N.H.A. là một “con nhà người ta” điển hình. Anh là cựu học sinh và sinh viên của các trường danh tiếng. Mới đây, anh còn được vinh danh là người trẻ nhất trong danh sách Forbes Under 30 tại Việt Nam.
Nhưng hiện tại, H.A đang nhận làn sóng chỉ trích từ cộng đồng cựu học sinh PTNK. Bởi cách đây 2 năm, anh đã bị nhiều nữ sinh và cựu học sinh trường tố cáo việc quấy rối qua không gian mạng.
Bài viết này sẽ kể về trải nghiệm của K.N, một trong những người từng bị N.H.A. quấy rối và cũng là người đầu tiên đăng bài viết tố cáo sự việc trên Facebook.
*Bài viết thuật lại trải nghiệm và quan điểm của nhân vật K.N.
“Có lẽ mình đã lầm”
H.A trên tôi một tuổi, lớp của cả hai cùng một dãy. Ấn tượng đầu tiên của tôi về H.A là “Mình không thích người này lắm”. Năm lớp 10, tôi hay bắt gặp H.A trên dãy hành lang, gần ban công, ôm, hôn và làm nhiều hành động đụng chạm với bạn gái của mình.
Năm 11 (2018), tôi sang Anh du học. Ở một đất nước xa lạ, tôi thèm nói tiếng Việt kinh khủng. Trường tôi có một forum phiên bản nâng cấp - nơi các học sinh sẽ được ghép cặp ngẫu nhiên, hoàn toàn ẩn danh, để trò chuyện. Tôi được ghép cặp với một người anh.
Những cuộc trò chuyện kiểu “Anh thích màu gì và tại sao” giữa tôi và người anh đó kéo dài trong khoảng hơn 1 tháng. Khi trò chuyện, tôi luôn được khen. Cụm từ “thú vị”, “cứng rắn”, “hài hước” được sử dụng rất nhiều, mà ai chẳng thích được khen.
Nói chuyện ẩn danh một thời gian, chúng tôi quyết định add Facebook nhau. Lúc đó, tôi mới biết người ấy là H.A. Tôi kết bạn, thầm nghĩ “Có lẽ mình đã nhìn lầm, đây thật ra là một người tốt”.
Cuộc trò chuyện hỏi thăm thông thường kéo dài khoảng vài tháng. Sau đó, các tin nhắn đầu tiên đề cập đến chuyện tình dục xuất hiện.
Ban đầu, H.A chỉ hỏi những câu rất khái quát như: “Em nghĩ thế nào về quan hệ tình dục trước hôn nhân?”. Tôi cũng vui vẻ thể hiện quan điểm của mình.
Nhưng dần dà, chủ đề này xuất hiện với tần suất tăng lên, và H.A đề cập đến những chuyện riêng tư hơn. Chẳng hạn “thủ dâm”, hoặc quan hệ tình dục với người yêu (lúc ấy tôi đang có bạn trai). Khi những câu hỏi như “Em có hay tự làm không?” được đưa ra, tôi thấy bối rối, và khó chịu.
Từ nhỏ đến lớn, tôi không được dạy thế nào thì sẽ là quấy rối tình dục, đừng nói tới việc hiểu thế nào là quấy rối tình dục trên không gian mạng. “Quấy rối tình dục”, với tôi khi ấy, là phải động đến thân thể mình.
Tôi không biết sự khó chịu này có phải do mình đang “làm lố” hay không. Nên tôi đáp trả bằng cách seen không rep, khi thì vài tuần, khi thì cả tháng. Khi ấy, tôi chỉ có thể nhắn H.A là “dzô dziên” hoặc dùng một số cách dọa dẫm thông thường: “Em sẽ block anh đấy”.
Nhưng tôi không block H.A. Bởi giữa chúng tôi có rất nhiều mối liên kết: cùng trường, tất cả những người bạn tôi có đều quen biết H.A. Nếu block, tôi sẽ phải giải thích. Nếu block, tôi sẽ trở thành người làm quá.
