Ngành livestream hot thế nào mà đến “nữ hoàng kem trộn Rihanna” cũng tham gia? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Ngành livestream hot thế nào mà đến “nữ hoàng kem trộn Rihanna” cũng tham gia?

“Nữ ca sĩ giàu nhất thế giới” cũng gia nhập thị trường bán hàng livestream, vậy điều gì đã tạo nên sức hút của ngành công nghiệp này?
Ngành livestream hot thế nào mà đến “nữ hoàng kem trộn Rihanna” cũng tham gia?

Nguồn: Yahoo! News và @gabgonebad

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào tối ngày 21/05 vừa qua, nữ ca sĩ Rihanna đã bất ngờ xuất hiện ở ba phiên livestream trên nền tảng Douyin nhằm quảng bá các dòng sản phẩm của thương hiệu Fenty Beauty do cô sáng lập. Được biết, hoạt động này nằm trong kế hoạch truyền thông nhân dịp thương hiệu này vừa ra mắt tại thị trường tỷ dân, kết hợp cùng các sự kiện pop-up khác.

Trong suốt phiên livestream, nữ ca sĩ gây thích thú cho người xem khi liên tục giao lưu với người mua, tương tác cùng mẫu và “chốt đơn” chuyên nghiệp như một livestreamer thực thụ. Sự kiện này đã nhanh chóng đứng đầu xu hướng tìm kiếm trên Weibo, với hashtag #RihannasfirstlivestreaminChina với 81 triệu lượt xem.

Tại Trung Quốc, ngành công nghiệp livestream (phát sóng trực tiếp) từ lâu đã trở thành thị trường màu mỡ cho các ông lớn, với doanh thu mỗi phiên livestream có thể lên đến hàng tỷ đồng. Vào năm 2023, báo cáo của Statista cho biết: thị trường livestream tại Trung Quốc đã đạt doanh thu 5 nghìn tỉ Nhân dân tệ (xấp xỉ 18 triệu tỉ VND).

Không chỉ phát triển tại thị trường Trung Quốc. Tại Việt Nam, livestream bắt đầu trở nên phổ biến hơn từ cuối năm 2022, kể từ khi mạng xã hội TikTok bùng nổ sau đại dịch. Sau TikTok, các sàn thương mại điện tử Shopee hay Lazada cũng nhanh chóng gia nhập đường đua triệu tỷ này.

2. Tại sao người người nhà nhà đổ xô bán hàng trên livestream và làm livestreamer?

Theo khảo sát của AccessTrade, tại Việt Nam, bình quân có 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán, diễn ra chủ yếu trên ba nền tảng Facebook, Shopee và TikTok, đạt mức doanh thu ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng

Với tiềm năng khổng lồ như trên, không quá khó hiểu khi nhiều nhãn hàng lớn và các doanh nghiệp nhỏ lẻ đều lần lượt tham gia livestream. Các thương hiệu quốc tế như YSL, Bobbi Brown,... cũng kết hợp bán hàng thông qua kênh của người nổi tiếng, hoặc kết hợp với KOL phát sóng độc quyền.

alt

Cụ thể là gần đây, kênh TikTok Quyền Leo Daily đã kết thúc phiên livestream bán hàng 17 tiếng, chạm mốc doanh thu kỉ lục hơn 100 tỉ đồng. | Nguồn: Lã Quốc Quyền

Về cơ hội nghề nghiệp, lương cơ bản cho vị trí host bán hàng livestream hiện nay là khoảng 200.000 VND/giờ, chưa tính chi phí hoa hồng dao động từ 5-10% trên mỗi sản phẩm. Đối với những người có sức ảnh hưởng và người nổi tiếng, chi phí hợp tác với các thương hiệu và tiền hoa hồng trong phiên livestream sẽ còn cao hơn rất nhiều.

alt
Nguồn: Getty Image

Dù vẫn tồn tại nhiều định kiến trong ngành livestream, nhưng khó ai có thể cưỡng lại nguồn lợi dồi dào từ thị trường này. Bằng chứng là nhiều ngôi sao nổi tiếng như Hồ Ngọc Hà, Hoa hậu Hoàn Vũ Ngọc Châu hay các KOLs như “chiến thần livetream” Võ Hà Linh, YouTuber Độ Mixi, hay beauty blogger An Phương (Letsplaymakeup),... cũng nhanh chóng gia nhập.

