Muốn dạy con song ngữ, nhưng con giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 08, 2020
Gia Đình

Muốn dạy con song ngữ, nhưng con giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt

Có nên dạy con song ngữ từ sơ sinh?

Muốn dạy con song ngữ, nhưng con giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt

Nguồn: ucchie79/Shutterstock

Thế giới đang ngày càng trở nên toàn cầu hóa, bất kỳ ai biết nhiều hơn một ngôn ngữ sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn trong giao tiếp, công việc, và cả hẹn hò.

Điều đầu tiên cần khẳng định, việc con trẻ học nói và sử dụng song song hai ngôn ngữ không có bất kỳ mối nguy hại nào. Nó cũng không khiến cho con bị chậm phát triển về mặt ngôn ngữ so với các bạn đồng trang lứa.

Những lợi ích khi con biết song ngữ:

  • Con có thể tự tin giao tiếp với nhiều người đến từ nhiều quốc tịch.
  • Việc học song ngữ sẽ bổ trợ tốt hơn cho sự phát triển trí não của con
  • Hỗ trợ năng lực cảm xúc và xã hội trong tương lai. Con có thể kết nối tốt với thế giới, và con cũng có mối liên kết bền chặt với quê hương và gia đình.

Tuy nhiên, tồn tại một vấn đề đó là con có chiều hướng thông thạo tiếng Anh hơn tiếng Việt.

Sự chênh lệch này tồn tại là do đâu?

Gần đây, nhiều phụ huynh tìm đến mình tư vấn với cùng một vấn đề. Họ là gia đình người Việt, có bố mẹ trẻ trung hiện đại, muốn con thuần thục song ngữ Anh – Việt nên gia đình thường sử dụng cả hai ngôn ngữ để giao tiếp với con. Con giao tiếp bằng tiếng Anh với bố mẹ, và tiếng Việt với cô vú nuôi hoặc ông bà.

Tuy nhiên, khi được 3 – 4 tuổi, con bắt đầu thể hiện thế mạnh ở tiếng Anh nhiều hơn, và dần có xu hướng từ chối sử dụng tiếng Việt. Dù rằng bố mẹ đi làm cả ngày, chỉ ở bên cạnh con vài tiếng sau giờ làm, phần lớn thời gian con ở nhà cùng ông bà hoặc cô vú nuôi. 

Sau khi trò chuyện chi tiết với từng gia đình, mình mới vỡ lẽ, lý do đến từ chất lượng sử dụng của hai loại ngôn ngữ không đồng đều.

Trong gia đình dạy con song ngữ con thường giao tiếp tiếng Anh với bố mẹ và tiếng Việt với ông bà hoặc cô vú nuôi Nguồn Shutterstock
Trong gia đình dạy con song ngữ, con thường giao tiếp tiếng Anh với bố mẹ, và tiếng Việt với ông bà hoặc cô vú nuôi.| Nguồn: Shutterstock

Lúc con ở nhà với ông bà hay cô vú nuôi, phần lớn những giao tiếp của con chỉ xoay quanh việc sinh hoạt cơ bản như ăn, ngủ. Vì thế, tiếng Việt mà con sử dụng sẽ rất đơn giản, không có quá nhiều chiều sâu hay đòi hỏi nhiều tư duy và tương tác. Người lớn tuổi thường ít thời gian, nỗ lực để trao đổi và chuyện trò lâu với trẻ nhỏ, đôi khi chỉ để cháu ngồi xem tivi hoặc YouTube.

Ngược lại, dù chỉ là vài tiếng buổi tối, nhưng bố mẹ sử dụng tiếng Anh để đọc sách cho con nghe, tương tác, trò chuyện, trao đổi và dạy con rất nhiều điều. Với sự chú tâm có chủ đích của bố mẹ vào việc phát triển tính cách và cung cấp kiến thức cho con, chất lượng của thông tin mà con thu nạp bằng tiếng Anh rõ ràng là cao hơn rất nhiều.