Trong những cuộc trò chuyện, H.A luôn thể hiện bản thân anh có rất nhiều mối quan hệ và điều đó sẽ hỗ trợ được tôi trong tương lai. Có thể cho tôi thực dụng, nhưng cuộc sống này dựa rất nhiều vào net-working. Tôi tạm thời chưa muốn mất đi mối quan hệ này, khi mọi thứ vẫn chưa rõ ràng.
Tôi có đưa tin nhắn H.A gửi cho các bạn nam mà mình quen thân để hỏi xin ý kiến. Các bạn cười và nói là “giỡn thôi mà”. Tôi cũng tự nhủ “Có lẽ do mình lầm, do mình khó tính”.
Nhưng sự khó chịu dành cho H.A ngày càng tăng tiến. Vì tôi và bạn trai yêu xa, H.A thường đề cập đến việc tôi nên quen một anh Tây nào đó ở gần để “giải tỏa”. Thậm chí, anh còn bảo có thể giúp tôi làm việc ấy, hoặc hỗ trợ tôi tạo một nick clone để dễ hành động. Tôi khéo léo từ chối.
Trước đó, cả hai chỉ có gọi cho nhau 1-2 lần để chuyện trò bình thường. H.A thể hiện mong muốn call video với tôi nhiều lần, nhưng tôi không đồng ý.
Hôm ấy, H.A tiếp tục nhắn tin hỏi call video. Sau một hồi trò chuyện, anh hỏi: “Em cởi được không?”. Tôi lập tức từ chối. H.A tiếp tục hỏi: “Vậy có thể seduce (quyến rũ) được không?” và nhắn tin hỏi tôi “xem” một cái gì đó từ phía anh, mà không rõ ràng.
Cuộc trò chuyện ấy kết thúc bằng việc tôi nói “không” và xin lỗi H.A, phần vì cảm thấy bản thân có thể hơi gay gắt. H.A cũng xin lỗi tôi. Nhưng sáng hôm sau, anh lại tiếp tục hỏi tôi có thể call với anh không.
Tôi quá mệt mỏi vì phải từ chối quá nhiều lần. Tôi đưa các tin nhắn cho bạn bè xem vì không biết mình nên hành xử thế nào, ngoại trừ block.
Cảm giác tôi dành cho H.A khi đó là sợ hãi, và bực mình. Tôi không dám nói chuyện với anh. Cộng thêm việc bạn tôi, có lẽ phần vì biết H.A đã làm chuyện này với nhiều người khác, khuyến khích tôi công khai sự việc để yêu cầu anh xin lỗi. Tôi thu thập dữ liệu và viết rất nhanh. Tối 29/02/2020, bài viết tố cáo H.A lên sóng.
Hóa ra chúng ta có thể cô độc đến thế
Tôi không hình dung được là về sau sự việc có thể đi xa đến đâu, và dư luận có thể khủng khiếp đến thế nào.
Khi bài viết vừa ra mắt, đã có một làn sóng ủng hộ đến từ bạn bè tôi và những người biết H.A. Bạn bè khuyên tôi nên đăng bài viết trên các group của trường. Tôi cũng đã liên lạc với Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp để đăng tải sự việc.
Thực sự khi ấy, tôi ở trong trạng thái “ai bảo gì làm nấy”. Vì tôi biết mình bị xúc phạm, nhưng không hề hiểu rằng mình nên ứng xử với chuyện này như thế nào.
Khi bài viết xuất hiện trên Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp, những phản ứng trái chiều bắt đầu xảy ra. Mọi người công kích, nói tôi đã không thẳng thắn mà lại lập lờ nước đôi, rằng vì sao nói không mà lại dùng icon cười vui vẻ.
Nhưng một lời nói không vẫn là một lời nói không. Chỉ là, đến sau này tôi mới biết mình cần đáp trả như vậy.
Suốt quãng thời gian đó, tôi không hề nhận được bất kỳ liên lạc nào từ H.A. Dù có bị block trên Facebook, H.A vẫn thừa khả năng để nhắn tin cho tôi, nhưng anh không làm. Bạn tôi, người quen biết cả hai, nói rằng H.A kiên quyết không xin lỗi.