3. Chốt đơn trên livestream có gì mà cuốn đến vậy?

Giá cả cảnh tranh vẫn luôn là yếu tổ tiên quyết nhằm thúc đẩy người xem mua hàng. TikTok và người bán thường tung rất nhiều mã giảm giá, kết hợp với các chương trình sale giờ vàng, give away phần thưởng giá trị, quà tặng kèm… Giá cả sẽ còn mềm hơn trong những chiến dịch sale lớn nhưng Sale ngày đôi (5.5, 6.6), ngày lễ (30.4-1.5)...

Bên cạnh đó, việc nhận phản hồi trực tiếp từ người bán hàng cũng là một ưu điểm của loại hình livestream. Người xem có thể đặt ra các câu hỏi ở phần bình luận và được người đáp giải đáp các thắc mắc cụ thể. So với việc tư vấn trực tiếp như bán hàng truyền thống, người mua có thể cảm thấy thoải mái trong việc đưa ra nhiều câu hỏi trên livestream hơn.

Đặc biệt với các sản phẩm mang yếu tố cá nhân như mỹ phẩm, thời trang, khách hàng có thể yêu cầu người bán thử sản phẩm trực tiếp, từ đó có hình dung sơ bộ về phom dáng quần áo, hay kết cấu và màu sắc của mỹ phẩm mà không cần phải ra tận cửa hàng để trải nghiệm.

4. Không thích xem livetream, người mua săn sale ở đâu?

Những lời kêu gọi như “Ưu đãi chỉ có trong phiên livestream” khiến người mua dễ mắc phải tâm lý sợ bỏ lỡ mà nhanh chóng đặt hàng dù chưa quá cần thiết. Thực tế, mức giảm giá trên các phiên livestream thường chỉ dao động từ vài chục nghìn đến trên dưới trăm nghìn so với các chương trình khuyến mãi trên sàn thương mại điện tử vào những ngày lễ, ngày đôi hàng tháng, hoặc các chương trình giảm giá trực tiếp tại cửa hàng.

alt
Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng còn nâng giá bán trên livestream cao hơn giá niêm yết thông thường để tạo hiệu ứng giảm giá, thôi thúc người mua đặt hàng. | Nguồn: Adobe Stock

Để tránh tình trạng bị mua hớ, trước khi đặt hàng trên livestream, bạn có thể dành thời gian tìm hiểu và so sánh mức giá và các chương trình khuyến mãi ở nhiều nền tảng khác nhau để “săn” được mức giá tốt nhất.

5. Tại sao có người mê xem livetream nhưng không phải muốn sắm đồ?

Đối với nền tảng giải trí kết hợp với thương mại điện tử như TikTok, việc xem livestream không chỉ thuần để mua hàng. TikTok hiện đang tập trung khai thác mô hình Shoppertainment - hình thức thương mại dựa trên nội dung mang tính giải trí và giáo dục.

Những nội dung mang tính giáo dục có thể kể đến việc hợp tác cùng các chuyên gia trong ngành hàng làm đẹp hay thực phẩm chức năng. Không chỉ giúp thương hiệu tăng độ uy tín cho sản phẩm, mà người xem cũng có thể biết thêm được nhiều kiến thức bổ ích.

alt
Bên cạnh đó, những nội dung giải trí luôn là điểm sáng giúp giữ chân người xem. | Nguồn: TikTok

Hàng loạt phong cách bán hàng livestream ra đời như nhảy múa, ca hát, hay thậm chí đóng “tiểu phẩm” khiến người dùng mong chờ các phiên livestream chỉ để coi các nội dung sáng tạo.