bắn được một con khỉ đực trong đàn khỉ, nhưng khỉ cái cứu khỉ đực, còn khỉ con cướp súng của ông. Cuối cùng, ông băng bó cho khỉ đực và thả nó đi sau những chiêm nghiệm sâu sắc.
Muối của rừng: phá hủy, cứu rỗi, và trở về với thiên nhiên
Phá hủy thiên nhiên
Muối của rừng chỉ có một nhân vật người là ông Diểu, nhưng có hai nhân vật thú là cặp đôi khỉ. Trong khi ông Diểu đại diện cho thế giới văn minh loài người, thì hai chú khỉ là hiện thân của thiên nhiên.
Như vậy, hành trình cầm súng săn thú rừng của ông Diểu chính là quá trình xâm lấn không gian thiên nhiên của văn minh con người. Ở đầu truyện, ông Diểu cũng giống những tên buôn gỗ lậu, những tập đoàn tiền tỉ chiếm đất xây resort, hay những tay buôn lậu ngà voi, mật gấu.
Giống là bởi ông cũng nhìn thiên nhiên như một thứ phông nền để trục lợi và thỏa mãn bản thân. Ông bắn thú không để lấy thức ăn, mà để giải trí nhân dịp “thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng.” Ông vào rừng, lấy thiên nhiên làm niềm khuây khỏa “tất cả những trò nhố nhăng đê tiện hàng ngày”.
Cầm cây súng trong tay, ông Diểu như một vị thánh, có quyền quyết định sinh hay sát với muông thú. Ông tha cho mấy con chim vì “chim xanh ông chén chán rồi.” Ông tha cho đôi gà rừng sau khi tự nhủ “bắn sẽ trượt thôi”. Rồi với quyền lực của cây súng, của khoa học và văn minh, ông bắn thành công một chú khỉ.
Ông Diểu gọi nạn nhân của mình là “thằng bố ô trọc”, “đồ phong tình phóng đãng”, “vị gia trưởng cộc cằn”, “nhà lập pháp bẩn thỉu”, “tên bạo chúa khốn nạn”. Ông không coi thiên nhiên là thiên nhiên, mà soi chiếu thiên nhiên từ lăng kính con người. Ông trút lên chú khỉ tội nghiệp những hằn học mà ông mang từ xã hội vào trong rừng.
Thế nhưng, chính chú khỉ mà ông mới gọi bằng những danh từ thậm tệ kia đã giúp ông thức tỉnh trước thiên nhiên.
Cứu rỗi thiên nhiên
Ông Diểu nhận ra sự sai trái trong hành động của mình ngay khi hoàn thành phát súng. Khi ấy, “chân tay ông rủn ra, giống cảm giác như người vừa mới làm xong việc nặng.”
Sau khi khỉ con lấy súng và đôi khỉ chạy thoát, ông Diểu một lần nữa bắt gặp con mồi đang vắt vẻo chờ chết trên một mỏm đá. Ông vui mừng chộp lấy vận may, thậm chí lột hết quần áo để di chuyển dễ dàng hơn. Nhưng cuối cùng, trước bả vai nát nhừ của con khỉ, trước đôi mắt ươn ướt ngước nhìn, ông Diểu đã mềm lòng và băng bó cho nó.
Vào thời điểm này, ông bắt đầu nhận ra rằng hình như thiên nhiên cũng như con người, và rằng muông thú cũng có thứ tình của nó. Cái tình ấy dần lấn át cái lý phiến diện của con người và kéo ông về với thiên nhiên.
Ông định mang con khỉ về, coi nó như chiến lợi phẩm. Nhưng trước cái tình của loài khỉ, ông đành thả nó đi sau khi đã nhận ra rằng “trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề.”
Bắn được khỉ nhưng không dứt điểm con mồi, mà lại cứu và thả nó bởi tới cùng, ông không nhìn con khỉ như một con thú nữa. Nói cách khác, ông rời bỏ vị thế thượng đẳng của loài người. Hành động của ông không phải là một phút yếu lòng của gã thợ săn, mà đánh dấu sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật.
Việc ông Diểu có thể tự tin cầm súng vào rừng bắn khỉ thể hiện tâm thế đối đầu trực diện với thiên nhiên. Nhưng với hành động tha mạng khỉ, nhân vật Diểu cho người đọc thấy rằng chúng ta còn một sự lựa chọn khác trong cách đối xử với thiên nhiên. Sự cứu rỗi bắt đầu từ sự thay đổi trong thái độ và góc nhìn với miền hoang dã.
Trở về với thiên nhiên
Tới cuối cuộc săn, ông Diểu nhận ra sự tương đồng giữa người và thú, liên kết giữa tự nhiên và văn hóa, và sự nhận thức về gánh nặng và trách nhiệm chung của muôn loài khi cùng chung sống trong một ngôi nhà sinh thái. Từ nhận thức ấy, ông Diểu quay về bản dạng nguyên thủy và tìm về với thiên nhiên trong đoạn kết truyện:
“Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết. [...] Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.
Ra khỏi thung lũng, ông Diểu đi xuống cánh đồng. Mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi. Chỉ một lát sau, bóng ông nhòa vào màn mưa.”
Có thể nói, nhân vật Diểu tới cuối tác phẩm đã hoàn thành một hành trình. Ông ra đi với súng, với nai nịt, quần áo ấm, mũ lông, giày cao cổ. Ông bước vào rừng, đi tìm bạo lực với tâm thế của kẻ thống trị nắm trong tay hành trang văn hóa, và trần truồng rời đi như một người rừng chưa từng biết tới thế giới sự văn minh tạo dựng của con người.
Lúc bóng ông nhòa vào màn mưa chính là lúc ông trở thành một với thiên nhiên. Ông Diểu ở cuối truyện đã khước từ toàn bộ điểm nhìn trịch thượng của con người để hòa nhập với tự nhiên. Tất cả những dấu vết của nền văn minh như áo, quần, súng, ông đã vứt bỏ. Ông đã tìm thấy vị trí của mình trong ngôi nhà chung mang tên Trái đất.
Hình ảnh ông Diểu trần truồng, trên răng dưới dái đi trong mưa xuân ẩm ướt giữa sắc hoa tử huyền chính là câu trả lời của Nguyễn Huy Thiệp về các thảm họa môi trường: từ bỏ vị thế bá quyền là cách duy nhất để hòa hợp với tự nhiên.
Văn học và môi trường: sự thay đổi quan trọng nhất là trong tâm mỗi người
Về cơ bản, văn chương không thể đưa ra một giải pháp mang tính khoa học kỹ thuật cho thảm họa môi trường. Chính vì điều này mà nhiều người cho rằng văn học và nghệ thuật ít có vai trò trong việc bảo vệ hệ sinh thái.
Tuy nhiên, điều văn chương có thể làm là xóa bỏ những định kiến về sự đối đầu với thiên nhiên, tách con người khỏi vị trí tối cao để loài người có thể tái sinh trong màn mưa như ông Diểu để trở thành những người con, những người bạn của Trái đất.
Đối với nền văn học Việt Nam, sự phát triển dòng văn học sinh thái và trường phái phê bình sinh thái trong giới nghiên cứu cho thấy sự quan tâm của giới văn học với các vấn đề môi trường.
Là đại diện nổi bật của dòng văn học đó, Muối của rừng đưa ra giải pháp cho tất cả chúng ta: trước khi nói tới chính sách, tới bền vững, tới bảo tồn, hãy thay đổi chính bản thân ta và những định kiến trong ta. Khi ấy, ta sẽ thấy mình trong thiên nhiên, và thấy thiên nhiên trong mình.