Rồi một ngày, anh đăng bài đề cập đến vụ việc. Tuy nhiên, nội dung của nó chỉ là xin lỗi vì cách nói chuyện của H.A khiến tôi thấy khó chịu. Bài viết đăng lên trong vòng vài tiếng, rồi được gỡ xuống ngay. Sau đó, H.A lặn mất tăm khỏi mạng xã hội cho đến khoảng 1 năm sau.
H.A thông qua bạn tôi để nói rằng muốn kiện tôi vì tội vu khống. Lúc này, cô giáo dạy Văn cũ ở trường của tôi cũng nói rằng nếu bị kiện, tôi sẽ là người bất lợi. Cô khuyên tôi nên gỡ bài, vì “dù gì H.A cũng đã xin lỗi, chỉ là không phải theo cách con mong muốn” và cũng để bảo vệ danh tiếng của trường.
Cũng là cô giáo, trước đó, đã nhắn tôi rằng: "Cô nghĩ H.A yêu con, nhưng cách thể hiện sai". Cô nói về hoàn cảnh gia đình H.A, về việc bố anh nhập viện và mẹ anh khóc. Tôi đã cảm thấy rất khó chịu, vì có cảm giác mình đang bị đe dọa.
Tôi sợ bị kiện. Nhưng sợ hơn, là việc mẹ tôi ở Việt Nam sẽ phát hiện ra chuyện này. Mẹ sẽ đánh tôi đến chết nếu bà biết tôi đã để người khác “gạ” mình. Vì từ xưa, mỗi khi tôi kể về chuyện bị bắt nạt trên trường, bà đã luôn nói chắc chắn rằng tôi đã làm gì đó để bị như thế.
Tôi ẩn bài tố cáo, và đăng một bài xin lỗi sau đó. Lúc ấy, tôi thấy cô độc kinh khủng. Các nạn nhân của H.A liên tục nhắn tin, hoặc thông qua người khác, để kể về trải nghiệm của họ. Số lượng rất nhiều, tôi không còn nhớ là hàng chục hay hàng trăm. Nhưng để làm gì, khi tôi là người duy nhất hứng chịu những lời chửi rủa và đe dọa. Thậm chí, tôi cũng đã nghĩ tới trường hợp tệ nhất, là kết liễu đời mình.
Nhưng khi làn sóng giữa các nạn nhân lan xa hơn, có vài người quyết định sẽ đứng lên tố cáo. Nhóm có khoảng 4-5 người, trong đó 3 người dưới 18 tuổi và vẫn còn là học sinh ở trường. Chúng tôi chụp ảnh màn hình, lập một nick clone tên Tra My và đăng bài tố cáo ở đó. Đó là tháng 4/2020.
Thật ra, mục đích ban đầu, và cho đến tận lúc này của tôi rất đơn giản. Tôi muốn H.A xin lỗi vì những gì đã xảy ra. Một lời xin lỗi chân thành.
Nhưng khi sự việc lớn hơn và chúng tôi muốn nhờ nhiều bên hỗ trợ đưa tin hơn, tôi mới nhận ra không chỉ H.A muốn che giấu, mà có cả một hệ thống, bằng cách này hay cách khác, tìm cách đứng về phía H.A.
Hiệu phó trường cũ của tôi lên thông báo rằng dù H.A sai nhưng đó là việc của cựu học sinh, trường không thể làm gì được. Những nạn nhân còn học ở trường thì nghe được một số thầy cô giáo đề cập tới chuyện này ngay tại lớp, và bảo là làm thế này rất mất mặt trường. Lúc chúng tôi liên hệ một group dành cho cựu học sinh PTNK khá nổi tiếng, thì được admin nhắn rằng “chỉ muốn nói những điều tốt đẹp”, còn chuyện của “Trà My” thì lại quá tiêu cực.
