Cuộc sống bận rộn của một công dân thành thị khiến tôi hầu như không có thời gian để nấu nướng. Tuy nhiên, kể từ khi giãn cách xã hội, việc nấu ăn trở thành niềm vui nho nhỏ của tôi mỗi ngày.
Sống chậm bên căn bếp không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, nó còn giúp tôi nhận ra mình cần sắp xếp lại chuyện... làm đẹp. Đúng vậy, nấu ăn và làm đẹp - hai việc tưởng như chẳng có gì liên quan nhưng lại liên quan không tưởng.
1. Sự khác biệt đến từ nguyên liệu đầu vào
Các đầu bếp hàng đầu thế giới đều khẳng định chất lượng của nguyên liệu tạo nên sự khác biệt cho món ăn. Khi bắt tay vào làm món cá nướng (bằng nguyên liệu tươi và đồ đông lạnh), tôi chứng thực điều này.
Thành phẩm từ cá tươi là một món ăn ngọt thịt, hầu như không phải nêm thêm bất kỳ gia vị nào khác. Với nguyên liệu đông lạnh, việc khử mùi, chế biến, và nêm nếm kỳ công hơn, nhưng hương vị lại không thể sánh bằng.
Tương tự như thế, chất lượng nguyên liệu cũng đóng vai trò then chốt trong sản xuất mỹ phẩm.
Bạn có biết, cần 400 kg hoa hồng (140.000 bông) tại vùng Grasse (Pháp) để tạo ra một ký tinh dầu cô đặc đắt đỏ cho nước hoa Chanel No.5? Nhưng bạn cũng có thể mua được tinh dầu hoa hồng trên các sàn TMĐT với giá chỉ vài chục ngàn.
Tuy nhiên, với những khung giá khác nhau, độ tinh khiết, chất lượng và kỹ thuật pha chế nguyên liệu cũng khác hẳn. Ngay cả nước - nguyên liệu cơ bản nhất trong mỹ phẩm cũng phải là nước cất, chứ không phải nước máy thông thường.
Vì lẽ đó, khi mua mỹ phẩm, đừng chỉ nhìn thành phần rồi so sánh hãng này rẻ, hãng kia mắc. Sự khác nhau nằm ở nguyên liệu, hiệu quả, tính an toàn khi sử dụng. Mỹ phẩm nào tất nhiên cũng phải… trộn các thành phần với nhau. Nhưng thành phẩm an toàn hay độc hại nằm hoàn toàn ở chất lượng nguyên liệu.
2. Tầm quan trọng của công đoạn chuẩn bị
Giai đoạn sơ chế nguyên liệu cũng rất quan trọng. Nếu làm không đúng cách, rau sẽ không sạch, còn thịt sẽ nhanh bị hư.
Trong làm đẹp, việc “sơ chế” cũng quan trọng không kém. Không phải ngẫu nhiên mà người ta khuyên bạn nên rửa mặt hai lần (double cleansing), và sử dụng những thiết bị chuyên dụng cho bước này.
Chuẩn bị một làn da sạch là bước quan trọng nhất trong dưỡng da. Da không sạch thì những bước dưỡng tiếp theo cũng là vô ích.
Ngay cả trong trang điểm, việc chuẩn bị cũng mang lại kết quả khác biệt. Bạn sẽ thấy các makeup-artist chuẩn bị lớp nền trước trang điểm rất kỹ, thoa son dưỡng cho môi từ sớm.
Dù có sử dụng kem nền tốt cách mấy, màu son trendy đến đâu mà da không đủ ẩm, đôi môi nứt nẻ cũng sẽ làm hỏng tất cả.
3. Biết cách “nêm nếm” vừa đủ
Người nấu ăn sợ nhất là nêm quá tay. Nhưng đôi khi chúng ta không biết mình “lố tay” bởi thói quen khẩu vị. Chẳng hạn như tôi rất hay nêm đồ ăn bị ngọt vì thích ăn đồ ngọt như bánh, kẹo, sữa socola.
