Nghe nhạc lofi, chat cùng người lạ: Khi người trẻ đương đầu với đại dịch cô đơn | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu
12 Thg 05, 2022
Tâm Lý Học

Nghe nhạc lofi, chat cùng người lạ: Khi người trẻ đương đầu với đại dịch cô đơn

Đại dịch cô đơn của xã hội hiện đại đang thúc đẩy chúng ta tìm kiếm sự kết nối ở những không gian mới.
Nghe nhạc lofi, chat cùng người lạ: Khi người trẻ đương đầu với đại dịch cô đơn

Anh Thư @immortal_wurst cho Vietcetera

Năm 2018, The Economist đã ví sự cô đơn như “căn bệnh phong của thế kỷ 21.” Trạng thái cô đơn kéo dài đang trở thành một vấn nạn của xã hội hiện đại.

Trong bối cảnh ấy, rất nhiều người đã tìm đến những không gian online để giải tỏa cảm giác cô đơn. Những video nhạc lofi, nhạc chill, hay study with me thu hút hàng trăm ngàn người tham gia chia sẻ và kết nối.

Những thông điệp ấm áp mà cộng đồng dành cho nhau chính là minh chứng cho mong muốn được kết nối với xã hội - thứ đang trở nên ngày càng quý giá trong thời đại của sự cô đơn.

1. Đại dịch cô đơn của xã hội hiện đại

Cô đơn là trạng thái đau khổ và khó chịu khi nhu cầu kết nối xã hội của chúng ta không được thỏa mãn. Trạng thái cô đơn xuất hiện khi một cá nhân bị cô lập hoặc mất kết nối với người khác. Cảm giác trống rỗng và bứt rứt khi ở một mình chính là cách bộ não nhắc nhở chúng ta tìm kiếm kết nối xã hội.

Một nghiên cứu thực hiện năm 2020 đã chỉ ra rằng thế hệ trẻ hiện đại đang phải hứng chịu cảm giác cô đơn nghiêm trọng hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây. Nhịp sống vội vã, cùng sự can thiệp của công nghệ trong đời sống, đã làm đứt gãy hàng loạt quan hệ xã hội. Vì thế, ngày càng có thêm nhiều người cảm thấy bị cô lập hay thậm chí không còn nhu cầu kết nối với người khác.

Tuy nhiên, cảm giác cô đơn mà chúng ta đang trải qua ở hiện tại là một khái niệm xa lạ đối với con người trong quá khứ. Nhà sử học Fay Bound Alberti cho rằng cách hiểu “cô đơn” như một cảm xúc chưa từng xuất hiện cho tới đầu thế kỷ 19. Trước đó, từ này dùng để mô tả những đồ vật đứng đơn lẻ như cây cối, nhà cửa.

Chính sự tôn thờ các giá trị cá nhân và sự can thiệp của công nghệ đã tạo điều kiện cho sự cô đơn kéo dài trỗi dậy. Đó cũng là hai yếu tố ảnh hưởng tới thế hệ Gen-Z và Millennials, hai thế hệ đã quá quen thuộc với công nghệ và chủ nghĩa cá nhân.

Đại dịch cô đơn mà chúng ta đang trải qua là kết quả của một cơ thể sinh học luôn khao khát kết nối, nhưng lại sống trong một xã hội cho phép và cổ vũ sự độc lập. Chính sự mâu thuẫn này khiến cho loài người hiện đại chịu cảm giác dày vò và đau khổ hơn bao giờ hết bởi nỗi cô đơn.

2. Không gian giải tỏa nỗi cô đơn

Nở rộ ở Việt Nam vào khoảng 2 năm trở lại đây, trùng với thời điểm xã hội giãn cách để chống dịch Covid-19, những video nhạc lofi, study with me tạo ra một không gian an toàn và mời gọi, thu hút hàng triệu người từ khắp mọi nơi trên thế giới tham gia nghe và trò chuyện.

Từ thứ nhạc không lời chậm rãi, trung tính tới hình tượng “cô gái lofi” đang học bài, các video này hội tụ đủ yếu tố để trở thành nơi thế hệ trẻ náu mình khỏi những bộn bề cuộc sống.