Khi liên hệ với báo chí, tôi chỉ nhận được sự từ chối khéo léo, rằng “nếu có nhiều bên khác đăng thì mới dám đăng”. Vì họ sợ.
Còn người lớn, có vẻ với họ, đây là vấn đề của trẻ con, nên họ chẳng để tâm.
Vẫn có làn sóng chỉ trích chúng tôi rằng đã không thẳng thắn, đã làm lớn chuyện không cần thiết và bênh vực H.A. Tôi là người lớn nhất trong những nạn nhân dám đứng lên.
Thời điểm ấy, vừa trấn an các em khỏi dư luận, vừa liên hệ với những bên tâm lý để đăng tải sự việc (mà không được hồi âm) và nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài, tôi bắt đầu cảm thấy mệt dần. Mỗi lần gặp người mới, tôi lại phải kể lại câu chuyện từ đầu. Mọi người đuối vì phải liên tục biện minh cho vết thương của mình.
Sau khoảng thời gian dài cố gắng, chúng tôi nhận ra việc lớn nhất có thể làm với H.A là đưa anh ra pháp luật. Nhưng chúng tôi chỉ là những đứa trẻ. Và kiện cũng không phải là con đường mọi người muốn đi.
H.A có gia đình, có ban giám hiệu và người lớn bảo vệ. Còn tôi, lúc ấy tôi mới hiểu rằng mình không có gì cả.
Đến khoảng tháng 6/2020, mọi người quyết định dừng lại. Tôi biết mình phải quên đi, thì mới có thể ngừng mớ hỗn độn này và sống cuộc đời của mình.
Vẫn cần lời xin lỗi!
Từ nhỏ đến lớn, tôi thuộc diện có một đời sống trơn tru. Nhưng sự việc với H.A giúp tôi nhận ra mình có thể cô độc đến mức nào. Nhưng lúc ấy, tôi mới hiểu rằng bản thân mình là quan trọng nhất. Tôi hiểu rằng mình phải để tâm cảm xúc của mình, dám thẳng thắn việc bản thân đang cảm thấy không thoải mái. Và, phải dám bảo vệ mình.
Sau sự kiện ấy, đã có thời gian dài tôi khá ám ảnh việc trò chuyện với các bạn nam. Tôi thu hẹp lại các mối quan hệ vốn đã rất hẹp của mình. Tôi rất cẩn trọng với việc đùa giỡn, nhất là với con trai.
Đã có nhiều chuyện xảy ra với tôi kể từ sau sự kiện ấy, và nó thay đổi tôi rất nhiều. Tôi sống chậm rãi và yên tĩnh hơn, nói không với các thể loại "phốt". Lúc biết H.A ở trong danh sách Forbes Under 30, chính tôi cũng không nghĩ ngợi gì.
Nhưng lúc này, các anh chị cựu học sinh đã tự khơi lại sự việc và chỉ trích H.A. Cách đây 2 năm, chúng tôi thật cô độc. Nhưng giờ đây, dư luận có vẻ đã đổi chiều.
Tôi đang ở trạng thái không muốn nghĩ gì về người ấy nữa. Nhưng một em trong nhóm nạn nhân của H.A, em ấy bị PTSD. Đến giờ, em ấy vẫn còn phải điều trị với bác sĩ mỗi tuần.
Những nạn nhân khác muốn tên của H.A bị gỡ khỏi Forbes Under 30. Còn tôi, tôi cần H.A xin lỗi. Vì nếu anh chỉ đơn giản là im lặng, thì thật bất công cho những người đã hy sinh quá nhiều, chỉ để đứng lên và nói sự thật.
PTNK đã là một phần rất đẹp trong tôi. Nhưng cũng nơi ấy, vì muốn bảo vệ danh tiếng, mà sẵn sàng quay lưng với chính những học sinh đang tổn thương và cần được ủng hộ. Tôi đã không muốn nhắc về nơi ấy nữa.
Nhưng nếu được, tôi cần, dù chỉ là một hy vọng rất xa vời, ngôi trường của mình nói lời xin lỗi.