Để không biến món ăn trở thành thảm họa, bạn có thể bắt đầu nêm nhạt và cân chỉnh sau đó. Trong làm đẹp cũng vậy, biết được thế nào là “đủ” và vượt qua những thói quen thường gặp cũng rất quan trọng.
Một ví dụ điển hình cho “đủ” trong làm đẹp là sử dụng retinol. Hầu hết mọi người đều được khuyên là nên dùng % retinol thấp rồi đến cao. Tuy nhiên, một số người lại quá hấp tấp, muốn sử dụng nồng độ cao từ đầu để đạt hiệu quả nhanh hơn. Hậu quả là làn da bị bong tróc, ửng đỏ.
Ngay cả trong việc tẩy tế bào chết và làm sạch cũng vậy. Chúng ta nghĩ rằng rửa mặt càng lâu càng sạch, tẩy tế bào chết càng kỹ càng tốt. Tuy nhiên, bạn chỉ cần rửa mặt trong 60 giây là đủ, nếu hơn thì da sẽ rất dễ bị khô, kích ứng.
4. Cẩn thận với những công thức mới
Trong nấu ăn, công đoạn vui nhất hẳn là việc thử nghiệm các công thức mới. Tuy nhiên, thử nghiệm nào cũng có thể thành công hoặc thất bại. Thất bại khi nấu cá kho với sữa thì bỏ đi là xong. Nhưng thất bại trong làm đẹp thì không đơn giản như vậy.
Tôi từng nhận hậu quả khá nặng nề khi kết hợp 2 loại BHA của Some by Mi và Paula’s Choice với nhau để trị mụn nhanh hơn. Kết quả ư? Một làn da “break out” nặng nề! Lần ấy, tôi đã tốn hàng chục triệu chỉ để giải quyết cơn dư chấn mụn viêm do sự kết hợp này gây ra.
Mỹ phẩm là những thứ rất dễ khiến chúng ta muốn pha chế, kết hợp. Đặc biệt trong thời đại của sự cá nhân hóa trong làm đẹp. Tuy vậy, chúng ta hầu hết chẳng phải nhà nghiên cứu mỹ phẩm, đừng thử các phát minh mới nếu không chắc về độ an toàn cho da.
Bạn có thể thử sáng tạo với những thứ nhẹ nhàng hơn như cách trang điểm, mẫu nail mới. Chẳng may không đẹp thì vẫn dễ cứu vãn hơn.
5. Vừa làm vừa dọn dẹp
Khi nấu ăn, bạn sợ gì nhất? Tôi thì sợ dọn dẹp. Mỗi lần nấu xong, căn bếp chẳng khác nào “bãi chiến trường". Vậy nên, tôi có thói quen làm đến đâu thì sắp xếp gọn đến đó để nấu xong không bị "ngộp".
Bây giờ, đến bàn trang điểm hay tủ đựng đồ skincare của bạn, nói thật đi, nó có giống bãi chiến trường không?
Trong tủ đồ của tôi, thành thật mà nói, có rất nhiều sample, đồ trang điểm hết hạn, voucher giảm giá… Trong chăm sóc da, bạn chỉ cảm thấy xung quanh mình là vài chai lọ đơn giản. Thế trên thực tế, chúng ta thường có xu hướng mua nhiều hơn những gì mình thật sự cần.
Nếu muốn một làn da đẹp và không lãng phí mỹ phẩm, hãy bắt đầu thực hành tối giản (cách nói nôm na của “skip-care” - xu hướng nhận biết và chọn lọc những sản phẩm thiết yếu cho da, giảm bớt các bước dưỡng và sản phẩm không cần thiết).
Bản thân việc giảm các bước dưỡng cũng giúp da bạn dễ "thở" hơn, giảm bớt các thành phần hóa học trên da. Đồng thời, giúp bạn tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường hơn. Tối giản bớt chai lọ trên bàn cũng tạo ra cảm giác dễ chịu, thoải mái cho không gian sống.
Hi vọng bạn cũng có thể rút ra thêm nhiều bài học làm đẹp khác trong khi làm bếp.