Năm mới, liệu người ta có thể thông cảm cho nhau nhiều hơn? | Vietcetera
Billboard banner

Năm mới, liệu người ta có thể thông cảm cho nhau nhiều hơn?

Tôi có ba điều ước cho năm mới, rằng mọi người biết thông cảm cho nhau, cư xử chân thành với nhau, và điềm đạm trước các sự việc phức tạp của cuộc sống.
Năm mới, liệu người ta có thể thông cảm cho nhau nhiều hơn?

"Có tâm" bao hàm cả sự thông cảm, chân thành, và điềm đạm | Nguồn: Flickr/Ngoc Bich Nguyen

"Chúc em nhiều niềm vui mới"

Mở đầu Báo Nhi Đồng số Tết, ra ngày 2 tháng 1 năm 1988, nhân vật Chị phụ trách - đại diện ban biên tập - có một trích đoạn căn dặn các em học sinh như thế này:

… Nếu em còn bị chê trách là chưa ngoan thì nên lưu ý sửa từng lời nói, việc làm, cách cư xử sao cho mọi người yêu mến.

Nhiều người trẻ ngày nay hẳn sẽ thấy lấn cấn trước lời căn dặn của chị phụ trách. Theo một ánh nghĩa nào đó, lời dặn này khá giống với cách bố mẹ nuôi dạy và tình cờ gò khuôn chúng ta thành những người chỉ biết làm hài lòng xã hội. Nói theo ngôn ngữ của các bạn Gen Z thì chúng ta được rèn luyện để “giả trân” từ lúc nào không hay…

Trong khi đó, diễn ngôn của thời đại này là sống thật với chính mình, bằng mọi giá. Hãy mặc thứ đồ, hãy để kiểu tóc, hãy xăm hình mà bạn muốn. Hãy bộc trực và dũng cảm thể hiện quan điểm của bạn với bất cứ ai. Tôi thấy các giá trị của ngày nay cũng đúng, và của ngày xưa thì cũng không sai. Lẽ chăng mỗi thời kỳ phù hợp với một kiểu tính cách khác nhau?

httpsvietceteracomuploadsimages17jan2023img2019122012410121jpg
Nguồn: Nhi Đồng, số 1(95), ra mắt 2.1.1988

Quan trọng là, lời dặn của năm 1988 có thể bao chứa nhiều hơn một nội hàm và vẫn còn một số giá trị cho ngày hôm nay. Chấp nhận những cách đọc khác về lời Chúc em nhiều niềm vui mới, tôi tin rằng thông điệp vẫn mang khá nhiều lời khuyên dành cho thế hệ trẻ. Đó là lời khuyên về sự thông cảm, sự chân thành, và thái độ điềm đạm trước sự đời, nếu ta đọc nó với một tâm thế "khôi hài" (playful).

Lời chúc đại diện cho ước mơ về một tương lai khác hôm nay. Ba lời khuyên tôi đọc được từ văn bản, là ba lời ước tôi dành cho năm mới.

Thông cảm

Ước mơ đầu tiên của tôi khi đọc những lời của 1988 là mọi người trong tương lai có thể thông cảm cho nhau nhiều hơn. Sự thông cảm ấy đến từ việc ta có thể xỏ chân vào đôi giày của những đứa trẻ từng nhận nhiều chê trách. Họ va vấp nhiều trong cuộc sống và bị xã hội chỉnh đốn, uốn nắn, nhưng quyết định không chê, không uốn thế hệ sinh ra sau mình theo cách xã hội từng làm với họ.

Nếu không có sự thông cảm, thì một người lớn lên với sự chê trách có thể nói với con em mình rằng "tôi đã đi qua đoạn này của cuộc đời, tôi biết mọi điều có thể xảy ra, và mọi kinh nghiệm của tôi đều chính xác, vì thế hãy nghe tôi tuyệt đối!" Tôi may mắn được dạy bảo bởi những người lớn đủ thông cảm và khoan dung, cho tôi không gian được sai, được đứng dậy và tự sửa chữa, thay vì ném cho tôi mảnh phao thi của cuộc đời. Vì thế, tôi hi vọng nhiều người khác sẽ có sự thông cảm đó với mình.