Dù chỉ vài tiếng nhưng bố mẹ giao tiếp với con với chủ đích phát triển ngôn ngữ do đó nâng cao chất lượng thông tin mà con thu nạp hơn Nguồn Freepik
Dù chỉ vài tiếng, nhưng bố mẹ giao tiếp với con với chủ đích phát triển ngôn ngữ, do đó nâng cao chất lượng thông tin mà con thu nạp hơn.| Nguồn: Freepik

Như vậy, việc con có học và phát triển ngôn ngữ hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào nội dung và chất lượng của ngôn ngữ được sử dụng.

Hỗ trợ quá trình phát triển song ngữ của con như thế nào cho đúng cách?

1. Sự nhất quán:

Sự nhất quán trong cách sử dụng ngôn ngữ qua đời sống hàng ngày là yếu tố quan trọng nhất. Điều này thể hiện ở các điểm:

  • Không nói lẫn lộn hai thứ tiếng trong cùng một câu. Bố mẹ hãy nói một câu hoàn chỉnh 100% tiếng Việt, hoặc 100% tiếng Anh (hoặc bất kỳ ngôn ngữ nước ngoài nào khác). Trẻ nhỏ học ngôn ngữ qua 4 yếu tố chính: cách phát âm, ngữ nghĩa của từ, ngữ pháp câu và hoàn cảnh sử dụng. 
  • Nếu gia đình có bố hoặc mẹ là người nước ngoài, cần phân rõ ràng: Ai sẽ là người nói ngôn ngữ nào với con. 
  • Hoàn cảnh sử dụng: Có thể quy định khi ở nhà thì cả nhà chỉ nói duy nhất một ngôn ngữ, còn khi ra ngoài đường thì cả nhà đổi qua ngôn ngữ khác. Hoặc khi đi học con sẽ sử dụng hoàn toàn một ngôn ngữ, và về nhà sử dụng một ngôn ngữ khác.

2. Thời lượng và chất lượng sử dụng:

Cả hai ngôn ngữ nên có thời lượng và chất lượng sử dụng tương đối ngang bằng nhau. Mỗi ngày con cần có đủ thời gian để tiếp nhận, luyện tập và trải nghiệm bằng cả hai ngôn ngữ. Ngôn ngữ được học hiệu quả nhất qua việc giao tiếp trực tiếp mỗi ngày.

3. Đừng lo lắng trong giai đoạn đầu, nếu:

  • Số lượng từ trong một ngôn ngữ con có được ít hơn hẳn so với một bạn chỉ học đơn ngữ. Khi cộng lại tổng số từ con biết ở cả hai ngôn ngữ thì con sẽ không thua kém. Đến tuổi vào cấp Một, chắc chắn trình độ của con sẽ bằng các bạn.
  • Con có biểu hiện trộn lẫn hai ngôn ngữ trong cùng một câu. Đây đang là giai đoạn con học cách ghép và sử dụng từ, không có nghĩa là con bị rối loạn ngôn ngữ. Bố mẹ hãy ngay lập tức giúp con điều chỉnh lại câu nói đó theo một ngôn ngữ, và khuyến khích con lặp lại cả câu. 
Mỗi đứa trẻ có tốc độ và quá trình học ngôn ngữ khác nhau Nguồn Shutterstock
Mỗi đứa trẻ có tốc độ và quá trình học ngôn ngữ khác nhau. |Nguồn: Shutterstock

Bố mẹ cần nhớ rằng, tốc độ và quá trình học ngôn ngữ của mỗi đứa trẻ hoàn toàn khác nhau. Một bạn nhỏ học một ngôn ngữ sẽ khác cách một bạn nhỏ học một lúc hai ngôn ngữ. Vì thế, sẽ không chính xác nếu chúng ta nói trẻ học hai ngôn ngữ sẽ bị chậm hơn.

Cuối cùng 

Sử dụng ngôn ngữ hiệu quả nghĩa là con có khả năng truyền tải được chiều sâu nội dung câu chuyện với ý tứ mạch lạc rõ ràng. Điều này quan trọng hơn nhiều so với việc phát âm thật đúng, thật chuẩn giọng của một quốc gia nào đó.