Khi bật video và tập trung chạy đống deadline dang dở, chúng ta biết rằng mình không cô đơn. Rất nhiều người khác cũng đang “ở đó” làm điều tương tự. Cảm giác được đồng hành cùng ai đó, đặc biệt là trong những khoảng thời gian khó khăn, làm chúng ta cảm thấy bớt trống vắng.

05may2022lofiintext1jpg
Những video nhạc lofi tạo ra không gian để các cá nhân tham gia chia sẻ trải nghiệm, tìm kiếm lời khuyên và động viên người khác.

Không gian của những cộng đồng online giúp người tham gia cảm thấy được an ủi. Người ta tìm tới những “không gian” như vậy bởi nó tạo cảm giác an toàn, và cung cấp cảm giác gắn kết trong khoảnh khắc. Sự kết nối giữa những người cùng nghe lofi, cùng học tập đủ lỏng lẻo để không mang tính ràng buộc và đủ thân mật để ta tìm sự đồng cảm.

Trên không gian mạng, ta có thể kết nối với những người trên khắp thế giới mà không cần phải rời khỏi phòng. Bên cạnh đó, thế mạnh của không gian ảo là việc ta có thể nấp sau một hình ảnh tạo dựng, và có thể đăng xuất khỏi những kết nối đó bất cứ lúc nào.

Sự linh hoạt này rất phù hợp với xu hướng sống và làm việc của thế hệ trẻ: những người đề cao việc sống độc lập, nhưng khao khát tìm kiếm sự thấu hiểu trong đời sống nhiều lo toan.

Việc giãn cách xã hội cũng hướng chúng ta về phía những không gian ảo. Cảm giác có người cùng đồng hành, cùng làm việc, và cùng tập trung không chỉ có tác động mạnh tới hiệu quả công việc, mà còn tạo cảm giác về sự hiện diện của một “đối tác” luôn sẵn sàng lắng nghe và đồng cảm.

05may2022lofiintext2jpg
Để ngăn chặn đại dịch cô đơn lan rộng, chúng ta sẽ cần nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc và thận trọng hơn.

3. Cần làm gì để đối phó đại dịch cô đơn?

Âm nhạc và các cộng đồng online có thể giúp đỡ được phần nào đó, nhưng không phải giải pháp cho tất cả mọi người. Để ngăn chặn đại dịch cô đơn lan rộng, chúng ta sẽ cần nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc và thận trọng hơn.

Đừng cố chối bỏ cảm giác cô đơn

Cảm giác bứt rứt và khó chịu khi bị cô lập là một phần của cơ chế sinh học. Đó là phản ứng thúc đẩy chúng ta tìm kiếm kết nối. Thay vì chối bỏ hay tìm cách trốn tránh, chúng bình tĩnh suy xét xem điều gì khiến mình cảm thấy cô đơn?

Đồng nghiệp mới quá khó gần? Gia đình và bạn bè ở quá xa? Hay liệu chúng ta có đang tự tách biệt mình với người khác? Thấu hiểu được tình trạng của bản thân có thể giúp chúng ta nhìn nhận được vấn đề thực sự và tìm được hướng giải quyết phù hợp nhất.

Xây dựng các mối quan hệ xã hội

Giống như nhiều người tìm đến cộng đồng lofi, study with me, chúng ta cũng có thể tìm kiếm những hội nhóm và tổ chức phù hợp để xây dựng kết nối xã hội.

Việc tham gia các câu lạc bộ, tổ chức tình nguyện có thể giúp chúng ta trở nên gắn kết hơn với những người khác. Các dự án xã hội hay hoạt động tình nguyện giúp chúng ta hình thành và củng cố mối quan hệ với cộng đồng.

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Tình trạng cô đơn mãn tính có thể là biểu hiện của những vấn đề tâm lý nghiêm trọng mà ta không thể tự giải quyết. Vì vậy, hãy cân nhắc việc tìm kiếm sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình hay các chuyên gia tâm lý.

Hãy chia sẻ chân thành và thẳng thắn về sự cô đơn của bản thân. Tìm kiếm sự giúp đỡ chưa bao giờ là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Ngược lại, đó là một nỗ lực dũng cảm nhằm cải thiện đương đầu và giải quyết các vấn đề của bản thân.