Và tôi cũng mong mình có nhiều sự cảm thông hơn với những người xung quanh. Có tuổi đời còn nhỏ và chưa dừng bước trên con đường học, tôi nhận ra chữ nghĩa có thể khiến mình tự cao hơn là khôn ngoan. Vì thế, thay vì cố gắng hiểu người khác nghĩ gì và trải qua những gì, ta lại có xu hướng chỉ bảo người khác phải làm theo mình mới đúng. Tôi giật mình nhận ra điều này trong một lần nói chuyện với bạn gái, giờ đang làm nghiên cứu sinh ở Mỹ. Đối với cô ấy, học rốt cục chỉ là để hiểu và thông cảm với những gì khác mình, vậy mà không hiểu vì sao càng đi xa người ta càng quên mất mục tiêu này.

Chân thành

Ước mơ thứ hai của tôi là về sự chân thành mà mọi người sẵn sàng dành cho nhau. Đó là khi tôi đặt mắt ở những người hay chê người khác, và tự hỏi, liệu cách mình góp ý có thể chân thành hơn, trong sáng hơn, và xây dựng hơn, để đối phương không cảm thấy bị tấn công, không bị tổn thương?

Với một chiếc smartphone và một tài khoản mạng xã hội, thời nay ai cũng có thể chê nhau, đến độ bị chê trở thành trạng thái "bình thường mới." Chê cho sướng mồm, chê để làm nhau đau thực chất là dễ hơn chê để cùng nhau cải thiện, cùng nhau tiến về phía trước. Để chê được chân thành thực ra phải học rất nhiều, và hạ thấp cái tôi xuống để không hả hê trước vị trí được chê người khác.

Chân thành không có nghĩa là thoả hiệp với mọi thứ. Chân thành nằm ở động cơ khen/chê của bạn: bạn muốn chiến thắng người khác, hay muốn cải thiện tình trạng chung?

Điềm đạm

Có được thái độ sống điềm đạm là điều ước cuối cùng tôi có cho năm mới. Tôi ước có được sự điềm đạm khi cùng lúc đứng ở vị trí của đứa trẻ bị chê trách, và người lớn chưa biết cách chê. Và tôi nhận ra rằng trong cuộc sống, thực ra chúng ta luôn đứng ở cả hai vị trí đó.

Đặt toàn bộ sự thông cảm và chân thành của mình vào "vị trí kép" ấy, ta giàu có về trải nghiệm, và bình tĩnh hơn khi đối diện với sự đời. Ta biết lời chê trách, sự uốn nắn, và các va chạm xã hội có thể thay đổi mình nhiều đến nhường nào, theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Tương tự, ta biết sức ảnh hưởng của lời mình góp ý hoặc chê bai, dù chỉ là vô thưởng vô phạt.

Sự điềm đạm có thể chỉ đến khi ta có tuổi. Khi ấy ta điềm đạm không phải vì có nhiều kiến thức hơn, mà vì ta chấp nhận được rằng hiện thực phức tạp hơn mọi câu chuyện và báo cáo ta có thể tạo ra.

Nhưng ta vẫn có thể học tập tâm thế bình tĩnh và góc nhìn đa chiều, để chủ động tích luỹ sự điểm đạm, thay vì bị đời xô đẩy để rồi điềm đạm chỉ là kết quả cuối cùng. Bản thân việc đọc một lời căn dặn dường như đã lỗi thời dưới nhiều lăng kính khác nhau thay vì kích bác, phủ nhận, để hấp thu những gì còn giá trị, đã là sự điềm đạm, dù chưa đầy đủ.

Năm mới, liệu ba điều ước trên có cơ hội thành hiện thực? Liệu câu chuyện người sống tốt với người có còn là giáo điều?